Cảnh sát thuê tin tặc bẻ khóa smartphone để truy tội phạm mạng

Thứ Tư, 24/08/2016, 17:10
Sau vụ Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) gây áp lực với hãng công nghệ Apple mở khóa chiếc iPhone 5c của một tay súng khủng bố khét tiếng để lấy dữ liệu, đến lượt cảnh sát Ấn Độ bắt đầu tìm cách bẻ khóa iPhone - Hãng tin BI vừa cho hay.

Không dễ dàng

Được biết, mục tiêu của cảnh sát thành phố Delhi (Ấn Độ) không chỉ riêng chiếc iPhone mà còn với hơn 6.400 chiếc smartphone khác đến từ thương hiệu BlackBerry và các hãng sản xuất Trung Quốc. Cảnh sát Ấn Độ cũng sẽ không chỉ dừng lại ở việc bẻ khóa iPhone mà sẽ tìm cách lấy cả dữ liệu người dùng lưu trữ trên dịch vụ đám mây iCloud.

Cảnh sát Ấn Độ muốn bẻ khóa iPhone và smartphone.

Hiện chưa có bất kì thông tin nào cho thấy phía Ấn Độ đã thành công trong vụ việc này. Tuy nhiên, họ vẫn đang ráo riết tìm kiếm đối tác có thể giúp họ thực hiện điều này. Trong quá trình tìm kiếm, những tin tặc cũng có thể được sử dụng nếu cần thiết.

Việc mở khóa iPhone cùng những điện thoại của các hãng khác  sẽ không hề đơn giản do các chính sách bảo mật của Apple và những công ty công nghệ.

Tờ Thời báo Ấn Độ cho hay, cảnh sát Delhi hi vọng sau khi có được dữ liệu người dùng họ có thể giải mã được cả những thông tin mà họ trao đổi với nhau qua dịch vụ WhatsApp. Tuy nhiên, đây là các dữ liệu đã được mã hóa đầu cuối nên chắc chắn sẽ không đơn giản. Thậm chí, các nhà chức trách Ấn Độ còn nuôi tham vọng sẽ tiếp cận với cả danh bạ, lịch sử cuộc gọi đến và đi, nội dung tin nhắn của người dùng và những thông tin về vị trí địa lý qua các dịch vụ khác như: Line, Viber, Foursquare, Dropbox,… nếu việc mở khóa và giải mã thành công.

Bênh cạnh việc tìm cách mở khóa iPhone, tìm kiếm các công cụ xâm nhập mật khẩu tài khoản, email cá nhân… cảnh sát Ấn Độ cũng đang tìm kiếm cả những phần mềm có khả năng phát hiện và ngăn chặn mã độc tấn công. Ngoài ra, họ cũng đang tích cực đào tạo những kĩ sư công nghệ cao, chuyên đối phó với tội phạm mạng và để giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty công nghệ bên ngoài hay những tin tặc.

Trước đó vài tháng, cũng một vụ việc liên quan tới mở khóa iPhone xảy ra tại Mỹ. FBI đã yêu cầu Apple hỗ trợ cơ quan này mở khóa chiếc iPhone 5C cũ của tay súng khủng bố Syed Farook, tuy nhiên, giám đốc điều hành của công ty công nghệ Tim Cook với lý do bảo vệ quyền lợi khách hàng, đã thẳng thừng từ chối cơ quan trên. Vụ việc này đã gây tiếng vang toàn cầu. FBI sau đó phải chi hơn 1 tỷ USD để mời chuyên gia mở khóa.

Tội phạm mạng đang là thách thức lớn nhất đối với quốc gia

Theo mạng tin Zeenews, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh mới đây nhận định tội phạm mạng đang là thách thức lớn nhất đối với quốc gia Nam Á này. Phát biểu tại Hội nghị về an ninh do Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM), tổ chức tại New Delhi, Bộ trưởng Sight cho rằng, tội phạm mạng là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và việc tiếp cận các công nghệ trên toàn cầu trong bối cảnh không gian mạng đang được sử dụng ngày càng nhiều vào việc kích động giới trẻ.

Tội phạm mạng đang là thách thức lớn nhất đối với quốc gia Nam Á.

Ông cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự gia tăng theo cấp số nhân của tội phạm mạng, đồng thời nhấn mạnh cần tập trung vào việc phát hiện và truy tố tội phạm mạng. Theo Bộ trưởng Singh, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã thành lập một nhóm chuyên gia để nghiên cứu và đưa ra các lộ trình cần thiết nhằm đối phó với loại tội phạm này. Ấn Độ cũng đang thúc đẩy thành lập một trung tâm điều phối tội phạm mạng.

Phạm vi ảnh hưởng của tội phạm mạng ở Ấn Độ đã lan ra mạnh mẽ trong năm 2015 với 72% công ty trở thành con mồi của những đợt tấn công mạng, một báo cáo cho hay. "Khoảng 72% các công ty của Ấn Độ phải một mình đối mặt với những đợt tấn công mạng trong năm nay. 94% người trả lời cho biết tội phạm mạng là một sự đe dọa nghiêm trọng đối với các tổ chức. Nhưng điều bất ngờ là chỉ 41% cho rằng đó nên là một phần trong các chương trình nghị sự", báo cáo điều tra về tội phạm mạng năm 2015 của KPMG, được thực hiện bởi KPMG Ấn Độ, một công ty dịch vụ chuyên nghiệp, cho biết.

83% người tham gia khảo sát chỉ ra rằng thường có sự tham gia bên ngoài trong các cuộc tấn công mạng mà các giám đốc và quản lý là những người có nguy cơ bị xâm phạm nhất. "Cũng là báo động khi lưu ý là 54% người cho rằng, dùng tiền vào đảm bảo an ninh mạng chỉ nên ít hơn 5% số tiền đầu tư cho công nghệ thông tin".

Ủy viên hội đồng cảnh sát Mumbai Ahmed Javed kêu gọi các công ty hãy tìm đến cảnh sát thay vì để những sự cố xảy ra mà không hề báo cáo. "Lý do cho điều này (sự cố không được báo cáo) thường là vì các công ty sợ danh tiếng của mình sẽ bị bôi nhọ trên thị trường hoặc giá cổ phiếu sẽ bị đi xuống", Javed nói. Ngoài ra, sự tiến bộ và việc áp dụng công nghệ đã cho phép những kẻ tội phạm tận dụng để thực hiện hành vi phạm pháp. Cảnh sát Mumbai thông báo, họ có một trạm cảnh sát mạng chuyên dụng và liên tục gia tăng sức mạnh qua các khóa đào tạo để đối phó với những tình huống gây nguy hiểm.

"Điều này rất quan trọng đối với các công dân, bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân. Mọi người cần phải nhận thức được những mối nguy trên mạng để không trở thành con mồi của những đợt tấn công. Chúng tôi đang thực hiện một chương trình nhằm giáo dục và tạo nên nhận thức giữa công dân với những mối nguy hại trên mạng", Javed nhấn mạnh.

Văn Nguyễn -T.L. (tổng hợp)
.
.