Miami - Thiên đường của những nhà độc tài hết thời

Thứ Ba, 17/11/2020, 10:13
Xưa nay, thành phố Miami, thủ phủ của bang Florida, được xem như là một "thiên đường nhiệt đới" trên đất Mỹ. Hàng năm có tới hàng chục triệu lượt khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới thi nhau lần lượt đổ đến Miami để tận hưởng ánh nắng, khí trời, và nước biển mang hương vị và sắc thái rất riêng có của vùng đất này.

Có nhiều người bị những bãi cát trắng và làn sóng xanh cùng thứ nắng vàng có một không hai của nơi đây mê hoặc đến mức họ sẵn sàng tự nguyện ở hẳn lại Miami mà quên đường trở về nơi chốn cũ. Bởi lý do trên, người ta có thể dễ dàng tìm thấy đủ mọi loại người sống tại Miami đến từ vô số các quốc gia, dân tộc và tầng lớp khác nhau trên thế giới.

Thế nhưng ít ai ngờ rằng, tại Miami lại được khá nhiều tên độc tài hết thời  xem chốn này là  ngôi nhà của mình. Tờ Nhật báo Florida đã làm một cuộc điều tra nhân khẩu và tìm ra rằng, trong vòng 100 năm qua, không có dưới 30 tên độc tài từng định cư tại Miami. Những vị nguyên tổng thống, thủ tướng, đại tướng,… sau nhiều năm dìm đất nước của mình trong máu và loạn lạc đến lúc phải trả lời cho tội ác của bản thân, họ lại lựa chọn cách bỏ rời tổ quốc rồi tìm cách chạy trốn đến Miami làm nơi định cư những năm tháng cuối đời.

Theo chiều ngược lại, đã có rất nhiều người của xứ cờ hoa tự đặt câu hỏi: Miami có gì ngoài khung cảnh và khí hậu thuận lợi để trở thành "bãi đỗ" cho những tên cựu độc tài? Có ba lý do chính khiến  Miami trở nên hấp dẫn đặc biệt với các đối tượng này. Thứ nhất, tất cả 30 tên độc tài nói trên đều đến từ Trung hay Nam Mỹ, những nơi có khí hậu không khác Miami lắm. Thứ hai, cộng đồng người La-tinh nói tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha tại Miami có quy mô lớn nhất nhì nước Mỹ. Cách tốt nhất để không gây sự chú ý của đám đông là trốn giữa những người cùng nói thứ tiếng mẹ đẻ của mình.

Còn nguyên nhân cuối cùng, từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay, Mỹ không ít lần trở thành đồng minh với những tên độc tài Trung và Nam Mỹ với mục đích đàn áp chủ nghĩa Cộng sản tại "sân sau" của mình. Ngay cả khi những tên độc tài mất chức và phải chạy ra nước ngoài, họ vẫn còn một chút ít quyền lực đủ để phục vụ cho nước Mỹ. CIA có một cơ sở tại Miami đóng ở bên trong căn cứ không quân Richmond.

Đây là căn cứ quan trọng thứ hai của CIA sau trụ sở tại Langley, chuyên chỉ huy mọi hoạt động chống Cộng ở Trung và Nam Mỹ. Tiền trạm này chính là cơ sở để những tay chân của tên cựu độc tài Cuba Fulgencio Batista tập hợp lại rồi mở cuộc xâm lược thất bại vào vịnh Con Lợn năm 1961 của thế kỷ trước.

Không ít người nghĩ rằng, với tất cả số tiền đã cướp được từ tổ quốc, những tên độc tài hết thời hẳn sẽ tận hưởng nhiều năm tháng sung sướng trên bãi biển Miami. Nhưng sự thật thì không phải lúc nào cũng như thế. Nếu họ không chết trong sự quên lãng, trong cảnh rời xa quê cha đất tổ, thì đến một ngày nào đó, công lý cũng sẽ bắt được họ. Dưới đây là câu chuyện của một số tên cựu độc tài đã dành những ngày cuối cuộc đời tại mảnh đất "thiên đường nhiệt đới" Miami.

Gerardo Machado

Mệnh lệnh  đầu tiên được Gerardo Machado phát ra ngay sau khi được bầu làm tổng thống Cuba vào năm 1925 là trục xuất tất cả các sinh viên đã biểu tình phản đối ông ta. Mệnh lệnh thứ hai: giết chết thủ lĩnh đảng đối lập Julio Antonio Mella. Gerardo sau đó được thoải mái cai trị Cuba như một vị lãnh chúa phong kiến xưa, với sự ban bố, áp đặt đủ mọi loại luật lệ kỳ quái và tàn bạo chưa từng có trong lịch sử Cuba. Đến nay ở Cuba người ta vẫn còn rùng mình khi nhắc đến La Porra, nhà tù được Gerardo lập ra nhằm tống giam phe đối lập. Nhiều người bị bắt vào La Porra đến khi trở ra đã thành tàn phế, hoặc là nằm trong quan tài.

Gerardo sau này bị chính cấp dưới là Fulgencia Batista lật đổ. Ông ta lên máy bay bỏ chạy sang Mỹ. Đầu tiên máy bay dừng lại tại sân bay Dinner Key Marina ở thị trấn Coconut Groove. Nhưng cũng có rất nhiều người Cuba từng bị Gerardo trục xuất nay sống tại Coconut Groove. Họ đã chờ sẵn tại sân bay với vũ khí trên tay. Vậy là máy bay lại phải cất cánh đến Canada.

Tên độc tài dành nhiều năm liền sống tại Canada, sau đó là nước Đức và cuối cùng lại tìm cách trở lại Miami. Ông ta mua một ngôi biệt thự hai tầng theo phong cách Tây Ban Nha tại số 1503 đường 36, và sống ở nơi đây cho đến khi qua đời. Geraldo mất vào ngày 29-3-1939 do bệnh ung thư. Hiện thi hài của Gerardo Machado được chôn cất tại nghĩa trang Woodland Park.

Gilberto Jordán

Khi chỉ mới 26 tuổi vào năm 1982 mà Gilberto Jordán, một thượng sỹ trong quân đội Guatemala, đã được gia nhập vào đơn vị Kaibiles và rồi nhanh chóng trở thành một kẻ  giết người khét tiếng. 20 sỹ quan Kaibiles, trong đó có Gilberto, gây ra cuộc thảm sát thẳng tay giết chết 251 người dân tộc thiểu số sống tại thị trấn Dos Erres. Gilberto trực tiếp thực hiện những hành động phi nhân tính như hãm hiếp phụ nữ và ném trẻ con xuống giếng.

Gilberto Jordan bị cảnh sát nhập cư Mỹ áp giải khỏi nơi ở.

Nhờ sự tàn bạo của mình mà Gilberto nhanh chóng leo lên hàm đại tá, trở thành một trong những người tin cẩn của tên độc tài Óscar Humberto Mejía Víctores. Có nhiều câu chuyện truyền miệng nói rằng, lính Kaibiles dưới sự chỉ huy của Gilberto bắt đầu đội mũ bê-rê đỏ do hắn ta chuyên đập đầu nạn nhân bằng búa.

Cuộc nội chiến Guatemala kết thúc năm 1996 và chính phủ mới ra lệnh truy cứu tội phạm toàn bộ đơn vị Kaibiles. Gilberto Jordán cùng vợ chạy trốn đến Miami. Hai người họ sống tại một căn nhà nhỏ trên đại lộ Palm Ridge, nơi có cộng đồng người nhập cư Guatemala. Những người hàng xóm không hề biết gì về cặp vợ chồng đồng hương cho đến tận ngày 5-5-2020, khi một đội cảnh sát nhập cư Mỹ phá cửa và bắt giữ Gilberto. Khi bị đưa ra trước toà, hắn thừa nhận tất cả những tội ác của mình. Toà án Mỹ đã giao lại Gilberto cho Guatemala, và hiện hắn đang chuẩn bị chờ ngày ra toà.

Fulgencio Batista

Fulgencio Batista từng có thời là "cánh tay phải" của Gerardo Machado, nhưng tham vọng đã khiến ông ta nổi dậy lật đổ Machado vào năm 1933. Trong bảy năm liên tiếp Batista thống trị Cuba qua những "con rối" của mình tại nghị trường và trong nội các. Phải đến năm 1940 Batista mới thắng cử tổng thống Cuba. Ngay lập tức ông ta bán rẻ tổ quốc cho mafia nước ngoài. Cuba trở thành nơi trú ẩn, cất giữ tiền bạc, và kinh doanh sòng bạc lớn của các băng đảng mafia tại Ý, Mỹ, Tây Ban Nha,…

Trong cuộc bầu cử năm 1945, Batista bị hạ bệ bởi đối thủ tranh cử, nhưng chỉ bảy năm sau ông ta đã trở lại làm tổng thống dưới sự hậu thuẫn của Mỹ. Phải đến khi những người Cộng sản do Fidel Casto lãnh đạo thực hiện cuộc cách mạng năm 1959 thì Batista mới thật sự bị lật đổ.

Sau nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của mình, Batista sống tại Miami để tiện giữ liên lạc với CIA. Ông ta sống trong một căn biệt thự nhỏ mang số 640 đường North River. Sau cách mạng 1959 Batista tìm cách chuyển về nhà cũ, nhưng chính phủ Mỹ khước từ đơn định cư của ông ta.

Batista phải chạy sang Tây Ban Nha và chết năm 1973. Căn biệt thự được gia đình ông ta bán cho một dược sỹ. Vị dược sỹ này phát hiện ra trong tầng hầm ngôi nhà có đủ các loại máy móc thông tin liên lạc cùng từng xấp ảnh đen trắng. Mỗi tấm ảnh là một xác chết bị bắn vào đầu. Tất cả những đồ vật, tư liệu này được vị dược sỹ hiến vào viện bảo tàng, còn căn biệt thự trở thành nhà cho thuê.

Một trong tám người con của Batista, bà Carmela Batista, vẫn sống tại Miami. Sau khi thừa hưởng gia tài của người cha quá cố, bà Carmela mua một căn biệt thự và sống tại Miami bằng nghề y tá. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, toàn bộ gia tài của bà Carmela đã biến mất khi thị trường chứng khoán sụp đổ. Từ hơn một năm nay bà Carmela và cô con gái nuôi đã phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Prosper Avril

Một lý do quan trọng dẫn đến việc Haiti trở thành quốc gia nghèo nhất khu vực Trung Mỹ là chế độ độc tài của Francois Duvalier kéo dài trong rất nhiều năm. Một đất nước vốn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng rất nhiều thứ tài nguyên quý giá nhưng vào một ngày kia đã trở nên kiệt quệ do sự cướp bóc và hành hạ không thương tiếc của Duvalier và thủ hạ, trong đó có Prosper Avrill, cố vấn cao cấp của chính phủ.

Prosper Avrill khi sống tại Miami.

Sau khi Francois Duvalier mất và con trai Jean-Claude của ông ta lên nắm quyền, Avril đã lật đổ Jean-Claude để trở thành kẻ độc tài Haiti. Ngoài việc tiếp tục các chính sách đàn áp nhân dân, Avril còn  dùng đủ các "chiêu trò bẩn" để bòn rút hàng triệu USD từ ngân sách chính phủ và các khoản cứu trợ nhân đạo quốc tế.

Nhân dân Haiti nổi dậy lật đổ Prosper Avril năm 1990, thế nhưng với một con người thông minh như ông ta, Avril vẫn tìm được cách kiếm tiền kể cả khi mất hết quyền lực. Ông ta buôn bất động sản tại Miami và đã có thể trở thành triệu phú nếu không vì bị một tổ chức nhân quyền Mỹ kiện vì những tội ác trong quá khứ. Avril trở lại Haiti và kinh doanh quán cà-phê, thậm chí còn viết một cuốn tự truyện nữa.

Tổng thống Haiti Jean-Bertrand Aristide ra lệnh bỏ tù Avril, và ông ta bị giam cầm cho đến tận năm 2004. Cả đất nước Haiti rúng động vì tin tổng thống Aristide bỏ chạy ra nước ngoài nhằm trốn tội bòn rút công quỹ. Avril lợi dụng cơn hỗn loạn để vượt ngục trốn sang Mỹ. Hiện nay ông ta sống tại nhà số 6881 phố Saint Andrews, Miami.

Anastasio Somoza

Haiti là quốc gia nghèo nhất Trung Mỹ, nhưng Nicaragua mới là đất nước phải chịu sự áp bức lâu nhất. Năm 1933, sỹ quan quân đội Tacho Somoza được sự hậu thuẫn của Mỹ tổ chức lật đổ nhà nước Nicaragua dân chủ, rồi tự phong cho mình chức tổng thống. Sau khi Tacho bị một nhà thờ ám sát vào năm 1956, con trai cả nhà Samoza là Luis lên nối nghiệp cha. Tên này bị bệnh đau tim và mất năm 1967, để lại chức tổng thống cho em trai Anatasio. Cũng như cha và anh trai, Anatasio dùng bạo lực và khủng bố để có thể thoải mái làm giàu cho mình trong khi nhận được sự tài trợ và che chở của CIA dưới tư cách "đồng minh chống Cộng".

Nicaragua chìm trong cuộc nội chiến giữa chính phủ và quân cách mạng Sadinista. Dưới sự chỉ đạo của Anatasio, quân đội Nicaragua đã gây ra biết bao nhiêu đau thương cho đồng bào của mình, trong đó có một loạt vụ thảm sát dân thường vô tội.

Thế nhưng bất chấp mọi sự khủng bố, Sadinista vẫn chiến thắng, và tên độc tài buộc phải chạy sang Miami. Ông ta sống trong một căn biệt thự nhìn ra vịnh Biscayne hơn một năm thì bị chính phủ Mỹ trục xuất, phải chuyển đến định cư tại Paraguay. Vào ngày 17/9/1982, một toán biệt kích Sadinista ám sát Anatasio Somoza. Họ phục kích xả súng vào ô - tô riêng do Somoza sở hữu, rồi sau đó để cho chắc ăn, người ta dùng tên lửa B-50 để thiêu rụi toàn bộ chiếc xe và xác của tên độc tài.

Carlos Sánchez  Berzaín

Không giống như những tên độc tài khác, Carlos Sánchez Berzaín không lên nắm quyền trong thời Chiến tranh lạnh. Ông ta trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bolivia vào năm 2003. Chính phủ độc tài Gonzalo Sánchez de Lozada khi đó có ý định tư hữu hoá toàn bộ ngành khí đốt quốc gia cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng đã ngay lập tức gặp phải sự phản đối của nhân dân lao động và các dân tộc thiểu số tại vùng núi Bolivia do thiếu sự công bằng và ảnh hưởng nặng nề đến môi trường. Vào ngày 20-9-2003, một số người dân bắt làm con tin vài người khách du lịch và ra yêu sách đòi chính phủ phải ngay lập tức dừng kế hoạch tư nhân hoá lại.

Theo kế hoạch, Berzaín sẽ bay đến tỉnh Cochabamba để thương lượng với những kẻ bắt cóc. Ấy thế nhưng, trong khi hai bên đối mặt ông ta lại ra lệnh cho hộ vệ bắn chết họ. Người dân Bolivia tỏ ra cực kỳ bất bình trước hành vi tàn bạo nói trên của Berzaín và ngay lập tức họ đã đứng lên biểu tình và bị đàn áp dã man theo mệnh lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng.

Trong vòng một tháng đã có 67 người biểu tình bị chết vì họng súng của quân chính phủ. Thế nhưng cuối cùng nhân dân lao động Bolivia cũng đã chiến thắng, và cả Gonzalo Sánchez de Lozada lẫn Carlos Sánchez Berzaín đều bỏ chạy sang Mỹ.

Trong khi vị cựu tổng thống sống tại Chicago, Berzaín lại chọn một căn biệt thự nhỏ số 13277, đại lộ 59 làm nơi trú chân mới. Đó là một căn biệt thự kín cổng cao tường và không có gì đặc biệt cho lắm ngoài cái giá triệu đô la. Chính phủ của tổng thống Evo Morales đã nhiều lần yêu cầu Mỹ trục xuất Berzaín nhưng đều không được.

Năm 2008, thân nhân những nhà hoạt động vì quyền lợi dân tộc thiểu số đã bị giết do mệnh lệnh của Berzaín đã kiện ông ta. Hai năm sau đó, toà án Mỹ công nhận cáo trạng và tuyên bố Carlos Sánchez Berzaín tội thảm sát. Hiện ông ta vẫn tiếp tục kháng án.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.