Bệnh án tâm thần và những “liên minh ma quỷ”

Bài 2: Trùm ma túy đội lốt “bệnh nhân tâm thần”

Thứ Ba, 04/09/2018, 17:00
Sau khi Công an TP Hà Nội khám phá đường dây làm bệnh án tâm thần giả cho đối tượng phạm tội hình sự có sự tham gia của 2 cán bộ đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, chúng tôi tiếp tục ghi nhận phản ánh của cơ quan điều tra về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, xử lý một số vụ án mà đối tượng gây án sử dụng bệnh án tâm thần nhằm mục đích đối phó với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Đây là thực trạng không chỉ đòi hỏi những người công tác trong ngành y cần nâng cao y đức trong chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần, mà còn đặt ra yêu cầu với các cơ quan chức năng cần có giải pháp hiệu quả nhất trong quản lý và xử lý các đối tượng phạm tội hình sự có bệnh án tâm thần, góp phần vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, đảm bảo không để xảy ra oan sai nhưng cũng không để lọt tội phạm...

Sau khi phạm tội thì đồng loạt... tâm thần(?!)

Mới đây, một vụ án đã được Cơ quan CSĐT (Phòng CSĐT tội phạm về ma túy) kết luận điều tra nhưng bất ngờ, bị can lại xuất trình bệnh án tâm thần khiến cho việc điều tra, truy tố bị ảnh hưởng - đó là vụ án “Mua bán, tàng trữ, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy” xảy ra tại quán karaoke Cẩm Hương (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội), địa điểm tụ tập ăn chơi “bay lắc” của dân chơi Hà thành một thời.

Theo đó, cuối năm 2016, vợ chồng Trần Thị Hương và Nguyễn Văn Cường đã biến quán karaoke thành “động lắc” chủ yếu hoạt động về đêm, thuê một số nhân viên quản lý, cung cấp ma túy và “đồ nghề” sử dụng ma túy cho khách cũng như tiến hành thu tiền phòng hát được tổ chức thành “phòng bay”.

Rạng sáng ngày 1-1-2017, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp Công an huyện Thường Tín đã tổ chức triệt phá động lắc này, tạm giữ gần 100 dân chơi và nhân viên, thu giữ tại các phòng hát 58 viên thuốc lắc, 4 túi ketamin, các dụng cụ sử dụng ma túy...

Quá trình kiểm tra, lực lượng công an đã bắt quả tang đối với chủ quán Nguyễn Văn Cường về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy tại tầng 1 của quán, thu giữ trên người Cường 5 viên ma túy tổng hợp trọng lượng 1,530 gam; bắt khẩn cấp Trần Thị Hương về hành vi mua bán trái phép ma túy và chứa chấp sử dụng trái phép ma túy; bắt khẩn cấp Hồ Thị Thực (nhân viên quản lý) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy; bắt khẩn cấp 2 khách chơi là Nguyễn Văn Dũng (37 tuổi) và Nguyễn Văn Nam (30 tuổi), đều ở Thường Tín, Hà Nội, về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Đối tượng Nguyễn Thị Bình trong một lần bị bắt giữ tại cơ quan Công an.

Quá trình điều tra vụ án, do Trần Thị Hương đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 36 tháng và Nguyễn Văn Nam chuẩn bị lấy vợ (lịch cưới vợ của Nam là 3 ngày sau khi bị bắt) nên cơ quan điều tra đã tạo điều kiện để 2 bị can này được tại ngoại. Trong thời gian tại ngoại, chưa bị bắt giam, cả Hương và Nam đã đi khám và nằm viện điều trị... tâm thần.

Chờ khi cơ quan điều tra có kết luận điều tra, cả hai cùng xuất trình bệnh án tâm thần nên Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với 2 bị can này.

Bị can Trần Thị Hương và Nguyễn Văn Nam có bị bệnh tâm thần hay không, đang phải chờ kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y tâm thần mới rõ. Thế nhưng, việc cùng lúc 2 bị can trong 1 vụ án bỗng dưng phát bệnh tâm thần là điều khá đặc biệt và không tránh khỏi những hồ nghi. Bởi thực tế, đã có đối tượng trong thời gian bỏ trốn sau khi gây án đã tìm cách xoay xở để có trong tay bệnh án tâm thần làm “bảo bối” đối phó với cơ quan pháp luật.

Đó là trường hợp “trùm ma túy” Phạm Ngọc Duy (41 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Theo Cơ quan điều tra, trong thời gian chấp hành án về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” tại Trại giam Phú Sơn, Duy quen Hoàng Thế Mạnh (29 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội). Năm 2015, sau khi cả hai ra tù, Duy móc nối với Mạnh để thuê vận chuyển ma túy.

Đêm 13-6-2015, Duy hẹn Mạnh đến phố Đội Cấn, giao cho 1 gói ma túy “đá” nặng hơn 800 gam để chuyển cho một phụ nữ. Quá trình Mạnh mang gói ma túy đi giao đã bị cảnh sát cơ động kiểm tra, bắt giữ. Sau khi biết Mạnh bị bắt, Duy vội vàng bỏ trốn. Biết tội của mình rất nặng nên  trùm ma túy đã tính đến kế “giả điên”.

Ngày 12-12-2015, Duy nhập viện tâm thần khám bệnh và được chẩn đoán “tâm thần phân liệt thể Paranoid F20.0”, nằm viện điều trị đến ngày 7-1-2016 thì ra viện. Tuy nhiên, kế hoạch công phu này của Duy cũng chẳng thể giúp trùm ma túy thoát tội. Ngày 4-6-2016, Phạm Ngọc Duy bị bắt theo quyết định truy nã. Ngay lập tức, người thân của Duy vội xuất trình cho Cơ quan điều tra hồ sơ bệnh án tâm thần đã được chuẩn bị trước.

Nghi vấn về bệnh tâm thần của Duy, cơ quan tố tụng đã đưa anh ta đi giám định. Kết quả cho thấy trước, trong và sau khi phạm tội, Phạm Ngọc Duy không bị hạn chế về nhận thức cũng như điều khiển hành vi. Chiêu trò giả tâm thần thất bại, Phạm Ngọc Duy đã bị tòa sơ thẩm và phúc thẩm xử tù chung thân về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Đi chữa bệnh bắt buộc vẫn liên tiếp gây án

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề điều tra, Thượng tá Nguyễn Trần Giang, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an TP Hà Nội cho biết, liên quan đến những vụ án tội phạm ma túy có bệnh án tâm thần, quá trình điều tra cho thấy sau khi các đối tượng phạm tội bị bắt, xảy ra 2 trường hợp sau: Trường hợp thứ nhất, người nhà đối tượng chủ động nộp cho cơ quan điều tra sổ khám bệnh tâm thần của đối tượng.

Theo đó, trước khi gây án khoảng 1-2 tháng hoặc 1-2 năm, đối tượng đến bệnh viện chuyên môn về tâm thần khám bệnh và được bác sĩ  thăm khám, ghi nhận các hiện tượng chung chung theo trình bày của người bệnh như biểu hiện trầm cảm, xa lánh mọi người..., từ đó cho phương án điều trị như khám bệnh thông thường. Sau khi đối tượng bị cơ quan Công an bắt giữ thì ngay lập tức, việc đầu tiên người thân của đối tượng làm không phải là “tiếp tế” đồ ăn, quần áo như lẽ thường thấy mà họ chỉ quan tâm đến việc mang sổ khám chữa bệnh đó đến nộp cho cơ quan điều tra như một sự chuẩn bị sẵn.

Điều này có thể ngầm hiểu là đối tượng gây án có sự tìm hiểu về quy định của pháp luật trong xử lý người phạm tội bị bệnh tâm thần nên chủ động khám bệnh sẵn để có y bạ xuất trình ngay khi bị bắt.

Trường hợp thứ hai là sau khi đối tượng phạm tội bị bắt khoảng vài tháng sau, thậm chí đến lúc cơ quan điều tra hoàn thành kết luận điều tra vụ án, chuyển viện kiểm sát đề nghị truy tố thì người nhà mới bất ngờ xuất trình... bệnh án tâm thần (?!).

Theo thống kê của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị đã thụ lý tổng cộng 13 vụ với 14 bị can phải trưng cầu giám định tâm thần. Trong đó, tính từ 1-1-2015 đến 31-3-2018, có 8 vụ án với 9 bị can phải trưng cầu giám định tâm thần trong giai đoạn điều tra; nhưng chỉ từ tháng 4-2018 đến ngày 10-6-2018 đã tăng thêm 5 vụ, 5 bị can phải trưng cầu giám định tâm thần. Đến nay, đã có kết quả giám định đối với 7 bị can, còn lại 7 bị can đang trong quá trình trưng cầu giám định hoặc đang chờ kết quả giám định.

Trùm ma túy Phạm Ngọc Duy sau khi gây án đã sử dụng chiêu trò giả tâm thần nhưng bị lật tẩy và bị tuyên phạt tù chung thân.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng nêu trên trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Để xử lý các trường hợp đối tượng phạm tội bị bắt giữ xuất trình bệnh án tâm thần trong các trường hợp như đã nêu trên, viện kiểm sát yêu cầu cơ quan CSĐT trưng cầu giám định tâm thần đối với đối tượng. Ngoài việc phải trích xuất bị can từ trại tạm giam đến cơ quan giám định tâm thần để theo dõi, giám định tâm thần theo chuyên môn thì cơ quan CSĐT còn rất vất vả trong việc thu thập các tài liệu liên quan đến “bệnh tâm thần” của đối tượng để chuyển cho cơ quan giám định.

Kết luận giám định pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Và thực tế, đã xảy ra các vụ việc đối tượng lợi dụng trong thời gian bắt buộc chữa bệnh tiếp tục gây án, gây bức xúc trong dư luận và bức xúc cho chính cơ quan điều tra bởi đối tượng có những biểu hiện “nhơn nhơn” coi thường pháp luật, dùng bệnh án tâm thần làm “lá chắn” để liên tiếp phạm tội.

Đó là trường hợp Nguyễn Thị Bình (48 tuổi) tức Ngọc “chập”, một đối tượng khiến các cơ quan tố tụng đau đầu bởi sểnh ra là bệnh nhân tâm thần này lại đi... buôn ma túy với số lượng lớn. Ngày 30-5-2008, Nguyễn Thị Bình bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 6 năm 5 tháng 29 ngày tù giam tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và được xác nhận đã chấp hành xong hình phạt do được trừ vào thời gian tạm giam và chữa bệnh bắt buộc.

Ngày 17-3-2012, Bình bị Phòng CSHS Công an Hà Nội bắt, khởi tố, tạm giam về tội “bắt giữ người trái pháp luật”, sau đó viện kiểm sát ra quyết định áp dụng chữa bệnh bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Ngày 12-1-2015, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam Nguyễn Thị Bình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” với cáo buộc mua bán gần 1,4kg Ketamin.

Sau khi có kết quả giám định pháp y kết luận Nguyễn Thị Bình bị tâm thần phân liệt, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Bình và cơ quan CSĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can.

Từ ngày 28-10-2015 đến 30-10-2015, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho gia đình Nguyễn Thị Bình bảo lãnh cô ta về với lý do đưa đi khám chuyên khoa sản do nghi bị biến chứng sau khi mổ u nang. Thật ly kỳ là ngay sau khi “thoát” khỏi bệnh viện tâm thần, Nguyễn Thị Bình không hề đi khám chữa bệnh mà lập tức chập ngay với trùm ma túy ở Quảng Ninh là Đàm Quang Cảnh (46 tuổi) cùng 2 đối tượng Phạm Bá Ngọc, Lê Văn Doãn để vận hành đường dây ma túy liên tỉnh.

Theo đó, Cảnh là kẻ cấp ma túy cho Nguyễn Thị Bình tiêu thụ, thuê Ngọc và Doãn vận chuyển ma túy từ Quảng Ninh lên Hà Nội giao cho Bình. Ngày 30-10-2015, Bình bị bắt cùng Cảnh, Ngọc và Doãn trong “thương vụ” mua bán, vận chuyển gần 1.900 viên thuốc lắc và gần 1kg Ketamin. Với kết luận bị bệnh tâm thần phân liệt, Nguyễn Thị Bình lại có quyết định bắt buộc chữa bệnh.

Không hiểu bằng cách nào, bệnh nhân tâm thần này lại xin được về nhà và... tiếp tục buôn ma túy. Ngày 1-4-2017, Nguyễn Thị Bình bị Đội 3 Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an Hà Nội bắt quả tang về hành vi “Tàng trữ trái phép ma túy”, thu trên 30g ma túy “đá”. Khám nơi Bình thuê trọ tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Cơ quan công an thu thêm lượng ma túy lớn gồm trên 200g ma túy “đá” và gần 200 viên thuốc lắc, cả cân điện tử dùng để phân chia ma túy.

Một điều tra viên “ngán ngẩm” kể rằng, hiện Nguyễn Thị Bình đang có quyết định bắt buộc chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương. Nhưng điều khôi hài là trong thời gian Bình đang chữa bệnh bắt buộc lần thứ “n” này, Công an Phú Thọ đã tới Đội 3 Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an Hà Nội để xác minh về Nguyễn Thị Bình do có thông tin liên quan đến một vụ án ma túy khác ở Phú Thọ.

Và với quy định của pháp luật như hiện nay thì việc bắt giữ một “bệnh nhân tâm thần” phạm tội như Nguyễn Thị Bình giống như việc “bắt cóc bỏ đĩa” vậy (?!).

Duy Trần
.
.