Bi kịch đằng sau giấc mơ đổi đời ở xứ sở sương mù

Thứ Năm, 20/07/2017, 16:42
Phần lớn họ là lao động nhập cư tới Anh từ các vùng nông thôn nghèo tại Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan. Thậm chí, có cả những phụ nữ tới từ các thành phố giàu có hơn như Hong Kong, Đài Loan; kể cả Hàn Quốc hay Nhật Bản. 80% trong số họ là lao động nhập cư trái phép. Nhiều phụ nữ tới Anh bằng con đường kết hôn giả.


Bị cưỡng bức, đánh đập, ăn chặn không dám báo cảnh sát

Trong bộ phim của mình đăng tải trên BBC, Jenny Lu, sinh viên mỹ thuật từng theo học tại Đài Loan, bắt đầu tìm hiểu về cuộc sống bí mật của các phụ nữ châu Á bị cưỡng bức, khống chế làm gái  tại London.  Phim cũng đã tái hiện lại cuộc sống đầy vất vả của những người phụ nữ làm việc tại các cửa tiệm mát xa  ở thành phố London. Họ phải chịu cảnh hành hạ, bạo lực. Những kẻ bảo kê yêu cầu các cô phải trả tiền; nếu không trả, họ sẽ bị đánh đập, lấy hết tiền và thậm chí bị hiếp dâm. Đám côn đồ biết các cô sẽ không dám gọi cho cảnh sát.

Cuộc sống khép kín trong phòng, không tiếp xúc thế giới bên ngoài. Ảnh: BBC.

Thông thường, mỗi cuộc "mây mưa" như vậy, khách hàng sẽ phải trả khoảng 152 USD. Tuy nhiên, chủ của các cửa hàng mát xa sẽ giữ 50-60% số tiền kiếm được và chỉ trả cho các cô gái phần còn lại. Trong khi nhiều người đã cố bỏ việc, số khác vẫn quyết định tiếp tục công việc dù không ai bắt ép, kể cả sau khi họ đã kiếm được kha khá tiền. Không giỏi tiếng Anh, họ biết chắc là mình sẽ không thể kiếm được công việc tốt nếu rời khỏi chỗ này. Làm gái mại dâm là cơ hội duy nhất cho họ để có thể xoay sở tại London. 

Theo số liệu từ trung tâm tội phạm quốc gia, vào năm 2015, ước tính có khoảng 2,744 người, trong đó có 602 trẻ em, đã bị bán tới Anh và bị ép làm trong các nhà thổ hoặc bị bóc lột thậm tệ. Con số này đã tăng 22% so với năm 2014.

Nhiều người là nạn nhân của những kẻ buôn người, khi chúng đưa các cô tới Anh với lời hứa hẹn về công ăn việc làm, nhưng cuối cùng lại làm việc trong các nhà thổ. Mắc nợ trên cổ, các cô không có lựa chọn nào khác. Aisleen có một cậu con trai 17 tuổi ở nhà và cô đã trả 20,000 bảng (khoảng gần 600 triệu đồng) để tới Anh. Ban đầu, cô làm công việc bán đĩa DVD và làm việc tại nhà hàng. Dưới sự truy quét của cảnh sát, cô không thể tiếp tục công việc được nữa.

"Họ luôn nói rằng họ muốn bỏ công việc này sau một năm hay nhiều tháng... Tuy nhiên, họ đã quen với việc làm tiền dễ dàng", Lu cho biết.  "Họ không muốn làm công việc khác bởi vì kiếm tiền sẽ không dễ dàng được như vậy. Họ nghĩ rằng làm sao họ có thể tồn tại được nếu không làm công việc đó?".

"Đó là một suy nghĩ hết sức nguy hiểm. Nó như một cái hố mà họ tự đào để chôn bản thân. Quá nhiều người mắc kẹt ở đó và không thể thoát ra ngoài". Những người phụ nữ hiếm khi ra ngoài bởi vì họ sợ hàng xóm sẽ phát hiện ra công việc họ làm. Họ làm cả ngày cả đêm và những tấm màn chắn luôn luôn đóng.

"Điều khiến tôi ngạc nhiên là nhiều người phụ nữ ở đây chưa bao giờ thấy những công trình hay điểm du lịch đẹp đẽ nào của London cả", Lu chia sẻ.  Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cô gái là nạn nhân của các cuộc buôn người, bị bán tới Anh làm trong nghề mại dâm.

Cùng quẫn, bế tắc, tự vẫn

Nhiều người trong số họ là niềm tự hào của gia đình khi có thể rời quê hương và đi nước ngoài. Tuy nhiên họ quá xấu hổ nếu phải về nhà hoặc nói cho gia đình sự thật. Các cô gái này đều muốn quên đi quá khứ và cuộc sống tẻ nhạt mà họ từng có ở quê.

Vào năm 2009, một người phụ nữ châu Á tên là Anna tự tử gần sân bay quốc tế Heathrow, London. Sau đó, vài người bạn đã phát hiện ra sự thật rằng cô ấy từng làm gái mại dâm trong một cơ sở mát xa trá hình. Và cô ấy cũng chính là bạn của Jenny Lu. Khi quyết định tự tử, Anna mới 35 tuổi. Cô đã tới nước Anh được 2 năm và làm trong ngành công nghiệp tình dục khoảng 1 năm.

"Một vài người bạn của cô ấy nghĩ rằng Anna bị áp lực từ gia đình. Họ luôn luôn yêu cầu cô gửi tiền. Số khác thì cho rằng cô ấy không thể chấp nhận công việc mình đang làm. Mỗi ngày đều là một sự tranh đấu với Anna". "Và một người bạn đã vay tiền Anna để mở nhà hàng. Khi cô ấy đòi lại, người bạn đó đã đe dọa sẽ nói cho gia đình Anna biết cô ấy làm gì ở London để kiếm sống. Điều đó cũng khiến Anna vô cùng hoảng sợ. Với nhiều người như Anna, họ không thể quay về quê nhà. Khi không còn sự lựa chọn nào khác, họ chọn cái chết để quên đi thực tại này.

"Cô ấy đến từ một vùng nông thôn nghèo tại Trung Quốc. Rời quê, cô ấy mong muốn sẽ tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn tại đây. Nhưng rồi cuộc sống đã đẩy cô tới thứ Anna chưa bao giờ ngờ tới. Tôi thực sự rất buồn. Tại sao không ai biết về điều này và không ai ra tay giúp đỡ?"- Jenny Lu chua xót trong những thước phim tái hiện sự thật trần trụi về cuộc đời những cô gái mại dâm tại London.

Thông qua một người bạn, Lu đã lần theo dấu vết của những người phụ nữ cùng làm việc với Anna tại một cửa tiệm mát xa. "Cô ấy kết hôn với một người Anh nhưng anh ta thất nghiệp. Gia đình của Anna phải trả rất nhiều tiền để sắp xếp cuộc hôn nhân này cho cô. Anna đã làm việc rất chăm chỉ để trả khoản nợ và giúp đỡ gia đình tại Trung Quốc", Lu giải thích. Nhiều người khác tới đây với tấm hộ chiếu giả.

Vài người thì đã ly dị và muốn bắt đầu cuộc sống mới tại Anh. Họ đều muốn kiếm tiền để có thể hỗ trợ và chu cấp cho gia đình.

Tuy nhiên, có nhiều người trong số đó là các sinh viên bị đồng tiền mê hoặc. Sau khi tới Anh, không ít nhận ra rằng cuộc sống ở đây thực sự vô cùng khó khăn, chưa nhắc tới việc có đạt được ước mơ cuộc đời không mà chỉ nghĩ tới làm sao để có tiền trang trải cuộc sống đã đủ khổ. Chính vì vậy, họ đã chọn công việc tại các cửa tiệm mát xa.

Văn Nguyễn -D.T. (Theo BBC)
.
.