“Ông trùm” bến Thượng Hải: Đường cong đế chế

Thứ Ba, 01/09/2020, 14:20
Thoát xác ngoạn mục, Đỗ Nguyệt Sênh thăng tiến và giàu lên rất nhanh. Năm 1911 mới thò chân vào giang hồ đầu quân cho băng Bác Cổ, chỉ sau 7 năm, đến năm 1918, Đỗ Nguyệt Sênh đã sắm được du thuyền riêng để dạo chơi trên sông Dương Tử.

Để khuếch trương uy thế và xoá mờ lai lịch bần hàn của mình, Đỗ không ngại bỏ ra một đống tiền mua hẳn một khu đất nông nghiệp rộng mênh mông xây một toà dinh thự lớn vừa làm nơi ở, vừa làm nhà thờ tổ.

Tòa nhà nguy nga này có hàng chục phòng lớn nhỏ, được thiết kế pha tạp giữa kiến trúc cung đình đời Minh và kiến trúc hiện đại kiểu phương Tây. Những hàng cột lớn và mặt tiền dinh thự đều được ốp đá cẩm thạch trắng toát. 

Trong toà kiến trúc này có bố trí những phòng lớn để làm phòng tiếp khách, phòng hội họp, phòng chơi bài và cả một sàn nhảy lớn. Những toà nhà phụ hai bên hông được Đỗ Nguyệt Sênh bố trí thành kho. Một bên thường xuyên chất đầy thuốc phiện và bên kia là kho thuốc nổ, súng ống, đạn dược đủ để trang bị cùng lúc cho cả tiểu đoàn.

Đại bản doanh của Đỗ Nguyệt Sênh, nay là tòa nhà Central Plaza Building gần bến cảng Thượng Hải.

Nhìn chung, kiểu bố trí dinh thự của Đỗ Nguyệt Sênh cũng không khác mấy tòa dinh thự của Vua Mèo Vương Chính Đức ở Đồng Văn, Hà Giang, Việt Nam. Không phải lâu đài nhưng nó vừa là tư gia lộng lẫy, tiện nghi, vừa là một pháo đài phòng ngự kiên cố với các hạng mục công trình có công năng khu biệt và khép kín, bảo đảm cho cả một đạo quân cố thủ bên trong cầm cự được một thời gian dài nếu bên ngoài bị vây hãm và cô lập. Tất nhiên, so với dinh thự Vua Mèo ở miền sơn cước biên viễn Việt Nam, tòa dinh thự của trùm giang hồ bên bến cảng Thượng Hải đồ sộ, hào nhoáng và hiện đại hơn nhiều.

Toà dinh thự ngày nay vẫn còn rất vững chãi, được biến thành Đông Hồ khách sạn. Về cơ bản, cấu trúc của nó vẫn được giữ nguyên như khi Đỗ còn sử dụng. Tại đó, cho đến năm 1937, Đỗ Nguyệt Sênh đã lần lượt kết hôn với 5 người vợ chính thức là các bà Thẩm Nguyệt Anh, Trần Quắc Anh, Tôn Bội Hào, Diêu Ngọc Lan và đại danh ca Mạnh Tiểu Đông.

Danh sách thê thiếp chính thức của Đỗ ngày càng dài ra thêm, chưa kể hàng lô hàng lốc nhân tình nhân ngãi, đào hát và kỹ nữ nổi tiếng trong các kỹ viện đã từng qua tay Đỗ. Toà dinh thự có 3 tầng, cùng một thời điểm, mỗi bà vợ được sắp xếp ở riêng một tầng để khỏi đụng mặt nhau, nếu không cần thiết. Bà vợ thứ 4 là Diêu Ngọc Lan, Đỗ Nguyệt Sênh bố trí cho ở tại toà cao ốc nơi đặt hội sở làm ăn của y, hiện nay là toà nhà Central Plaza Buiding ở khu Yannan (Dân Nam), gần bến cảng Thượng Hải. Riêng Mạnh Tiểu Đông, trước khi thành đệ ngũ ái thiếp chính thức của Đỗ xếnh xáng, bà đã có một cơ ngơi đồ sộ nên không ở tại bất kỳ ngôi nhà nào do Đỗ sắp xếp.

Bản thân Đỗ Nguyệt Sênh, ngoại trừ những lúc có công việc chung, phần lớn thời gian còn lại, kể cả tiếp khách khứa, chiêu đãi chiến hữu, ông ta đều bố trí diễn ra tại tầng trệt của toà dinh thự riêng. Quanh Đỗ có 4 tay vệ sĩ tin cẩn thường xuyên túc trực.

Dinh thự của gia đình Đỗ Nguyệt Sênh, nay là khách sạn Đồng Hồ (Donghu Hotel) Thượng Hải.

Người thứ nhất là một gã hộ pháp nóng tính, có biệt danh là Fiery Old Crown (Fiery "cựu vương miện"). Người thứ hai là "Thợ làm vườn", chuyên nghiệp, rất thành thạo trong việc sử dụng dao, kéo, búa, vừa để chặt cây, tỉa cành vừa để đâm người nhanh như chảo chớp.

Chưa có khách khứa nào từng nghe tay này hé miệng nói câu nào, cũng chẳng ai biết tên thật của gã, ngoài cái biệt danh ám chỉ công việc do chính Đỗ gọi. Hai người kia, một là cựu phụ bếp của Câu lạc bộ những người Thượng Hải nói tiếng Anh và một người là cựu tài xế của Lãnh sự quán Mỹ, cũng chẳng ai biết tên thật, chỉ gọi bằng biệt danh là…. "Sao và vạch" (Stars and Strippes).

Ở trong nhà, 4 tay vệ sĩ chỉ im lặng thực hiện công năng giúp việc bưng bê, tỉa cây, nấu ăn và chăm sóc xe cộ cho ông chủ. Nhưng khi Đỗ ra đường thì cả 4 người sẽ cùng lên chung xe. Họ đều là những sát thủ, vệ sĩ chuyên nghiệp rất có nghề. Ngoài ra, Đỗ còn tuyển thêm hàng chục tay súng, tay búa khác bảo vệ xung quanh. Chỉ khi nào đám vệ sĩ đã lập thành một hàng rào chắn đạn vây kín xung quanh, gã tài xế "Sao và Vạch" mở cửa, Đỗ Nguyệt Sênh mới thò chân xuống đường.

Sau biến cố đụng độ với Lư Hán, Hoàng Kim Vinh nhận ra quyền lực thật sự của Bến Thượng Hải đã lọt vào tay Đỗ Nguyệt Sênh thì cũng đã quá muộn. Hoàng lão đại không thể trừng phạt tên túc hạ manh tâm vì tội lấn quyền, bởi những tên lâu la trong Thanh Bang hội, kể cả đầu lĩnh của các bang nhỏ thành viên chưa chắc đã nghe lời Hoàng hơn nghe lời Đỗ. Sa thải, loại Đỗ ra khỏi cuộc chơi hoặc thu hồi quyền lực lại càng không thể, bởi công lao hãn mã của Đỗ với Thanh Bang quá lớn. 

Ngoài hai lần có ơn cứu mạng ông chủ và tình nhân, Đỗ còn là kiến trúc sư kiêm nhà thầu trong việc thâu tóm quyền lực thuốc phiện về tay Thanh Bang. Hơn thế nữa, nền móng quyền lực mà Đỗ gắn kết được với các thế lực quân phiệt là quá vững chãi. Vị trí Đốc sát trưởng của Hoàng Kim Vinh, nghe thì rất kêu nhưng quyền lực tác động cũng chẳng ăn thua, khó có thể so sánh.

Cay đắng là ở chỗ, tất cả các chỗ dựa chính trị - quân sự mà Đỗ xây dựng được lại đều bắt nguồn từ chính ông chủ Hoàng. Trong thuật dùng người và xây dựng quan hệ, Đỗ Nguyệt Sênh đều ăn đứt ông chủ cũ Hoàng Kim Vinh. Nếu quan sát kỹ, người ta sẽ nhận ra rằng, tất cả những kẻ đang đứng trên đỉnh cao quyền lực để lấy đó làm chỗ dựa cho Đỗ, họ đều đạt vị trí nhờ vào sự bao bọc, nâng đỡ của chính Hoàng Kim Vinh từ thuở hàn vi.

 Khác ở chỗ, khi họ đã có danh tiếng, Đỗ Nguyệt Sênh trẻ tuổi đem lại cho họ nhiều quyền lợi hơn nhiều so với một Hoàng Kim Vinh đã già nua và có phần keo kiệt. Vì chữ lợi, tất cả mọi kẻ thọ ơn họ Hoàng đều phản lại Hoàng để theo giúp Đỗ. Trong khi đó, tất cả bọn họ sau này đều bị Đỗ vì chữ lợi mà bán đứng hoặc tiêu diệt. Không nói đâu xa, chính Đỗ cũng một tay Hoàng dựng nên đó thôi.

Chỗ dựa lưng lớn nhất của Đỗ Nguyệt Sênh chính là Tưởng Giới Thạch. Mối giao hảo của Tưởng và Đỗ bắt đầu từ năm 1912, ngay sau khi Tưởng Giới Thạch vừa trở về từ Nhật Bản. 

Trước đó, từ khoảng năm 1910, Tưởng Giới Thạch đã từng nhúng tay vào nhiều vụ cướp có vũ trang, bắt cóc tống tiền, ám sát và thủ tiêu đối thủ nhưng không hề bị sa lưới pháp luật hay lưu tên trong hồ sơ cảnh sát. Tưởng làm tất cả những việc đó dưới danh nghĩa thành viên chính thức của Thanh Bang, dưới trướng lão đại Hoàng Kim Vinh, trước cả khi Đỗ Nguyệt Sênh được nhận vào làm tay bảo kê hạng bét của Bác Cổ Bang.

Tưởng Giới Thạch chỉ thật sự lột xác để từ một gã vỉa hè lơ vơ leo dần lên từng nấc, sau đó tiến thân vùn vụt như một nhân vật lừng lẫy trên chính trường khi y lọt vào mắt xanh của Trần Kỳ Mỹ, một thành viên cao cấp khác của Thanh Bang hội. Nhân vật này vốn dĩ thông minh, giàu tham vọng, rất được Hoàng Kim Vinh trọng vọng.

Đánh giá cao năng lực, Hoàng Kim Vinh đã giới thiệu và tạo điều kiện, cung cấp tiền bạc cho Trần Kỳ Mỹ sang Mỹ du học. Quả nhiên, họ Trần thành đạt rất nhanh. Sau này, Trần Kỳ Mỹ về nước, trở thành một phụ tá tin cẩn của Tôn Trung Sơn. Nhờ có đầu óc thông minh, học hành bài bản, khả năng hùng biện giỏi và đầy ý chí, vị thế chính trị của Trần Kỳ Mỹ tiến nhanh vùn vụt.

Sau cuộc nổi dậy Song Thập ngày 10/10/1911 tại Vũ Hán thành công, Trần Kỳ Mỹ đã gọi Tưởng Giới Thạch, lúc này đang rắp ranh sung quân vào Trung đoàn 19 pháo binh, về Thượng Hải và giao cho Tưởng chức vụ chỉ huy trưởng "Lữ đoàn 83". Thực chất, đây không phải là một đơn vị quân đội của Trung Hoa Dân quốc, chỉ là một nhóm ủng hộ gồm 3000 tay anh chị của Thanh Bang hội do Hoàng Mặt Rỗ "viện trợ" cho phe Cách mạng Dân quốc.

Thời điểm này, Thượng Hải vẫn thuộc quyền cai trị của nhà Mãn Thanh. Trần Kỳ Mỹ nhất quyết dùng võ lực chiếm thành phố này.

Đầu tháng 11/1911, Trần Kỳ Mỹ dẫn lữ đoàn "côn đồ" tấn công các vị trí của quân Mãn Thanh, kiểm soát được thành phố, trở thành thống đốc đầu tiên cai trị Thượng Hải, sánh ngang với các lãnh chúa Bắc Dương quân phiệt. 

Tưởng Giới Thạch khi còn du học ở Nhật.

Tưởng Giới Thạch, một bước lên quan, được Trần Kỳ Mỹ thăng làm Tham mưu trưởng quân Cách mạng tại Thượng Hải. Nhận lệnh Trần Kỳ Mỹ, Tưởng đã chỉ huy một nhóm 100 cảm tử quân tiến về Chiết Giang giúp lực lượng cách mạng địa phương giải phóng thành phố Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh này. Thắng lợi, Tưởng được Trần Kỳ Mỹ trọng vọng, bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Trung đoàn 5 tại Hàng Châu.

Đường lối, ý đồ của Trần Kỳ Mỹ bị một lãnh tụ cách mạng khác tại Thượng Hải là Đào Chính Cương chống đối quyết liệt. Đào Chính Cương không chấp nhận việc Trần Kỳ Mỹ sử dụng bọn anh chị đao búa của các băng nhóm tội phạm làm quân lực. Ông cũng chỉ trích kịch liệt việc Trần Kỳ Mỹ và một số chỉ huy, lãnh tụ khác có quan hệ mật thiết với ông trùm của các băng đảng tội phạm. Sâu xa hơn, Đào Chính Cương còn muốn loại bỏ Trần Kỳ Mỹ để nắm quyền chỉ huy quân sự tại Thượng Hải.

Từ Hàng Châu trở về, biết được tình hình, Tưởng Giới Thạch quyết định phải nhanh chóng có một hành động quyết liệt để trả ơn Trần Kỳ Mỹ. Vừa đặt chân vào thành Thượng Hải, Tưởng đã đi thẳng đến bệnh viện thành phố, nơi Đào Chính Cương đang chữa bệnh. Tưởng cãi nhau kịch liệt với Đào Chính Cương, gây áp lực đòi họ Đào phải từ bỏ ngay sự cản trở đối với Trần Kỳ Mỹ. Đào Chính Cương dứt khoát không nghe, thẳng cánh đuổi Tưởng ra ngoài. Bị kích động vì cơn điên giận, Tưởng Giới Thạch đã rút súng bắn chết Đào Chính Cương ngay trên giường bệnh.

Giết Đào Chính Cương xong Tưởng mới toát mồ hôi hột lo sợ cho hành động bộc phát ngoài chủ ý của mình. Tôn Trung Sơn đã ra lệnh bắt giam Tưởng. Sợ bị trừng trị, Tưởng vội rời Thượng Hải và trốn sang Nhật, bỏ lại sau lưng nguyên một trung đoàn vô chủ. Tại Nhật, Tưởng Giới Thạch xuất bản "Quân thanh" (Tiếng nói quân đội) - một Tập san quân sự, suốt gần hai năm trời chỉ chúi mũi viết bài về quân sự và chính trị cho tập san này.

Mùa đông năm 1912, khi thấy tình hình đã tạm lắng xuống, Tưởng Giới Thạch mới lần mò quay về Thượng Hải. Vì vụ hạ sát đối thủ chính trị của chủ, sự nghiệp quân - chính, Tưởng Giới Thạch nghĩ tưởng chừng như đã tiêu tan. Tưởng tuyệt vọng buông xuôi, lọt thỏm vào những cuộc ăn chơi trác táng để tiêu sầu. Dù vẫn được Quốc dân đảng nhận lại vào chức vụ cũ, nhưng Tưởng hầu như không màng, suốt ngày bỏ nhiệm sở để lui tới các chốn phòng trà, lầu xanh tìm thú tiêu khiển với rượu và gái đẹp.

Lúc này, Đỗ Nguyệt Sênh đã thoát kiếp chạy ăn từng bữa, bắt đầu ngoi lên trong giang hồ như một tay bảo kê có máu mặt và nhiều tham vọng. Đỗ cũng thường xuyên tìm đến những thú vui trong chốn quần hồng ca kỹ. Hai người cùng trang lứa (Tưởng sinh năm 1887, hơn Đỗ Nguyệt Sênh 1 tuổi), lại cùng sở thích, lối sống nên thường xuyên chạm mặt nhau. 

Không bao lâu thì họ trở thành một đôi bạn thân. Đang là tay bảo kê gái nhà chứa nên Đỗ Nguyệt Sênh thường xuyên có điều kiện để giới thiệu và sắp xếp cho Tưởng những cô đào trẻ đẹp nhất. Tưởng rất hài lòng. Thậm chí, Tưởng còn lấy một cô kỹ nữ xinh đẹp do Đỗ sắp xếp làm vợ, được một thời gian thì bỏ, trước khi gặp và cưới Tống Mỹ Linh, em ruột Tống Khánh Linh, phu nhân của Tôn Trung Sơn. Từ sở thích chung về rượu ngon gái đẹp, cả hai nhanh chóng trở nên tâm đầu ý hợp, thề sẽ hỗ trợ nhau trong những dự định quyền lực đầy thủ đoạn.

Sau nhiều thăng trầm, đến khoảng giữa năm 1922, số phận đã đưa đẩy và biến Tưởng thành cánh tay phải của Tôn Trung Sơn trong chiến lược Bắc phạt dẹp nạn cát cứ quân phiệt. Nửa năm sau, khi quay lại Thượng Hải, Tưởng nghe theo lời quân sư đồng hương Ngu Hiệp Khanh, đã một lần nữa tìm đến bái Hoàng Kim Vinh làm thầy. Tuy nhiên, trong ván bài quyền lực, gã học trò thăng tiến quá nhanh, trong khi sư phụ họ Hoàng thì cứ mất dần thanh thế, ngày càng teo tóp.  

Ngày 17/2/1923, Tôn Trung Sơn bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch làm tham mưu trưởng hành doanh đại nguyên soái, quyền lực bao trùm trời. Rất nhanh, trong mắt Tưởng, Hoàng Kim Vinh đã thành… kỷ niệm, không thể nào sánh ngang với một Đỗ Nguyệt Sênh cùng lứa, đầy tham vọng chắc chắn sẽ hữu dụng với Tưởng hơn nhiều trên con đường thu đoạt cả quyền lực lẫn danh lợi.

Một năm sau - 1924, Tưởng nhậm chức Hiệu trưởng Trường Quân sự Hoàng Phố kiêm bí thư quân sự của Quốc dân đảng.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hồng Lam
.
.