Argentina cải tổ bộ mặt cảnh sát
Theo Sebastián Basso, giáo sư khoa học xã hội đang điều hành chương trình quản lý và sách lược an ninh tại Trường đại học Giáo hoàng Argentina: "Mọi người hết sức lo sợ rằng họ không còn đủ sức chịu đựng những vụ phạm tội bạo lực tràn lan như cướp có vũ khí, cướp trên đường phố và bắt cóc đòi tiền chuộc".
Theo một khảo sát hồi tháng 1-2017 của phòng thí nghiệm nghiên cứu tội phạm thuộc Trường đại học Torcuato Di Tella, 30,1% hộ gia đình trong thành phố tự trị này cho biết họ từng là nạn nhân của một vụ án cướp giật trong 12 tháng trước đó, tăng hơn so với 27,4% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thật có thể còn cao hơn, như nhận xét của cựu công tố viên hình sự Martín Etchegoyen Lynch - thành viên danh dự của Usina de Justicia, một tổ chức dân sự thúc đẩy cải thiện công lý và hoạch định sách lược cho Chính phủ Argentina.
Một số lớn các vụ phạm tội không được báo cáo, làm nổi bật đặc trưng khá phổ biến tại quốc gia Mỹ Latinh này, đó là "thiếu sự tin tưởng vào cảnh sát và hệ thống tư pháp".
Đây quả là một thách đố lớn đối với Martín Ocampo, Trưởng Ban tư pháp và an ninh Buenos Aires. Ông đang nhắm đến việc tăng cường sự hiện diện cảnh sát trên các đường phố, sử dụng nhiều công nghệ mới hơn và cải thiện các mối quan hệ giữa cảnh sát và cộng đồng. Tuy nhiên, ông có vẻ khoa trương khi cho rằng bạo lực có xu hướng giảm "nhờ hoạt động của cảnh sát tốt hơn" và nhờ thông tin tình báo, trước khi dẫn số liệu cảnh sát cho thấy các vụ án mạng tại Buenos Aires giảm từ 165 vụ năm 2015 xuống còn 95 vụ năm ngoái.
Tháng 1-2017, chính quyền thủ đô Buenos Aires giao trách nhiệm giám sát an ninh cho lực lượng cảnh sát, trước kia vốn dưới sự kiểm soát của liên bang. Hội đồng thành phố giờ đã ban hành các chính sách an ninh riêng, mà theo ông Ocampo tranh luận, giúp cho cảnh sát tự do tiếp tục công việc của mình còn hơn phải đáp ứng những lợi ích về chính trị.
Các kế hoạch tăng cường sử dụng công nghệ nhắm đến triển khai các sĩ quan cảnh sát sao cho hiệu quả hơn trước. Trong nhiều tình huống hiện nay, camera an ninh quanh thủ đô được quản lý từ trung tâm điều hành. Khi phát hiện hành vi phạm pháp, thông tin tình báo sẽ được truyền tiếp đến các sĩ quan tại hiện trường. Trở ngại dễ thấy là nhiều thông tin quan trọng được lưu trữ trên những cơ sở dữ liệu riêng biệt, một tình huống cản trở các chiến dịch truy quét tội phạm của cảnh sát.
Đầu năm 2017, thủ đô Buenos Aires đã giao cho lực lượng cảnh sát trách nhiệm tuần tra đường phố và giám sát an ninh cho công dân. |
Ông Ocampo đang tìm cách điều chỉnh lại. Theo ông, bí mật của tiến trình này là sự tích hợp. Bước tiếp theo là củng cố dữ liệu thành một nền tảng vững chắc - một chủ thể khách quan mà một sĩ quan cảnh sát có thể gõ tên một kẻ tình nghi lên hệ thống để tra cứu các thông tin như địa chỉ thường trú, đăng ký biển số xe, tiền án - tiền sự, hay chi tiết về hoạt động của y. Dữ liệu vững chắc có thể giúp rút ngắn nhiều giờ thậm chí nhiều tháng điều tra so với việc "lọ mọ" tìm thông tin lưu trữ rời rạc.
Phần mềm có thể giúp phân tích dữ liệu để phân định chính xác thời gian đỉnh điểm và những điểm nóng đối với một vụ án nào đó. Ông Ocampo phân tích: "Chúng tôi có thể dự đoán trước những gì có thể xảy ra tiếp theo. Với thuật toán dự báo chính xác từ sự hỗ trợ của máy tính công nghệ cao, chúng tôi muốn làm sao cho việc phạm tội trong thành phố trở nên khó xảy ra, bọn tội phạm không thể ra tay. Và nếu chúng phạm tội, chúng thừa biết rằng cảnh sát sẽ có mặt ngay tức khắc để bắt chúng".
Gần đây, một viện trung ương đứng ra tổ chức các khóa đào tạo dành cho cảnh sát, cho "ra lò" những sĩ quan có trình độ đại học biết sử dụng công nghệ hiện đại nhất. Cải thiện hình ảng không mấy đẹp đẽ của lực lượng cảnh sát trở nên tốt hơn trong con mắt các công dân Buenos Aires là mục tiêu quan trọng. Một cơ quan trung lập được thành lập để giám sát lực lượng cảnh sát, biến các hoạt động của cảnh sát trở nên gần gũi công chúng.
Một mục đích nữa là khích lệ nhiều cá nhân hơn trong lực lượng cảnh sát dám tố cáo nếu phát hiện chuyện sai trái. Nhiều đại diện chính phủ đang được phái đến các buổi "họp tổ dân phố" để giám sát những lo lắng của người dân địa phương, và tuyên truyền ý tưởng "người dân có thể gửi kiện cáo đến cảnh sát mà không sợ lọt thông tin tới tai bọn tội phạm hoặc cảnh sát biến chất".
Ông Ocampo khẳng định: "Mục tiêu là ý tưởng này sẽ trở thành một hệ thống kiểm soát liên tục bởi mọi công dân. Chúng tôi không chỉ muốn cảnh sát đừng biến chất, mà còn muốn họ làm được việc tốt mỗi ngày".
Ở cửa hàng sách thủ đô Libros del Pasaje, nơi Ignacio Pattin làm việc suốt 10 năm qua, anh này tin rằng công nghệ là quan trọng. Sau một vụ cướp có vũ khí cách đây nhiều năm, chủ cửa hàng cho lắp camera an ninh bên trong và từ đó tới nay không còn bị cướp nữa. Tuy nhiên, bên ngoài cửa hàng cà phê vẫn còn hiện tượng mất cắp túi xách và laptop, do có nhiều kẻ rình rập để cướp bất kỳ món đồ có giá trị nào.
Nhưng nói chung, Pattin vẫn dán một thông báo về cuộc sống ở thủ đô có thể làm ấm lòng ông Martín Ocampo: "Các bạn phải hết sức cẩn thận và tránh những tình huống có thể khiến bạn bị cướp. Nhưng tôi không còn sợ khi ra đường phố nữa".