Bạo hành gia đình: Nước mắt trong đêm

Thứ Tư, 17/12/2014, 22:45
Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam, 10% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ từng bị bạo lực tình dục (BLTD) trong đời. Còn theo nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tại 3 tỉnh thành: Hà Giang, TP HCM, Quảng Ninh thì 49% phụ nữ bị bạo lực gia đình trong các câu lạc bộ của CSAGA từng bị BLTD và một nửa trong số họ đã từng tìm đến cái chết.

Trong khi xã hội vẫn còn cái nhìn kỳ thị thì những nỗi đau của nạn nhân bị BLTD giống như phần chìm của tảng băng bạo lực gia đình, âm thầm như những giọt nước mắt trong bóng đêm…

Những cơn ghen bệnh hoạn

Chúng ta thường nghĩ bạo lực chỉ xảy ra ở các gia đình ít học, nghèo đói,  ở nông thôn, miền núi…  Nhưng thực tế bạo lực trong các gia đình trí thức cũng không kém gì, thậm chí còn kinh hoàng hơn.

 Khi phải chạy đến Ngôi nhà bình yên (NNBY), chị đang là cán bộ một tổng công ty lớn tại Hà Nội. Chồng chị cũng là một cán bộ có vị trí tại một cơ quan cấp Bộ. Họ có hai cậu con trai đang tuổi thành niên. Người ngoài nhìn vào thì khen hai vợ chồng chị đẹp đôi, gia đình trí thức hạnh phúc, chưa xảy ra to tiếng với nhau bao giờ. Anh, một công chức  lịch thiệp, hào hoa.  Còn chị đẹp đằm thắm, dịu dàng. Thế nhưng, bên trong gia đình tưởng như êm ấm ấy là những bí mật khủng khiếp mà chỉ khi người vợ chạy trốn mới hé lộ…

"Hôm nay đi thừa mấy kilômét, không biết đi đâu?... Giờ này sao vẫn chưa về… Ngày hôm nay có vẻ hớn hở, soi gương rồi cười, chắc lại đi ngủ với thằng nào…  Vừa ra tết, chắc lâu không gặp nhau nên hôm nay rất phấn khích, chắc chắn lại đi…". Đây là một phần nội dung nhật ký theo dõi vợ được người chồng ghen tuông "bệnh hoạn" ghi chép tỉ mỉ hằng ngày trong sổ tay. Còn trên cuốn lịch treo tường trong nhà cũng chi chít "nhật ký" theo một cách khác. Như ngày hôm nay khi đi ra khỏi nhà, vợ mặc quần lót màu gì? Ngày kinh nguyệt của vợ hay những ngày có dấu hiệu nghi vấn khác lạ đều được đánh dấu đặc biệt. Cuốn nhật ký lịch tường này treo công khai trong nhà nên ngoài hai vợ chồng thì hai cậu con trai lớn cũng đọc được hằng ngày.
Nạn nhân của một vụ bạo hành gia đình.

Không chỉ ghi nhật ký, thỉnh thoảng người chồng lại "thử" vợ bằng cách nhét bao cao su vào túi xách của vợ rồi tối về lục lọi, kiểm tra xem còn không? Nếu không còn thì anh ta cho rằng đích thị vợ đã cùng người tình… sử dụng. Và cái lý do nghi vợ có nhân tình, được anh ta chứng minh bằng một dãy… quần lót của vợ được bày trên bàn. Anh ta nhấc từng chiếc lên phân tích màu sắc, kiểu dáng rồi kết luận: Mặc quần lót sexy như thế này thì chỉ để cho giai ngắm!

Kinh hoàng nhất là BLTD đêm nào cũng xảy ra. Anh ta tìm mọi cách làm chuyện đó như một kẻ hiếp dâm đồi bại, không buông tha cho vợ, mặc vợ khóc lóc, van xin. Chứng kiến những tiếng kêu khóc của mẹ trong đêm một thời gian dài, hai cậu con trai mới lớn cũng hiểu ra mọi chuyện. Cho đến một ngày, cậu con trai lớn xông vào phòng ngủ, giằng mẹ khỏi tay người cha: "Mẹ không phải xấu hổ, chúng con biết hết rồi. Mẹ lên ngủ với chúng con… " - cậu con trai lớn hét lên. Từ hôm đó, chị được hai con trai đưa lên gác xép ngủ cùng. Chúng thay nhau canh gác mẹ bởi chúng sợ rằng nhỡ cả hai chợp mắt ngủ quên, người cha sẽ lại lôi mẹ vào phòng "tra tấn".

Khi người vợ phải chạy trốn đến NNBY, chị Lê Thị Ngọc Bích  đã phải dành rất nhiều thời gian để gặp gỡ gia đình họ, gặp người chồng và hai cậu con trai. Khi làm việc với hai đứa trẻ, chị Bích phát hiện dường như  chuyện BLTD của người cha kéo dài đã khiến đứa con thứ 2 bị trầm cảm. Cháu tỏ ra lầm lì, thụ động, cả buổi không nói gì. Còn cháu lớn hiểu biết hơn nên đã phân tích cái sai của cả bố mẹ. Tuy nhiên cháu hoàn toàn phản đối cách hành xử của bố.
Xét xử một đối tượng trong một vụ bạo hành gia đình.

Người vợ  ban đầu cũng rất muốn giải quyết mọi việc yên ấm để trở về gia đình với 2 đứa con.  Thời gian đầu khi ở NNBY, hằng ngày chị vẫn mua thức ăn về cho hai con nhưng anh chồng cấm, không cho các con nhận. Anh ta dành rất nhiều thời gian vào việc nhắn tin chửi bới, xúc phạm, đe dọa vợ. Dường như anh ta chỉ dành thời gian vào việc nhắn tin này. Ngày nào cũng vậy, khi chị vợ mở điện thoại ra là hàng chục tin nhắn của chồng ập tới. Chị cay đắng nói rằng thôi cứ để anh  ấy chửi bới như vậy để giải tỏa tâm lý.

Nhưng cơn ghen "bệnh hoạn" của người chồng trí thức không dừng lại ở đó. Anh ta tìm mọi cách bêu riếu, nhục mạ vợ. Khác hẳn với hình ảnh một công chức mẫn cán, lịch sự, đúng mực mà đồng nghiệp và mọi người cảm nhận hằng ngày, cách hành xử ghen tuông của anh ta không khác nào những kẻ vô học. Anh ta lấy  ảnh của vợ phóng to ra, rạch phần khuôn miệng nhét bao cao su  rồi cho vào phong bì gửi đi khắp nơi, gửi cả cho vợ.  Anh ta còn "đột nhập"  vào cơ quan vợ, viết những dòng chữ nhục mạ vợ hết sức bậy bạ lên tường nhà vệ sinh.  Sự việc gây ầm ĩ  đến mức cơ quan của vợ và chồng đều biết. Cơ quan chị vợ phải cử bảo vệ canh chừng, không để anh chồng đột nhập gây rối và viết bậy bạ lên tường như vậy nữa.

Cũng trong thời gian chị vợ ở NNBY, anh chồng còn viết đơn "tố"  vợ dài 3-4 trang gửi đi khắp nơi. Một người có trình độ văn hóa cao nhưng lá đơn thì dùng toàn những từ ngữ hết sức bậy bạ, thô tục. Đọc lá đơn thì biết anh ta không bình thường ở chỗ mặc dù chị vợ lúc đó đang ở NNBY nhưng trong đơn, anh ta khẳng định "vợ tôi đang đi với giai", vợ tôi đang ngủ với người này, người kia. Thậm chí anh ta gửi cả đơn đến nơi chị vợ đang học tại chức, đến bạn bè, người thân của chị, "tố" rằng chị là người đàn bà xấu xa, đáng bị trừng phạt.

Trước khi đến NNBY, chị vợ cũng không thể nghĩ chồng mình lại "bệnh hoạn" đến thế.  Cuối cùng, sau 8 tháng ở NNBY với rất nhiều nỗ lực hòa giải không thành, người vợ  cũng đành chấp nhận ly hôn. Người chồng  nhờ khắp mọi nơi can thiệp. Để yên ổn, người vợ chấp nhận phần thiệt thòi,  "bỏ của chạy lấy người", chấp nhận không chia tài sản, không chia con cái. Khi giúp chị thuê luật sư bảo vệ quyền,  NNBY phải thuê  2 luật sư 1 nam 1 nữ, bởi nếu chỉ thuê luật sư nam thôi thì anh chồng sẽ nghĩ ngay rằng giữa chị và luật sư nhất định "có gì". Một cuộc ly hôn vô cùng khó khăn và cay đắng.

Hãy lên tiếng

Chị Lê Thị Ngọc Bích, cán bộ tham vấn, Phòng tham vấn - Trung tâm Phụ nữ và phát triển phân tích, trong các nguyên nhân của bạo hành gia đình, ghen tuông đứng thứ hai sau bia rượu, ma túy. Bạo hành do ghen tuông chủ yếu xuất phát từ những cơn ghen "bệnh hoạn" của những người đàn ông có vấn đề về tâm lý hoặc ghen hoang tưởng do ảnh hưởng của ma túy đá gây ra. Mức độ bạo hành liên quan đến ghen tuông thường rất nặng và khó lường. Khi tìm đến NNBY, một địa chỉ an toàn dành cho phụ nữ bị bạo hành, qua nói chuyện với cán bộ tham vấn, những nạn nhân này đã thừa nhận bị BLTD. Đối với họ, loại bạo lực này  còn đau đớn hơn cả những vết thương do bạo lực về thể chất gây ra.

Một ca tư vấn khiến chị Bích vô cùng xót xa khi kể lại. Người phụ nữ ấy còn trẻ, tầm 28 tuổi. "Khi đến đây, bạn ấy mặc bộ pizama rộng thùng thình. Bạn ấy nói phải mặc  rộng như vậy vì chỗ kín bị đau rát đến mức không thể khép chân được".

Qua tìm hiểu được biết cô gái ấy từng có thời gian làm vũ nữ. Còn chồng là lái xe taxi. Quen nhau ở chốn vũ trường, chấp nhận nghề nghiệp của nhau, nhưng sau khi kết hôn, anh chồng dường như vẫn bị ám ảnh bởi công việc của vợ trước đây, dù rằng người vợ đã có một công việc mới, ổn định và chuyên tâm chăm sóc gia đình. Cô cũng đã sinh cho chồng hai đứa con xinh xắn, đáng yêu. Anh ta luôn cho rằng trước đây vợ mình đã quan hệ với rất nhiều người đàn ông khác và  bây giờ vẫn bí mật gặp gỡ. Để vợ "không đi đâu được", anh ta thường xuyên bắt vợ ở nhà để hành hạ.
Hãy lên tiếng khi là nạn nhân bạo lực gia đình! Ảnh: Internet.

Nước mắt đầm đìa, người vợ kể rằng những lúc các con đi học, trong nhà chỉ có hai vợ chồng là thời gian kinh khủng nhất. Anh ta bắt vợ lột bỏ toàn bộ xiêm y để anh ta "muốn lúc nào là được". Anh ta làm việc đó bất cứ lúc nào, không quan tâm đến cảm xúc của vợ. Kinh khủng nhất là sau mỗi lần bị ép buộc quan hệ, người vợ lại phát hiện có một "vật thể lạ" rơi ra. Đó là nguyên nhân khiến cô ấy thường xuyên bị đau đớn và viêm nhiễm.

Chỉ mới tháng trước,  cô ấy đã được người thân đưa đi phá thai 2 lần trong 1 tháng. Thấy bạn ấy tiều tụy và có thể nguy hiểm đến sức khỏe nếu tình trạng bạo hành tình dục của người chồng kéo dài, một người bạn gái đã đưa cô ấy đi trốn và tìm đến NNBY.

Một lần khác, giữa đêm khuya, một cô gái còn rất trẻ, chỉ khoảng ngoài 20 tuổi chạy đến NNBY, khuôn mặt bê bết máu. Cô gái ấy nói rằng vừa trốn chạy khỏi ngôi nhà của người chồng "xã hội đen" vừa đi tù về tội giết người về. Anh ta nghiện ma túy đá đến mức hoang tưởng. Nhìn thấy cái bóng của mình, anh ta nói rằng đó là người tình của vợ và nói đêm nào vợ cũng rủ người tình về đóng phim sex trên giường. Vậy là anh ta quay sang hành hạ vợ bằng BLTD và cả vũ lực. Biết vợ chạy đến NNBY, anh ta đến đập phá, đe dọa rằng nếu cô vợ không về nhà, anh ta sẽ giết chết mẹ và anh trai của vợ. Sợ anh ta làm liều, người vợ đành quay về để đảm bảo an toàn cho chính người thân của mình. Cũng rất may là sau đó một thời gian, anh chồng nghiện ma túy đá đó đã đồng ý cho vợ ly hôn.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Tổ chức CSAGA nói rằng, có ngày, trên trang Facebook cá nhân, bà phải nghe tới 3-4 câu chuyện về BLTD. Đó là điều thực sự kinh hoàng. Rõ ràng, những nạn nhân của BLTD không có chỗ nào để có thể chia sẻ nỗi đau thầm kín mà họ phải chịu đựng. Thống kê của CSAGA, từ tháng 1 đến tháng 11/2014, đường dây nóng về Phòng chống bạo lực gia đình (tư vấn miễn phí)  043.7759339 của CSAGA đã nhận được 2.062 cuộc gọi về bạo lực gia đình, trong đó  bạo lực tình dục chiếm 20%.

Theo phân tích của bà Nguyễn Vân Anh thì trong xã hội hiện nay vẫn còn tâm lý kỳ thị nạn nhân bị bạo lực tình dục: Chắc là cô lẳng lơ thế nào đó cô mới bị như thế? Chắc là cô ăn mặc khiêu gợi? Chắc là cô cũng đồng ý…  Những người đàn ông, thậm chí nhiều đàn ông trí thức  cho rằng họ có quyền đòi hỏi tình dục có thể với vợ hoặc với người ngoài. Vì thế, có những ông chồng có vị trí trong xã hội không nghĩ được rằng mình phải thương lượng với vợ trong chuyện quan hệ tình dục. Một phụ nữ trí thức tâm sự rằng, người chồng trí thức của cô chỉ làm một động tác kéo roẹt cái khóa quần xuống. Rồi không cần biết vợ có thích hay không, anh ta làm việc đó trong khi vẫn đang mặc quần. Xong thì lăn ra ngủ. Trong khi vợ nước mắt vòng quanh thì chồng đã ngáy khò khò.

Kết quả của Nghiên cứu quốc gia về bạo hành đối với phụ nữ Việt Nam cho thấy một nửa số phụ nữ từng bị chồng gây bạo lực chưa từng nói với bất cứ ai về vấn đề mà mình phải hứng chịu cho tới khi được phỏng vấn. Một nạn nhân của BLTD ở Hà Nội nói rằng: "Còn cái quan hệ tình dục ấy, mà ép em như thế thì em không dám kể cho mọi người nghe... Em nghĩ rằng những câu chuyện như thế mà kể ra thì thấy xấu hổ lắm, thế nên em không muốn kể, có ai hỏi thì em mới nói ra thôi, còn đâu người ta không hỏi tự nhiên mình cứ kể thì thấy nó ngượng lắm". Bên cạnh việc xấu hổ và kỳ thị khiến cho nhiều phụ nữ giữ im lặng, nhiều người còn nghĩ bạo lực trong quan hệ vợ chồng là chuyện "bình thường" và rằng phụ nữ phải làm quen và chịu đựng những gì đang diễn ra vì hạnh phúc gia đình.

Theo Nguyễn Vân Anh thì những phụ nữ bị BLTD hãy lên tiếng bởi chỉ có lên tiếng mới giải quyết được vấn đề. Đừng sợ hãi bởi người đáng xấu hổ là người gây ra bạo lực chứ không phải bạn.

Hương Vũ
.
.