2016 - IS đang dần yếu đi?

Thứ Năm, 22/12/2016, 20:00
Lực lượng Hồi giáo cực đoan này liệu có còn là một mối đe dọa tiềm tàng trong năm 2017 hay không?

Mặc dù chưa hoàn toàn kiểm soát được hoạt động của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng năm 2016 là một năm cho thấy những nỗ lực đẩy lùi "sự xâm lăng" của IS, cả về tinh thần và thực lực, đã đạt được đáng kể khi hàng loạt cuộc tấn công trên bộ và các cuộc không kích của liên quân đã tiêu diệt một lượng lớn các tay súng và thu hẹp đáng kể diện tích các vùng lãnh thổ mà IS đánh chiếm. Lực lượng Hồi giáo cực đoan này liệu có còn là một mối đe dọa tiềm tàng trong năm 2017 hay không?

Những cuộc chiến liên miên khiến nhiều quốc gia Hồi giáo điêu đứng.

Sau các cuộc truy quét và tấn công rầm rộ của nhiều quốc gia cũng như các lực lượng vũ trang, dân quân và bán quân sự trong năm 2016, IS đã để mất quyền kiểm soát gần một nửa số lãnh thổ mà lực lượng này chiếm được từ năm 2014.

Việc để mất những thành trì mang tính biểu tượng như Fallujah tại Iraq hay Dabiq ở Syria đã khiến thanh thế của IS bị hủy hoại nghiêm trọng, cho thấy chúng không đủ sức bảo vệ những khu vực mà từng tuyên bố là không thể lay chuyển và là trung tâm của những điều mà chúng tuyên truyền.

IS đã bị đẩy lui khỏi Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar phía Tây Iraq, cũng như vùng Manbij ở Syria, khu vực chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong tham vọng xây dựng một "caliphate" (Vương quốc Hồi giáo). Đầu tháng này, IS cũng đã để mất Sirte, thành trì quan trọng cuối cùng ở IS tại Libya, quốc gia mà lực lượng thánh chiến này từng hy vọng có thể giúp chúng mở rộng lãnh thổ của "caliphate".

Trước đó, vào tháng 10, hàng chục nghìn binh sỹ Iraq - với sự hậu thuẫn của các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu - đã tiến hành một cuộc tổng tấn công nhằm giành lại Mosul, nơi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập "caliphate" hồi tháng 6-2014. Cuộc tấn công này gặp phải nhiều trở ngại do địa hình và cơ sở hạ tầng phức tạp, cản trở bước tiến của các binh sỹ; song nhiều người tin chắc rằng lực lượng thánh chiến, bị áp đảo về số lượng, khó có thể trụ lại lâu.

Trong khi đó, một cuộc tấn công tương tự nhằm vào Raqa tại Syria đang dồn IS tới chỗ sụp đổ tham vọng về một "caliphate". Giáo sư Mathieu Guidere - chuyên nghiên cứu vấn đề địa chính trị Trung Đông, hiện đang làm việc tại Paris khẳng định: "Để mất Raqa sẽ đồng nghĩa với việc kế hoạch xây dựng một vương quốc của IS tan vỡ và khiến cái tên Nhà nước Hồi giáo mà chúng tự gọi không còn bất kỳ ý nghĩa biểu tượng nào".

Mặc dù IS đã chiếm được nhiều kho vũ khí, đạn dược và người ta vẫn không khỏi lo ngại về nguy cơ lực lượng thánh chiến này đang ra sức truyền bá các tư tưởng bạo lực cực đoan ra khắp thế giới, song thực tế là trong năm qua chúng đã không còn mở rộng lãnh thổ chiếm đóng và thậm chí còn đang phải vật lộn để tồn tại.

Theo thống kê của Lầu Năm Góc, từ năm 2014 tới nay, ít nhất 50.000 tay súng của IS đã bị tiêu diệt, gấp đôi số tay súng mà liên quân ước tính lực lượng này có khi chúng tuyên bố thành lập "caliphate" vào năm 2014. Thượng tướng Steve Townsend, chỉ huy lực lượng liên minh, ngày 1412 cho biết "gần 3 triệu người dân và hơn 44.000 km2 lãnh thổ đã được giải phóng" khỏi tay IS trong năm 2016.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng các lực lượng chống IS vẫn chưa có sự phối hợp hiệu quả và trong suốt hai tháng diễn ra chiến dịch Mosul, IS đã chứng minh rằng chúng là một lực lượng thánh chiến không dễ đánh bại. IS đã vận dụng những chiến thuật thích nghi hiệu quả khi giao tranh trong các khu vực thành thị và việc chúng có một đội ngũ hùng hậu những kẻ sẵn sàng đánh bom liều chết là mối lo ngại không hề nhỏ đối với cả những lực lượng quân sự được trang bị vũ khí tối tân.

Trong suốt thời gian qua, IS đã tiến hành một loạt cuộc tấn công "nghi binh" tại cả Iraq và Syria nhằm phân tán sự quan tâm của quân đội chính quyền và liên quân, đồng thời duy trì được thanh thế, ít nhất là thông qua truyền thông.

Các nhà quan sát từ lâu đã cảnh báo rằng việc giành lại các vùng đất mà IS kiểm soát chưa đủ để đặt một dấu chấm hết cho sự tồn tại của lực lượng này, những kẻ sẽ coi sự bất ổn của Iraq và Syria là mảnh đất màu mỡ để tiến hành các cuộc tấn công trong tương lai.

Giáo sư Guidere cho rằng: "2016 là năm IS suy yếu song ảnh hưởng của chúng vẫn còn rất lớn bởi chúng ta vẫn chưa có một giải pháp chính trị cụ thể… nhất là đối với cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni ở cả hai nước (Iraq và Syria)". Theo giới chuyên gia Mỹ, để ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức này, người ta cần phải giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân hình thành và phát triển của các lực lượng thánh chiến như IS.

Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden nhận định nếu những nguyên nhân khiến các thanh niên Hồi giáo Sunni gia nhập các phong trào thánh chiến chưa được giải quyết tận gốc thì Hồi giáo cực đoan sẽ vẫn tiếp tục lan rộng, và các tổ chức thánh chiến sẽ vẫn tiếp tục chiêu mộ được các thành viên và gia tăng ảnh hưởng.

Việc đối phó với những tay súng còn lại của IS có thể khó khăn hơn khi chúng trở thành một nhóm nổi dậy tập trung vào việc tiến hành các cuộc tấn công khủng bố. Những lo ngại về nguy cơ khủng bố do các tay súng nước ngoài trở về nước tiến hành ngày càng tăng vào dịp cuối năm và đầu năm mới, nhất là tại các quốc gia từng là nạn nhân của các vụ khủng bố do IS tiến hành như Mỹ, Pháp và Bỉ.

Giới phân tích nhận định tổ chức này đã và đang có những chuẩn bị để đối phó với việc để mất các vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát, coi những mất mát tại Iraq và Syria chỉ là nhất thời, thậm chí IS còn cho rằng chúng không chỉ tồn tại về mặt tinh thần, mà đó là một thực thể cụ thể.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.