Anh: Gia tăng tội phạm tấn công bằng dao

Thứ Tư, 18/04/2018, 17:44
Theo báo cáo đăng trên BBC News, số vụ tội phạm tấn công bằng dao đang có chiều hướng gia tăng tại thành phố London, thủ đô nước Anh. Chỉ riêng trong quý 1 năm 2018, số vụ tấn công bằng dao gây chết người đã gần bằng một nửa số vụ trong cả năm 2017 (79 vụ).

Tính ra mỗi ngày thành London có khoảng 10-15 vụ tấn công bằng dao gây thương vong. Từ tháng 2-2016 đến tháng 2-2018, mỗi tháng xảy ra trung bình 360 vụ tấn công bằng dao. Riêng trong tháng 4-2017 đã xảy ra 420 vụ tấn công bằng dao, trung bình 14 vụ mỗi ngày.

Nước Anh cấm sở hữu súng. Thậm chí 90% cảnh sát ở London cũng không mang súng. Vì thế, bạo lực súng đạn tại xứ sở sương mù hầu như không phải là vấn nạn như ở Mỹ. Thay vào đó là tình trạng bạo lực sử dụng dao và các vật nhọn khác ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ngay cả bạo lực súng đạn cũng gia tăng song song. Có nghĩa là, bạo lực đang “lên ngôi” tại Anh.

Thị trưởng London Sadiq Khan.

Những công nhân và dân thường tại London cho biết họ đang ngày càng chứng kiến nhiều vụ bạo lực dùng dao và cả súng xảy ra hằng ngày. Báo cáo của cảnh sát cũng cho thấy tính đến tháng 9-2017, bạo lực dùng dao và súng đã tăng 20% so với năm trước.

Đặc biệt đáng báo động là bạo lực bằng dao đang tác động đến trẻ vị thành niên. Một số báo cáo đưa ra con số trẻ em dưới 16 tuổi phải chữa trị các vết thương do dao gây ra đã tăng đến 60% trong 5 năm qua. Từ đầu năm 2018 đã có 10 trẻ em đã bị giết, trong đó 7 vụ bằng dao.

Từ năm 2012, trẻ em dưới 15 tuổi bị thương do tấn công bằng dao đã tăng 85%. Bệnh viện Hoàng gia London báo cáo rằng các vụ đâm dao liên quan đến trẻ dưới 18 tuổi đã tăng hơn 1/3 trong quý 1 năm nay so với quý 1 năm 2017. Đặc biệt, bệnh viện này cho biết đã chứng kiến sự gia tăng số vụ bạo lực dùng súng.

Mặc dù nước Anh cấm sử dụng súng nhưng bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 10 ca bị bắn bằng súng trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 4-2017. Cùng kì, năm nay, con số đã tăng lên 23 ca. Các bệnh viện khác ở London cũng báo cáo tình hình gia tăng tương tự.

Tom Isaac, lãnh đạo chương trình hỗ trợ thanh thiếu niên ở London phân tích: Trước đây, độ tuổi nạn nhân các vụ đâm dao là khoảng 16-18 tuổi, nay kéo xuống 15-17 tuổi. Trước đây, trẻ dưới 15 tuổi bị đâm bằng dao là điều bất thường thì nay điều đó đã trở thành bình thường. Tình trạng trẻ em mang vũ khí gây sát thương cũng có chiều hướng tương tự.

Đặc biệt nghiêm trọng là một số vụ việc trẻ em tham gia vào băng nhóm bạo lực. Ông Isaac cho biết, từ khi thành lập đến nay, năm 2018 là năm bận rộn nhất của chương trình của ông. Số lượt nạn nhân nhỏ tuổi tìm đến chương trình nhiều nhất từ trước đến nay.

Trước ý kiến dư luận ngày càng mạnh về tình trạng bạo lực bằng dao và súng, chính quyền thành phố London đã bắt đầu có hành động, thông báo sẽ phân bổ thêm kinh phí cho việc ứng phó với bạo lực bằng dao. Lý giải về nguyên nhân bạo lực gia tăng, chính quyền thành phố London cho rằng tình trạng này có liên quan đến sự gia tăng sử dụng ma túy, bên cạnh đó là điều kiện ghi nhận và báo cáo về hoạt động tội phạm được cải thiện tốt hơn.

Cảnh sát London phong tỏa hiện trường một vụ tấn công bằng dao.

Tuy nhiên, những người làm công tác thanh thiếu niên cho rằng, việc tăng cường sự hiện diện của cảnh sát tuần tra trên đường phố sẽ không giúp chấm dứt các vụ tấn công bằng dao ở London. Họ cho rằng giáo dục và hỗ trợ chính là giải pháp có phần căn cơ hơn để giúp thanh thiếu niên không ra đường quậy phá và tránh xa bạo lực.

Cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát đô thị London Cressida Dick đồng tình với quan điểm này. Bà nói: “Chúng ta sẽ không thể dùng sức mạnh công quyền để giải quyết được vấn đề này, và chúng ta cũng sẽ không tự mình làm được. Các cơ quan và cộng đồng ở London đều cần phải góp phần cùng chung vai thực hiện.”

Thị trưởng London Sadiq Khan viết trên Twitter: “Không tha thứ. Không thể có lý do gì để mang dao trong người. Bất cứ ai mang dao sẽ bị bắt và sẽ bị pháp luật trừng trị”. Ngay lập tức dòng Twitter của ông Khan bị nhiều cư dân London, đặc biệt là giới trẻ phản ứng. Một số người trẻ lý luận rằng, do cảm thấy không an toàn mỗi khi ra đường nên họ thủ dao trong người như một cách tự bảo vệ mình.

“Tôi không có lựa chọn nào khác. Mang theo dao làm cho tôi cảm thấy an toàn hơn” - Jermaine Lawlor, cư dân khu Đông London khẳng định. Nhưng một số ý kiến khác chỉ trích còn gay gắt hơn, nhất là khi có thông tin cho rằng tình hình tội phạm giết người ở London trong năm nay tăng cao hơn thành phố New York - vốn xưa nay nổi tiếng là thành phố có tỉ lệ tội phạm rất cao.

Người ta chỉ trích ông Khan là không đặt mình vào hoàn cảnh của người dân khi đi trên phố vào ban đêm mà không có vệ sĩ đi kèm như ông.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc mang dao trong người khi đi trên đường không làm cho người ta an toàn hơn mà ngược lại kém an toàn hơn. Chỉ là, do biết những kẻ xấu cũng mang dao có thể gây hại cho mình nên khi mang dao họ có cảm giác an toàn, chứ thực ra là kém an toàn. Hơn nữa, luật pháp ở Anh quy định cấm bán dao có lưỡi rộng hơn 10cm cho người trẻ dưới 18 tuổi, và người dưới 18 tuổi cũng bị cấm nang dao có bản rộng tương tự.

Nói chung, các chuyên gia cho rằng dù gì thì cũng không nên mang vũ khí, vì vấn đề mang vũ khí phòng thân và bạo lực sẽ trở thành cái vòng luẩn quẩn khó giải quyết.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.