1001 kiểu lừa đảo cổ vật

Thứ Ba, 16/01/2024, 11:03

Tự đánh bóng bản thân thành vua, chúa trong giới cổ vật, rồi tôn món hàng lên bằng cách lợi dụng truyền thông, trưng bày, nói dối về nguồn gốc hoặc gắn mác cung đình, nội phủ dùng trong cung cấm nhằm kiếm lợi nhuận khủng, từ những mặt hàng bình thường nhưng được khoác áo cổ vật quý hiếm để rồi mục đích cuối cùng là đưa các nạn nhân… vào tròng. Nạn lừa đảo cổ vật lại có vẻ như đang “nở rộ” vào dịp Tết đến xuân về…

“Mặc áo” cho cổ vật

Không ngoa khi nói rằng, nghề buôn cổ vật là nghề khiến con người ta đổi đời nhanh nhất. Vài năm trước, tôi quen T.C, một người làm nghề chạy chợ, buôn đồng nát ở vỉa hè. Khi ấy, anh đang có một gian hàng đồ cũ gồm đủ thứ như: Đồng hồ, bình gốm, xâu chuỗi, vòng bạc… bán trên vỉa hè đường 3/2 (Q.11, TP Hồ Chí Minh).

h1.png -0
“Hòn đá hủy diệt” được lừa bán với giá 2,1 tỷ đồng.

Mặt hàng này T.C thu gom từ giới buôn đồng nát và các nhóm chuyên trộm cắp vặt đường phố với giá rẻ chỉ bằng tô phở hoặc cái bánh mì. Vào tay T.C, vốn là người có hoa tay, biết chút hội họa, anh ta “trang điểm” lại cho các món sản phẩm, tô vẽ họa tiết biến chúng thành cổ vật lưu lạc trăm năm. Chỉ hơn ba năm ngồi vỉa hè, T.C đã thành ông chủ của căn nhà cổ vật đồ sộ ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Gã bắt đầu đánh bóng tên tuổi, tích cực đi làm từ thiện, mở các cuộc hội họp bàn về cổ vật và hào phóng hiến tặng nhiều cổ vật giá trị cho các cơ quan, tổ chức.

Tiếng lành vang xa, T.C trở thành “ông vua” cổ vật nổi tiếng. Từ đây, những món hàng của T.C được rao bán với giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Trong căn nhà vườn rộng gần 1.000m2, T.C chỉ để trưng bày cổ vật, nhiều nhất là bình gốm và các loại bảo bối như: Nồi đồng cổ 7 chấm có niên đại hơn 200 năm tại Vĩnh Long, đầu rồng chạm khắc bằng đồng thời Lý; thanh gươm cổ của đội quân đánh giặc thời Vua Trần Thánh Tông… Chẳng biết chú giải nguồn gốc, lai lịch và sự thật về các cổ vật trong nhà của T.C thực hư ra sao, nhưng gã đang rất tự tin về những gì mình đang có.

Mỗi năm Tết đến, giới chơi cổ vật lại kéo đến nhà T.C rất đông để chiêm ngưỡng và trao đổi mua bán. Dù là cổ vật quý hiếm theo lời T.C, nhưng hễ ai mua được giá là gã bán, không cần giữ lại làm gì, vì hết món này gã lại quảng cáo món khác quý giá hơn.

Cùng trong giới chơi cổ vật, nhưng ông P.M (ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) lại có kiểu làm giàu độc đáo nhưng cũng lắm tai tiếng. Ông M. gom được một mớ cổ vật rồi tổ chức trưng bày, mời truyền thông và các YouTuber tới quay chụp, đưa tin quảng cáo cho sự kiện. Cùng lúc, ông M. mời người trong giới, doanh nhân hoặc người yêu thích đồ cổ đến dự buổi trưng bày của mình. Tại đây, ông M. bán được vài loại bình gốm cổ, thu về cả trăm triệu đồng. Trong số người mua có vợ chồng ông N.T.S (Bình Dương), tậu một cặp bình gốm cổ Chu Đậu, được quảng cáo là đỉnh cao chói sáng của gốm Việt thời Lê sơ, thế kỷ 15.

Tin vào lời giới thiệu của ông M., ông S. đã xuống tiền mua cặp bình này với giá 120 triệu đồng. Sau khi đưa về nhà, ông S. trân trọng trưng bày ở vị trí trang trọng nhất để cho khách tới chơi chiêm ngắm. Một người quen của ông S. am tường về cổ vật, từng làm đề tài nghiên cứu sinh về cổ vật khi được ông S. khoe cặp bình gốm cổ Chu Đậu đã rất ngạc nhiên. Ông ấy ngờ ngợ đây không phải gốm cổ, mà có thể là loại gốm Bát Tràng bình thường, được bán với giá từ 1 -1,2 triệu đồng/ cặp.

1001 kiểu lừa đảo cổ vật -0
Cổ vật được trưng bày đẹp mắt trong nhà của một “ông vua” cổ vật.

Vợ chồng ông S. không thể tin nổi mình bị lừa, liền gọi ngay cho nhà cổ vật P.M. nhưng ông M. một mực khẳng định đó là cổ vật, ông đã tận tay đi thỉnh về với giá 2 cây vàng. Ông S. truy vấn tới cùng, dọa mang đi kiểm tra, sẽ làm tới cùng. Cảm thấy không thể qua mắt được nữa, ông M. thừa nhận đây không phải gốm Chu Đậu cổ nhưng nó là gồm Bát Tràng có giá trị. Ông M. buộc phải trả lại tiền cho ông S. và nhận lại cặp bình gốm “giả cầy”.

Tưởng như câu chuyện đến đây kết thúc, nhưng nó đã bung bét ra một cách không kiểm soát được. Những người từng mua đồ cổ của ông M. đã quay lại để truy vấn ông. Có người mang cả kết quả kiểm định hàng giả tới làm chứng. Tuy nhiên, trong số hàng trăm bảo vật ông M. đã từng rao bán, cũng có vài cái là hàng thật. Chính sự thật giả lấp liếm như vậy khiến cho những vị khách đam mê đồ cổ trở thành “chuột bạch”, nạn nhân của sự dối trá, lừa lọc.

Sau khi sự việc bại lộ, ông M. lặng lẽ rút lui khỏi thương trường cổ vật. Trong một lần hiếm hoi, ông M. đã trải lòng: “Tôi là người đam mê cổ vật, từng chơi cổ vật hơn 30 năm nay. Nhưng thú thật là đôi khi mình cũng bị lừa mua phải cổ vật giả. Vì không biết hàng thật giả rõ ràng nên khi mang bán lại cho khách thì mới vỡ lẽ. Quả thật tôi cũng là nạn nhân của cổ vật”.

Ông M. có thể cũng bị người ta lừa sưu tầm cổ vật, nhưng nếu tính quãng đời trên 30 năm buôn bán đồ cổ, với khối tài sản kếch sù thì có lẽ ông M. là người gian dối nhiều hơn ông bị người ta dối gian.

“Tin vào đồ, không tin người”

Trong giới cổ vật, muốn bán được hàng thì phải có tên tuổi, phải được phong “vua, thánh, thầy”. Mặt khác, bán cổ vật thì phải hét với giá trên trời, vì cổ vật là quý hiếm, vô giá. Với người chơi cổ vật, một khi đã thích, đã tin tưởng thì giá cả không còn là vấn đề.

1001 kiểu lừa đảo cổ vật -0
Cặp bình gốm cổ của P.K được quảng cáo “có một không hai” đang chờ một “ông vua” cổ vật đến thỉnh về để buôn bán.

Lừa đảo cổ vật giả nở rộ vào dịp Tết đến xuân về, khi nhu cầu thưởng thức của một bộ phận người yêu chuộng cổ vật lên cao. Lợi dụng vào điều này, thị trường cổ vật lại sôi lên, bát nháo chẳng thua kém gì chợ tôm chợ cá. Những cổ vật, chẳng biết từ thời nào, ý nghĩa ra sao, được lấy từ đâu mang về mà rao bán nườm nượp tại các hội chợ hoặc triển lãm và trên thị trường cổ vật online? P.K, một đầu nậu đồ cũ tại chợ An Đông (Q.5, TP Hồ Chí Minh) tranh thủ thời gian vàng ngày Tết len lỏi vào hội nhóm cổ vật để chào bán những món hàng mình đang có. K. bật mí, nhiều “ông vua” cổ vật đã từng lấy hàng của anh ta, rồi bán với giá gấp nhiều lần.

“Họ tôn món hàng lên bằng cách trưng bày, lợi dụng truyền thông, nói dối về nguồn gốc để kiếm lợi nhuận khủng. Nếu một người có chuyên môn, họ nhìn vào là biết ngay, cổ vật ở đâu mà nhiều thế. Đã là cổ vật thì phải được trưng bày ở bảo tàng, được lưu giữ cẩn thận, chứ chẳng ai mang đi bán mua cả. Thật ra, đó toàn là hàng nhái, hàng thửa từ các chợ ngọc đá Quảng Châu (Trung Quốc) với niên đại mới toanh”, P.K tiết lộ mánh khóe và chiêu trò trong giới buôn bán cổ vật.

Theo P.K, một cách tăng giá khác cho cổ vật ở mức độ hẹp hơn là khoác mác cung đình, nội phủ, đồ vua chúa dùng trong cung cấm. Trong thị trường cổ ngoạn Việt, đồ ký kiểu thời Lê - Trịnh được thổi giá thành công nhất xưa và nay. Điều thú vị là khi hiện vật được thổi giá cũng là cơ hội cho đồ giả xuất hiện. Cả cung vua, phủ chúa ngày xưa, đồ sứ đặt về không quá nhiều, lại qua bao vật đổi sao dời, ấy mà giờ nhẩm lại trong sưu tập tư nhân ở cả Nam - Bắc, dòng đồ sứ cung đình thời Lê - Trịnh nhiều vô số kể? “Ông trùm” cổ vật nào cũng khoe mình sở hữu một kho cổ vật, hàng của mình quý hiếm đố tìm được cái thứ hai… Chuyện ảo tưởng về cổ vật không chỉ dừng lại trong giới sưu tầm, người chơi cá nhân. Ngay cả một số đơn vị chuyên ngành, một số nhà nghiên cứu tên tuổi cũng nhập cuộc, nhập nhèm khoác cho cổ vật những giá trị ngất ngưởng, mục đích cũng là kiếm chác lợi ích từ món hàng. 

Nhà nghiên cứu cổ vật Lê Gia cho biết, gia đình ông có truyền thống sưu tầm cổ vật 3 đời nay. Những món cổ vật cho ông hiểu hơn về giá trị lịch sử, văn hóa, vì vậy nội hàm trong cổ vật đều có câu chuyện ý nghĩa và khó khăn ở phía sau. Vì vậy, không dễ để có được một cổ vật quý giá mà mình yêu thích, nó phụ thuộc vào kinh tế và sự cạnh tranh trong giới sưu tầm. “Nếu là một nhà sưu tầm, bạn phải nắm rõ quy tắc “tin vào đồ, không tin vào người”. Trước khi bỏ tiền mua một món cổ vật, bạn phải hiểu rõ nguồn gốc thật sự của chúng”, nhà nghiên cứu Lê Gia đưa ra lời khuyên.

Cú lừa ngoạn mục

Vào giới cổ vật là lạc vào mê cung thật giả khó lường. Bên cạnh những hiện vật mang giá trị cao về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, không ít đồ dởm được “hóa phép” bằng đủ chiêu trò để tăng giá trị lên gấp nhiều lần nhằm lừa đảo, móc túi của những “tín đồ” đam mê hoài cổ.

Mới đây, vụ việc một hòn đá cổ được thêu dệt có tính “hủy diệt” kim loại được rao bán thành công với giá 1,6 tỷ đồng tại Đồng Nai là một cú lừa ngoạn mục. Theo đó, nạn nhân là vợ chồng ông P.T.N. và bà P.T.M. (cùng sinh năm 1975, trú TP Hà Nội) tới Công an tỉnh Đồng Nai tố giác về việc bị nhóm khoảng 5 đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt 2,1 tỷ đồng bằng thủ đoạn “nổ” cục đá bảo vật có tính năng hủy diệt sắt. Cụ thể, ông N. cho biết, được một người giới thiệu gặp Nguyễn Quốc Hải để hỏi mua cục đá có tính năng hủy diệt kim loại. Tại đây, Hải nói với ông N. cục đá có tính năng hủy diệt sắt là bảo vật gia bảo của gia đình có trị giá 306 tỷ đồng. Cuối tháng 12/2023, ông N. cùng vợ đi máy bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh gặp Hải nói chuyện, thống nhất bán cục đá cho ông N. với giá 2,1 tỷ đồng.

1001 kiểu lừa đảo cổ vật -0
Đối tượng Võ Quang Trực bị bắt về hành vi lừa đảo bán cổ vật giả.

Để tạo niềm tin, người môi giới tên Lan thỏa thuận với ông N. chuẩn bị số tiền 1,6 tỷ đồng và Lan góp thêm 440 triệu đồng mang đến nhà Hải để thực hiện quy trình hợp đồng mua bán, vận chuyển viên đá quý về Hà Nội.

Trên đường vận chuyển “đá thần kỳ”, đến huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Lan liên tục kêu tài xế dừng xe để đi vệ sinh rồi nhanh chóng tẩu thoát. Nghi có chuyện chẳng lành, ông N. gọi điện cho Hải nhưng máy ngoài vùng phủ sóng. Đến nước này, vợ chồng ông N. mới tá hỏa nhận ra đã sập bẫy của nhóm đối tượng lừa đảo nên đã yêu cầu tài xế quay xe lại Đồng Nai để tố cáo.

Vào cuộc điều tra, Công an đã xác định Hải tên thật là Võ Quang Trực là người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Đầu tháng 1/2024, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ Trực tại nhà riêng ở phường Tam Phước, TP Biên Hòa thu giữ một số công cụ gây án và các tài liệu, vật chứng liên quan vụ án. Các đối tượng còn lại cũng lần lượt bị bắt sau đó.

Ngọc Thiện
.
.