Ai đứng sau vụ ám sát hụt Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro?

Thứ Năm, 09/08/2018, 15:53
Vụ ám sát hụt Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 4-8 diễn biến rất nhanh, chỉ trong vài chục giây. Một thiết bị bay điều khiển từ xa (UAV) mang theo chất nổ đã bị Vệ binh Quốc gia bắn trúng và phát nổ trên không trung khi nó đang hướng đến vị trí Tổng thống Maduro đứng phát biểu và duyệt binh tại lễ kỷ niệm 81 năm ngày truyền thống Vệ binh Quốc gia Venezuela, có truyền hình trực tiếp. Tổng thống Maduro thoát nạn nhưng vấn đề không dừng lại đó.

Theo thông tin từ truyền thông quốc tế, ngày 5-8, cảnh sát Venezuela đã bắt tạm giam 6 người bị nghi có liên quan đến vụ ám sát hụt Tổng thống Nicolas Maduro. Theo cơ quan điều tra, những nghi can này bị cáo buộc đã tổ chức vụ tấn công bằng cách sử dụng 2 chiếc UAV gắn đầy chất nổ và điều khiển từ 2 hướng khác nhau nhắm vào Tổng thống Maduro.

Cảnh sát cho biết, ngoài 1 chiếc bị bắn và phát nổ trên không trung, chiếc còn lại bị hỏng và tự đi lạc hướng, đâm vào một tòa cao ốc gần đó. Hậu quả của vụ nổ làm 7 lính Vệ binh Quốc gia bị thương.

Phát biểu ngay sau khi thoát nạn, Tổng thống Maduro khẳng định, vụ tấn công hụt “là một nỗ lực nhằm ám sát tôi”. Ông cáo buộc rằng Colombia và thành phần lưu vong gốc Venezuela ở Miami, bang Florida, Mỹ, đứng sau vụ việc. Thậm chí ông còn úp mở cáo buộc Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đích thân “chịu trách nhiệm” vụ tấn công.

Giới phân tích lập tức xới lại mối quan hệ không êm đẹp giữa hai vị tổng thống trong thời gian gần đây, trong đó ông Santos hay chỉ trích ông Maduro bởi chính sách cầm quyền của ông đã gây ra sự bất ổn chính trị lẫn kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, một phán ngôn viên của Tổng thống Santos đã nhanh chóng bác bỏ lời cáo buộc của ông Maduro.

Cho đến nay, chưa có tổ chức, cá nhân nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công hụt. Chỉ có nhóm phiến quân hữu khuynh Franelas Soldiers đã viết trên Twitter những lời bóng gió nhận trách nhiệm về mình. Nhóm này viết rằng đã “chứng minh rằng Chính phủ Venezuela hiện tại rất dễ bị tấn công” và tuyên bố vụ tấn công đã được chuẩn bị kế hoạch từ lâu, việc thực hiện chỉ là vấn đề thời gian.

Tuyên bố này làm người ta nhớ lại một vụ việc tương tự từng xảy ra hồi năm ngoái. Khi đó, Oscar Perez, một viên cảnh sát tha hóa, đã cướp một chiếc trực thăng rồi lái thẳng về phía tòa nhà chính phủ ở Caracas và ném một quả lựu đạn vào tòa nhà. 6 thántg sau, Perez bị bắn chết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát Venezuela. Vụ đó, các nhà phân tích cũng đã nghi ngờ nhóm Franelas Soldiers có liên quan.

Tổng thống Nicolas Maduro và phu nhân trong khoảnh khắc chứng kiến thiết bị bay không người lái phát nổ trên không.

Truyền thông Mỹ và châu Âu cũng đang cố tìm cách giải thích khác cho vụ ám sát hụt. Một số tờ báo đưa tin theo chiều hướng cho rằng vụ ám sát hụt là hành động của những người dân Venezuela trong nước chống đối ông Maduro vì những chính sách điều hành đất nước kém cỏi của ông dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay.

Theo các tờ báo, trong số 6 người bị bắt giữ do bị cáo buộc liên quan đến âm mưu ám sát có người từng mang tiền sự xuống đường biểu tình phản đối chính phủ của ông Maduro.

Tờ The Guardian thậm chí còn dẫn lời thành phần đối lập đưa ra giả thuyết cho rằng chính quyền Venezuela của Tổng thống Maduro đã “dàn dựng” vụ ám sát hụt này nhằm đánh lạc hướng dư luận công chúng đang rất hoang mang và bức xúc vì đời sống vô cùng khó khăn do khủng hoảng kinh tế đang diễn biến ngày càng xấu.

Tờ báo này đã dẫn lời một số nhà quan sát phương Tây nghi ngờ sự thật trong câu chuyện ám sát do đích thân Tổng thống Maduro kể trên truyền hình. Đồng thời dẫn lời thành phần chính trị đối lập trong nước Venezuela nêu quan điểm lo ngại Tổng thống Maduro có thể lợi dụng vụ ám sát hụt này để thực hiện chiến dịch thanh trừng rộng rãi nhằm triệt tiêu các đối thủ chính trị, thành phần chống đối trong nước, từ đó “thâu tóm quyền lực” trong tay.

Sự lo ngại này đã không được chứng minh trong thực tế. 6 người bị bắt giữ hôm 5-8 đều là thành phần bất hảo, hữu khuynh, từng được cơ quan an ninh Venezuela theo dõi sát vì có mối liên hệ trực tiếp với thành phần lưu vong chống đối chính phủ của Tổng thống Maduro và cấu kết với các thế lực thù địch ở bên ngoài nhằm chống phá chính quyền Caracas.

Ngoài 6 trường hợp bị bắt, chính quyền Venezuela chưa có động thái gì gọi là “thanh trừng” thành phần chính trị đối lập.

Hiện Mỹ cũng chưa đưa ra nhận định nào về vụ ám sát hụt. Cách đây vài tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter những câu có ngầm ý nước Mỹ không loại trừ khả năng “đưa quân xâm lược Venezuela” để xóa bỏ tình trạng rối loạn do khủng hoảng kinh tế và chính trị tại nước này.

Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề “xâm lược Venezuela” của ông dường như đã rơi vào quên lãng vì ông mải bận tâm với cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc và cuộc đấu khẩu với Iran, cũng như giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều tiên sau khi ông đã gặp mặt trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Không ít lần Tổng thống Maduro đã lên tiếng tố cáo âm mưu xâm lược Venezuela của chính quyền Mỹ, nhằm mục tiêu thâu tóm các mỏ dầu thô giàu trữ lượng (lớn thứ nhì thế giới sau Saudi Arabia) của nước này.

Tuy rằng Tổng thống Maduro đã may mắn thoát vụ ám sát, nhưng vụ việc đã cho thấy tình hình an ninh, chính trị ở Venezuela đang leo thang căng thẳng theo sau những thông tin liên tiếp về khủng hoảng kinh tế, lạm phát siêu tốc (dự báo có thể lên đến hàng trăm ngàn phần trăm), đời sống người dân vô cùng khó khăn, tình trạng thiếu ăn đã xảy ra nhiều nơi.

Thù trong, giặc ngoài, cộng với tình trạng kinh tế khó khăn đang đặt ra thử thách gay go nhất cho Tổng thống Maduro kể từ khi ông lên kế vị cố Tổng thống Hugo Chavez.

An Châu (tổng hợp)
.
.