Bê bối tham nhũng FIFA: Anh, Pháp, Đức mua phiếu đăng cai World Cup?

Thứ Tư, 22/07/2015, 12:20
Gần 2 tháng sau vụ bắt giữ 7 quan chức cấp cao của FIFA gây ồn ào tại Thụy Sĩ, bê bối tham nhũng trong cơ quan quyền lực nhất làng bóng đá này một lần nữa lại gây sốc với những thông tin do chính Chủ tịch FIFA Sepp Blatter công bố. Theo đó, không chỉ có Qatar, Nga bị nghi ngờ mua phiếu bầu mà Anh, Pháp, Đức cũng từng chi không ít tiền để vận động hành lang cho việc được lựa chọn là đăng cai các mùa World Cup.

Cùng đường rứt dậu lẽ thường?

Trả lời phỏng vấn tạp chí Sunday hồi đầu tháng, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đột nhiên tiết lộ rằng, Pháp và Đức đã gây áp lực chính trị trước khi quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 được trao cho Nga và Qatar. Cụ thể, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và cựu Tổng thống Đức Christian Wulft đã không ít lần gây sức ép và vận động hành lang.

Ông Sepp Blatter nói: "Các ông Sarkozy và Wulff đã cố gắng tác động tới những đại biểu có quyền biểu quyết. Dẫn tới việc chúng ta có một kỳ World Cup ở Qatar. Những người quyết định việc này phải chịu trách nhiệm".

Cũng theo lý giải của Chủ tịch FIFA thì Pháp vận động hành lang để được đăng cai kỳ World Cup 2022, còn Đức thì sau khi nhận thấy khó có cơ hội cho quốc gia mình thì quay sang vận động cho Qatar. Nguyên do là vì các công ty của Đức đang có nhiều hợp đồng kinh tế làm ăn béo bở ở Qatar và việc quốc gia thuộc vùng Trung Đông này được đăng cai World Cup sẽ là một cơ hội lớn để các quốc gia này mở rộng hoạt động đầu tư và kinh doanh của mình.

Thậm chí, Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) còn được nhận chỉ thị từ chính Tổng thống Đức Christian Wulft về việc bỏ phiếu cho Qatar. Ông Sepp Blatter còn chỉ ra rằng, sau khi Qatar được bầu chọn, nhiều công ty của Đức trong đó có Deutsche Bahn, Hochtief đã nhận thầu các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup ở nước này.

Trong khi đó, Văn phòng Công tố Thụy Sĩ đã quyết định mở rộng điều tra hình sự liên quan đến cáo buộc FIFA tham gia vào hoạt động rửa tiền xung quanh các hồ sơ xin đăng cai World Cup của Nga và Qatar.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã từ chối yêu cầu của một ủy ban trong Thượng viện Mỹ về việc điều trần xung quanh bê bối tham nhũng.

Theo Trưởng công tố Michael Laurber, có ít nhất 80 giao dịch bị xác định là mờ ám, bị chuyển cho cơ quan chống rửa tiền để điều tra và 100 giao dịch khác đang bị xem xét. Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Michael Lauber cho biết, các giao dịch này đều liên quan đến Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Tổng thư ký FIFA Jéroome Valcke nên nhiều khả năng, cả hai người này sẽ bị triệu tập lấy lời khai vào cuối tháng 7.

Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ còn cho biết thêm rằng, các tài liệu được thu giữ tại trụ sở của FIFA ở Zurich hồi tháng 5 đã phục vụ hữu ích cho cuộc điều tra này, đặc biệt là dữ liệu được lấy từ máy vi tính cá nhân của ông Sepp Blatter, Jéroome Valcke và Trưởng ban Tài chính FIFA Markus Kattner. Hiện Mỹ đang đề nghị Thụy Sĩ dẫn độ 7 quan chức cấp cao của FIFA bị bắt giữ hồi cuối tháng 5 với cáo buộc nhận hối lộ hàng triệu USD.

Theo quy định của Thụy Sĩ, 7 quan chức này được phép tham gia phiên tòa xem xét việc dẫn độ họ sang Mỹ và có 14 ngày để kháng cáo lên các tòa án cấp cao hơn. Cho tới ngày 12/7, một trong số 7 người này đã đồng ý để nhà chức trách Thụy Sĩ dẫn độ sang Mỹ. Dự kiến, Cảnh sát Mỹ sẽ tới áp giải ông này trong 10 ngày tới.

Đối với Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, giới chức Mỹ cũng đã có những động thái cứng rắn. Một Ủy ban trong Thượng viện Mỹ hôm 13/7 đã mời ông Sepp Blatter sang nước này để điều trần về scandal tham nhũng của FIFA. Tuy nhiên, ông Sepp Blatter đã từ chối đề nghị này.

Chuck Blazer thừa nhận từng nhận hối lộ của Pháp và Nam Phi để ủng hộ đăng cai World Cup 1998 và 2010.

Lời khai của Chuck Blazer

Trở lại với những thông tin mà Chủ tịch FIFA cung cấp, người ta đang tính đến việc điều tra các hoạt động vận động hành lang của Pháp và Đức trong các giải đấu của làng túc cầu thế giới. Nói thế là bởi lẽ, khi Pháp vừa được chọn trở thành chủ nhà của Vòng chung kết Euro 2016, đã có nhiều đồn đoán rằng ở vòng bỏ phiếu quyết định này, Pháp giành chiến thắng sít sao trước 2 đối thủ Italia và Thổ Nhĩ Kỳ là nhờ vào những cuộc vận động hành lang hợp lý của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy cùng tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu Michel Platini.

Còn theo lời khai của cựu Ủy viên Ban chấp hành FIFA Chuck Blazer với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Pháp đã giành được quyền đăng cai World Cup 1998 là nhờ những khoản tiền mặt và quà cáp cùng nhiều quyền lợi khác với các thành viên cấp cao của FIFA.

Ông Chuck Blazer thừa nhận: "Trong thời gian làm việc ở FIFA và Liên đoàn Bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF), tôi đã tham gia ít nhất hai vụ việc mang tính chất rửa tiền. Năm 1992, tôi và một số người khác đã nhận ủng hộ nước Pháp trong việc tranh quyền đăng cai World Cup 1998. Cùng với một số thành viên Ban chấp hành FIFA, tôi cũng đồng ý nhận các khoản "lại quả" liên quan đến việc bỏ phiếu ủng hộ Nam Phi đăng cai World Cup 2010".

Nguồn tin từ Hãng tin Reuters khẳng định, kể từ năm 2013, sau khi bị FBI tóm với tội danh trốn thuế, Chuck Blazer đã chấp nhận làm tay trong cho cơ quan này. Chuck Blazer luôn mang theo một micro cài lẫn trong chùm chìa khóa và ghi âm hàng trăm cuộc nói chuyện liên quan. Tất cả được đưa vào hồ sơ điều tra tư pháp do Bộ trưởng Tư pháp Mỹ quản lý.

Chưa hết, dù FBI không công bố nhưng thông tin mà tờ báo Đức Zeit mới đăng tải cũng cho hay, Chuck Blazer đã khai về hoạt động của nước này trong việc mua phiếu bầu của quan chức FIFA. Chiêu bài mà Đức sử dụng là mở rộng đầu tư và cung cấp vũ khí cho các nước châu Á và Trung Đông. Đổi lại, những nước này ủng hộ Đức giành quyền đăng cai World Cup 2006.

Chẳng hạn, Hãng Daimler của Đức đã đầu tư hàng trăm triệu euro vào Tập đoàn Hyundai trong khi con trai của nhà sáng lập tập đoàn này là thành viên trong Ban chấp hành FIFA. Hãng Volkswagen và Bayer AG thì hứa hẹn đầu tư đáng kể vào các nhà máy ở Thái Lan và Hàn Quốc. Còn Arập Xêút lại nhận được những hợp đồng lớn cung cấp súng phóng lựu… Vì thế, nếu cho rằng Đức bỏ phiếu ủng hộ Qatar vì các hợp đồng kinh tế cũng không phải khó hiểu.

Cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đức Theo Zwanziger trong hồi ký đã từng viết, Tổng thống Đức Christian Wulft không ít lần hỏi ông về các cơ hội của Qatar trong việc bỏ phiếu đăng cai World Cup 2022. Điều gì khiến Tổng thống của một nước phải quan tâm đến việc được đăng cai World Cup của một nước khác. Chắc hẳn phải vì một lợi ích nào đó chứ không chỉ là quan tâm đơn thuần?

Siêu sao bóng đá David Beckham (trái) và Wayne Rooney từng tham gia chiến dịch vận động bầu cho Anh đăng cai World Cup 2018.

Thông tin về quỹ đen của Liên đoàn bóng đá Anh

Riêng đối với những nghi ngờ nhằm vào Liên đoàn Bóng đá Anh (FA), tháng 11/2014, thẩm phán Hans-Joachim Eckert, người đứng đầu Ủy ban Đạo đức của FIFA từng cáo buộc FA đã cố gắng mua chuộc cựu Phó chủ tịch FIFA Jack Warner để có được tấm phiếu ủng hộ cho việc đăng cai World Cup 2018 bằng hình thức: cho phép đội U20 của Trinidad&Tobago tổ chức trại tập huấn ở Anh; tài trợ buổi dạ tiệc của Liên đoàn Bóng đá vùng Caribbean…

Bản thân ông Jack Warner trong một lần trả lời phỏng vấn của tờ The Observer hồi năm 2008 cũng nói: "Anh sẽ là chủ nhà World Cup 2018, tức 52 năm kể từ khi họ lần đầu tiên và duy nhất đến nay có được vinh dự này. Tôi muốn Anh. Mọi người có thể nhớ rằng cuộc cạnh tranh năm 2006, CONCACAF đã bầu cho Anh". Một năm sau đó, Liên đoàn Bóng đá Anh đã được cấp một "quỹ đen" trị giá 15 triệu USD để vận động hành lang FIFA. Nguồn tiền này được cho là "nhằm phần nào bảo đảm thành công cho việc giành quyền đăng cai tổ chức World Cup sẽ diễn ra sau 9 năm nữa".

Sau này, FA cũng đã hợp thức hóa việc này bằng văn bản liệt kê các khoản chi tiêu như: tiền lương cho nhân viên 8 triệu USD, các đại sứ thể thao 800.000 USD, chi phí đi lại 1,5 triệu USD, chi phí phục vụ đoàn khảo sát của FIFA 200.000 USD, thuyết trình đơn xin đăng cai 700.000 USD, các dự án phát triển quốc tế (vận động hành lang) 1,5 triệu USD; kỹ thuật 1 triệu USD, marketing 800.000 USD, lệ phí xin đăng cai 600.000 USD, chi phí văn phòng 600.000 USD và chi phí phòng đột biến 1,5 triệu USD…

Thụy Sĩ thu giữ được nhiều tài liệu quan trọng phục vụ công tác điều tra khi tiến hành lục soát trụ sở của FIFA ở Zurich hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Trước những mê cung thông tin trái chiều về bê bối tham nhũng, rửa tiền trong nội bộ, tháng 6 vừa qua, FIFA đã quyết định đình chỉ cuộc đua đăng cai World Cup 2026. Đồng thời, Ủy ban đạo đức FIFA cũng yêu cầu kiểm tra lại việc thực thi các quy định và điều luật về vận động hành lang mà tổ chức này đã đưa ra hồi năm 2010 đối với các nước xin đăng cai World Cup 2018 và World Cup 2022. Khi đó, FIFA yêu cầu, mọi sự liên hệ (dù trực tiếp hay gián tiếp) của đại diện các nước xin đăng cai World Cup với 24 thành viên trong Ban điều hành FIFA đều phải được báo cáo trước với FIFA bằng văn bản…

Trong một diễn biến khác, Liên đoàn Bóng đá Bỉ đã tuyên bố sẽ kiện FIFA và đòi bồi thường ít nhất 4,5 triệu USD nếu như các vụ gian lận liên quan đến việc đăng cai tổ chức World Cup 2018 được làm sáng tỏ. Cũng như Anh, cặp đôi Bồ Đào Nha -Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan từng tạo thành cặp đôi để chạy đua đồng đăng cai World Cup 2018 nhưng thất bại trước Nga.

Thời điểm đó, Bỉ đã chi 4,5 triệu USD, còn Hà Lan là hơn 5 triệu USD để vận động đăng cai nhưng bất thành.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.