Bẫy cho sinh viên vay tiền: Dễ như nhặt ống bơ

Thứ Năm, 19/03/2015, 11:30
Trong hàng trăm cái sự lạ của phố phường Hà Nội thì con phố nhỏ rợp bóng mát Đặng Dung là một đặc trưng bởi nó hình thành nên "phố nghề" sau 36 phố "Hàng". Chỉ từ một tiệm cầm đồ ăn nên làm ra có từ cách đây hàng chục năm, ngày nay mật độ cửa hàng cầm cố tài sản trên đoạn phố ngắn này phát triển ken đặc đến từng mét, nó còn tên khác là phố "Hàng Cầm Đồ". Khách có thể đến "giật nóng" nắm tiền và thế chấp lại tài sản từ chiếc thắt lưng, đôi giày cho đến xe hơi…

Ngoài ra thì xung quanh các trường đại học lớn sự bủa vây của dịch vụ này cũng như một ma trận, khách khứa nườm nượp. Thậm chí có nơi chu đáo còn xếp ghế nhựa cho khách sinh viên ngồi đợi vay tiền ngoài vỉa hè thành hàng dài như xếp hàng mua iPhone đời mới bên Mỹ.

Nghề cho vay, cầm đồ, cho bốc hụi… là một thứ nghề siêu lợi nhuận. Nếu tính theo mức lãi "sàn"  tại các cửa hàng kinh doanh có điều kiện này trên địa bàn Hà Nội là 1.500 đồng/1 triệu/1 ngày, có nghĩa là 4,5%/tháng hay 54%/năm.

Đó là thế chấp có tài sản "tươi" chính chủ, còn "mã cho vay" tín chấp hay thể loại vay mạo hiểm tiềm tàng nguy cơ trốn mất sẽ dao động từ 3.000 đến 10.000 đồng/triệu/ngày.

Nhìn mặt tính lãi, càng mạo hiểm lãi suất càng cao, nhất là thể loại siêu nhân lô đề cờ bạc, cá độ đá bóng…

Họ cạnh tranh nhau khốc liệt, đua nở các gói dịch vụ hấp dẫn như các nhà mạng điện thoại di động hay làm. Tỷ dụ như uyển chuyển trong "cơ chế" cho vay, giảm lãi suất, cho vay không cần thế chấp…

Nhưng sự thật đằng sau những tờ rơi quảng cáo nhan nhản cho vay tiền dễ như nhặt cái ống bơ ngoài vỉa hè như thế nào thì có lẽ phải đi vay thử mới biết.

Tôi đỗ đèn đỏ trên đường Giải Phóng và được một bạn sinh viên  đi làm thêm gí tận tay tờ rơi quảng cáo dịch vụ mang tên đầy nhân văn Hỗ trợ sinh viên vượt khó, trụ sở cách cổng Trường đại học Kinh tế quốc dân vài trăm mét trong một ngõ nhỏ phố Vọng.

Cụ thể cái giúp vượt khó là cho (giúp) sinh viên vay tiền không cần thế chấp tài sản để học tập hay tiêu xài cá nhân thì khó có thể biết.

Tôi lại loay hoay mất 2 ngày để kiếm quanh họ hàng mới ra được một ông cháu có đủ điều kiện vay tiền là có thẻ sinh viên, học từ năm thứ 2 trở đi với học lực khá và có chứng minh nhân dân bản gốc.

Chúng tôi xếp hàng sau khoảng gần một chục vị sinh viên, nam nữ đủ cả, mặt mũi ngơ ngác non tơ sau bàn kiểm định thủ tục.

Ngồi tiếp khách bên chiếc máy tính hiện đại là một vị hảo hán khá trẻ với xanh lè mực xăm trổ từ mu bàn tay đến mép tai, đầu rồng vọt lên tận cổ áo.

Trái với hình ảnh giang hồ thì giọng nói cậu ta lại vô cùng nhỏ nhẹ, ân cần, chu đáo xem xét tỉ mỉ từng hồ sơ của sinh viên. Một vài trường hợp không đủ điều kiện cũng được an ủi rồi cẩn thận vỗ vai tiễn ra về.

Cậu ta xem thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân đứa cháu tôi, mắt nhìn tay gõ nhoay nhoáy tên miền Internet trường học vào chiếc máy tính. Điền thông tin sinh viên và mật khẩu cháu nó khai, trên màn hình hiện ra đầy đủ thông tin và bảng điểm học tập.

- Thẻ sinh viên xịn. Em học tốt đấy, nhà thuê trên Hà Nội ở đâu, định vay bao nhiêu tiền?

- Em thuê trọ bên làng Tám. Em vay 8 triệu ạ.

- Có mang hợp đồng thuê nhà không?

- Em không mang ạ.

- Không sao. Chốc sẽ có người đi cùng em sang bên nhà trọ, nếu đúng ở đấy thì anh ý đưa em tiền luôn. Trường hợp hồ sơ như em cho vay kịch kim 6 triệu có lấy không?

- Dạ cũng được ạ.

- Điện thoại em đâu?

- Đây ạ, làm gì anh?

- Bấm số bố hoặc mẹ ở quê đi, bật ra loa, hỏi thăm gì cũng được.

Cháu tôi bấm số cụ thân sinh ở nhà và bi bô dăm câu chuyện hỏi thăm nhạt nhẽo, hắn chú ý lắng nghe từng câu lọt oang oang ra loa ngoài chiếc điện thoại.

Xong việc, vị hảo hán đưa cháu tôi điền vào một tờ giấy vay tiền, một tờ hợp đồng cho thuê máy laptop với mức phí 30.000 đồng/ngày, thu lãi trước 10 ngày 300.000 đồng và thực nhận 5.700.000 đồng.

Để lại thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân và số điện thoại ông cụ ở quê đã xác minh. Thủ tục hoàn tất, hắn báo cho một "đồng nghiệp" phía trong xuất tiền và theo cháu tôi về nhà trọ, đúng như cam kết, cháu tôi, một kẻ xa lạ với họ đã cầm trên tay đống nợ 5.700.000 tiền chẵn mới tinh với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày, khoảng 180%/năm.

Cứ sau 10 ngày cháu tôi lại nhận được điện thoại nhắc đến đóng lãi và tôi làm thay nó công việc ấy.

Ngày thứ 20 cháu tôi không nghe máy, chỉ vài phút sau đã có nhân viên đến gõ cửa phòng trọ. Rồi thì ông cụ ở quê đã lại điện thoại lên hỏi thăm ông con xa nhà. Đại khái nội dung là có thằng bạn nào gọi vào máy bố hỏi con đâu làm cả nhà lo lắng.

Tôi đến đóng lãi tiền vay dưới hình thức cháu tôi thuê laptop tại cửa hàng này. Bộ phận thu lãi là một gã cô hồn khác tiếp tôi, hắn thao tác phần mềm kế toán trên máy tính thành thục và chính xác.

Tôi đành bịa trình bày rằng thằng em chậm lãi không dám nghe máy vì khó quá, tôi phải cho vay nộp trước. Hẳn bảo về nói lại với "thằng em" nếu giới thiệu được bạn bè đến vay thì mỗi khách "công ty" bớt cho 500 đồng/triệu/ngày tiền lãi, giúp nhau đấy.

Một hình thức lan tỏa dịch vụ hình chóp nón lộn ngược. Được biết, nhiều sinh viên không có khả năng đóng lãi đúng hạn, những cửa hàng cầm đồ này dùng nhiều biện pháp từ mềm đến rắn để thu hồi nợ.

Đối với một số sinh viên cháy túi có sức khỏe thì đi phát tờ rơi, dán quảng cáo khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội, tiền công trừ thẳng vào tiền lãi.

Tôi gặp một số trường hợp như vậy tại đây thì có tới 6 cậu loay hoay cần mẫn lao động quét nhà, rửa bát, nấu cơm, dán tờ rơi tới vài tháng vẫn chưa xoay được tiền gốc để trả. Thậm chí có cả sinh viên nữ ham chơi hơn ham học tiện đường cặp kè luôn với nhân viên công ty cho vay chỉ để cấn nợ.

Tôi hỏi đùa:

- Sao không mang hết đống giấy lộn tờ rơi tờ vãi vứt vào thùng rác ngoài đường ấy rồi về nhà mà ngủ?

- Không ăn gian được đâu anh ơi, công ty họ hay cho người kiểm tra đột xuất lắm. Với cả thằng bạn em cũng định bùng chúng nó về tận quê đòi ấy.

Ngoài hình thức này thì nhiều cửa hàng khác nhận cho khách thế chấp giấy đăng ký xe gắn máy với số tiền tương đương 60% giá trị xe. Viết giấy bán xe và rồi lại làm hợp đồng thuê xe của chính mình để đi lại. Hầu hết các dịch vụ cho vay tiền đều có giấy phép kinh doanh hợp pháp cung ứng dịch vụ cho thuê đủ thứ trên đời này.

Vô số kẻ bất lương dẫn dắt sinh viên vào con đường bán hàng đa cấp cũng tới dịch vụ này để sinh viên tự "chui đầu vào rọ". Được việc cả 3 bên, bên cho vay có lãi, bên bán hàng đa cấp bán được hàng thu tiền luôn và "gà" sinh viên thì thỏa nguyện bước đầu đời vào con đường làm giàu không khó.

Càng tiếp xúc với những con nợ học đường, tôi càng thấy hoang mang lo lắng. Đối với những sinh viên ngoại tỉnh thì Hà Nội quá nhiều cám dỗ, là cờ bạc, là chiếc điện thoại mới, là bữa sinh nhật hoành tráng hay con gấu bông to đùng tặng bạn gái… đều dễ dàng dẫn đến con đường đi vay mượn nặng lãi và khó thoát ra khỏi đó.

Hệ lụy có không, gần nhất là lại dụ dỗ bạn bè đi vay để giảm lãi hay kịch bản cuối cùng vỡ trận thì bỏ học trốn biệt tăm để rồi một đám xăm trổ mò tận về quê xòe ra tờ giấy nợ nã tiền cha mẹ họ. Con trâu, con bò, chiếc xe máy cọc cạch ở nông thôn là cả một tài sản chúng khơi khơi bắt dắt ra chợ bán trả nợ đậy cho con.

Lại ân hận, lại khóc lóc, lại quay lại đi học tiếp với một quá khứ bê bối, tu tỉnh nhận thức ra được thì tốt không rồi lại quen tay tiêu tiền "trên giời" thì hư còn nhanh hơn xe hơi qua cầu Nhật Tân.

Dịch vụ cho vay kiểu này ngày càng bùng phát và nở rộ bởi những "công ty" cầm đồ áp dụng chiến thuật chia nhỏ cho vay, lợi nhuận cực lớn lại ít rủi ro hơn cầm cố tài sản lớn dễ xảy ra tranh chấp pháp lý. Khi lợi nhuận lớn thì chúng không từ một thủ đoạn nào để  kéo đám trẻ vào cuộc gian nan.

Trên đây tôi chỉ kể lại cho bạn đọc, cho các bậc phụ huynh những gì tôi được biết, được chứng kiến như một lời cảnh báo.

Để quý vị có thêm thông tin về một tệ nạn xã hội núp bóng những chiêu bài tinh vi, tiềm tàng nguy hiểm cho con cái chúng ta, những đứa trẻ tồng ngồng đang loay hoay lớn, học tập ở Thủ đô. Con dại cái mang, các cháu cũng lắm ảo mộng mà thường thì "tan giấc mơ hoa là lời chua xót".

Tốt vay thì dày nợ, miếng bánh thơm ngon và dễ kiếm thường chỉ có trong chiếc bẫy chuột.

Trí Hoàng
.
.