Hội nghị thượng đỉnh EU đầu tiên thời hậu Brexit

Thứ Bảy, 17/09/2016, 10:13
Ngày 16-9, 27 nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tụ họp tại lâu đài hàng ngàn tuổi ở thủ đô Bratislava của Slovakia để bàn thảo về tương lai của khối. Đặc biệt, sự bất đồng trong các vấn đề về an ninh, nhập cư cũng như tăng trưởng kinh tế đang phủ bóng đen hội nghị.


Đây là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của EU kể từ sau khi người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời bỏ khối này. Vì thế, các nhà lãnh đạo EU đang hy vọng rằng tại cuộc họp này, họ sẽ tìm ra được “con đường Bratislava” mới để duy trì và thúc đẩy sự phát triển của toàn khối.

Thủ tướng Slovakia đồng thời là người đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Robert Fico nói: “Tất cả chúng tôi đều muốn bày tỏ sự đoàn kết và chúng tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy về kế hoạch cho tương lai mới mà chúng tôi đang tiến hành”.

Hội nghị thượng đỉnh EU được tổ chức tại một lâu đài cổ ở Bratislava, Slovakia.  Ảnh: EPA.

Một số quan chức khác của EU thì khẳng định rằng, hội nghị tại Bratislava sẽ không phải là hội nghị đưa ra các quyết định mà là hội nghị bàn về chương trình nghị sĩ. EU đã mất đi một đối tác quan trọng là Anh nên phải xây dựng một EU gồm 27 quốc gia thành viên một cách cẩn trọng và thấu đáo.

Bản thân Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trong bài phát biểu hôm 13-9 cũng cảnh báo các nhà lãnh đạo EU không được làm ngơ trước bài học về Brexit (Anh rời khỏi EU), đồng thời khẳng định cần giải quyết vấn đề di cư ngay tại hội nghị nếu muốn “một châu Âu yên bình”. Ông Donald Tusk còn nhấn mạnh rằng, EU cần phải hành động kiên quyết để bảo vệ công dân của mình trước những nguy cơ khủng bố, an ninh và toàn cầu hóa.

Trên thực tế, EU đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề xung quanh việc đảm bảo an ninh và lãnh thổ, bảo vệ lợi ích cũng như di sản văn hóa và cuộc sống của người dân. Chưa hết, nội bộ các quốc gia thành viên của EU cũng có rất nhiều lục đục, đặc biệt là trong vấn đề an ninh và di cư. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang kêu gọi có một cuộc họp và bàn thảo để điều chỉnh lại chính sách nhập cư vào ngày 2-10 tới vì đã có quá nhiều hệ lụy không tốt.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thì hối thúc các nhà lãnh đạo EU sớm đạt được thỏa thuận chung về vấn đề an ninh. Hôm 12-9, sau nhiều cuộc gặp gỡ ở các cấp khác nhau, Đức và Pháp đã lên kế hoạch cho việc tăng cường vai trò quân sự của EU trong đó có việc xây dựng một trụ sở quân sự chung và tổ chức các hội nghị thường kỳ về chính sách an ninh, quốc phòng của EU.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: “Các nhà lãnh đạo EU cần phải đặt sang một bên những khác biệt để tìm được tiếng nói chung. Đây là thời điểm cần thiết để tăng cường khả năng quân sự của liên minh bởi chúng ta cần “khả năng phòng thủ mới và các lực lượng có thể được triển khai bên ngoài châu Âu”.

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel thì nhấn mạnh rằng biện pháp này cần thiết để bảo vệ biên giới EU và giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Theo bản kế hoạch dày 6 trang, EU sẽ thành lập trung tâm điều phối quân y châu Âu với nhiệm vụ hỗ trợ y tế cho các sứ mệnh triển khai của EU; tổ chức hiệu quả hơn năng lực vận tải của các nước thành viên; tăng cường trao đổi hình ảnh vệ tinh góp phần bảo vệ tốt hơn biên giới ngoài EU cũng như phục vụ các mục đích khác và đẩy mạnh hợp tác EU-NATO…

Các nhà phân tích nhận định, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức còn cần phải có biện pháp cụ thể để giải quyết nhanh chóng sự phản đối đang ngày càng gia tăng từ các quốc gia thành viên EU ở khu vực Đông Âu. Chính sách nhập cư đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi bởi đến nay, các quốc gia như CH Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia… đều từ chối tiếp nhận người tị nạn theo một hệ thống hạn ngạch trên toàn EU mà Đức ủng hộ.

Vì thế, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đang cố gắng vạch ra một kế hoạch để các nước Đông Âu đều được hưởng lợi từ liên minh giống như các nước ở Tây Âu. Đây cũng chính là lý do mà bà Angela Merkel thực hiện chuyến công du một vòng Đông Âu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU.

Phan Hiển
.
.