Những vụ thảm án do người nghiện ma túy

Thứ Hai, 21/09/2020, 12:27
Ma túy là tác nhân của nhiều loại hình tội phạm hình sự, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn cùng. Nghiêm trọng hơn, người sử dụng ma túy còn gây ra rất nhiều cái chết thương tâm cho chính những người thân trong gia đình, gây hoang mang cho gia đình và tạo gánh nặng cho xã hội…


Những cái chết oan ức

17h ngày 11-3-2019, Công an xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh nhận được tin báo tại nhà không số, tổ 16, ấp 3 xảy ra án mạng. Khi cán bộ Công an có mặt tại hiện trường đã thấy bà Nguyễn Thị Liêng, 83 tuổi, đăng ký thường trú huyện Củ Chi nằm chết trong nhà bếp do bị một vết chém, riêng ông Nguyễn Văn Đức, 52 tuổi (con trai bà Liêng), đăng ký thường trú xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn bị chém đứt hai tay và nhiều vết khác trên người, cũng đã tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu. Vào thời điểm trên, Công an xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, cũng nhận tin báo một vụ án mạng xảy ra tại số nhà 174/1F, ấp Tân Thới và nạn nhân là bà Trịnh Thị Bé Hai, 51 tuổi (vợ ông Đức) cũng đã tử vong, riêng chị Nguyễn Thị Hồng Yến (em gái Nam) không bị thương nhưng đang trong tình trạng ngất xỉu.

Nguyễn Hoàng Nam vẫn chưa hết “ngáo” khi bị bắt.

Qua công tác nắm tình hình, xác định Nguyễn Hoài Nam là đối tượng nghi vấn, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an huyện Hóc Môn tổ chức nhiều mũi trinh sát truy bắt kẻ gây án. Đến 22 giờ cùng ngày, trinh sát đã bắt được Nam khi hắn đang cầm hung khí lùng sục ở xã Tân Xuân tìm người chị gái mình để sát hại. Cũng tại thời điểm này, Công an tỉnh Long An cũng thông báo phát hiện bà Bùi Thị Nết, 58 tuổi, ngụ xã Long Cang, huyện Cần Đước (mẹ ruột người yêu Nam) đã tử vong và đề nghị phối hợp điều tra.

Nhắc lại vụ án này, một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, kể rằng lúc đầu không thể lấy lời khai được bởi Nam hoàn toàn không tỉnh táo do ảo giác tạo ra từ ma túy "đá". Gần một ngày sau, khi cơn "ngáo đá" đã qua và dường như nhận biết được hành động tội ác mà mình vừa gây ra, những giọt nước mắt hối hận mới bắt đầu tuôn chảy trên gương mặt bơ phờ.

Tháng 7-2018, sau khi mãn hạn tù về tội cướp tài sản, Nam được cha mẹ giới thiệu cho làm quen một người con gái cùng huyện và chỉ 3 tháng sau đó, cả hai kết hôn. Nhưng cũng chỉ sau đó 3 tháng, do không chịu nổi tính vũ phu, thói nghiện hút ma túy của Nam nên cô vợ này đã âm thầm bỏ đi và cắt hết mọi liên lạc. Trước khi xảy ra thảm án mấy tháng, Nam có quen một cô gái tên N. ở xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Biết cháu ngoại mình quen biết với đối tượng nghiện hút, bà Bùi Thị Nết đã kịch liệt phản đối, thậm chí bà còn gọi điện yêu cầu cha mẹ Nam không được cho hắn quan hệ với N. nữa.

Đối tượng Trương Tín khi bị bắt.

Cho rằng, những người lớn của bên gia đình có ý đồ xấu, muốn hại mình, Nam nung nấu ý định trả thù. Trưa ngày 11-3-2019, sau khi hít ma túy "đá", Nam lấy xe gắn máy chạy xuống Cần Đước, Long An tìm gặp bà Nết để "xử". Vừa gặp mặt đã bị bà Nết la mắng nên Nam đã chạy xuống bếp lấy con dao chém bà tử vong. Sau đó, Nam ngược về huyện Hóc Môn tiếp tục sát hại cha mẹ và người thân.

Một vụ ngáo đá sát hại 3 người thân trong gia đình ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cũng hết sức thương tâm. Vào khoảng 23h ngày 2-5-2019, sau nhiều giờ tụ tập hít ma túy đá với đám bạn, Trương Tín (sinh năm 1990, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) đã tìm mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy để gây sự vì không cho hắn tiền. Thấy nghịch tử lên cơn "ngáo đá", mọi người trong gia đình đã mang dao vào phòng rồi khóa cửa lại, nhưng hắn vẫn kịp chạy vào lấy được con dao khác giấu sẵn dưới gối lao đến tấn công bà Lê Thị Điểu (bà ngoại), Nguyễn Thị Ngọc Thúy (mẹ ruột) và dì ruột là bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều, khiến cả 3 người tử vong ngay sau đó. Gây án xong, Tín bình thản lấy xe gắn máy chạy đến nhà bạn rủ đi uống cà phê như không có chuyện gì xảy ra và đến rạng sáng thì bị trinh sát hình sự Công an quận Bình Tân bắt giữ.

Đối tượng Nguyễn Hoàng Nam.

Nhưng đó chỉ là hai trong số nhiều vụ thảm án mà nguyên nhân do người nghiện ma túy gây ra, nhất là gần đây khi tình trạng sử dụng ma túy "đá" trong giới trẻ đang có chiều hướng gia tăng.

Theo Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an cho biết, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS, thời gian qua, nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) đã gây ra nhiều vụ thảm án, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự. Từ năm 2014 đến năm 2019, cả nước có 65 nạn nhân bị giết trong các vụ thảm án do người "ngáo đá" gây ra. Công an phát hiện có có hơn 5.000 vụ với hơn 32.000 người sử dụng trái phép chất ma túy tại vũ trường, karaoke, quán bar… và có đến hơn 7.500 vụ với hơn 18.000 người nghiện phạm vào các tội cướp, giết người, hiếp dâm, trộm cắp, cố ý gây thương tích…

Trung tá Hoàng Văn Hiều cũng nhìn nhận, một bộ phận giới trẻ hiện nay cho rằng sử dụng ma túy đá, MTTH không gây nghiện, họ sử dụng để vui vẻ và đôi khi chỉ đơn giản là thể hiện "đẳng cấp". Nhưng, đằng sau những cuộc vui đó là những hệ lụy kinh hoàng cho chính bản thân và những người xung quanh, bởi ma túy đá tàn phá nghiêm trọng tới cả sức khỏe và nhân cách người sử dụng, gây nên nhiều hệ lụy cho các gia đình và xã hội.

Nỗi đau của người thân

 Sau những vụ thảm án này, thủ phạm sẽ phải trả giá, người xấu số đã nằm sâu dưới ba tấc đất, nhưng với những người thân thì nỗi đau rất khó nguôi ngoai khi cả thủ phạm và nạn nhân đều là người trong một nhà. 

Hơn một tháng sau đại tang, chúng tôi đã tìm gặp chị Nguyễn Thị Hồng Yến (em ruột Nam) để hỏi chuyện, nhưng dường như chị vẫn chưa hoàn hồn sau cú sốc nặng nên phải mất hơn một giờ động viên, chị mới giãi bày trong tiếng nấc nghẹn: "Còn gì đau hơn khi cùng một lúc mất đi tất cả những người ruột thịt. Khi sự việc xảy ra, em ngất xỉu cho đến khi tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Xin được về lo đại tang thì các bác sỹ bảo rằng em bị sang chấn tâm lý nặng và cử một điều dưỡng đi cùng để xử lý tình huống xấu có thể xảy ra. Về nhà, chưa kịp nhìn mặt bà, cha, mẹ lần cuối, em tiếp tục ngất xỉu và được đưa trở lại bệnh viện để điều trị".

Yến kể, trước đây Nam cũng do nghiện hút nên đã đi cướp lấy tiền mua ma túy. Mãn hạn tù trở về, trong nhà ai cũng gần gũi, động viên và ngày nào cũng phụ mẹ nướng sườn bán bún, cơm nên em nghĩ Nam đã ăn năn hối cải. Khi bảo vệ dân phố phát hiện anh Nam tụ tập cùng bạn bè ăn nhậu và hít ma túy đá nên đã thông báo cho cha (ông Đức) biết để có biện pháp bắt Nam cai nghiện tại gia hoặc đưa đến trung tâm. Nhưng Nam hứa và khẳng định rằng đã tu tỉnh làm ăn…

Trước khi vụ việc xảy ra khoảng một tuần, trong lúc "phê" ma túy, Nam cũng cầm dao chạy ra đường la hét, đòi chém một số người trong gia đình, nhưng người cha vẫn đứng ra bảo lãnh cho con. Chính sự thương con không đúng chỗ ấy nên mới xảy ra thảm kịch này…

Tại phiên tòa ngày 21-7-2020, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Trương Tín mức án tử hình vì tội giết người.

"Mọi người đi hết rồi, Nam chắc cũng phải tử hình thôi, nhưng với em từ lúc xảy ra vụ việc đến giờ tay chân cứ bủn rủn không làm được việc gì, đêm đến, cứ chợp mắt là lại thấy nỗi ám ảnh…Hiện tại, nhiều bà con chòm xóm luôn động viên, chia sẻ, nhưng chưa biết đến khi nào em mới thoát ra được những ám ảnh ấy để đi làm kiếm sống...", Yến than thở.

Trong vụ Trương Tín gây thảm án, chính sự nuông chiều thái quá của bậc cha mẹ để rồi tự mình phải gánh hậu quả thảm khốc. Theo lời kể của bà M. (chị con dì với mẹ Tín), trước đây Tín là thanh niên hoạt bát, nhưng kể từ khi "bập" vào ma túy mới khiến cuộc đời cậu ấy trở nên tồi tệ. Khi còn hít heroin, Tín thường trộm cắp đồ đạc của gia đình và bà con chòm xóm đem bán nên đã từng bị chính quyền địa phương gọi lên giáo dục và yêu cầu cha mẹ lên làm giấy cam kết bảo lãnh cho cai nghiện tại nhà.

Vài năm trở lại đây, khi chuyển sang hít ma túy "đá" thì cứ mỗi lần bị kích động là Tín ra đường la hét, quậy phá, chửi bới, gây sự, hăm dọa đòi đánh những người dân trong xóm nếu còn can thiệp vào chuyện hút chích. Những người không có điều kiện, buộc phải ở lại xóm này thì xây dựng hàng rào sắt kiên cố phía trước nhà và rất ít khi ra ngoài trừ khi có việc cần. Cuộc sống của bà con chòm xóm trở nên ngột ngạt, mất tự do nên đã bàn nhau cùng đến nhà bà Thúy động viên để cho Tín đi cai nghiện.

Những lần như vậy, bà Thúy thường buông ra những lời cay nghiệt với hàng xóm nên không ai góp ý nữa. Thậm chí bà M là em họ nhưng khi cảnh báo về những hành vi nguy hiểm mà Tín có thể gây ra, bà Thúy không những không nghe mà còn bênh vực con trai một cách mù quáng. Hiểu rõ sự mù quáng của bà Thúy, chính quyền địa phương đã lập hồ sơ chuyển lên tòa án để xem xét đưa Tín đi cai nghiện bắt buộc, nhưng chưa kịp thực hiện thì Tín đã gây tội ác.

Đức Cương
.
.