Ai đã tạo ra chính quyền Việt Nam Cộng hòa?

Tổng thống kiểu phong kiến

Thứ Ba, 16/05/2017, 16:10
Tướng Nguyễn Văn Vỹ hồ hởi nhận chức Tổng Tư lệnh quân đội nhưng không hay biết tình hình đã xoay chiều. Ông ta phong cho Lê Văn Tỵ chức Tham mưu trưởng quân đội. Ngày 30-04-1955, cả hai cùng với một đoàn xe mô tô hộ tống hùng hổ chạy thẳng vô dinh Thủ tướng để yêu cầu Diệm trao quyền Tổng Tư lệnh Quân đội. Cả hai không hay biết Diệm đang đào sẵn một cái hố bẫy tại dinh Thủ tướng.


Cuộc đảo chính bất thành

Trước khi Vỹ xuất hiện, Ngô Đình Nhu đã triệu tập được một nhóm khoảng 200 người có máu chịu chơi của cái Ủy ban Cách mạng Quốc gia (do Nhu đẻ ra trước đó). Ủy ban này tự xưng là đại diện của 16 đảng phái chính trị tại Việt Nam ủng hộ Ngô Đình Diệm làm quốc trưởng, truất phế Bảo Đại. Họ đang ngồi ở dinh Thủ tướng nóng chờ tướng Vỹ đến.

Tướng Vỹ vừa bước chân vào tiền sảnh, chưa kịp làm gì thì bị đàn em của tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế chĩa súng ngắn vào đầu tước vũ khí và lột lon. Giữa lúc đám sỹ quan đàn em hung hăng như muốn nuốt sống tướng Vỹ, Ngô Đình Diệm vờ đứng ra can ngăn rồi dìu tướng Vỹ vào phòng làm việc của ông ta. Cùng lúc đó, đám Ủy ban cách mạng Quốc gia ùn ùn kéo tới, miệng hô vang "Ngô Đình Diệm muôn năm! Đả đảo Bảo Đại!". 

Nguyễn Văn Vỹ (giữa).

Thấy khí thế của đám đông to mồm, tướng Vỹ xanh mét mặt mày. Chờ có thế, Diệm chìa cho Vỹ tờ giấy và cây viết bảo: Muốn sống an toàn thì viết tờ cam kết ủng hộ và trung thành với chí sỹ Ngô Đình Diệm, ủng hộ truất phế Bảo Đại. Không còn đường thoát, Vỹ viết cam kết.

Trong thời gian đó, Trần Lệ Xuân dẫn đầu các đoàn biểu tình có thù lao đi lòng vòng Sài Gòn tung hô Diệm, kiếm ảnh Bảo Đại xé, giẫm đạp.

Đại tá Đỗ Cao Trí - Tư lệnh binh chủng dù, nghe tin Vỹ và Tỵ bị bắt giữ liền điện vào dinh. Diệm bắt máy. Đại tá Trí đe dọa Diệm: "Nếu không thả hai tướng Vỹ và Tỵ thì sẽ đưa quân đội tới giải vây". Trước đe dọa của Trí, Diệm phải ra lệnh trả tự do cho Vỹ và Tỵ. Sau này, thấy Diệm "mạnh", Tỵ đầu quân cho Diệm. Còn Vỹ phải sang Pháp tỵ nạn chính trị.

Ngày 23-10-1954, Diệm lên ngôi tổng thống. Ngày 26-10-1954 Diệm tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng hòa.

Ngay sau khi lên làm tổng thống, Diệm "trả ơn" ngay với cái nhóm "hội đồng nhân dân cách mạng" cứu mạng Diệm trong cuộc đảo chính lẻ của tướng Vỹ.

Cái nhóm "đánh chính trị hội đồng Bảo Đại và tướng Vỹ" có 30 "nhân sỹ" của 18 đảng phái nhưng ngoài các nhân vật trong ban thường vụ ra, chẳng ai biết chính xác cái ngày họp hội đồng ra nghị quyết tôn Diệm lên "ngai Tổng thống" là ngày nào.

Khi là tổng thống đúng "nguyện vọng" của cái "hội đồng nhân dân cách mạng" thì Diệm cho thuộc hạ bắt cóc ông Nguyễn Bảo Toàn bỏ vào bao bố rồi đem ra sông Sài Gòn thả. Ông Nguyễn Bảo Toàn chính là chủ tịch của cái nhóm "hội đồng nhân dân cách mạng" ấy. Sau khi Diệm bị lật đổ vào năm 1963, tay thuộc hạ nhận lệnh thủ tiêu ông Toàn đã thừa nhận trước toà án và dư luận rằng, chính Diệm đã ra lệnh.

Cái gọi là "trưng cầu dân ý" của Diệm đã được CIA sắp đặt.

Hồ Hán Sơn là phó chủ tịch của cái hội đồng ma ấy cũng được Diệm “trả ơn” bằng cách cho thuộc hạ ám sát, ném xác xuống một cái giếng ở Tây Ninh.

Sau khi giải quyết xong lực lượng Bình Xuyên, Dương Văn Minh được thăng từ cấp đại tá lên thiếu tướng. Dương Văn Minh tiếp tục nhận nhiệm vụ Tư lệnh một loạt chiến dịch nhằm xóa sổ các lực lượng chống đối tại miền Tây mà mấu chốt là các nhóm vũ trang của Hoà Hảo.

Cái mặt trận "Cao - Thiên - Hoà - Bình" bị Diệm tàn sát không thương xót. Hậu quả, của những chiến dịch tàn sát này đã đào sâu một đường hầm ngầm thù hận giữa các giáo phái đối với Diệm. Họ ngấm ngầm nuôi dưỡng một cuộc trả thù.

Quốc dân đảng miền Trung, lúc đầu ủng hộ Diệm rất tích cực. Đám chính trị này có một số cán bộ được Diệm cho giữ chức vị Tỉnh trưởng và Quận trưởng ở hai tỉnh lớn Quảng Nam và Quảng Ngãi. Chúng tích cực chống Cộng. Phong trào tố Cộng ly khai Cộng sản, do đám này phát động đầu tiên ở Quảng Nam từ tháng 10-1954. Thấy lực lượng này ngày càng lớn mạnh, Diệm e ngại. "Tiên hạ thủ vi cường", Diệm bất thần đuổi cổ các tỉnh trưởng và bắt giam hàng loạt các quận trưởng thuộc phe Quốc dân đảng ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đồng thời ra mật lệnh triệt hạ toàn bộ Quốc dân đảng.

Thế là tháng 3-1955, phe Quốc dân đảng miền Trung lập chiến khu chống Diệm. Ngô Đình Cẩn, bày kế mời phe Quốc dân đảng về hợp tác. Sau khi 2000 "nghĩa binh" Quốc dân đảng làm lễ nộp vũ khí và hợp tác với Diệm tại Hội An, cuối năm 1956, Cẩn lần lượt cho thuộc hạ giam cầm, thủ tiêu mất tích từng người.

Dân chủ kiểu Diệm

Cách làm việc của Diệm hoàn toàn tuỳ hứng, vô chừng mực. Nhiều khi, ông ta làm khổ các vị sỹ quan phục dịch vì bất chợt phá lịch trình làm việc. Có những lúc, kế hoạch đi tỉnh này nhưng bất chợt ông ta yêu cầu ghé tỉnh khác khiến thuộc cấp bối rối trong việc chào đón. Trong một chuyến thị sát các địa phương, Diệm đã dùng baton đập tới tấp một tay trung tá tỉnh trưởng khiến tay này phải quỳ sụp xuống lạy Diệm. Chưa đã, Diệm còn lột lon tay trung tá tại chỗ.

Mỗi lần Diệm đi thăm một tỉnh nào thì toàn dân tỉnh ấy phải chuẩn bị cơm nước từ khuya, quần áo tươm tất, đi bộ tay cầm cờ hô như cái máy "Ngô Đình Diệm muôn năm! Muôn năm!". Gia đình nào vắng mặt sẽ bị chính quyền xã, ấp ghi vào sổ xem như đó là gia đình thuộc diện nghi vấn chống đối chế độ.

Ông ta thường ăn cơm, làm việc, tiếp các bộ trưởng, tướng lãnh ngay tại phòng ngủ trong dinh Độc lập. Khi chủ trì những cuộc họp, ông ta thường nói tràng giang đại hải, thiếu chủ đề chính, không đâu vào đâu và cũng chẳng có kết luận khiến chẳng ai hiểu ông  ta muốn nói vần đề chính là gì.

Diệm rất thích mọi người gọi mình bằng "cụ" xưng "con", kể cả những người lớn hơn Diệm nhiều tuổi. Nhiều người đến gặp Diệm đã quỳ lạy, khi ra thì cúi đầu đi lui như chầu vua.

Cách bổ nhiệm của Diệm hoàn toàn dựa vào tình cảm cá nhân, không theo một tiêu chí nhất định nào. Những kẻ biết luồn cúi, xu nịnh và biết phục dịch thì nhanh chóng được cất nhắc vào những chức vụ then chốt.

Khi Diệm mới chấp chính vào tháng 7-1954, Lê Quang Tung mới tốt nghiệp sỹ quan trù bị nhưng 9 năm sau đã mang hàm đại tá. Trong 8 năm Tung được thăng 6 cấp.

Lê Văn Sâm chỉ là một thợ máy tàu đò dân sự miền Tây Nam bộ được thu dụng đưa về Huế lái thuyền máy quân sự. Sau khi cưới em gái bác sĩ Lê Khắc Quyến, Sâm bất thần leo lên chức Giám đốc Nha Quân vụ. Vì bác sĩ Quyến là thầy thuốc riêng của mẹ Diệm.

Năm 1956, ông Trần Trung Dung, cháu rể, gọi Diệm bằng cậu, đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ra Ninh Thuận ứng cử Dân biểu. Ngày ông Dung ra Ninh Thuận, tay tỉnh trưởng tổ chức một cuộc tiếp rước linh đình trọng thể. Tay tỉnh trưởng lùa dân và học sinh tất cả các trường lớn nhỏ ra đứng hai bên vệ đường hoan hô từ ga Tháp Chàm về đến trung tâm tỉnh lỵ Phan Rang. Chưa bầu cử , dân Ninh Thuận cũng biết ông Dung sẽ đắc cử 100%.

Đạo luật 10/59 và chiếc máy chém lưu động của Ngô Đình Diệm đã thể hiện hành động tàn ác nhất của chế độ. Với chính sách tố Cộng, ông ta đã thực hiện những hành vi vô đạo, vô nhân tâm nhất bằng việc buộc vợ phải tố giác chồng, con tố cha. Chỉ trong 9 năm Diệm cầm quyền đã có gần 800.000 người bị khép tội chống đối, bị bỏ tù; 90.000 người bị giết bằng tra tấn, ám sát hoặc tử hình. Trong đó, không ít người bị vu cáo oan.

Từ thành thị đến nông thôn, bất kỳ lúc nào, bất kỳ ai cũng có thể bị bắt với tội danh làm Cộng sản. Người dân sống trong nơm nớp, lo âu. Lỡ miệng nói xấu một tay xã trưởng cũng có thể bị qui là Cộng sản.

Hàng ngày có hàng trăm người bị mổ bụng moi gan chỉ vì "nghi vấn có liên can đến Cộng sản". Không khí căm phẫn trong nhân dân ngày càng sôi sục.

Chính sách lê máy chém

Một trong những chính sách tàn độc thất nhân tâm nhất của chế độ Diệm là "quốc sách tố Cộng" do Ngô Đình Nhu khởi xướng vào ngày 11-04-1955.

Máy chém của Diệm (trưng bày tại Bảo tàng Cần Thơ).

Tài liệu của Lầu Năm Góc đã từng công bố: "Chiến dịch tố Cộng bắt đầu từ mùa hè 1955 đến 1956, có từ 5 vạn đến 10 vạn người bị bắt vào các trại giam của chính quyền. Trong đó rất nhiều người dân thường".

Bằng chiến dịch này, Chính quyền Diệm đã buộc những người thân tố cáo nhau, láng giềng dò xét nhau. Chính quyền bắt buộc những gia đình có thân nhân đi kháng chiến phải tuyên bố "từ bỏ" nhau. Con "từ bỏ" cha mẹ. Cha mẹ "từ bỏ" con cái.

Chủ trương của chiến dịch tàn độc này là phân loại quần chúng. Loại A gồm cán bộ, đảng viên và những người kháng chiến cũ. Loại B gồm những gia đình có người đi tập kết hoặc có quan hệ mật thiết với những người kháng chiến cũ. Loại C gồm những người không có dính dáng gì đến cách mạng.

Để  "tố Cộng" hiệu quả, Nhu chỉ đạo tổ chức thống nhất từ trên xuống dưới. Cao nhất là Hội đồng chỉ đạo "tố Cộng" do Diệm làm chủ tịch. Dưới Hội đồng chỉ đạo là Ủy ban "tố cộng" gồm các Ủy viên là các bộ trưởng trong Chính phủ. Nhiệm vụ của Ủy ban tố Cộng Trung ương là trực tiếp chỉ đạo phong trào tố Cộng ở các tỉnh các cơ quan và đào tạo cán bộ làm công tác tố Cộng ở cấp trung ương. Ở cấp tỉnh có Ủy ban tố Cộng tỉnh. Mỗi bộ lại có một ủy ban chỉ đạo theo ngành dọc xuống các cơ quan trực thuộc bộ mình. Huyện, xã có Ủy ban chỉ đạo tố Cộng của huyện, xã.  Thậm chí, liên gia cũng có bộ phận làm công tác tố Cộng cấp liên gia.

Chỉ riêng năm 1958, có khoảng 68.000 cán bộ, đảng viên bị sát hại dã man, 466.000 người bị bắt giam,  680.000 người bị tra tấn thành thương tật.

Ngày 06-05-1959, Diệm ban hành luật 10/59 lập các tòa án quân sự đặc biệt lưu động để xử tử hình, chung thân đối với những người Cộng sản. Theo luật "diệt chủng" này, nạn nhân chỉ có hai mức án: Tử hình và khổ sai chung thân, không kháng cáo, không giảm nhẹ, thi hành án ngay sau khi tuyên. Thời gian xét xử giới hạn tối đa 3 ngày. Có nghĩa là ai cũng có thể trở thành nạn nhân của đạo luật 10/59, kể cả thường dân vô tội. Điều vô nhân nhất của đạo luật này chính là "thà giết lầm hơn bỏ sót". Máy chém của luật 10/59 được những tên đồ tể kéo lê về tận xã ấp.

Cái máy chém trở thành biểu tượng của chế độ Diệm.

Cho đến năm 1959, chỉ tính riêng ở Củ Chi đã có 500 người bị moi gan mổ bụng, 600 người bị dồn vào bao bố cột đá dìm xuống sông, 150 người bị buộc vào sau xe ôtô kéo trên đường đá. Trong đó có hơn 100 người là dân thường vô tội. Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Khánh Hòa có 300.000 người bị giết hại. Có nhiều người bị giết chỉ vì bị ghen ghét cá nhân.

Năm 1963, nhận ra Diệm đang tìm cách thoát khỏi sự khống chế quyền lực của mình, Mỹ quyết định hất Diệm và tìm nhân vật ngoan ngoãn hơn để thay thế.

CIA lại được lệnh thu xếp 1 cuộc đảo chính. Và ngày 1-11-1963, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, một số tướng lĩnh thuộc hạ của Diệm tổ chức cuộc đảo chính quân sự.

Với chủ trương "nhổ cỏ phải nhổ tận gốc", những kẻ thừa hành của Mỹ, nhân cuộc đảo chính đã thẳng tay hạ sát Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu ngay sau khi 2 người này đã đầu hàng.

* Lược trích từ "Cái chết của anh em nhà Ngô" (Nhà xuất bản CAND 2009) và "Giải mật chính trường miền Nam sau đảo chính Ngô Đình Diệm" (Nhà xuất bản CAND 2014).

Nông Huyền Sơn
.
.