Cách ly xã hội và cuộc chiến chống tội phạm ma túy
- Băng đảng Yakuza tìm cách chuyển hướng hoạt động
- Các băng đảng tội phạm ở Mexico thanh toán lẫn nhau vì… COVID-19
Nhưng thực tế lại không phải vậy. Lượng cocain xuất xứ từ Mỹ Latin đến châu Âu vẫn không suy giảm. Và cũng vì giãn cách xã hội nên giá đã tăng gấp 3, 4 lần…
1. Khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 ập vào Italy thì Rocco Mole, thành viên của băng nhóm tội phạm Ndrangheta cũng phải tìm cách đối phó với tình hình. Với 537kg cocaine vừa nhập lậu vào cảng Gioia Tauro, phía nam Italy nhưng do biện pháp phong tỏa đất nước nhằm ngăn ngừa COVID-19, Rocco Mole chỉ có thể chuyển 20kg đến một địa điểm ở phía bắc rồi từ nơi này, nó sẽ được đưa tới Amsterdam, Hà Lan. Số còn lại, Mole chôn trong một khu vườn trồng chanh.
Ngày 28/3/2020, xe tuần tra cảnh sát phát hiện Mole đi ngoài đường, vi phạm lệnh cách ly. Và thay vì chặn anh ta lại, hỏi han lý do rồi buộc anh ta phải quay về nhưng bởi nghi ngờ, cảnh sát bí mật theo dõi. Kết quả là tại vườn chanh, cảnh sát tìm thấy 517kg cocain được đóng gói như những viên gạch, bên ngoài bọc màng nhựa. Lẽ dĩ nhiên Mole vào thẳng trại giam, chờ ngày ra tòa.
Một phần trong 14 tấn cocain do Hải quan Tây Ban Nha thu giữ. |
Rocco Mole chỉ là một trong hàng chục thành viên của những băng nhóm mua bán cocain ở Italy sa lưới vì xem thường lệnh cách ly. Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, cảnh sát Italy hy vọng với biện pháp phong tỏa cực kỳ nghiêm ngặt, họ sẽ phá vỡ mạng lưới thu mua, chế biến và phân phối ma túy nhưng thực tế cho thấy các băng nhóm tội phạm đã nhanh chóng thích nghi.
Bằng cách áp dụng những phương thức linh hoạt, việc buôn lậu ma túy diễn ra tuy có kín đáo hơn nhưng thị trường tiêu thụ thì không thay đổi bởi lẽ hàng trăm nghìn con nghiện có thể một ngày không ăn, nhưng không thể một ngày thiếu thuốc cho dù giá cả có tăng lên gấp 3 hoặc 4 lần!
Theo ước lượng của các chuyên gia chống ma túy Liên Hiệp Quốc, mỗi năm khu vực Mỹ Latin cung cấp cho châu Âu và Bắc Mỹ gần 2.000 tấn cocain, trị giá hàng chục tỉ USD. Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, các băng nhóm kinh doanh cái chết trắng thích nghi với lệnh giãn cách nhanh hơn so với những doanh nghiệp hợp pháp.
Nếu như trước đây, cocain thường được bán lẻ trên đường phố thì nay giao tại nhà. Lợi dụng quy định mỗi gia đình mỗi ngày chỉ được 1 người đi mua sắm những thứ cần thiết, các chân rết của những băng nhóm tội phạm cũng khoác túi lên vai, vào siêu thị mua hộp bánh pizza, vài quả táo rồi trên đường về, tạt qua địa chỉ nào đó để giao hàng.
Trung úy Vincente Giusepto thuộc đội cảnh sát chống ma túy thành phố Naples, Italia, cho biết: “Như Rossi chẳng hạn, từ cửa hàng thịt ra, lúc đi gần đến một căn nhà trên phố Lazzaro, gã móc túi lấy gói thuốc lá Toscanello châm một điếu, còn cái vỏ hộp gã ném vào thùng rác. Vài phút sau, chủ nhà mở cửa, lục thùng rác lấy cái vỏ hộp thuốc lá, trong đó có 10 gam cocain. Chúng tôi bắt được Rossi là nhờ dấu vân tay của gã in đầy trên vỏ hộp, và điếu thuốc gã đang hút cũng cùng một nhãn hiệu”.
Tại Argentina, tỉnh Salta ở phía bắc là cửa ngõ chính trên con đường thẩm lậu cocain từ nước láng giềng Paraguay. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 20 tấn cocain, 10 đến 12 tấn cần sa cùng khoảng 3 tấn - vừa amphetamine, vừa ma túy dạng đá vào Argentina bằng con đường này rồi sau đó, ngoài tiêu thụ nội địa, ma túy được đưa sang Colombia, Mexico, Brazil… để đến đến châu Âu, Mỹ, Australia và New Zealand. Một trong những tập đoàn tội phạm điều hành hệ thống vận chuyển, mua bán ấy là “gia tộc Los Monos”.
Khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, cùng với thế giới, các quốc gia Nam Mỹ thực hiện lệnh đóng cửa cả về đường bộ, đường biển lẫn đường hàng không nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các chốt chặn, các trạm kiểm soát được dựng lên tại các vị trí trọng yếu nên vô hình trung, các đường dây vận chuyển ma túy của “gia tộc Los Monos” cũng bị tê liệt.
Carolina Sampo, điều phối viên thuộc Trung tâm nghiên cứu xuyên quốc gia có trụ sở ở Argentina nói với trang tin Châu Mỹ Latin Ngày nay - Latin America Today: “Việc đóng cửa biên giới đã khiến các băng nhóm tội phạm gặp khó khăn khi vận chuyển ma túy - từ nhập khẩu đến tiêu thụ. Điều đó dẫn đến giá cả tăng lên...”.
German de Los Santos, chuyên gia về tội phạm ở Argentina cho biết tiếp: “Trước khi có dịch COVID-19, giá 1 gam cocain ở Buenos Aires là 80USD, hiện nay, nó là 250USD nhưng không thể dễ dàng mua được. Riêng cần sa, giá tăng gấp 2 bởi lẽ với khối lượng cồng kềnh, 1 kg cần sa khó mà lọt qua biên giới so với 1 kg cocain”.
Tiến sĩ Carlos Damin, Trưởng khoa Độc chất học, Bệnh viện Fernandez ở Buenos Aires nói: “COVID-19 dẫn đến hệ quả là các băng nhóm tội phạm ở Argentina tạm thời “đình chiến” trong việc tranh giành lãnh địa. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở thành phố Rosario. Nếu như tháng 2-2020, trong bình mỗi ngày nơi này xảy ra 15 vụ giết người có liên quan đến ma túy thì từ tháng 3 trở lại đây, cảnh sát không ghi nhận một vụ nào”.
2. Thoạt đầu, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc trồng cây coca lấy lá để chiết xuất thành cocain. Tại Peru, nơi cung cấp khoảng 20% cocain cho con nghiện trên thế giới, việc cách ly xã hội đã khiến các xưởng nghiền lá coca thành bột nhão phải đóng cửa.
Pedro Yaranga, chuyên gia phân tích tội phạm Peru nói: “Đây là điều mà suốt 4 năm qua, cảnh sát Peru không làm được nhưng COVID-19 làm chỉ trong 3 tuần”. Thế nhưng điều này không ngăn cản nguồn cung cocain gián đoạn trên thị trường bởi lẽ các băng nhóm ma túy luôn có sẵn những lượng cocain dự trữ.
Tại Bolivia, nơi sản xuất khoảng 1/10 lá coca của thế giới, bức tranh lại bị đảo ngược. Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), COVID-19 đang hạn chế khả năng của chính quyền Bolivia trong việc kiểm soát nông dân trồng cây coca, dẫn đến sự gia tăng sản lượng gấp 3 lần so với hồi chưa có dịch.
Ở Colombia, nơi 70% cocaine của thế giới được sản xuất, bức tranh pha trộn nhiều hơn. Cảnh sát chống ma túy đã triệt phá 1.969 hecta đồn điền trồng cây coca chỉ trong 3 tuần sau khi có lệnh cách ly toàn quốc, bắt đầu từ ngày 25/3 nhưng bên cạnh đó, ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có thể có hơn 1.000 hecta cây coca đang được trồng mới.
Nông dân thu thập lá coca ở Guaviare, Colombia. |
Ông Hoan Juarez, chuyên gia phân tích không ảnh nói: “Trước đây, nông dân phá sạch rừng rồi mới trồng coca nhưng hiện nay, họ trồng xen lẫn với rừng. Khi cây coca lên cao khoảng 30, 40cm, họ mới chặt hạ cây rừng để máy bay của cảnh sát khó phát hiện”.
Cũng có những nơi như Catatumbo, Colombia, một khu vực nằm gần biên giới với Venezuela, việc sản xuất, kinh doanh ma túy thực sự bị tê liệt. Nhà báo Jacanny Mejía Cantor, sống tại thành phố Ocana cho biết thông thường, Catatumbo sản xuất đủ lá coca trong một năm để tạo ra 84 tấn cocaine nguyên chất.
Tuy nhiên do lệnh cách ly xã hội, lượng cocain xuất xưởng đã xuống đến mức nhỏ giọt mà nguyên nhân thì theo nhà báo Jacanny Mejía Cantor: “Cộng đồng dân cư đã tiến hành phong tỏa để ngăn người lạ vào làng vì sợ họ mang nguồn lây nhiễm COVID-19. Điều đó làm gián đoạn sự cung cấp nguyên liệu và hóa chất để sản xuất cocain”. Tuy nhiên, các tập đoàn ma túy lớn nhất Colombia dường như không bị ảnh hưởng bởi lẽ họ đã có sẵn những kho dự trữ được xây dựng trước đại dịch, cũng như những trang trại nhỏ trồng cây coca, các xưởng chế biến vẫn hoạt động vì số lượng công nhân không cần nhiều.
Thành trì của các tập đoàn ma túy này nằm ở Uraba, tây bắc Colombia, một khu vực chiến lược với các đồn điền coca, phòng thí nghiệm và cảng biển. Theo ước tính của các chuyên gia UNODC, thường có khoảng 40 đến 45 tấn cocaine giấu tại những kho chứa bí mật, nằm sâu trong những khu rừng hẻo lánh, đủ để xuất khẩu trong 2 tháng.
Một báo cáo hồi tháng 4 của Cơ quan Tình báo Hải quân Colombia cũng xác nhận cocain đã được dự trữ từ trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19. Theo báo cáo này, cuộc chiến giành thị phần quốc tế đang diễn ra rất gay gắt. Một tập đoàn ma túy chỉ cần gián đoạn chuỗi cung ứng cho con nghiện châu Âu khoảng 1 tuần là lập tức, sẽ có ngay một tập đoàn khác thế chỗ.
3. Gần cuối tháng 5, khi nhiều quốc gia châu Âu cho phép mở lại một phần nền kinh tế thì những tập đoàn ma túy cũng bắt đầu việc kinh doanh như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nếu như trước đây, cocain đưa vào châu Âu bằng cách giấu trong những tàu buôn chở rau củ hoặc trái cây, hoa… ngay tại cảng xuất phát thì khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, biên giới bị khóa, những kẻ mang vác với những chiếc ba lô chứa đầy cocain trên lưng, lầm lũi cuộc bộ trên những con đường mòn xuyên qua những khu rừng rậm đến điểm tập kết.
Tại đó, cocain được chất lên những tàu cao tốc nhỏ, tàu đánh cá, tàu ngầm và máy bay du lịch rồi khi ra đến hải phận quốc tế, những kiện ba lô cocain bọc màng chống thấm nước được thả xuống biển cùng với khối sắt nặng làm neo. Vài ngày sau, một tàu buôn treo cờ Panama chở chuối, dứa (thơm), trái bơ… chẳng hạn, trên đường đến Pháp sẽ vớt những ba lô cocain lên tàu.
Những xưởng chế biến cocain nhỏ lẻ, ít nhân công vẫn tồn tại trong đại dịch COVID-19. |
Cũng tại châu Âu, đại dịch COVID-19 đã biến Tây Ban Nha trở thành đầu mối quan trọng trong việc thẩm lậu cocain vào lục địa. Từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, Hải quan Tây Ban Nha đã thu giữ 14 tấn cocain ngụy trang trong những lô hàng nhập cảnh hợp pháp - con số cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
4 trong số 14 tấn cocain ấy được giấu trên một con tàu hậu cần nghề biển treo cờ Togo mặc dù thiết kế của tàu này không phải chuyên dùng cho những chuyến đi biển dài ngày. Vậy mà xuất phát từ Panama với 15 thủy thủ, nó đã vượt Đại Tây Dương, đến bờ biển Galicia, Tây Ban Nha.
Và trong khi cocain bùng nổ tại một số cảng biển ở Tây Ban Nha thì các cảng Bắc Âu như Rotterdam, Hà Lan và Antwerp, Bỉ, cocaine vẫn tiếp tục được giấu trong các lô hàng tiêu dùng nhưng để phản ứng trước lệnh giãn cách, giá bán lẻ trên đường phố đã tăng từ 2 đến 3 lần trong khoảng thời gian từ giữa tháng 2 đến nay.
Theo Interpol, cocain được đưa vào châu Âu dưới vỏ bọc các đơn đặt hàng thực phẩm hợp pháp, hoặc vận chuyển bởi những nhân viên của những công ty sản xuất những mặt hàng thiết yếu, mang theo giấy tờ cho phép họ tự do di chuyển trong toàn khối EU. Các tập đoàn ma túy cũng đã tổ chức xong hệ thống chân rết - ngụy trang là người đứng xếp hàng bên ngoài các siêu thị theo quy định của lệnh giãn cách - để bán lẻ cocain cho người mua.
Bên cạnh đó, các tập đoàn ma túy còn thiết lập các trang web mà các công cụ tìm kiếm như Yahoo, Google, ABC Sreach… không thể nhìn thấy, người mua cocain phải truy cập bằng phần mềm đặc biệt, trong đó danh tính của họ được che giấu hoàn toàn.
Theo ông Jac Reccia, người đứng đầu Hiệp hội phòng chống tội phạm trực tuyến Guardia di Finanza, Italy, trước khi có đại dịch COVID-19, thị trường cocain trên Internet chiếm khoảng 15% nhưng hiện nay nó là 30%. Hầu hết các trang web đều có xuất xứ từ Hà Lan, Anh, Đức… nhưng không xác định được ai là người điều hành…