Bắt truy nã qua những trang hồ sơ
- Cục Hồ sơ nghiệp vụ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Gặp mặt cán bộ hưu trí Cục Hồ sơ nghiệp vụ nhân dịp Tết Nguyên đán
- Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ làm việc với Văn phòng Bộ Công an và Cục Hồ sơ nghiệp vụ
Gã tội phạm thay tên đổi họ
Trước mắt họ là tập công văn, trong đó có yêu cầu của Trại giam Gia Trung..., đề nghị tra cứu, cung cấp thông tin phục vụ truy bắt phạm nhân trốn trại. Đối tượng bị truy nã là Phạm Văn Bình (SN 1950, trú tại xã Vũ Tiến, huyện Vụ Bản, Nam Định), đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường 6, quận 8, TP Hồ Chí Minh. Ngày 7-6-2001, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an ra quyết định truy nã Bình vì đã trốn khỏi Trại giam Gia Trung ngày 26-4-1983 trong thời gian chấp hành án phạt 9 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản XHCN” và “Trộm cắp tài sản công dân”.
Mở lại hồ sơ, các cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ tỉ mỉ rà soát. Tính chất công việc không cho phép họ được một chút sai sót bởi chỉ một kết luận sai cũng có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của một con người; ngược lại sẽ bỏ lọt tội phạm... Lai lịch cùng tiền án, tiền sự của đối tượng Phạm Văn Bình được dựng lên. Ngày 9-6-1977, đối tượng bị Công an TP Biên Hòa, Đồng Nai bắt. Khi bị bắt, đối tượng khai họ tên là Nguyễn Văn Bình, SN 1950; nghề nghiệp: Bộ đội; địa chỉ cư trú: làng Tứ Kỳ, huyện Nam Sách, Hải Dương. Ngày 28-8-1981, đối tượng bị Công an phường 6, quận 8, TP Hồ Chí Minh bắt giữ; Trại giam K35, Quân khu 7 tạm giam về hành vi trộm cắp tài sản XHCN. Đối tượng lúc này khai tên là Phạm Văn Bình, tức Kình, SN 1950, trú tại quận 8, TP Hồ Chí Minh.
Ngày làm việc của các cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ. |
Ngày 27-2-1982, đối tượng bị Tòa án Quân sự, Quân khu 7 xử phạt 9 năm tù về tội trộm cắp tài sản XHCN và tài sản riêng công dân, đối tượng chấp hành án phạt tại Trại giam Gia Trung. Ngày 26-4-1983, Phạm Văn Bình trốn khỏi trạm giam trong quá trình đi lao động. Ngày 27-8-1985, Trại giam Gia Trung ra lệnh truy nã; ngày 7-6-2001, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an ra tiếp lệnh truy nã đối với Phạm Văn Bình về tội trộm cắp tài sản và trốn khỏi nơi giam giữ.
Sau khi “vẽ” lại chân dung đối tượng, các cán bộ lại tỉ mỉ nhằm tìm kiếm những thông tin mới của đối tượng Phạm Văn Bình trên những trang hồ sơ đã úa màu thời gian để tìm các hành vi phạm tội tiếp theo của đối tượng sau khi bị truy nã. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, mỗi vụ việc phạm tội, đối tượng này lại khai lí lịch nhân thân khác nhau, khác tên bố mẹ, khác địa chỉ thường trú, khác quê quán. Bởi thế, việc dựng lại chính xác nhân thân và quá trình phạm tội nhiều lần trong thời gian dài của đối tượng này là không dễ dàng.
Từ kết quả tra cứu, xử lý thông tin nghiệp vụ, cán bộ có kinh nghiệm cùng thảo luận rồi dựng lên toàn bộ hành trình của kẻ trốn truy nã. Theo đó, Phạm Văn Bình, tức Phạm Văn Kình, SN 1952, cư trú tại: Đông Hào, Nam Hà, Tiền Hải, Thái Bình; tạm trú tại tổ 8, ấp chợ Thủ Thiêm, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh; có vợ là Vũ Thị Thúy (cùng bị bắt trong vụ “Cướp tài sản công dân” và “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”). Phạm Văn Bình đi bộ đội từ 1968-1975. Từ 1975-1978 chuyển ngành công tác tại quận 4, TP Hồ Chí Minh; sau đó bị sa thải, trở về Thái Bình.
Sau năm 1978, Bình ở lại TP Hồ Chí Minh, làm nghề đạp xích lô, làm mướn. Năm 1981-1983, đối tượng bị bắt và chấp hành án 9 năm tù về tội Trộm cắp tài sản XHCN tại Trại giam Gia Trung. Đến ngày 26-4-1983, đối tượng Phạm Văn Bình trốn khỏi trại giam. Sau đó, đối tượng phạm tội mới là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị phạt 10 năm tù với lai lịch và tên khác là Phạm Văn Kình, Nguyễn Văn Bình (khác trong lệnh truy nã). Đối tượng đã chấp hành xong án, được đặc xá tha trước thời hạn về nơi cư trú.
Đơn vị tiếp tục xác minh, mở rộng, phát hiện sau khi chấp hành xong án, đối tượng đã chuyển nơi cư trú về tỉnh Thái Bình. Từ đó, Trung tâm đã đề xuất lãnh đạo Cục duyệt thông báo, cung cấp thông tin mới cho Trại giam Gia Trung xác minh, truy bắt. Từ thông tin này, Trại giam Gia Trung đã bắt giữ được Bình.
Cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ rà soát hồ sơ. |
Phát hiện nhiều đối tượng truy nã từ những trang hồ sơ
Đó chỉ là một trong những đối tượng truy nã mà Trung tâm Tiếp nhận, xử lý thông tin nghiệp vụ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ trong thời gian qua. Năm 2020, Trung tâm đã phát hiện và thanh loại 35 đối tượng có lệnh truy nã. Trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cán bộ Trung tâm đã tiến hành tra cứu người nhập cảnh trái phép, gắn kết với công tác rà soát, phát hiện, truy bắt đối tượng truy nã, phối hợp với công an các tỉnh tổ chức xác minh, lai lịch, nhân thân và thông tin truy nã đối với hơn 2.500 trường hợp cho Công an 12 địa phương có công dân nhập cảnh trái phép hoặc bị phía nước ngoài trục xuất về nước... Từ kết quả tra cứu đã phát hiện 7 đối tượng đang có lệnh truy nã, trong đó có những đối tượng trốn truy nã lâu năm, thay tên, đổi họ...
Lãnh đạo Trung tâm Tiếp nhận, xử lý thông tin nghiệp vụ cho biết, Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức khai thác, xử lý thông tin trong các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của Cục Hồ sơ nghiệp vụ; tiếp nhận, kiểm tra, lưu trữ thông tin của can phạm và những người vi phạm pháp luật khác, xử lý các yêu cầu truy nguyên đối tượng. Đồng thời còn phục vụ công tác cấp, phiếu lý lịch tư pháp...
Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo 327 Bộ Công an về mở đợt cao điểm rà soát, truy bắt, vận động đầu thú và thanh loại đối tượng truy nã, Cục Hồ sơ nghiệp vụ đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại đối tượng truy nã; cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đơn vị đã đẩy mạnh việc phối hợp, hướng dẫn công an các địa phương gửi yêu cầu tra cứu, xử lý tài liệu liên quan đến những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc bị phía nước ngoài trục xuất..., để kịp thời phát hiện và truy bắt đối tượng truy nã. Trong khi đó, các cán bộ, chiến sĩ vẫn bảo đảm ứng trực, trực ban phục vụ tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, các yêu cầu điều tra xử lý trong đợt cao điểm.
Trong quá trình tra cứu những người nhập cảnh trái phép gắn với công tác rà soát, Trung tâm đã phát hiện thêm 7 đối tượng đang có lệnh truy nã, kịp thời bắt giữ các đối tượng. Trong đó có vụ bắt giữ Nguyễn Bá Quang (SN 1961, trú tại tỉnh Bắc Giang), đối tượng từng có án phạt 12 năm tù về hành vi trộm cắp tài sản là một ví dụ.
Tháng 2-1989, đang chấp hành án tại Trại giam Tân Lập, Quang trốn trại và bị truy nã về tội trốn khỏi nơi giam giữ. Nguyễn Bá Quang có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó, trong đó có việc thay tên, đổi họ, lai lịch và nơi cư trú. Đối tượng sau đó đã thực hiện thêm nhiều hành vi phạm tội mới, sử dụng tên em trai là Nguyễn Bá Vũ và tên của người anh trai để làm giấy tờ tùy thân. Cục Cảnh sát hình sự đã phát lệnh truy nã Quang.
Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Quảng Ninh đã lập hồ sơ truy nã nhưng sau nhiều năm tìm kiếm vẫn không phát hiện tung tích của đối tượng. Trong quá trình rà soát cơ sở dữ liệu, anh em phát hiện có nhiều biểu hiện nghi vấn. Từ đó, rút 2 hồ sơ để kiểm tra. Khi đối chiếu thông tin công dân với thông tin can phạm, qua rà soát đã lật tẩy thủ đoạn phạm tội tinh vi của Nguyễn Bá Quang. Nguyễn Bá Quang có quê quán tại Hồng Bàng, Cầu Đất, Hải Phòng nhưng lại có hộ khẩu trường trú tại Bắc Giang.
Công việc của cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ đòi hỏi phải kiên nhẫn, tỉ mỉ. |
Với kết luận Nguyễn Bá Quang có hồ sơ trong cơ sở dữ liệu trùng với Nguyễn Bá Vũ (SN 1963)... Trong quá trình trốn chạy, đối tượng đã sử dụng tên giả là Nguyễn Bá Vũ (SN 1963) để làm giấy tờ tùy thân. Từ các thông tin do Trung tâm cung cấp, Công an địa phương đã nhanh chóng bắt giữ đối tượng gây án.
Lãnh đạo Trung tâm Tiếp nhận xử lý thông tin nghiệp vụ cho biết, tâm lý của tội phạm luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội. Bởi thế, các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với sự phát hiện của lực lượng chức năng. Phát hiện đối tượng truy nã đã khó, phát hiện đối tượng trốn truy nã nhiều năm còn gian nan hơn nhiều. Trong quá trình đó, Trung tâm phải phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với công an các địa phương để cập nhật thông tin. Cùng với sự hỗ trợ của máy móc, một yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần mang lại thành công đó chính là sự tỉ mỉ, trách nhiệm của các cán bô được giao nhiệm vụ.
24/24h cán bộ trực kỹ thuật làm nhiệm vụ. Những thông tin nhỏ nhất cũng phải xác minh đến tận cùng. “Cán bộ đơn vị bao giờ cũng thực hiện đầy đủ một tiêu chuẩn đó là để đi đến kết luận phải có 2 cán bộ cùng tham gia kết luận độc lập. Nghĩa là, sau khi cán bộ kiểm tra, đã đồng ý với kết quả truy nguyên tội phạm vẫn phải xin ý kiến của những người có chuyên môn mới xác nhận, thông báo cho cán bộ truy bắt”, lãnh đạo Trung tâm Tiếp nhận xử lý thông tin nghiệp vụ cho biết.
Công việc lặng lẽ như chính tên gọi của mình, ngày lại ngày, cán bộ Trung tâm Tiếp nhận, xử lý thông tin nghiệp vụ nói riêng, Cục Hồ sơ nghiệp vụ nói chung vẫn đang lặng thầm làm nhiệm vụ, góp phần vì sự bình yên của nhân dân.