Ai đứng sau vụ sát hại giáo sư Palestine ở Malaysia?
- Tình tiết mới trong vụ sát hại nữ nhà báo Thụy Điển Kim Wall
- Cảnh sát London điều tra lại vụ sát hại họa sĩ truyện tranh nổi tiếng Naji al-Ali
Ngày 25-4, cơ quan cảnh sát điều tra Malaysia đã công bố một bức ảnh nghi phạm và chiếc xe gắn máy chúng sử dụng khi gây án. Cơ quan cảnh sát Malaysia cũng cho rằng “nhiều khả năng những kẻ tấn công là người ở Trung Đông hoặc phương Tây” nhưng không nói thẳng ra là người nước nào, trong khi gia đình nạn nhân tố cáo đây là hành động của cơ quan tình báo MOSSAD của Israel.
Phía Israel đã lên tiếng bác bỏ giả thuyết MOSSAD đứng sau vụ sát hại này. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đổ cho việc thanh toán nội bộ của người Palestine do tranh giành quyền lực, nhưng lý lẽ này không đủ thuyết phục.
Lời tuyên bố của gia đình nạn nhân đã được một số quan chức tình báo ở Trung Đông xác nhận. Các quan chức tình báo này cho rằng, vụ sát hại là một trong những hành động trong cuộc chiến chống phong trào Hồi giáo Hamas của Israel. Mục tiêu của MOSSAD trong cuộc chiến này là phá hoại một chương trình lớn của Hamas, đó là cử các nhà khoa học và kỹ sư sáng giá ra nước ngoài để học tập những tri thức khoa học quan trọng, đồng thời tìm cách thu thập khí tài quân sự mang về phục vụ cuộc đấu tranh chống Israel.
Theo báo chí quốc tế, ngoài Batsh còn có nhiều chỉ huy Hamas khác hoạt động ở nước ngoài bị sát hại bởi những tay súng bí ẩn hoặc bị bắt cóc mà giới tình báo đều khẳng định là người của MOSSAD. Năm 2011, Dirar Abu Sisi, một kỹ sư điện người Palestine đã bị bắt cóc ở Ukraina và bị đưa về giam trong nhà tù ở Israel. Anh ta bị kết án 21 năm tù vì giúp Hamas sản xuất tên lửa và nhiều việc khác.
Giáo sư Fadi al-Batsh. |
Năm 2016, Mohammed Zawahiri, một nhà khoa học Tunisia bị bắn chết tại thành phố Sfax. Zawahiri là một chỉ huy quân sự của Hamas, người chủ trì việc phát triển công nghệ thiết bị không người lái trên không lẫn dưới nước. Tháng 1-2018, một vụ nổ bom xe làm trọng thương Mohammed Hamdan, một nhà khoa học khác của Hamas.
Hamdan được cho là giúp Hamas xây dựng một xưởng sản xuất các bộ phận của tên lửa và thiết bị bay không người lái ở Sidon, Liban. Riêng trong gia đình Batsh đã có gần 20 người bị giết trong các vụ không kích của Israel.
Giáo sư Fadi al-Batsh năm nay mới 34 tuổi, là một trong những nhà khoa học trẻ sáng giá của Palestine, sinh trưởng tại Dải Gaza, được phong trào Hamas tuyển chọn để đưa đi nước ngoài đào tạo. Cách đây khoảng 5 năm, Batsh được chú ý đến sau khi đồng tác giả một bài báo viết về các trình ứng dụng trên thiết bị bay không người lái.
Ngay sau đó, ông nhận được học bổng từ nguồn quỹ phúc lợi quốc gia của Chính phủ Malaysia để theo học về kỹ thuật điện tại Đại học Kuala Lumpur. Tốt nghiệp loại giỏi, Batsh được giữ lại để làm giảng viên môn kỹ thuật điện tại trường. Ngoài việc giảng dạy đại học, Batsh còn tham gia giảng dạy về Kinh Koran cho trẻ em Hồi giáo ở vùng ngoại ô Kuala Lumpur, nơi ông sinh sống.
Hầu hết học trò và các đồng nghiệp của Batsh ở trường đại học đều dành cho ông những lời nhận xét đầy thiện cảm, rằng ông là một người hiền lành, tử tế trong giao tiếp, đối xử với mọi người xung quanh, và nhất là rất chăm lo cho gia đình.
Giới chức tình báo thì cho rằng công việc dạy học chỉ là vỏ bọc cho hoạt động ngầm của Batsh. Điều này được xác thực bởi chính những người thân và bạn bè của Batsh. Các tấm băng giăng tại đám tang ông ghi những dòng chữ gọi ông là kẻ “hy sinh vì Đấng tối cao” và gọi ông là “chỉ huy kỹ thuật của Lữ đoàn Qassam” - cánh quân sự của Hamas.
Gần đây, Batsh còn thể hiện thái độ bất bình, lên mạng xã hội chỉ trích Israel gay gắt vì cuộc xung đột biên giới với người Palestine ở Dải Gaza. Vào hôm bị sát hại, Batsh chuẩn bị lên đường đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để dự một hội nghị khoa học. Tuy nhiên, một quan chức tình báo ở Trung Đông nói rằng, chương trình cử các nhà khoa học ra nước ngoài học tập và làm việc của Hamas được điều phối bởi một người tên là Maher Salah, và thực chất việc Batsh đến Istabul chính là để gặp vị chỉ huy này.
Hình ảnh một nghi can do cảnh sát Malaysia công bố. |
Ngoài ra, giới chức tình báo phương Tây và Trung Đông còn cho rằng, có thể Israel nghi ngờ Batsh liên quan đến việc thương thảo mua vũ khí của CHDCND Triều Tiên. Năm ngoái, Ai Cập đã bắt giữ một chuyến tàu chở cấu kiện truyền thông dùng để điều khiển tên lửa đang trên đường đến Gaza. Một quan chức tình báo nói chính Batsh đã giúp đàm phán thương vụ này.
Cái chết của ông Batsh đã khiến cả thế giới thêm một lần chú ý đến Malaysia, vì đây là vụ thứ hai một người nước ngoài bị ám sát bởi một bên nước ngoài khác trên đất Malaysia. Thêm vào đó, vụ sát hại lại xảy ra vào thời điểm Malaysia chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn, vì thế đang gây ra ảnh hưởng nhất định đến an ninh chính trị tại nước này.
Theo giới chức ngành tình báo các nước, Malaysia được xem là có mối quan hệ lâu dài với phong trào Hamas, là một trong những quốc gia trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của người Palestine. Hằng năm, đảng cầm quyền UNMO đều mời các đại biểu của Hamas đến dự hội nghị thường niên của đảng này. Ngoài ra, Malaysia còn dành sự ủng hộ cho người Palestine trên nhiều phương diện khác, như trong đào tạo nhân lực chẳng hạn.
Ngoài Batsh, từ nhiều năm qua, Chính phủ Malaysia và một số tổ chức từ thiện xã hội, như Humanitarian Care Malaysia, đã tài trợ học bổng cho một số trí thức từ Gaza - kể cả một số quốc gia trong khu vực - đến học tập và nghiên cứu khoa học tại Malaysia.