Cam go cuộc chiến toàn cầu chống buôn lậu động vật hoang dã

Thứ Ba, 13/02/2018, 09:41
Buôn lậu động vật là ngành kinh doanh mang nhiều bộ mặt sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu khổng lồ của các nhà sưu tập thú quý hiếm, lĩnh vực may mặc và đồ trang sức, cùng với nhu cầu sử dụng một số bộ phận cơ thể động vật để làm thuốc của người Trung Quốc.

Đó là ngành kinh doanh bất hợp pháp trị giá hàng tỷ USD mỗi năm, chỉ đứng sau buôn lậu ma túy và vũ khí. Lợi nhuận của thị trường này cũng là nguồn tài trợ chính cho các nhóm khủng bố và chiến binh Hồi giáo, bao gồm tổ chức Al Qaeda và nhiều cuộc nội chiến trên thế giới, từ đó dẫn đến nguy cơ tận diệt một số loài quý hiếm.

Thị trường đen cung cấp những bộ phận cơ thể động vật

Quần thể loài hổ trên thế giới đã giảm đáng kể  từ 10.000 cá thể vào đầu thế kỷ 20 xuống còn chưa đến 4.000 hiện nay; 20.000 con voi bị giết mỗi năm để lấy ngà; số tê giác bị săn lậu ở Nam Phi cũng tăng gấp đôi trong năm 2010; rùa biển cũng bị săn bắt để lấy mai làm đồ trang sức. Thị trường buôn lậu động vật quý hiếm cũng gây thiệt hại về người.

Một phần ba phân loài hổ đã tuyệt chủng.

Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ và chăm sóc động vật (IFAW), mỗi năm có hơn 100 nhân viên bảo vệ rừng ở châu Phi bị giết vì không được trang bị công cụ đầy đủ để chống lại bọn săn trộm được trang bị vũ khí. Linda Arroyo, lãnh đạo đội chống tội phạm môi trường của

Cảnh sát quốc gia Thụy Điển, nói: “Người ta tin rằng sừng tê giác chữa được bệnh ung thư và nếu uống được một tách nước pha bột sừng tê giác thì sẽ sống mạnh khỏe, thậm chí là “thần dược” cho cánh nam giới. Trong khi đó nền kinh tế châu Á đang phát triển mạnh nên ngày càng có nhiều người đủ khả năng để mua những sản phẩm này”.

Xương, chân và bộ phận sinh dục của hổ, báo được dùng chế thuốc kích dục ở Mong La, bang miền bắc của Myanmar có kỹ nghệ sex phát triển - theo điều tra về buôn lậu loài họ mèo do tổ chức phi chính phủ về động vật hoang dã TRAFFIC tiến hành năm 2010.

Những hũ rượu cao hổ cốt to tướng - có giá trong khoảng 40 đến 100 USD/ hũ - được quảng cáo là “đại bổ” cho những khách hàng người Trung Quốc. Quanh thế giới, bao gồm các cửa hiệu thuốc người Hoa ở Mỹ, mật gấu được dùng để chữa trị nhiều triệu chứng bệnh từ sưng mắt và trĩ cho đến tổn thương da và sốt.

Những loài chim đẹp, màu sắc sặc sỡ, sống ở lưu vực Amazon và Đông Nam Á thường xuyên được đặt mua với giá cao ngất ngưởng. Vẹt đuôi dài Nam Mỹ là một trong những loài chim đắt tiền nhất trên thị trường đen. Năm 2008, một con chim như thế có giá đến 90.000 USD.

Tê giác đen đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì bị săn trộm lấy sừng.

Còn sừng tê giác có giá 34.000 USD/kg năm 2009 - cao hơn cả giá vàng. Một tấm da hổ có thể bán được trên 20.000 USD. Còn lông loài linh dương Tây Tạng dùng làm khăn choàng cổ có giá trong khoảng 1.200 đến 12.000 USD/khăn. Nhưng thị trường buôn lậu động vật không chỉ hoạt động ở châu Phi và Đông Nam Á.

Tháng 8-2010, Jeffrey Lendrum bị buộc tội buôn lậu 14 quả trứng chim ưng hiếm ra khỏi nước Anh. Hắn bị bắt giữ tại sân bay Birmingham sau khi một công nhân vệ sinh chú ý hành vi đáng ngờ của hắn trong nhà vệ sinh. Lendrum là người trung gian cung cấp chim ưng cho một cá nhân ở Dubai. Là loài chim bay nhanh nhất thế giới, có thể lao đi với tốc độ 241km/giờ, chim ưng rất phổ biến ở Dubai với môn thể thao đua chim ưng.

Brian Stuart, chủ tịch đơn vị chống tội phạm động vật hoang dã (WCWG) của Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), nói những cuộc điều tra của Interpol giúp phát hiện nhiều mạng lưới buôn lậu động vật hoang dã. Với lợi nhuận quá cao nên các tổ chức khủng bố quốc tế và tội phạm đa quốc gia nhanh chóng nhảy vào kiểm soát thị trường đen béo bở này.

Hệ thống thông tin về buôn lậu voi (ETIS) - một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về buôn lậu voi - cho biết, gần 2.000 sản phẩm từ loài voi bị bắt giữ trong năm 2009, một dấu hiệu cho thấy sự dính líu của các tập đoàn tội phạm quốc tế vào thị trường đen này ngày càng sâu.

Ở Cộng hòa dân chủ Congo (DRC), 15.562kg ngà voi bị bắt giữ giữa những năm 1989 và 2009 - trong đó ba phần tư, theo phân tích từ ETIS, là do các tổ chức tội phạm kiểm soát. Ở Tanzania tình hình càng tội tệ hơn với 68% trong số 76.293kg ngà voi bị bắt giữ trong giai đoạn này là do tội phạm có tổ chức buôn lậu.

Nguồn tài chính nuôi dưỡng những cuộc nội chiến

Elizabeth McCellan, Giám đốc Quỹ thế giới bảo tồn tài nguyên thiên nhiên hoang dã (WWF International), nói trong tình hình hiện nay ngà voi vẫn tiếp tục bị di chuyển khỏi châu Phi. Bà nói: “Chúng ta không chỉ đối mặt với bọn buôn lậu nhỏ lẻ, mà đang chiến đấu với những băng nhóm tội phạm có tổ chức”.

Loài gấu bị săn bắt để lấy mật.

Một báo cáo năm 2008 về buôn lậu động vật ở Quốc hội Mỹ cho biết ngà voi được vận chuyển từ Cameroon đến Hong Kong được giấu trong những ngăn giả của 3 container - rõ ràng đó không phải là hành động của bọn săn trộm địa phương. Nhiều băng nhóm tội phạm liên kết với những thủ lĩnh chiến binh và nhiều bằng chứng cho thấy buôn lậu động vật trở thành nguồn tài chính vô tận nuôi dưỡng những cuộc nội chiến.

Năm 2008, nguồn lợi từ buôn lậu thịt thú rừng và ngà voi cung cấp trực tiếp cho các nhóm phiến loạn ở DRC, bao gồm phiến quân Hutu dính líu đến vụ thảm sát diệt chủng ở Rwanda năm 1994. Thịt thú rừng và ngà voi đổi lấy vũ khí và đạn dược trong cuộc chiến tranh 1998-2003 ở Congo. Chiến binh Somali và Sudanese Janjaweed - nhóm chiến binh Sudan liên quan đến cuộc diệt chủng ở Darfur - cũng tham gia săn lậu ngà voi ở DRC và Chad.

Ngày 15-5-2007, một cuộc tấn công của Janjaweed vào kho chứa ngà voi tại công viên quốc gia Zakouma của Chad đã giết chết 3 nhân viên bảo vệ rừng. Chính quyền Chad cũng buộc tội Janjaweed gây ra cái chết của hàng trăm con voi quanh Zakouma trong cùng năm đó.

Cũng trong năm 2007, 7 nhân viên bảo vệ rừng ở Kenya Wildlife Service chống trả quyết liệt bọn săn trộm người Somali vũ trang hạng nặng. Kết quả là 3 nhân viên và 4 tên săn trộm mất mạng trong cuộc đấu súng giữa đêm khuya.

Loài báo bị giết để lấy da.

Bọn săn trộm hành động theo mệnh lệnh của các thủ lĩnh chiến binh Somali, được cung cấp vũ khí, đạn dược dồi dào và cả chiến thuật quân sự. Bọn người này, cùng những thủ lĩnh khủng bố, hoạt động hiệu quả nhờ biết khai thác cảnh đói nghèo của dân địa phương.

Tình hình xung đột tại các quốc gia châu Phi tạo ra một tầng lớp người tỵ nạn tác động tiêu cực đến đời sống hoang dã. Dân tỵ nạn người Angola, Burundi và DRC sống chen chúc trong trại tỵ nạn Meheba ở Zambia thường xuyên dính líu đến hoạt động săn trộm ở công viên quốc gia Tây Lunga năm 2008. Những nhóm cực đoan khác cũng liên quan đến ngành kinh doanh lậu động vật hoang dã.

Theo báo cáo về tội phạm xuyên quốc gia được công bố bởi nhóm chuyên gia cố vấn Global Financial Integrity đặt trụ sở ở Washington (Mỹ), ít nhất 2 nhóm cực đoan Hồi giáo - Harakat ul-Jihad-Islami-Bangladesh (HUJI-B) và Jamaat-ul Mujahedin Bangladesh (JMB) - được tin là có liên quan đến buôn lậu động vật. Chiến binh Janjaweed và thủ lĩnh quân sự Somali ở Tây Phi được cho là nhận sự hỗ trợ từ Al Qaeda.

Một chuyên gia về đời sống hoang dã có kinh nghiệm hơn 2 thập niên về buôn lậu động vật ở châu Phi nói: “Có bằng chứng rõ ràng cho thấy bọn chúng (Al-Shabaab, nhánh Somali của Al Qaeda) dính líu đến hoạt động săn trộm ngà voi và buôn lậu sừng tê giác. Đây là ngành kinh doanh béo bở nhất. Bọn chúng được vũ trang đầy đủ, được huấn luyện tốt và có thể băng qua hàng trăm km đường đất rất nhanh. Bọn chúng biết cách hành quân cấp tốc và chịu đựng cảnh thiếu nước uống rất giỏi”.

Vũ khí chúng sử dụng là AK-47, M16. Trong đường dây buôn lậu phức tạp này có vô số kẻ trung gian. Bọn săn trộm làm thuê cho các tập đoàn tội phạm, bắt hay giết chết những loài được chọn lọc. Bọn chúng được trang bị vũ khí và phương tiện đi lại cùng sự huấn luyện đặc biệt - tùy theo loài thú nào được bắt sống hay giết chết.

Án phạt còn nhẹ và tác động tiêu cực đến ngành du lịch

Một trong những lý do khiến cho cuộc chiến chống buôn lậu động vật hoang dã thiếu hiệu quả là những biện pháp răn đe chưa đủ mức làm chùn tay bọn tội phạm. Hình phạt đối với tội buôn lậu động vật còn nhẹ hơn nhiều so với những tội buôn lậu khác.

Theo báo cáo của TRAFFIC năm 2010, những người sở hữu các loài được bảo vệ bị phạt tiền trên 1.000 USD và/hay bị kết án tù 4 năm ở Thái Lan. Ở Myanmar, tiền phạt là trên 5.000 USD và/hay án tù 7 năm.

Nếu so với mức án dành cho tội buôn ma túy trong khu vực - nơi mà người sở hữu cần sa có thể bị kết án tử hình - thì hình phạt như thế là quá nhẹ, chưa đủ răn đe. Bọn tội phạm thường sử dụng giấy tờ giả và những chiếc xe mang biển số giả của quân đội hay chính quyền, giấu động vật trong hàng hợp pháp để qua mặt nhân viên hải quan. Buôn lậu động vật hoang dã đã tàn phá ghê gớm những quốc gia lan tràn loại tội phạm này.

Ở Nam Phi, bọn tội phạm người Trung Quốc trao đổi thành phần thô của methamphetamine, một loại chất ma túy, để lấy bào ngư. Theo báo cáo thường niên năm 2010 của Cơ quan Quốc tế kiểm soát chất ma túy (INCB), ít nhất 30.000 người nghiện sử dụng hơn 1g methamphetamine mỗi ngày ở Nam Phi, và tại Cape Town chất kích thích này đứng hàng đầu hay thứ hai được hai phần ba số dân nghiện sử dụng. 

Ngành du lịch cũng bị tác động thảm hại từ buôn lậu động vật hoang dã. Khi các loài quý hiếm ngày càng ít đi, thậm chí biến mất khỏi hành tinh, các quốc gia có nền kinh tế dựa vào du khách quốc tế đến tham quan những công viên quốc gia bị thua thiệt thấy rõ. Brian Stuart nói sự biến mất của các loài quý hiếm là tin xấu cho những cộng đồng phụ thuộc vào khoản thu nhập từ du khách quốc tế.

Ông nói: “Nếu không còn tê giác hay những loài có nguy cơ tuyệt chủng khác tại một số quốc gia châu Phi thì người ta còn muốn đến những nơi đó làm gì? Nếu không có chim ưng biển hay chim ó buteo trong những thung lũng hẹp của Scotland thì người ta muốn đến nơi đây để làm gì?”.

Sự thật đó cho thấy tội phạm đời sống hoang dã tác động xấu đến một số nền kinh tế như thế nào. Ngoài ra, thị trường đen động vật hoang dã còn đặt ra những mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Ví dụ một trường hợp: 2 con vẹt bị bắt giữ tại sân bay Anh Heathrow năm 2005 nhiễm virus cúm gia cầm.

Một năm trước đó, 1 người bị bắt giữ khi lén lút buôn lậu giống chim ưng núi bị nhiễm virus cúm H5N1. Nhưng bất chấp tính chất trầm trọng của vấn đề, các chính quyền vẫn thiếu sự quan tâm đến việc phòng, chống tội phạm buôn lậu động vật hoang dã. Ngân sách hằng năm của Interpol dành cho công tác bảo vệ đời sống hoang dã chỉ vỏn vẹn có 300.000 USD - một phần nhỏ nhoi so với 86 triệu USD dành cho WWF phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên hoang dã trong năm 2010.

David Higgins, Giám đốc Chương trình chống tội phạm môi trường của Interpol đặt trụ sở ở Lyon (Pháp), bình luận: “Điều đó tựa như anh sở hữu một chiếc ô tô mà lại không có đủ xăng để chạy. Chúng ta đang chiến đấu trong một cuộc chiến không thể chiến thắng và không có hồi kết”.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.