Ấn Độ: Thám tử tư trong văn hóa hôn nhân
Ngày càng có nhiều người Ấn Độ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để thuê thám tử tư điều tra "lý lịch" của cô dâu hay chú rể tương lai - từ chuyện đời sống tình dục như thế nào cho đến khả năng tài chính hay sinh hoạt thường ngày của ý trung nhân... Do nhu cầu ngày càng cao nên các công ty thám tử tư mọc lên như nấm ở Ấn Độ.
Thời gian trung bình cho một cuộc điều tra tiền hôn nhân là vào khoảng 12 đến 25 ngày, với giá dịch vụ khá cao từ 25.000 đến 40.000 rupee Ấn Độ (tương đương 512 đến 820 USD). Các phương pháp bao gồm theo dõi, giả trang, lùng sục mạng xã hội và thâm nhập mối quan hệ xã hội của đối tượng. Còn "nội dung" của cuộc điều tra bao gồm: Đối tượng có nghiện rượu không? Có mối quan hệ yêu đương nào khác trong quá khứ? Có sử dụng ma túy? Giới tính thật là gì? Và gia cảnh nghèo hay giàu? Mẹ chồng tính nết như thế nào? (Bởi vì ở Ấn Độ còn phổ biến trường hợp cô dâu chung sống với mẹ chồng.
Theo tiết lộ của Usha, thám tử tư làm việc cho Công ty Venus Detective ở Mumbai, ngày càng có nhiều khách hàng quan tâm tìm hiểu tính tình của mẹ chồng tương lai). Tuyệt đại đa số những cuộc điều tra được thực hiện theo yêu cầu của các bậc cha mẹ muốn biết "tính nết" của con rể tương lai - Rahul Rai, Giám đốc điều hành Công ty Veteran Inestigations, cho biết. Đội ngũ thám tử của Rahul Rai sử dụng camera gián điệp giấu trong đồng hồ, chùm chìa khóa, hộp đựng đồ nhỏ và nút áo sơ mi... Những cuộc điều tra của Rahul Rai thường đem lại các kết quả khá bất ngờ phục vụ cho khách hàng.
Có khoảng 15.000 công ty cung cấp dịch vụ loại này trên khắp nước Ấn Độ hiện nay, thực hiện trung bình từ 50 đến 100 cuộc điều tra/tháng trong suốt thời gian cao điểm của mùa cưới - theo Kumar Vikram Singh, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà điều tra và Thám tử tư Ấn Độ (APDI). Vikram Singh cho biết, lĩnh vực hoạt động này tăng trưởng 300% trong vòng 5 năm qua do ngày càng nhiều người Ấn Độ chọn bạn đời trên Internet thay vì chấp nhận cuộc hôn nhân do cha mẹ họ sắp đặt.
APDI là tổ chức quốc gia hàng đầu của Ấn Độ, nơi quy tụ những thành viên là giới lãnh đạo trong lĩnh vực điều tra, được thành lập vào tháng 6/2005. Mục tiêu của APDI là thống nhất, đại diện và tuyên truyền cho nghề điều tra tư nhân ở Ấn Độ. Vikram Singh cho rằng, điều tra tiền hôn nhân dứt khoát không là hành vi gián điệp và nói rằng, trong bối cảnh văn hóa Ấn Độ hiện nay thì hoạt động được coi là hoàn toàn phù hợp đạo đức.
Từ trái qua: Rahulk Rai điều hành Veteran Investigation; Bhawna Paliwal đang điều tra một đối tượng; Thám tử Ajit Singh đang làm việc trong văn phòng ở New Delhi. |
Trong cộng đồng thám tử tư cũng có mặt nữ giới. Bhawna Paliwal là đồng sáng lập Tejas Detective Agency ở New Delhi. Trang bị điện thoại camera và khả năng giả trang, Paliwal điều tra cuộc sống bí mật của vô số những người chồng và người vợ tương lai. Paliwal hiện đã bước vào tuổi 30, lớn lên trong một ngôi làng ở bang Uttar Pradesh, có thời gian làm phóng viên cho một tạp chí trước khi trở thành thám tử. Chị và các đồng nghiệp nữ nhấn mạnh rằng phụ nữ thường đóng vai trò thám tử tốt hơn nam giới bởi vì họ chú ý đến nhiều chuyện vặt vãnh hơn, đồng thời cũng có trực giác hơn.
Paliwal tiết lộ nguồn thông tin chính yếu thường đến từ những người giúp việc trong gia đình, tài xế và đầu bếp. Không khó lý giải tại sao có hiện tượng bùng nổ nữ thám tử tư. Pradeep Sharma, nữ thám tử của Times Detective Agency, cho biết: "Phụ nữ có thể dễ dàng xâm nhập bất cứ gia đình nào, nói chuyện với bất cứ ai mà không bị nghi ngờ. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ kết thúc nhiệm vụ nhanh chóng hơn nam giới".
Tại sao phải tìm đến công ty thám tử khi mà những công ty dịch vụ hôn nhân không thiếu? "Người ta tìm đến chúng tôi để điều tra đối tượng và khi công việc hoàn tất họ còn muốn chúng tôi tiếp tục ở lại lo cho đám cưới", Kulothunga Cholan - Giám đốc Công ty Detective International, gọi tắt là DIL cho biết - công ty chúng tôi còn hỗ trợ tư vấn khách hàng về mặt chiêm tinh, coi ngày lành tháng tốt v.v… Hơn nữa, công ty thám tử tư còn được yêu cầu đảm bảo an ninh cho đám cưới trong một số trường hợp đặc biệt.
Cholan giải thích: "Nếu như chú rể hay cô dâu từng có một mối tình hay đã trải qua một cuộc hôn nhân trước đó, gia đình hai bên sẽ yêu cầu chúng tôi giữ gìn an ninh vì lo ngại sẽ có rắc rối xảy ra trong đám cưới”.
Anupam Mittal, người sáng lập trang web tư vấn hôn nhân Shaadi.com (Shaadi là tiếng Hindi để chỉ đám cưới) của Ấn Độ, khuyên nên thuê thám tử tư khi chú rể và cô dâu tương lai sống ở hai nơi khác nhau, ví dụ như một người ở Bangalore còn người kia ở Hyderabad.
Anupam Mittal nói: Với khoảng 30.000 cô dâu bị ruồng bỏ mỗi năm, thường là bởi người chồng sống ở nước ngoài, cơ quan chuyên trách những vấn đề về người Ấn Độ ở hải ngoại khuyên các gia đình nên thuê thám tử tư để điều tra lý lịch của người cầu hôn một cách chặt chẽ nhằm tránh bị mất của hồi môn - phần tài sản không được luật pháp quy định nhưng rất phổ biến trong giới thượng lưu ở Ấn Độ. Theo số liệu thống kê của cơ quan này, mỗi năm có từ hàng trăm đến hàng ngàn cô dâu Ấn Độ bị lừa dối hay chọn nhầm người chồng xấu