Anh bán vũ khí trái phép cho Saudi Arabia ở Yemen
Ngày 20-6, Tòa phúc thẩm Anh đã ra phán quyết việc bán vũ khí của Anh cho Saudi Arabia là bất hợp pháp, do các quan chức Chính phủ Anh đã không đánh giá đúng về mức độ sử dụng vũ khí Anh trong các cuộc không kích bừa bãi của Saudi Arabia tại Yemen. Phán quyết được Tòa phúc thẩm đưa ra sau khi xem xét đơn thỉnh nguyện của nhóm Chiến dịch chống buôn bán vũ khí, trong đó tố cáo Anh vi phạm luật pháp nhân đạo quốc tế.
Tòa kết luận rằng quyết định bán vũ khí đã bị “sai quy trình” và yêu cầu Chính phủ Anh phải tiến hành ngay việc đánh giá lại toàn bộ hợp đồng bán vũ khí đã ký kết. Hiện, Chính phủ Anh vẫn đang tìm cách để “lách” phán quyết này hoặc kháng cáo.
Cuộc nội chiến tại Yemen bắt đầu nổ ra vào tháng 3-2015, sau đó nhanh chóng biến thành cuộc chiến giữa liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu với lực lượng phiến quân Houthi chống Chính phủ Yemen. Qua hơn 4 năm, cuộc chiến này hiện đang tạo ra một trong những thảm họa nhân đạo lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo mới nhất của Dự án Thu thập dữ liệu về sự kiện và vị trí xung đột vũ trang (ACLED), số người chết trong cuộc chiến Yemen đã vượt mốc 100 nghìn, hàng trăm nghìn người khác bị thương và hàng triệu người mất nhà cửa, tính từ đầu cuộc chiến. Clionadh Raleigh, Giám đốc điều hành của ACLED cho biết, có đến 4,500 vụ tấn công trực tiếp nhắm vào dân thường làm chết 11.700 người, trong đó liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu chịu trách nhiệm 67%, tức hơn 8.000 người chết, phiến quân Houthi chịu trách nhiệm 16% (1.900 người chết).
Khí tài Anh được sử dụng trong cuộc chiến gây ra cái chết cho hàng chục ngàn dân thường Yemen. |
Ngoài lực lượng tham chiến, đa phần cái chết của dân thường cũng do bom đạn của các cuộc không kích và tấn công của hai bên gây ra, trong đó đáng chú ý là hàng ngàn cuộc không kích bừa bãi của quân đội Saudi Arabia.
Một phóng sự dài đăng trên báo The Guardian (Anh) đưa ra đúc kết rằng, người dân Yemen hiện mang trong lòng nỗi căm thù đối với quân đội Saudi Arabia, Mỹ và Anh, bởi thảm họa chết chóc gieo rắc xuống đầu họ chủ yếu đến từ những cuộc không kích của liên quân Saudi Arabia, mà vũ khí, bom đạn lại do Anh, Mỹ cung cấp.
Bên cạnh vai trò của Mỹ đã quá rõ ràng, The Guardian đặc biệt quan tâm phân tích vai trò của nước Anh, với việc cung cấp khí tài và huấn luyện kỹ thuật điều khiển máy bay chiến đấu ném bom xuống Yemen.
Theo các tài liệu nộp tại tòa án, tính từ đầu cuộc chiến Yemen, Chính phủ Anh đã cấp phép bán vũ khí cho Saudi Arabia với giá trị tương đương 4,7 tỉ bảng Anh, trong đó hầu hết hợp đồng bán vũ khí được thực hiện trước năm 2018. Điều tra của nhóm Chiến dịch chống buôn bán vũ khí còn cho biết, vũ khí Anh bán cho Saudi Arabia chủ yếu do hãng vũ khí hàng đầu nước Anh BAE Systems cung cấp.
Các vũ khí này được sản xuất tại 3 địa phương của nước Anh là Glenrothes (Scotland), Harlow và Stevenage ở vùng đông nam nước Anh. BAE không chỉ cung cấp máy bay chiến đấu mà còn cả bom để trang bị cho các phi vụ không kích ở Yemen.
Trang bị vũ khí thôi chưa đủ, người Anh còn cung cấp cả kỹ thuật và công nghệ quân sự, cung cấp nhân sự để huấn luyện, hướng dẫn và chỉ đạo triển khai các loại vụ khí, điều khiển chiến dịch, trong đó có việc chọn lựa các mục tiêu tấn công từ xa. Hồ sơ tại tòa án cho biết có 80 quân nhân thuộc biên chế Không lực Hoàng gia Anh thường xuyên làm việc tại Saudi Arabia để hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ cam kết trong hợp đồng mua bán vũ khí.
Trong các cuộc điều trần trước Quốc hội, Chính phủ Anh luôn biện minh rằng mình không có vai trò gì trong các cuộc không kích làm chết nhiều dân thường ở Yemen. Các hành động quân sự tại Yemen chủ yếu do quân đội Saudi Arabia trực tiếp thực hiện và quân đội Anh cũng như nhân sự của nhà thầu quốc phòng không trực tiếp tham gia. Tuy vậy, việc vũ khí Anh trực tiếp gây ra cái chết cho hàng chục ngàn dân thường tại Yemen bị xem như đã vi phạm luật pháp nhân đạo quốc tế đối với các cuộc xung đột vũ trang.
Từ năm 2016, hàng loạt quốc gia châu Âu như Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ đã ngưng cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia do lo ngại chúng có thể được sử dụng cho cuộc chiến tại Yemen. Chỉ riêng nước Anh và đồng minh Mỹ bất chấp mọi rủi ro, tiếp tục cung cấp khí tài cho Riyadh.
Ngoài ra, hồ sơ tòa án cũng cho thấy khi Saudi Arabia nhận thấy chỉ không kích thì không thể thắng được quân Houthi nên đã tung chiến dịch trên bộ tại miền Bắc Yemen. Tham gia chiến dịch này không chỉ có quân đội Chính phủ Yemen và các nước đồng minh mà còn có cả lực lượng đặc nhiệm của quân đội Anh. Sự hiện diện của đặc nhiệm Anh tại Yemen không được chính thức thừa nhận nhưng giới quân sự các nước đều biết.
Tờ The Guardian dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Anh cho biết quyết định hỗ trợ quân sự cho Saudi Arabia trong cuộc chiến tại Yemen bắt đầu hình thành từ cuộc gặp giữa các bộ trưởng Anh với Thái tử Mohammed Bin Salman trong chuyến thăm nước Anh hồi tháng 3-2018. Tại chuyến thăm đó, Bin Salman đã hội kiến Nữ hoàng Anh và ký một bản ghi nhớ mua 48 chiếc máy bay chiến đấu trị giá 10 tỉ bảng nhằm tăng cường năng lực cho cuộc chiến tại Yermen.
2 tháng sau, vào ngày 23-5-2018, Ngoại trưởng Anh khi đó là ông Boris Johnson đã ra một tuyên bố trong đó thận trọng cam kết cử một lực lượng quân sự sang Saudi Arabia để “hỗ trợ về mặt thông tin, cố vấn và trợ giúp ngăn chặn hiểm họa” từ phiến quân Houthi.