Bắt tên trùm lừa bán thiên thạch giả chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng

Thứ Năm, 18/12/2014, 14:35
Sau một thời gian tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, vào lúc 23h đêm 14/11 vừa qua, tại bến phà Vàm Cống, các trinh sát thuộc Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (phía Nam) phối hợp với Công an tỉnh An Giang đã bắt gọn tên Lê Văn Huy (trước năm 2006 tên là Lê Văn Hiếu), trùm đường dây lừa đảo hàng trăm tỉ đồng bằng việc bán thiên thạch giả. Cũng trong đợt này, các trinh sát còn phối hợp với công an các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ truy bắt hàng chục đối tượng khác là các tay chân phục vụ đắc lực cho quá trình lừa đảo của tên Huy.

Tháng ngày tội lỗi của “ông trùm”

Sinh năm 1966 tại tỉnh Quảng Nam, vì mong muốn con mình là người có hiếu nên cha mẹ đã đặt cho hắn cái tên Lê Văn Hiếu (năm 2006 hắn đổi thành Lê Văn Huy nên  bài viết này sẽ gọi là Huy). 3 tuổi, hắn theo cha mẹ vào lập nghiệp tại vùng kinh tế mới và trú ở khu phố Quảng Lạc, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Tuy cuộc sống vất vả, nhà lại đông con, nhưng với truyền thống hiếu học của người dân xứ Quảng, cha mẹ Huy vẫn cố gắng phát nương, làm rẫy để anh chị em Huy được cắp sách đến trường.

Trong khi những anh chị em trong gia đình đều cố gắng học hành tử tế để trở thành những người có ích cho xã hội thì Huy ngay từ nhỏ đã tỏ ra là kẻ có "chuyên môn" về  trộm cắp, lừa lọc. Những năm học tiểu học, Huy thường hay lấy dụng cụ học tập và ăn cắp tiền của các bạn. Tuy nhiên, do chính sách ưu tiên đối với con em những người dân vùng kinh tế mới nên ban giám hiệu nhà trường không đuổi học mà đưa Huy vào dạng học sinh cần sự quan tâm chăm sóc đặc biệt. Thời gian sau đó, có đến 6 lần Huy bị Công an thị trấn Dran bắt quả tang về tội lừa đảo nhưng do mức độ vi phạm chưa đủ cấu thành tội hình sự nên Huy chỉ bị xử lý hành chính và giao về cho địa phương và gia đình quản lý, giáo dục.

Đầu năm 1998, một nhóm người từ TP HCM lên nhờ Huy dẫn đường vào núi tìm thiên thạch, hắn đã nhận lời. Với giọng nói có sức thu hút của mình, trong suốt quá trình hàng chục ngày băng rừng leo núi ấy, Huy cũng đã kịp mon men hỏi chuyện về cái gọi là "Ứng dụng siêu phàm trong khoa học hạt nhân và vũ trụ" cùng giá trị lên đến hàng chục triệu USD/1kg đá thiên thạch. Nhận thấy đây là cơ hội kiếm tiền, lại nắm được "bí kíp", Huy điên cuồng lao vào con đường lừa đảo.

Để chuẩn bị cho chuỗi hành vi lừa đảo của mình, Huy trở lại khu vực núi tìm những viên đá có hình dáng và màu sắc rất lạ đem về, sau đó Huy bán nhà lấy tiền mua sắm quần áo hàng hiệu cùng nhẫn vàng, đồng hồ, điện thoại, xe gắn máy đắt tiền. Sau khi "dát vàng" lên người, Huy sử dụng chiếc xe gắn máy đắt tiền của mình mò đến khắp các tỉnh từ Lâm Đồng cho đến Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang… mồi chài những ông chủ, bà chủ tuy giàu, nhưng vẫn tham tiền, lại nhẹ dạ để họ tham gia vào những "phi vụ" buôn bán thiên thạch.
Đối tượng cầm đầu Lê Văn Huy.

Để thuyết phục được những ông bà chủ này, Huy thao thao bất tuyệt rằng thiên thạch là loại đá hết sức đặc biệt không có trên trái đất mà nó rơi xuống từ những vụ va chạm giữa các hành tinh trong vũ trụ nên rất nhiều trung tâm khoa học hạt nhân ở các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga... thường xuyên lùng sục đi mua với giá rất cao để chế tạo các loại vũ khí siêu khủng và đặc biệt là ứng dụng trong công nghệ chế tạo vệ tinh…

Do đã chuẩn bị từ trước nên trong mỗi cuộc dụ dỗ "con mồi", Huy thường lén nhá máy điện thoại cho một đồng bọn được bố trí trước rồi tắt máy. Khi đồng bọn gọi lại, Huy thường mở loa điện thoại thật to cho "con mồi" có thể nghe rõ bọn chúng giao kèo, ngã giá về một cục thiên thạch nào đó với giá trên trời (từ 20 đến 50 triệu USD) và sau đó là những lời hứa hẹn từ thử hàng cho đến đặt cọc, ký hợp đồng… Với chiêu này, từ năm 1998 đến cuối năm 2005, Huy và đồng bọn đã lừa được hàng chục nạn nhân với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. 

Để mở rộng những phi vụ lừa đảo, năm 2006 hắn đã đi thẩm mỹ viện cắt mắt, sửa mũi, căng da mặt rồi đến Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng làm thủ tục xin chính thức chuyển tên thành Lê Văn Huy. Tiếp sau đó, hắn rời bỏ vợ con ở thị trấn Dran tới sinh sống với tình nhân và nhập hộ khẩu tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP HCM.

Tại đây, Huy thành lập công ty thương mại xuất nhập khẩu ủy thác rồi mua ôtô làm phương tiện đi các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tây Ninh, TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng tìm kiếm những thành phần bất hảo để kết nạp vào đường dây lừa đảo của mình.
Một loại đá mà Lê Văn Huy dùng để lừa đảo.

Tại mỗi tỉnh, sau khi kết nạp được các tay chân, Huy thường yêu cầu họ thành lập công ty trá hình làm sân sau rồi giao cho đám này công việc tìm kiếm con mồi là những người giàu có. Đặc biệt Huy ra lệnh tất cả các công ty này đều không được phép liên lạc với nhau và nhất là lỡ có bị Công an bắt thì chỉ nhận tự mình lừa đảo mà không hề có đồng bọn nào, nếu không thì sẽ bị Huy thủ tiêu vợ con.

Sợ hành tung của mình bị bại lộ, từ năm 2008 đến tháng 5/2014, Huy liên tục chuyển hộ khẩu từ huyện Củ Chi đến phường Hiệp Bình Chánh; quận Thủ Đức; Gò Vấp, TP HCM; Khu phố 2, phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận; thôn 1, xã Rômen, huyện Đamrông, tỉnh Lâm Đồng... Tương ứng với những lần chuyển đổi hộ khẩu, Huy tìm đến một tay chuyên làm giấy tờ giả đặt làm hàng chục giấy chứng minh nhân dân với các tên gọi khác nhau như: Hiếu, Hai Tri… và từ Hai Tân cho đến Mười Tân. Tiếp theo, Huy thành lập Công ty TNHH Hoàng Huy Gia với vốn điều lệ được đăng ký lên đến 7.000 tỉ đồng ở quận Thủ Đức, TP HCM và giao cho người em trai tên Bảo làm giám đốc.

Có lần Huy rủ đệ tử là Nguyễn Văn Dũng (tức Dũng “man”), sinh năm 1972, quê Ninh Thuận đi casino ở Campuchia đánh bài, nhưng khi thiếu nợ đám giang hồ số tiền 500 ngàn USD, Huy đã thế chấp Dũng cho bọn côn đồ và lặn một hơi không trở lại. Đến khi cha mẹ Dũng “man” nhận được tin con trai mình đã bị cắt mất một bên tai và chặt đứt ngón tay trỏ ở xứ người, họ đã kêu giang hồ đến đòi “làm thịt” và đòi báo Công an thì Huy mới chịu mang tiền sang chuộc Dũng về.

Hành trình 49 ngày đêm truy bắt tên Huy

Sau khi Công an TP HCM, Cần Thơ, Ninh Thuận tóm được các tên tay chân của Huy gồm: Vi Xuân Uyên, Trần Văn Đoàn, Nguyễn Văn Dũng, Tạ Minh Quân cùng một số đồng bọn khác. Đồng thời cũng nhận được nhiều đơn tố cáo trong đó có đơn của ông bà Thành, ngụ tại quận 1, TP HCM (người bị lừa 42 tỉ đồng), ngày 19/9/2014, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã ra  quyết định thành lập chuyên án và giao cho Đại tá Đoàn Văn Hoa - Phó cục trưởng Cục C52 làm Trưởng ban chuyên án, phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Cục C45 và Công an các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tây Ninh, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận nhanh chóng triệt phá đường dây tội phạm này trong thời gian sớm nhất.

Ngay sau khi chuyên án được thành lập, Thượng tá Nguyễn Quang Thành - Phó trưởng Phòng 3, C52; Thiếu tá Nguyễn Văn Trưởng, Trung úy Phạm Văn Tràng, Trần Văn Công cùng anh em trinh sát lao ngay vào cuộc. Mặc dù Công an Cần Thơ, TP HCM, Ninh Thuận đã bắt được một số đối tượng trong đường dây lừa đảo này nhưng chúng nhất quyết không khai tên cầm đầu và đồng bọn. Song bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình, chỉ hai tuần sau, các lực lượng Công an tham gia chuyên án đã lần ra được tung tích của tên cầm đầu là Lê Văn Huy. 

Theo lời kể của Trung úy Trần Văn Công: Việc xác định tung tích tên cầm đầu đã xong, nhưng vấn đề theo dõi để truy bắt hắn gặp rất nhiều khó khăn vất vả bởi chuyện sử dụng xe ôtô để thực hiện việc di chuyển của tên Huy hết sức phức tạp. Để cảnh giới và có thể là cắt đuôi lực lượng Công an nếu bị theo dõi, ngoài chiếc xe Hyndai với biển kiểm soát có số 779 ở cuối, Huy chỉ đạo cho các tay chân thuê thêm 9 chiếc xe các loại nhưng bắt buộc biển kiểm soát của những chiếc xe ấy phải có số cuối là 39 hoặc 79.

Mỗi lần đi đến bất cứ một địa điểm nào, dù xa hay gần, Huy thường sử dụng từ 3-4 chiếc xe và cho chạy lòng vòng, thậm chí vượt cả đèn đỏ, đi ngược chiều và liên tục đổi từ xe này qua xe khác, mất rất nhiều thời gian rồi sau đó mới đến điểm hẹn. Điện thoại di động hắn cũng chỉ mở khi cần liên lạc và tháo pin ngay sau khi đàm thoại xong.
Quyết định truy nã của Công an tỉnh Ninh Thuận đối với Lê Văn Huy.

Có khi Huy ở lì trong nhà hàng chục ngày liền nhưng ngặt một nỗi hắn thuê rất nhiều vệ sĩ canh gác suốt ngày đêm và gắn hàng chục camera quanh nhà để cảnh giới, đồng thời trong người hắn lúc nào cũng kè kè khẩu súng ngắn nên việc tiếp cận với hắn quả không dễ. Trong những tình huống đó, lực lượng Công an chỉ còn cách duy nhất là dầm mưa dãi nắng và cũng có khi nhịn ăn uống cả ngày liền để bám mục tiêu.

Tối ngày 15/11, nhận tin báo tên Huy sẽ qua  Campuchia đánh bạc theo đường biên giới huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Ban chuyên án lập tức chỉ thị cho tổ trinh sát tại chỗ bám theo đối tượng. Một tổ khác liên hệ với Công an tỉnh An Giang để đơn vị này hỗ trợ thêm lực lượng truy bắt.

21h đêm hôm ấy, 5 chiếc xe đồng loạt ra khỏi trụ sở Công ty Trường Huy Tự tại số 55/10A đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp trong đó có một xe chở tên Huy. Chúng cho xe chạy lòng vòng rồi sau đó mới ra đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Thiếu tá Nguyễn Văn Trưởng cùng Trung úy Trần Văn Công và Phạm Văn Tràng chạy xe máy bám theo, nhưng khi đến đầu đường cao tốc thì bị Cảnh sát giao thông chặn lại, yêu cầu phải xuống đường song hành. Không còn cách nào khác, ba trinh sát đành hè nhau bê xe gắn máy chui qua hàng rào bảo vệ đường cao tốc bằng dây kẽm gai tiếp tục cuộc rượt đuổi.

Ôtô chạy trên đường cao tốc với vận tốc 100km/h, còn các trinh sát thì chạy xe gắn máy trên đường đá lởm chởm, nhưng các trinh sát vẫn phải cố gắng bám theo. Đến chân cầu vượt đoạn TP Tân An, tỉnh Long An, xe gắn máy của Trung úy Công đang chạy với vận tốc 100km/h thì gặp bờ kè đá chắn ngang đường, một bên là con rạch. Phanh lại thì không kịp và chắc chắn sẽ lao đầu vào bờ đá... Trong thời khắc sinh tử ấy, Trung úy Công đã nhanh trí đánh tay lái cho cả người và xe lao xuống rạch để chỉ phải nhận lấy thương tích nhẹ và sau đó kéo xe lên bờ tiếp tục hành trình truy đuổi.

Xăng đã cạn, tiền trong túi mỗi người chỉ còn vài chục ngàn đồng. Ba chiếc xe gắn máy thì một chiếc bị cháy máy, một chiếc bị bể bánh nên cả ba trinh sát đành phải liều leo lên chiếc xe còn lại tiếp tục cuộc rượt đuổi thêm hơn 150 km nữa cho đến tận bến phà Vàm Cống. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Công an tỉnh An Giang, các trinh sát Cục C52, Bộ Công an đã tóm gọn Lê Văn Huy khi xe của hắn chuẩn bị rời phà đi về hướng biên giới huyện Tịnh Biên.

Tại Cơ quan Công an, mặc dù Lê Văn Huy khai nhận rất nhỏ giọt về quá trình phạm tội của mình nhưng lại rất hào hứng khoe rằng mình có 1 vợ chính thức, 22 vợ nhỏ và có tới 31 người con ở khắp các tỉnh từ Ninh Thuận vào đến tận An Giang.

Hiện vụ án vẫn đang được Cơ quan Công an tiếp tục điều tra mở rộng.

Đức Cươn
.
.