Bí mật cá nhân - Ai bán, ai mua?
Một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội vừa phải ra trước vành móng ngựa ở TAND TP vì hành vi chiếm đoạt và mua bán thông tin cá nhân của khách hàng. Đây là vụ mua bán thông tin cá nhân đầu tiên bị xử lý bằng hình sự nhưng không phải là vụ duy nhất. Trước đó, đã có một số cá nhân bị xử lý hành chính về hành vi này. Săn thông tin cá nhân để bán đã trở thành ngón nghề làm ăn của không ít người với những thủ đoạn rất tinh vi.
Mua bí mật cá nhân - cả nghìn thông tin cũng có
Những tin nhắn mời mua hàng, thông báo khuyến mãi, chào bán bảo hiểm, thậm chí cả… xem phim sex như từ trên trời rơi vào điện thoại cá nhân của nhiều người giờ đây đã chẳng còn là chuyện hy hữu.
Mà không chỉ bằng tin nhắn, những thông tin ấy còn bắt nhiều người phải nghe bằng những cuộc điện thoại. Chị Thảo, một bạn đọc ở Trung Hòa, Hà Nội than phiền, mới sinh con được ít ngày, vết mổ sinh còn chưa kịp lành, đi lại khó khăn, ấy vậy mà muốn nằm nghỉ cũng không yên.
Có những ngày, ba bốn bận chị phải chạy từ giường ra bàn nước để nghe điện thoại. Tất cả đều là những cuộc gọi tiếp thị từ nhân viên các hãng sữa bột trẻ em, thực phẩm chức năng cho bà mẹ và em bé, cho dù chị hoàn toàn không có nhu cầu về các mặt hàng này. Chị cũng không hiểu tại sao, số máy điện thoại cố định của gia đình lại bị các nhân viên tiếp thị kia biết.
Còn chị Hoàng Anh, một nhân viên văn phòng thì than thở. Chiều muộn mới tan sở, đường Hà Nội giờ ấy mọi ngả đều tắc. Ba mẹ con đèo nhau bằng xe máy phải vất vả lắm mới di chuyển được trong mớ bùng nhùng người và xe hỗn độn.
Nhưng nhiều hôm, đang cố gắng len lỏi giữa dòng xe ken đặc với mịt mù khói bụi thì chuông điện thoại cá nhân rung lên. Sợ văn phòng có việc gì đột xuất, sợ cha mẹ già ở quê có mệnh hệ gì, chị đương nhiên là không dám bỏ qua những cuộc điện thoại như thế nên dù đường đông cỡ nào cũng cố loay hoay tấp xe bằng được vào lề đường để nghe. Hóa ra là điện thoại tiếp thị. Khi thì mời mua rượu vang, khi thì mời vào siêu thị mua hàng giảm giá…
Và, cũng giống như chị Thảo, chị Hoàng Anh không thể lý giải được tại sao các chàng trai, cô gái tiếp thị xa lạ kia lại biết được số điện thoại cá nhân của chị dù chị và họ không hề có bất cứ mối liên hệ nào.
Nhưng chị Thảo và chị Hoàng Anh còn may mắn chán bởi những cuộc điện thoại như thế chỉ làm phiền họ mà không bắt họ phải chịu thêm bất cứ một hệ lụy nào. Anh Hưng, một nhân viên kinh doanh ở Hà Nội, gia đình suýt ly tán vì những cuộc điện thoại từ trên trời rơi xuống như thế.
Kể lại chuyện cũ mà anh vẫn còn nguyên nỗi bức xúc như thể mới xảy ra hôm qua thôi. Số là do công việc, anh thường phải đi công tác ở các tỉnh phía Nam, có đợt phải đóng đô cả tháng trời ở trong đó. Vợ anh, vốn không có máu Hoạn Thư, lại tin tưởng chồng nên mặc dù anh đi biền biệt như thế nhưng tịnh chả bao giờ bóng gió lời ra tiếng vào.
Thế rồi, chiến tranh nóng giữa hai vợ chồng bỗng dưng bùng nổ khi một ngày nọ, anh vừa mới trở về nhà được 2 ngày thì điện thoại liên tục nhận được 2 tin nhắn. Một có nội dung mời mua đất xây biệt thự ở Bình Dương. Một mời massage thư giãn có tiếp viên trẻ đẹp phục vụ.
Anh không biết tin nhắn ấy ở đâu ra và tại sao lại nhằm đến anh để mời chào. Còn chị thì một mực tin rằng, anh đã từng đi massage, anh đã từng đi dò hỏi manh mối để mua đất ở khu vực Bình Dương cho vợ bé. Có thế, người ta mới biết số điện thoại của anh để mà nhắn tin mời chào chứ! Chị đau đớn vì cho rằng anh đã phản bội lại tình yêu vô bờ bến của chị và ý định ly hôn chỉ chấm dứt khi sau này chị hiểu ra rằng anh chỉ là một trong số hàng vạn nạn nhân của tình trạng mua bán thông tin cá nhân.
Trên thị trường của loại hàng hóa đặc biệt này, chỉ cần bỏ ra chừng 1 triệu đồng, người ta có thể mua được cả nghìn số điện thoại. Dương Hồng Lễ, nguyên giám đốc một công ty tại TP HCM, người từng bị Cơ quan Công an xử lý hành chính hồi đầu năm 2012 vì hành vi mua bán thông tin cá nhân, đã từng rao bán cả kho danh sách đồ sộ với 780 khách hàng đầu tư chứng khoán lớn của nhiều sàn, 700 khách hàng sàn vàng, 9.728 giám đốc của các công ty, 1.200 chủ tịch hội đồng quản trị, 850 thành viên câu lạc bộ doanh nhân, 650 thành viên câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn, hàng ngàn khách hàng đầu tư địa ốc, chủ sở hữu xe hơi đắt tiền, nhà đầu tư v.v...
Như Phạm Thiên Hương, nguyên nhân viên Ngân hàng Techcombank, đã từng chào bán thông tin khách hàng gửi tiền của ngân hàng này, bao gồm: danh sách khách hàng đang gửi tiết kiệm từ 100 triệu đồng trở lên, danh sách khách hàng thẻ visa credit hạn mức từ 50 triệu đồng trở lên, danh sách khách hàng phê duyệt trước thẻ visa credit có số dư tiết kiệm tối thiểu 1 tỉ đồng…
Dương Hồng Lễ (bên trái) đang nhận tiền bán thông tin từ khách hàng. |
Thủ đoạn săn hàng VIP
Để có được thông tin cá nhân của những khách hàng VIP có địa vị, giàu có như: những người có số dư tiết kiệm nhiều ở các ngân hàng, những người sở hữu các xe hơi, căn hộ hạng sang, những người chủ thuê bao các số điện thoại đẹp… là một hành trình công phu với nhiều mánh lới tinh vi.
Chủ của một công ty chuyên mua bán thông tin cá nhân thú nhận, sau khi thu thập được thông tin của các khách hàng VIP từ các nguồn trôi nổi, anh ta phải ký hợp đồng với một công ty khác chuyên xác tín lại các thông tin này để đảm bảo độ chính xác 100% trước khi rao bán.
Để xác tín thông tin, thông thường, công ty sẽ cho nhân viên gọi điện thoại cho từng khách hàng với nội dung như: "Có phải anh chị vừa mua căn hộ (hoặc xe hơi) tại công ty của em không? Công ty đang có chương trình chăm sóc khách hàng". Tiếp đó, dù khách hàng không tiếp tục nghe hoặc trả lời điện thoại mà chỉ cần nói: "Đúng vậy" là coi như việc xác tín đã hoàn tất.
Còn nếu hàng VIP mà có được từ nguồn tin cậy thì không cần xác tín nữa. Nguồn tin cậy thường từ chính các tay trong tại các ngân hàng, các hãng xe hơi, các doanh nghiệp kinh doanh nhà đất… Phạm Thiên Hương có được rất nhiều danh sách các khách hàng VIP của Ngân hàng Techcombank nhờ vào công việc của anh ta tại ngân hàng này. Là chuyên viên hỗ trợ khách hàng cá nhân tại Phòng Dịch vụ ngân hàng cá nhân của Techcombank Chi nhánh Nội Bài nên Hương biết được danh sách gửi tiền tiết kiệm và các khách hàng có giao dịch tiền gửi tại đây.
Từ tháng 6/2011, Hương chủ động mượn user và mật khẩu của đồng nghiệp nhiều lần truy cập vào mạng lưu trữ dữ liệu nội bộ của ngân hàng để lấy danh sách khoảng trên 10.000 khách hàng gửi tiền tại ngân hàng. Sau đó, từ khoảng tháng 1 đến tháng 7/2012, lợi dụng việc truy nhập vào hệ thống dữ liệu của ngân hàng để phục vụ công tác xuất báo nợ hàng ngày, Hương đã copy danh sách 87 khách hàng có đăng ký thẻ visa credit.
Tại Cơ quan điều tra, chính Hương đã thừa nhận, việc sao chép, lưu giữ tài liệu này nhằm hai mục đích. Thứ nhất, để sau này nếu chuyển sang làm việc ở ngân hàng khác sẽ sử dụng thông tin này để thu hút khách gửi tiền về nhằm đạt chỉ tiêu cá nhân. Thứ hai là để rao bán kiếm lời.
Quả vậy, ngay sau khi có kho dữ liệu đó trong tay, Hương lập tức gửi thư chào bán trên mạng Internet từ email của Hương.
Một tháng sau, Hương đã bán được danh sách 1.000 khách hàng ở khu vực Hà Nội có số dư tài khoản từ 500 triệu đồng trở lên với giá 10 nghìn đồng/khách hàng, thu lời 10 triệu đồng. Người mua dữ liệu của Hương là một nhân viên ngân hàng khác trên địa bàn Hà Nội.
Hứa Minh Tuấn cũng vậy. Vào khoảng năm 2008, sau khi ra trường, Tuấn làm việc cho một công ty chứng khoán tại TP HCM. Trong thời gian làm ở đây, Tuấn đã thu thập được danh sách 600 khách hàng gửi mua bán bất động sản (có số điện thoại, mã căn hộ, giá bán). Cộng với các nguồn tự thu thập khác, Tuấn đã có một kho dữ liệu thông tin cá nhân khá lớn và sau đó, Tuấn đã bán một phần cho Dương Minh Lễ ngụ tại TP HCM.
Để bán thông tin cá nhân, Lễ lập hẳn một website, thiết kế hoành tráng và công khai cả số điện thoại lẫn địa chỉ giao dịch trên mạng Internet. Kho dữ liệu của Lễ toàn khách hàng VIP, một phần do Lễ mua được từ Tuấn, phần còn lại là mua từ Lê Minh Trung cũng ngụ tại TP HCM. Trung vốn làm chủ một công ty du lịch tư nhân. Ban đầu chỉ thu thập thông tin cá nhân nhằm mời chào khách hàng đi du lịch, sau rồi thấy thị trường mua bán thông tin cá nhân phát triển, dễ sinh lời nên Trung bắt đầu tham gia bằng cách tự thu thập thông tin để bán.
Cho đến khi đường dây mua bán thông tin cá nhân của Lễ - Tuấn - Trung bị Cơ quan Công an phát hiện, thì rất nhiều lượt giao dịch mua bán đã được bộ ba này thực hiện với nhau và với nhiều khách hàng khác.
Ai cần thông tin VIP?
Theo quy luật thông thường của thị trường thì có cầu ắt phải có cung. Sở dĩ, các thông tin cá nhân bán được vì trên thị trường có nhiều nhu cầu mua, đặc biệt là mua các thông tin VIP, tức là những người có tiềm lực kinh tế hoặc có địa vị xã hội. Bởi trên thị trường hàng hóa đặc biệt này, người mua thường là những công ty bảo hiểm, ngân hàng, các nhà mạng ĐTDĐ, công ty truyền thông, kinh doanh nhà đất…
Họ mua thông tin cá nhân, đặc biệt là thông tin VIP nhằm để sử dụng trong việc tiếp cận, gọi điện chào mời khách hàng sử dụng dịch vụ kinh doanh như mua bất động sản, mua bảo hiểm, mua dịch vụ viễn thông… Vì thế, đối với họ, từ các thông tin VIP mua được, họ sẽ tìm được các khách hàng tiềm năng.
Nhưng cũng không loại trừ trường hợp, các thông tin cá nhân này sẽ bị các đối tượng xấu sử dụng với mục đích đe dọa, tống tiền… Năm ngoái, tại Hà Nội, TAND TP đã đưa ra xét xử một vụ án tống tiền xảy ra tại trụ sở một ngân hàng lớn trên phố Bà Triệu.
Đối tượng là một thanh niên quê Thanh Hóa đang lâm vào cảnh nợ nần ngập đầu ngập cổ sau khi kinh doanh nhà hàng bị thua lỗ. Do tìm kiếm được thông tin cá nhân của vị giám đốc ngân hàng, đối tượng này đã gọi điện rồi gửi thư đe dọa tống tiền. Sau khi tiếp cận được vị giám đốc tại trụ sở ngân hàng, đối tượng đã vờ đe dọa ở trong chiếc cặp da mà hắn mang theo có bom và buộc ông này phải giao cho hắn một số tiền rất lớn.
Việc mua bán thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật. Theo quy định tại điều 226 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thì 1 trong 3 hành vi phạm tội là: "Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó".
Trong trường hợp mua bán danh sách khách hàng gửi tiền tại ngân hàng như Phạm Thiên Hương thì phạm vào tội chiếm đoạt, mua bán tài liệu bí mật của Nhà nước. Bởi theo các quy định hiện hành của Bộ Công an và của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì đó là tài liệu bí mật Nhà nước.
Phạm Thiên Hương trong phiên tòa sơ thẩm. |
Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 263 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 2 năm đến 15 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Trong phiên tòa sơ thẩm, Phạm Thiên Hương đã bị tuyên phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo