Bạo lực gia đình: Khi người chồng biến thành “hung thần”

Thứ Ba, 16/12/2014, 20:50
60% các vụ bạo hành gia đình có liên quan đến rượu, bia. Những người chồng, người cha bị "ma men" điều khiển đã biến thành “hung thần” trong gia đình đã trở thành những câu chuyện đầy xót xa…

"Bố ơi, con ước…"

"Con ước bố bớt lười, không đánh mẹ và đừng uống rượu"  - lời ước tưởng như rất đơn giản ấy lại trở thành một trong những thông điệp chính của triển lãm "Bố ơi, con ước…" vừa khai mạc tối 2/12 tại Hà Nội. Đây là  một hoạt động hưởng ứng chiến dịch 16 ngày xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái năm 2014 do Trung tâm Nghiên cứu  ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức.

23 điều ước từ 23 bộ ảnh đến từ các em học sinh nam ở 5 tỉnh, thành khác nhau. Sống trong gia đình có bạo lực, các em đã cất lên tiếng nói của mình qua những bức ảnh. Không bức ảnh nào giống bức ảnh nào, nhưng thật ngẫu nhiên khi có tới 15 em có cùng ý tưởng "em muốn bố không uống rượu", bởi rượu là tác nhân khiến người cha trở thành “hung thần” trong gia đình.

Mâm cơm đạm bạc chỉ có rau và nước canh nhưng bên cạnh là 2 vỏ chai rượu lỏng chỏng.

Chị Hoàng Thị H. - nạn nhân của bạo hành gia đình.

Bức ảnh ấy được em Đại (ở Hòa Bình) ghi lại trong chính ngôi nhà của mình. "Em ghét rượu vì nó làm cho gia đình tan nát. Hồi em còn nhỏ, một lần không biết bố đi uống rượu ở đâu về rồi đánh mẹ. Lần ấy mẹ phải đi bệnh viện. Lần thứ hai, bố đi uống rượu say về, cãi nhau với mẹ rồi cầm chai đập vào đầu mẹ làm mẹ chảy máu phải đi viện. Tình trạng đó thường xuyên xảy ra. Em rất buồn và thương mẹ. Em ghét những người hàng xóm hay rủ bố đi uống rượu" - giọng của Đại lạc đi khi nói về bức ảnh của mình.

Một hàng vỏ chai các loại, cái nút nhựa, cái nút lá chuối được xếp thành hàng dài dọc tường bếp. Khi được hỏi vì sao em lại chụp ảnh những chai rượu, Linh (ở Hà Nam)  rơm rớm nước mắt: "Em chụp với mong muốn bố bớt uống rượu đi. Em nhớ một lần năm em 8 tuổi. Hôm đó bố đi uống rượu. Em học bài xong thì đi ngủ. Bố về lúc nào em không biết. Bố đập cửa, phá cửa rồi vào nhà đánh mẹ. Em tỉnh dậy nhìn thấy. Em sợ…".

Người xem có thể rất ngạc nhiên khi có bức ảnh chỉ chụp những vật vô tri như một chiếc dây da, đôi dép và những chiếc gậy, con dao… Thế nhưng những vật tưởng như vô tri ấy lại là một câu chuyện đầy xót xa cho thân phận những nạn nhân đang sống trong gia đình mà người chồng, người cha chỉ suốt ngày say xỉn.

Em Học (ở Hà Nam) kể: "Mỗi khi em làm gì có lỗi là bố cầm dép, gậy đánh em. Có lần bố đi uống rượu, đòi mẹ đưa tiền để đi chơi. Mẹ không có. Bố nhìn thấy tiền trong túi mẹ. Mẹ bảo tiền này để nộp tiền học học cho con chứ không phải để đi chơi. Bố vớ dép, bố đánh. Mẹ khóc rồi chạy xuống nhà bác. Hai anh em sợ quá, đi chơi không dám về. Mỗi lần nhìn thấy bố đánh mẹ, em rất buồn và  xót thương mẹ. Em muốn bố sẽ ít uống rượu hơn và giúp mẹ làm việc nhiều hơn. Anh trai đi làm về, bố lấy tiền đi uống rượu. Không có tiền thì bố uống chịu rồi mẹ phải đến trả. Mẹ không trả thì bố chửi mắng và đánh".

Đa phần những bức ảnh được các em chụp tự nhiên. Số ít được các em “dàn dựng" bởi những lý do hết sức đặc biệt. Như Việt (ở Bắc Ninh) đã nhờ  bố làm những công việc nhà như quét nhà, rửa bát và đưa con đi học để em chụp lại. Những việc tưởng như rất đơn giản ấy chỉ là mơ ước bởi bố của Việt không làm gì cả, trừ việc thường xuyên uống rượu và… đánh vợ con.

"Có hôm mẹ đi cấy về muộn, bố hỏi đi đâu về, mẹ bảo đi cấy, bố quát đi cấy gì mà đến tận tối mịt mới về. Xong bố cầm gậy đánh đuổi mấy mẹ con đi. Có lần em đi học về, bố bảo đi học gì mà về muộn thế rồi cầm gậy đánh. Có lần mẹ đi làm về sớm, bố cũng mắng chửi rồi đuổi, không cho về. Ba mẹ con em phải thuê nhà ở xóm bên cạnh. Bố biết, bố đến đập phá, đốt đồ dùng. Những dịp nghỉ lễ, tết, em rất buồn vì các bạn được bố mẹ đưa đi chơi, còn bố đã không làm gì lại suốt ngày đánh, chửi mắng, chưa bao giờ bố đưa em đi chơi". Ước mơ bố làm việc nhà của Việt  chắc hẳn sẽ  khiến nhiều ông bố phải giật mình soi xét bản thân.

23 bộ ảnh khác nhau. Dường như mỗi bức ảnh là một vết thương lòng nhức nhối. Nhưng chúng ta còn có thể đọc được ở đó tình yêu thương, sự bao dung của chính các em với người cha bạo lực, gia trưởng của mình. Không có hận thù, không có căm giận, không oán trách, mà ở đó chỉ có tiếng nói của khao khát những điều tốt đẹp.

Hiếu (ở Hưng Yên) tâm sự: "Nhà em có bố, mẹ, em và em trai 6 tuổi. Buổi trưa và buổi tối em nấu cơm. Hôm nào không đi học thì em giúp mẹ làm đồng. Còn bố chỉ ở nhà thôi. Em chụp những vật dụng bố hay dùng để đánh mẹ, mâm cơm gia đình và những chai rượu của bố. Vì bố hay dùng ống dây gas để trói mẹ em và vụt, đánh. Mẹ làm cái gì chậm một chút là bố chửi, đánh. Có hôm ăn xong, mẹ nán lại thêm chút nữa xem tivi chưa kịp dọn mâm thế là bố chửi, rồi mâm cơm bay ra vườn… mâm cơm nhà em rất giản dị, chỉ có rau. Bố chẳng bao giờ quan tâm đến gia đình chỉ quan tâm đến bình rượu. Em muốn bố xem những tấm ảnh này vì những vật dụng này đã gây nên bạo lực gia đình. Em muốn bố biết quan tâm đến gia đình và không đánh mẹ nữa". 

"Hung thần" đội lốt ma men

Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 (điều tra 5 năm thực hiện một lần) đã chỉ ra rằng nguyên nhân gốc rễ của bạo lực giới là sự bất bình đẳng trong mối quan hệ về giới và một vài nhân tố khác đóng góp vào mức độ trầm trọng và tần suất của bạo lực giới. Trong đó, phải kể đến ba nhân tố quan trọng nhất là tình trạng khó khăn về kinh tế, lạm dụng rượu, và sự phân biệt đối xử là kết quả của sự bất bình đẳng và kỳ thị trong sử dụng các dịch vụ.

Những chai rượu trong các gia đình có bạo lực, một phần trong triển lãm ảnh "Bố ơi, con ước…".

Trong số những phụ nữ bị bạo hành gia đình mà tôi đã từng gặp, chị Hoàng Thị H., 41 tuổi, trú tại xóm Thắng, thôn Mai Xá, xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định là người đàn bà vừa đẹp người lại đẹp nết. Bị chồng bạo hành rất nhiều năm nhưng cách mà chị Hoa lựa chọn là nhẫn nhịn, âm thầm chịu đựng. Cho đến một ngày giữa tháng 6/2014, chị được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu trong tình trạng bị dập sống mũi, đa chấn thương phần mềm. Lúc đó, mọi người mới biết sự thật về người chồng - "hung thần" nát rượu đã gây thương tích cho chị.

Nhìn những vết bầm tím trên gương mặt sắc nét, thanh thoát của chị, không ai có thể nén được tiếng thở dài xót xa. Mặc dù bị chồng đánh đập tàn bạo như vậy nhưng từ đầu đến cuối câu chuyện, chị H. không một lời xúc phạm chồng, một mực dùng từ "anh ấy" khi kể về chồng. Theo chị H. thì sau gần 20 năm chung sống, vợ chồng chị có 2 con trai, cháu lớn 17 tuổi, cháu nhỏ 10 tuổi. "Ngày xưa, anh ấy là người hiền lành, chăm làm, chịu thương chịu khó lắm. Cũng không đánh vợ bao giờ. Nhưng mấy năm gần đây, anh ấy uống rượu nhiều, giờ thành nát rượu. Cứ uống vào là chửi bới, đánh vợ" - chị H. kể.

"Anh ấy đánh chị vì lý do gì?" - chúng tôi hỏi. Chị H. lắc đầu chua chát: "Chẳng lý do gì cả, cứ rượu vào là đánh thôi. Anh ấy chỉ bảo vì mày ngu nên tao phải đánh". Cũng theo chị H., anh em nhà chồng biết chuyện đến khuyên can nhưng chồng chị không những không nghe còn chửi bới, đuổi họ về. Trong gia đình và ngay cả với nhà chồng, anh  Hoàng Hữu T, 45 tuổi, chồng chị - giống như một  kẻ côn đồ khiến ai cũng sợ hãi. Mỗi lần chứng kiến cảnh bố uống rượu vào là  gây sự đánh mẹ, đứa con nhỏ khiếp sợ đứng run cầm cập ở góc nhà. Cậu con trai lớn dù là thanh niên cũng không ngăn nổi ông bố vũ phu nên chỉ biết ôm mẹ, đỡ đòn cho mẹ. Không dừng tay, chồng chị... đánh cả con vì can tội che chắn cho mẹ.

Trận bạo hành  khiến chị phải nhập viện cũng… sặc mùi rượu. Chị H. kể: "Tối đó, khi cả nhà vừa ăn cơm xong  thì anh ấy khóa trái cửa và ngắt cầu dao điện, không cho ba mẹ con tôi dùng quạt. Anh ấy nói rằng, "cho chúng mày biết nỗi khổ khi không có điện" rồi lên tầng 2 nằm, mang theo chìa khóa nhà. Ba mẹ con ở dưới tầng một. Tôi ngồi trong bóng tối cạnh cửa sổ để đỡ nóng. Tự nhiên anh ấy đùng đùng nổi giận nói tôi cố tình bấm móng chân, móng tay để gây ra tiếng động khiến anh ấy không ngủ được rồi lao vào đánh tôi, dùng tay đấm vào mặt rồi dùng then cửa vụt. Tôi chỉ biết chui vào gầm cầu thang trốn. Thấy bố bật cầu dao để có điện sáng tìm  mẹ đánh tiếp, cháu lớn lên tầng 2 lấy được chìa khóa mở cửa và ôm bố ngăn lại cho tôi chạy trốn. Tôi chạy được ra ngoài, máu mũi cứ thế ộc ra. Em chồng ở gần đó đã đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu".

Trước đó, nhiều lần chị H. bị chồng đuổi khỏi nhà, khóa cửa không cho vào. Độc ác hơn, anh ta còn  cấm các con mở cửa cho mẹ. Chị H. phải ngồi ngoài sân cho đến sáng, khi các con mở cửa chị lại lụi hụi vào nhà dọn dẹp, chuẩn  bị bữa sáng cho cả nhà như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Khi chị H. đi bệnh viện, hàng xóm còn "tố" có lần chồng chị  ép con chị lấy phân lợn bắt ba mẹ con ăn để phạt chị H. tội "không biết dạy con". Lần khác, anh ta dùng bơm kim tiêm dọa đâm vào vùng kín của vợ...

Cái lý "chấp nhận để yên cho chồng đánh", theo chị H. là vì nếu mình không phản ứng lại thì anh ta chỉ đánh vài cái rồi thôi. Chị cũng không trình báo, nhờ hàng xóm can thiệp, vì "xấu chàng hổ ai", vì không muốn để bố mẹ già buồn phiền, và quan trọng là vì để giữ một gia đình yên ấm cho các con. Theo  chị thì nếu vợ chồng ly hôn, gia đình tan nát, con cái chị có thể hư hỏng. Chị sợ nhất điều đó nên chị chấp nhận "thà bị chồng đánh còn hơn con hư". Chị nói rằng, thấy chị bị chồng bạo hành khổ quá, anh em nhà chồng thương chị hết mực, họ khuyên chị nên bỏ đi, mang theo các con đến nơi khác sống cho đỡ khổ. "Bỏ đi nhiều cái phức tạp lắm, nên tôi cứ lấn cấn mãi. Đã đi rồi là không có cơ hội quay về, thôi thì tôi ở lại và chịu đựng vì các con tôi" - chị H. đau khổ nói.

Cam chịu, nhẫn nhịn, im lặng  là cách không chỉ chị H. mà rất nhiều người phụ nữ bị chồng bạo hành đã lựa chọn với suy nghĩ "xấu chàng hổ ai" hoặc để giữ gìn gia đình cho các con. Thế nhưng, theo các chuyên gia tư vấn  Dự án Ngôi nhà bình yên - Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam),  bạo hành không chỉ làm hại cá nhân người phụ nữ mà còn ảnh hưởng tới con cái của họ và những người xung quanh.

Như vậy bạo hành không phải là chuyện riêng của cá nhân bạn, hay gia đình bạn, mà là vấn đề chung của cả cộng đồng. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, rượu không phải là nguyên nhân gốc rễ của bạo lực. Vì vậy, bạn đừng nghĩ nguyên nhân chủ yếu của bạo lực là do rượu và chỉ cần anh ấy cai rượu là mọi chuyện sẽ thay đổi. Vì sao khi say, anh ấy chỉ bạo hành bạn mà không bạo hành hàng xóm? Bạn không nên im lặng chờ đợi anh ấy cai rượu. Chịu đựng không thể giúp thay đổi cuộc sống của bạn.  Im lặng không giúp bạn che giấu việc bị bạo hành mà còn làm bạo hành ngày càng nghiêm trọng hơn.

Hương Vũ
.
.