Vụ 2 tiệm vàng ở thị trấn Xuân Mai “phát hành sổ tiết kiệm”:

Bẫy lãi suất cao khiến người dân điêu đứng

Thứ Bảy, 03/10/2015, 07:00
Mặc dù không có chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng nhưng 2 tiệm vàng Ngọc Toàn và Thanh Tuấn đã phát hành sổ tiết kiệm có hình thức giống y chang sổ tiết kiệm của ngân hàng. Ham lãi suất cao, người dân gửi hàng trăm tỉ đồng vào 2 doanh nghiệp tư nhân này đang có nguy cơ mất trắng.

Sau “cơn lốc” vỡ nợ tín dụng đen xảy ra từ năm 2011, vụ việc lại thêm một bài học cảnh tỉnh đối với người dân trước những cái bẫy "lãi suất cao" trong các giao dịch cho vay tài sản…

Khốn khổ vì gửi tiết kiệm nhầm địa chỉ

Cầm lá đơn trình báo tới Cơ quan CSĐT, bà Nguyễn Thị Chính, 70 tuổi, ở thị trấn Xuân Mai ngậm ngùi kể: Năm 2009, người dân tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ ùn ùn rủ nhau mang tiền đến tiệm vàng Thanh Tuấn (71 tổ 4 Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để gửi tiết kiệm vì lãi suất cao gấp đôi so với lãi suất tiền gửi tại ngân hàng. Bà Chính cũng gom góp số tiền chắt bóp cả đời gồm tiền mặt và 8 cây vàng trị giá khoảng gần 700 triệu đồng tới gửi.

Bà Chính cho biết, khi gửi tiền tại đây, bà nhận được một sổ tiết kiệm có đóng dấu đỏ của doanh nghiệp, giống như sổ tiết kiệm của ngân hàng nên bà rất yên tâm. Thời gian đầu, doanh nghiệp trả lãi rất đầy đủ. Đến năm 2011, thấy hiện tượng tiệm vàng Ngọc Toàn ở gần đó bị "vỡ nợ", bà Chính lo lắng đến đòi lại tiền thì được chủ tiệm vàng Nguyễn Thị Thanh trấn an rằng: "Cô cứ yên tâm, đây là tiền dưỡng già của các cô, chúng cháu không nỡ lòng nào…".

Thấy tiệm vàng vẫn bày bán rất nhiều vàng, bà Chính đề nghị xin rút số vàng đã gửi nhưng cũng không được với lý do vàng của bà đã được mang đi cho vay, còn vàng ở tiệm là để doanh nghiệp còn kinh doanh. Đến khi bà Chính đòi ráo riết, chủ tiệm vàng nói sẽ quy ra đất để trả.

Người dân đến đòi tiền gửi tại tiệm vàng Thanh Tuấn.

"Họ đưa tôi đi xem đất, toàn đất ở vùng sâu vùng xa mà trị giá tiền tỉ. Họ bắt bí, yêu cầu tôi đưa thêm tiền để lấy đất. Toàn bộ tiền mồ hôi nước mắt tôi đã gửi vào đó, giờ làm gì có thêm để đổi đất. Vậy là đành chờ đợi họ trả tiền nhưng mấy năm rồi đòi không được" - bà Chính cay đắng cho biết.

Theo bà Chính, ngoài lãi suất cao thì việc bà và rất nhiều người dân tin tưởng gửi tiền, vàng cho tiệm vàng Thanh Tuấn là do đây là tiệm vàng lớn nhất trong khu vực. Từ trước đến nay, người dân ở thị trấn và các vùng lân cận thường tới đây mua bán vàng. Trong khoảng thời gian 2008-2010, việc kinh doanh của tiệm vàng này "nổi" rất nhanh, chủ tiệm vàng mua sắm một loạt tài sản có giá trị cao như nhà đất, ôtô... nên tạo uy tín cho người dân. Doanh nghiệp Thanh Tuấn được vinh danh là một trong những doanh nghiệp làm ăn tiêu biểu tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ doanh nghiệp còn được đề cử ra ứng cử vào Hội đồng nhân dân của địa phương. Tiệm vàng treo rất nhiều ảnh vợ chồng chủ doanh nghiệp chụp chung với nhiều vị lãnh đạo khiến người dân đều bị choáng ngợp và đặt niềm tin ở doanh nghiệp. "Đến khi sự việc đổ bể, chị Thanh tuyên bố rằng chúng tôi đến… tòa án mà đòi tiền". Thái độ thách thức của chủ doanh nghiệp khác hẳn với sự đon đả, ngọt ngào khi tiếp nhận việc gửi tiền.

Gương mặt bần thần, buồn bã, ông Nguyễn Xuân Tiến, 66 tuổi ở tổ 3 khu Tân Xuân, thị trấn Xuân Mai thở dài thườn thượt khi nhắc đến số tiền hơn 1 tỉ đồng đã gửi cho doanh nghiệp Thanh Tuấn và Ngọc Toàn. Ông Tiến cho biết đây là số tiền tích cóp của cậu con trai xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc suốt 6 năm trời gửi về nhờ bố mẹ giữ hộ để khi về Việt Nam cưới vợ.

Thấy mọi người đua nhau mang tiền đến 2 tiệm vàng này gửi tiết kiệm, vợ chồng ông bảo nhau mang số tiền của con trai đến gửi. "Tiền mồ hôi nước mắt của cháu. Chúng tôi muốn khi về, cháu có số vốn kha khá để còn mua nhà, xây dựng gia đình. 2 tiệm vàng lại ở gần nhà, hàng ngày qua lại thấy họ vẫn kinh doanh bình thường, lại có uy tín trong khu vực nên chúng tôi rất tin tưởng". Khi thấy dấu hiệu tiệm vàng Ngọc Toàn bị đổ bể, ông Tiến lo lắng đến doanh nghiệp Thanh Tuấn để lấy lại số tiền 630 triệu đồng gửi ở đây.

"Ban đầu, cô Thanh chủ tiệm vàng khóc lóc ghê lắm. Cô ấy van xin tôi để cho cô ấy thư thả chứ cùng lúc mọi người dồn đến đòi tiền thì cô ấy không trả nổi. Tiền của chúng tôi, cô ấy nói cũng đã cho người khác vay. Cô ấy hứa khi nào tình hình êm dịu sẽ trả rồi đưa cho tôi một quyển sổ đỏ cầm để làm tin. Nghĩ doanh nghiệp làm ăn đứng đắn nên tôi cũng nghĩ mình chia sẻ với họ trong lúc khó khăn. Nhưng sau đó, chờ đợi mãi mà họ không trả tiền".

Ông Tiến rầu rĩ cho biết, khi cậu con trai trở về Việt Nam cũng là lúc tiệm vàng Thanh Tuấn vỡ nợ. "Năm nay cháu 33 tuổi rồi. Nhưng tiền không có, nó cũng chả tính đến việc lấy vợ nữa. Nhìn con đã lớn tuổi  mà chưa yên bề gia thất,  vợ chồng tôi đau lòng lắm, chả biết phải làm thế nào. Công sức 6 năm trời của cháu vất vả bên xứ người, nghĩ mà xót xa…".

Chìa cuốn sổ tiết kiệm gửi 100 chỉ vàng ở tiệm vàng Thanh Tuấn cho chúng tôi xem, chị Phạm Thị Tuyến, cán bộ một trường đại học trên địa bàn thị trấn Xuân Mai chua chát khi kể lại việc gửi vàng tại đây. Chị cho biết, năm 2011, vợ chồng chị tích cóp được một khoản tiền để chuẩn bị xây nhà.

Trong lúc chờ đợi, vợ chồng chị quyết định mua vàng để dành, dự tính khi nào xây nhà sẽ mang vàng đi bán. Chị đến tiệm vàng Thanh Tuấn mua 100 chỉ vàng với giá 470 triệu đồng. Sau khi mua bán xong, chị Tuyến được chủ tiệm vàng Nguyễn Thị Thanh và nhân viên "gợi ý" gửi lại số vàng này với lãi suất 1 chỉ vàng/100 chỉ/1 tháng. Chủ tiệm vàng còn cho biết, trường hợp muốn lấy lại, chỉ cần báo trước 3-5 ngày.

Nghĩ mang số vàng này về nhà cất giữ cũng không an toàn, chị Tuyến đồng ý gửi lại để tháng sau sẽ đến lấy về, sử dụng vào việc xây nhà. Một tháng sau, chị Tuyến đến lấy vàng nhưng tiệm vàng nói chưa có vàng trả nên chỉ cho chị rút gốc 1 chỉ. Từ đó đến nay, chị Tuyến đã nhiều lần đến lấy vàng nhưng không được.

"Trong tiệm bày rất nhiều vàng để bán nhưng họ nhất định không trả cho tôi. Chủ tiệm vàng đề nghị quy ra đất để trả, nhưng toàn dẫn tôi đi xem đất ở vùng sâu. Mấy năm rồi, không có tiền xây nhà, gia đình tôi vẫn phải thuê nhà ở hàng tháng rất khổ sở".

Chị Tuyến cũng cho biết, không chỉ có chị mà rất nhiều cán bộ, giáo viên các trường học đóng trên địa bàn Xuân Mai trở thành nạn nhân của tiệm vàng Thanh Tuấn, giờ cũng lâm vào cảnh khốn đốn. Nhiều gia đình chỉ vì việc cho vay tiền này mà vợ chồng mâu thuẫn, hạnh phúc tan vỡ.

Bài học cảnh tỉnh

Nhìn những cuốn sổ  tiết kiệm do tiệm vàng Thanh Tuấn phát hành, chúng tôi cũng… giật mình vì về hình thức, cuốn sổ này không khác gì sổ tiết kiệm do ngân hàng phát hành. Trong sổ cũng có bảng kê xác nhận số tiền gửi, số tiền rút lãi và tiền gốc, có chữ ký và con dấu của doanh nghiệp. Đặc biệt phần bìa cuốn sổ có ghi rõ những quy định đối với người gửi tiền, giống như quy định của ngân hàng, như: Khi lĩnh tiền, người gửi phải xuất trình sổ tiết kiệm, CMND hoặc sổ hộ khẩu, ký đủ và ký đúng chữ ký đã đăng ký tại doanh nghiệp; khi mất sổ phải thông báo kịp thời cho doanh nghiệp, tránh bị lợi dụng và phải chịu hậu quả của việc mất sổ. Trước khi có nhu cầu rút tiền, lúc đáo hạn, đề nghị thông báo cho doanh nghiệp trước 2-3 ngày. Tiền gửi của khách được giữ bí mật và tuyệt đối an toàn.

Người dân cho biết, 2 doanh nghiệp Ngọc Toàn và Thanh Tuấn phát hành sổ tiết kiệm, có con dấu pháp nhân. Cuốn sổ với chữ ký và con dấu đỏ "bảo hành" của doanh nghiệp đã củng cố niềm tin cho người gửi. Cùng với đó là cái bẫy lãi suất cao "gấp đôi ngân hàng" đã khiến nhiều người hám lợi.

Sổ tiết kiệm do doanh nghiệp Thanh Tuấn phát hành giống y chang sổ tiết kiệm của ngân hàng và đơn tố cáo của người dân gửi cơ quan Công an.

Theo Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT (PC46) Công an Hà Nội, việc 2 doanh nghiệp vàng bạc Ngọc Toàn và Thanh Tuấn không được phép kinh doanh tiền tệ, tín dụng nhưng đã tự ý phát hành sổ tiết kiệm để huy động vốn sử dụng vào mục đích cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, lần đầu tiên xảy ra ở Hà Nội. Kinh doanh tài chính là ngành nghề kinh doanh đặc biệt, phải có giấy phép của cơ quan chức năng về hoạt động kinh doanh có điều kiện. Hiện tại Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án và khởi tố các bị can về tội "Kinh doanh trái phép" để điều tra, xử lý theo pháp luật.

Thượng tá Mai Trọng Thắng cho rằng, vụ phát hành sổ tiết kiệm dẫn đến không có khả năng thanh toán của 2 doanh nghiệp nêu trên thực chất là một dạng vỡ họ, hụi biến tướng. Nếu như trước đây, các đối tượng vay tiền chỉ cam kết bằng giấy vay hoặc hợp đồng góp vốn thì với sổ tiết kiệm có hình thức giống như sổ của ngân hàng, 2 doanh nghiệp này đã gây được niềm tin cho người dân. Tuy nhiên, mục đích của việc phát hành sổ tiết kiệm vẫn là chiếm dụng vốn của người dân để kinh doanh.

Thượng tá Mai Trọng Thắng cũng khuyến cáo, người dân có nhu cầu gửi tiết kiệm cần cân nhắc, nên gửi  vào những tổ chức kinh doanh tiền tệ, tín dụng có giấy phép để tránh rủi ro, bởi theo quy định, trong quá trình kinh doanh, những đơn vị này phải trích nộp một phần vào quỹ rủi ro. Do đó khi gửi tiền vào những nơi này, quyền lợi và tài sản của người dân được đảm bảo.

Luật sư Hoàng Nguyên Bình, Văn phòng Luật sư Bình An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong giao dịch dân sự, khi xảy ra vỡ nợ, cơ hội lấy lại được tiền của người vay là rất nhỏ vì chỉ trông chờ vào tài sản mà Cơ quan điều tra thu giữ được từ con nợ, mà phần lớn khi xảy ra đổ vỡ thì tài sản này chẳng còn được là bao. Nguyên nhân của các vụ vỡ nợ "tín dụng đen", ngoài nguyên nhân là lòng tham hưởng lãi suất cao thì phần lớn nạn nhân cũng đều thiếu hiểu biết xã hội.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì chỉ cần tỉnh táo một chút thôi cũng có thể nhận biết được người vay tiền kinh doanh cái gì mà có thể trả lãi cao đến thế. Vì vậy, với những người đang có tiền nhàn rỗi, cần cảnh giác với những trường hợp gạ gẫm vay tiền với lãi suất cao để tránh rủi ro.

Hiện vụ việc đang được Cơ quan Công an điều tra, xử lý. Theo Cơ quan điều tra, con số người bị hại đến Cơ quan Công an trình báo vẫn chưa dừng lại. Đa số người gửi tiền là cán bộ, người dân sinh sống, làm việc tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ và Hòa Bình. Do việc gửi tiền diễn ra trong một thời gian dài, khi có dấu hiệu đổ vỡ, nhiều người thay vì trình báo cơ quan pháp luật đã tự ý tìm cách đòi tiền. Chính vì sự "im lặng" này nên con số nạn nhân hiện chưa thể thống kê hết được.

Sau một loạt các vụ vỡ nợ khủng hàng trăm tỉ đồng xảy ra vào những năm 2011-2012 thì vụ việc huy động vay tiền bằng hình thức sổ tiết kiệm của 2 doanh nghiệp Ngọc Toàn và Thanh Tuấn một lần nữa là bài học cảnh tỉnh người dân khi cho vay tiền, tài sản. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, bên cạnh thiệt hại mà người dân đang gánh chịu thì cần xem xét trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương khi để 2 doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tự phát hành sổ tiết kiệm trái phép diễn ra trong một thời gian dài như vậy mà không hề bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Ngày 28/9, Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an Hà Nội cho biết, liên quan đến vụ việc 2 tiệm vàng Ngọc Toàn và Thanh Tuấn (ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tự phát hành sổ tiết kiệm giống như ngân hàng, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can (là chủ 2 tiệm vàng) về tội “Kinh doanh trái phép”  gồm:  Nguyễn Thị Thanh (SN 1964), Giám đốc Doanh nghiệp vàng bạc tư nhân Thanh Tuấn; Nguyễn Đức Toàn (SN 1964) và Đỗ Thị Ngọc (SN 1966) - là hai vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Ngọc Toàn.

Bước  đầu, Cơ quan Công an xác định đã có khoảng trên 400 người đã gửi trên 90 tỉ đồng (gồm tiền mặt và vàng) cho 2 tiệm vàng này đang đối mặt với nguy cơ mất trắng.

Theo Cơ quan CSĐT, 2 doanh nghiệp Thanh Tuấn và Ngọc Toàn huy động tiền gửi của người dân từ năm 2009 đến 2011, phát hành sổ tiết kiệm giống như ngân hàng nhưng lãi suất thì cao hơn gấp đôi so với mức lãi suất gửi ngân hàng, từ 2,5 đến 3%/tháng. Các doanh nghiệp khai đã dùng tiền cho vay của người dân  để kinh doanh đất đai và cho vay lãi, cho các doanh nghiệp khác vay, dẫn đến việc không thanh toán được.

Hương Vũ
.
.