Bài học về hợp đồng góp vốn khi mua nhà dự án

Thứ Sáu, 05/10/2012, 21:35

Sai phạm của các cá nhân và tập thể trong vụ Công ty CP Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (109 Trường Chinh, Hà Nội) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng tại dự án giãn dân phố cổ đang được cơ quan điều tra làm rõ. Từ vụ việc này, thêm một lời cảnh báo người dân phải thận trọng khi ký kết cái gọi là "hợp đồng góp vốn" khi mua nhà tại các dự án…

Tiền thu của khách hàng đã được sử dụng vào mục đích gì?     

Liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) trong thực hiện dự án giãn dân phố cổ khu đô thị Việt Hưng, ngày 26/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã bắt giữ được Trần Ứng Thanh - Tổng giám đốc; Nguyễn Quốc Xương, Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Hà và Nguyễn Đức Thắng, ở A3 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Trước đó, tối 24 và ngày 25/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã đồng loạt thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Hồng Hà, đồng thời khám xét nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng Trần Ứng Thanh, Nguyễn Quốc Xương, Nguyễn Đức Lợi, (Giám đốc Công ty CP Phát triển kinh tế Hà Nội - công ty thành viên của Công ty Hồng Hà) và Nguyễn Đức Thắng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại thời điểm khám xét, các đối tượng Thanh, Xương và Thắng đã bỏ trốn.

Tối 25/9, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ được Trần Ứng Thanh tại một khách sạn trên địa bàn quận 3, TP HCM. Ngày 26/9, 2 đối tượng Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Quốc Xương đã tới Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đầu thú.  Việc bắt giữ được các đối tượng Thanh, Xương và Thắng  sẽ giúp cho việc làm rõ số tiền hàng trăm tỉ đồng thu của khách hàng đã được sử dụng vào mục đích gì.

Liên quan tới vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đã triệu tập ghi lời khai một số cán bộ, lãnh đạo xí nghiệp thành viên của Công ty Hồng Hà.  Nghi vấn những người này đã ký nhận số lượng lớn tiền tạm ứng trong tổng số trên 150 tỉ đồng thu của khách hàng góp vốn mua căn hộ tại dự án giãn dân phố cổ khu đô thị Việt Hưng.

Tại thời điểm khám xét trụ sở Công ty Hồng Hà, Cơ quan điều tra chỉ thu giữ được nhiều tài liệu, chứng từ, hợp đồng góp vốn của khách hàng, không thu được tiền mặt. Được biết, trong tổng số trên 150 tỉ đồng thu được của gần 200 khách hàng, công ty đã chi hết số tiền này. Trong đó trên 70 tỉ đồng được chuyển cho ông Nguyễn Đức Thắng, một đối tượng không nghề, với lý do "thực hiện dự án". Ông Nguyễn Đức Lợi, nhận trên 800 triệu đồng…

Một vấn đề mà khách hàng, những người bị hại quan tâm là hành vi "cò" môi giới bán nhà, thu tiền vênh của các sàn giao dịch sẽ được xử lý như thế nào? Vì sao  lại có mối liên kết giữa các sàn giao dịch và Công ty Hồng Hà? Việc thu hồi tiền vênh sẽ được tiến hành ra sao? Số tiền trên 70 tỉ đồng mà Nguyễn Đức Thắng nhận từ Công ty Hồng Hà có phải là tiền tiêu cực để "chạy" dự án? Đây là điều dư luận mong chờ Cơ quan điều tra  sớm làm sáng tỏ.

Người dân bức xúc tập trung đòi tiền trước cổng Công ty Hồng Hà sáng ngày 25/9.

Cảnh báo người mua nhà dự án

Qua nghiên cứu "hợp đồng góp vốn" của khách hàng ký với Công ty Hồng Hà, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều điểm mập mờ mà người dân vì nhu cầu mua nhà đã dễ dàng bỏ qua. Việc ký kết hợp đồng góp vốn này thực chất là hợp đồng núp bóng mua bán căn hộ. Thế nhưng, trong hợp đồng góp vốn này không hề nhắc đến quyền lợi cụ thể của khách hàng khi bỏ tiền góp vốn mà chỉ ghi hết sức chung chung như "Bên B được bên A cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, giấy tờ cần thiết để phục vụ cho việc ký kết hợp đồng giữa hai bên, cũng như các thông tin, giấy tờ, hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án. Được nhận căn hộ đúng thời điểm đã ghi trong hợp đồng"…

Trong khi đó, nghĩa vụ nộp tiền của khách hàng lại được quy định rất cụ thể. Như vậy, rõ ràng người dân chỉ có nghĩa vụ thực hiện mà quyền lợi được mua nhà tại dự án thì không thấy đề cập đến.

Theo luật sư Hoàng Nguyên Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Bình An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội,  tình trạng các chủ đầu tư có khả năng tài chính yếu kém nhưng vẫn cố tình bằng mọi giá huy động vốn để thực hiện dự án hoặc chủ đầu tư huy động và sử dụng vốn sai mục đích diễn ra rất phổ biến.

Thậm chí, có rất nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở pháp luật để huy động vốn từ người mua nhà, sau đó chây ì, không thực hiện dự án, nhằm chiếm đoạt hoặc hưởng lợi bất hợp pháp đối với số vốn đầu tư của người mua nhà. Mọi rủi ro và hậu quả của việc hành động huy động vốn nêu trên người mua nhà phải gánh chịu.  Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu các dự án đồng loạt bị đổ vỡ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, đẩy người mua nhà với số tiền vay mượn và dành dụm cả cuộc đời rơi vào bi kịch.

Trong vụ án này, sai phạm của các cá nhân và tập thể đang được tiếp tục làm rõ, song qua vụ án, một lần nữa cảnh báo người mua nhà cần phải thận trọng, tìm hiểu kỹ về dự án cũng như đơn vị ký hợp đồng bán nhà. Ngoài kiểm tra dự án đó có thật hay không, cần kiểm tra tư cách pháp lý của đơn vị giao dịch. Nếu là hình thức liên doanh liên kết thì có được chủ đầu tư đứng ra bảo lãnh hay không? Đặc biệt là phải xem xét kỹ các nội dung hợp đồng ký kết để tránh bị lừa đảo

H.V.
.
.