Cán bộ NH hầu tòa vì tiêu cực, tham nhũng: Lộng giả thành chân

Thứ Bảy, 22/12/2012, 23:15

Liên tiếp những vụ cán bộ ngành ngân hàng vi phạm pháp luật và phải hầu tòa trong thời gian qua với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tội phạm là cán bộ đang làm việc tại ngân hàng là tiếng chuông cảnh báo đối với ngành ngân hàng trong công tác quản lý, sử dụng và bố trí cán bộ. Có cán bộ ngân hàng phạm tội do bị lôi kéo, mua chuộc nhưng cũng có một số cán bộ chủ động lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để tham nhũng.
>> Cán bộ ngân hàng “rút ruột” hàng chục tỉ đồng để cá độ bóng đá

Coi thường pháp luật

Vụ việc Nguyễn Thị Hương Giang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SeaBank kiêm Giám đốc Chi nhánh SeaBank Hai Bà Trưng "tự ý" phát hành 12 chứng thư bảo lãnh với tổng giá trị trên 310 tỉ đồng mà Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội vừa khởi tố vụ án để điều tra. Trong tổng số 12 chứng thư bảo lãnh trị giá trên 310 tỉ đồng  do Nguyễn Thị Hương Giang đã ký và phát hành thì có tới 9 chứng thư bảo lãnh với tổng giá trị khoảng 275 tỉ đồng là phát hành cho Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar và các công ty con. Qua kiểm tra hồ sơ lưu thì  tất cả các bảo lãnh này đều không có tài sản đảm bảo. Sau khi gây ra hậu quả, Nguyễn Thị Hương Giang với lý do ra nước ngoài sinh con đã biến mất.

Hiện vụ án đang được  Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, song mới chỉ nhìn vào kết quả điều tra ban đầu này cũng đặt ra một loạt câu hỏi nghi vấn về vấn đề tiêu cực đằng sau việc ký chứng thư bảo lãnh của bà Giang nêu trên. Vì sao thẩm quyền của Giám đốc chi nhánh chỉ được ký chứng thư bảo lãnh dưới 10 tỉ đồng, nhưng bà Giang lại ký bảo lãnh chứng thư có giá trị lên đến hàng trăm tỉ đồng như vậy? Nếu không phải vì tiền hoặc vì mối quan hệ đặc biệt nào đó thì một cán bộ lãnh đạo như bà Giang lại dám làm những việc liều lĩnh như vậy? Liệu SeaBank có thể "đổ" hết trách nhiệm bồi thường hàng trăm tỉ đồng này cho hành vi "tự ý" của bà Giang hay không?

Thượng tá Mai Trọng Thắng, Đội trưởng Đội điều tra tội phạm về tham nhũng, Phòng PC46 Công an Hà Nội đánh giá, qua các vụ án mà đơn vị thụ lý điều tra liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, bên cạnh nguyên nhân năng lực, trình độ yếu kém thì  sự liều lĩnh và coi thường pháp luật đã dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ ngân hàng. 

Điển hình của sự coi thường pháp luật của cán bộ ngân hàng phải kể đến vụ án một loạt cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) Mỹ Đức, Hà Nội "rút ruột" 45,8 tỉ  đồng để chơi lô đề, cá độ bóng đá. Vụ án đã được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử đầu tháng 7 vừa qua, trong đó có 1 án tử hình, 2 án chung thân được tuyên cho các bị cáo, âu cũng là một bài học đau xót  đối với Agribank mà nguyên nhân xuất phát từ công tác quản lý đã bị buông lỏng. 

Chi nhánh Mỹ Đức là chi nhánh cấp 3 của Agribank và có 3 phòng giao dịch: Kênh Đào, Hợp Tiến, Hương Sơn. Lê Quang Khải nguyên là giao dịch viên Phòng giao dịch Kênh Đào, Nguyễn Thanh Hải nguyên là giao dịch viên Phòng giao dịch Hương Sơn. Khải và Hải được giao nhiệm vụ trực tiếp giao dịch với khách hàng có nhu cầu gửi và rút tiền tiết kiệm tại hai phòng giao dịch nói trên, hướng dẫn khách hàng viết giấy yêu cầu gửi tiền tiết kiệm, lập thẻ lưu, nhận tiền nhập quỹ và lập sổ tiết kiệm giao cho khách hàng, lập chứng từ tất toán tiền gửi tiết kiệm.

Phòng giao dịch Kênh Đào do Nguyễn Văn Nghị làm Giám đốc, Trần Văn Hải làm Phó giám đốc hậu kiểm. Tại thời điểm xảy ra vụ án, do Nguyễn Văn Nghị không làm hết trách nhiệm của mình, để lộ user (tên đăng nhập) và password (mật khẩu), dẫn đến việc Khải dùng user và password để tất toán khống trên máy 159 sổ tiết kiệm, chiếm đoạt 34,5 tỉ đồng. Trần Văn Hải được giao trực tiếp hậu kiểm các chứng từ giao dịch của Khải. Trong thời gian từ ngày 9/5 đến 17/5/2011, Trần Văn Hải đã hậu kiểm 159 giao dịch của Khải nhưng không phát hiện được việc tất toán khống. Nguyên nhân là vì Trần Văn Hải đã làm sai quy trình hậu kiểm, chỉ kiểm tra trên mạng nội bộ, mà không đối chiếu chứng từ gốc, nhưng vẫn lập báo cáo hậu kiểm xác nhận giao dịch hợp lệ.

Tại Phòng giao dịch Hương Sơn, Nguyễn Văn Mạnh là Giám đốc, Nguyễn Thị Vân là Phó giám đốc, Hoàng Hữu Hợp là giao dịch viên kiêm hậu kiểm chứng từ. Từ ngày 10/2 đến 5/5/2011, Nguyễn Thanh Hải, giao dịch viên tại đây đã lợi dụng sơ hở của Nguyễn Văn Mạnh, sử dụng user và password để tất toán khống 18 sổ tiết kiệm, chiếm đoạt 11,2 tỉ đồng.

Cơ quan Công an đã thu giữ toàn bộ chứng từ gốc của 177 sổ tiết kiệm, xác định không có sổ tiết kiệm gốc trong chứng từ tất toán, phiếu hạch toán không có chữ ký phê duyệt của lãnh đạo Phòng giao dịch. 61 bản gốc báo cáo hậu kiểm các giao dịch của Nguyễn Thanh Hải do Hoàng Hữu Hợp lập và 146 bản gốc báo cáo hậu kiểm các giao dịch của Lê Quang Khải do Trần Văn Hải lập đều xác nhận các giao dịch hợp lệ.

Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Khải và Hải khai do nợ tiền cá độ bóng đá nên đã bàn nhau làm thủ tục tất toán khống, rút tiền của ngân hàng. Số tiền 45,8 tỉ đồng được chuyển vào các tài khoản ảo, sau đó chuyển trả nợ cá độ bóng đá và rút ra tiêu xài cá nhân. Cùng chơi cá độ bóng đá với Khải và Hải còn có Lê Văn Hiển, Trưởng phòng Kế toán ngân quỹ - Chi nhánh Agribank Mỹ Đức. Lê Văn Hiển chơi cá độ bóng đá thua nợ hàng chục tỉ đồng, Khải và Hải trả nợ hộ Hiển 16 tỉ đồng. Hiển không trực tiếp tham gia tất toán khống 177 sổ tiết kiệm, nhưng có biết việc này. Khải còn gặp Hiển để đề nghị giúp đỡ nhằm việc tất toán khống thuận lợi và cách thức đối phó với ngân hàng khi bị phát hiện. Hiển cũng tự ý nâng hạn mức giao dịch của Khải và Hải lên gấp 2 - 3 lần mà không có sự đồng ý của lãnh đạo Phòng giao dịch và Ban giám đốc Chi nhánh Mỹ Đức.

Với  tội danh tham ô tài sản và đánh bạc, Lê Quang Khải bị tuyên phạt tử hình; Nguyễn Thanh Hải và Lê Văn Hiển tù chung thân. Các bị can Nguyễn Văn Nghị, Trần Văn Hải, Hoàng Hữu Hợp bị tuyên phạt từ 3-4 năm tù giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Những vụ án liên quan đến cán bộ ngân hàng được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử trong năm 2012.

"Mảng đen" chưa lộ diện?   

Trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt "sổ đỏ" của người dân xảy ra trên địa bàn Hà Nội "nở rộ"  thời gian qua, tiếp xúc với người bị hại, đa phần họ cho biết sở dĩ phải tìm đến "tín dụng đen" để vay tiền bởi họ không thể tiếp cận với ngân hàng. Không có mối quan hệ quen biết với cán bộ tín dụng nên mặc dù là chính chủ, khi mang sổ đỏ đến ngân hàng, người có nhu cầu vay tiền đã bị từ chối. Trong khi đó, những đối tượng lừa đảo với danh nghĩa mở công ty, dùng sổ đỏ của người dân bằng hợp đồng ủy quyền thì được vay tiền của ngân hàng với lãi suất quy định. Số tiền vay này được các đối tượng cho vay lại ngoài xã hội để hưởng chênh lệch lãi suất.

Để làm được việc này, các đối tượng kinh doanh "tín dụng đen" đều thừa nhận phải có chuyện "đi đêm" với một số cán bộ ngân hàng, chủ yếu là cán bộ trực tiếp làm công tác tín dụng, cán bộ thẩm định hồ sơ, tài sản thế chấp... Việc 4 cán bộ ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội đã phải ra hầu tòa trong vụ án Lê Bá Quỳ (SN 1969, trú ở thôn Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức được Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử giữa tháng 8 vừa qua đã hé lộ mức hoa hồng mà đối tượng vay tiền phải chung chi cho cán bộ ngân hàng.

Do có mối quan hệ từ trước, cuối năm 2008, Quỳ bàn với Phùng Văn Thúy (SN 1979, trú ở thôn Chu Xá, cùng xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm) - cựu cán bộ địa chính xã Yên Thường, huyện Gia Lâm,  lấy cắp phôi của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Gia Lâm mang về để làm giả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), rồi mang đến các ngân hàng thế chấp vay vốn, hòng chiếm đoạt. Sẵn có 27 bộ phôi "dư thừa" do việc chuyển công tác từ UBND huyện về làm cán bộ địa chính xã Yên Thường nên Thúy đồng ý ngay.

Ngay khi nhận toàn bộ số phôi đó, Quỳ, Thúy và đối tượng tên Thiện (chưa rõ lai lịch) đã tiến hành kẻ vẽ sơ đồ, ghi các số liệu trên máy vi tính, rồi cho ra đời hàng chục "sổ đỏ" giả bằng phương pháp in lưới và in phun, làm giả con dấu và chữ ký của cơ quan chức năng trên sổ đỏ. Tổng cộng Quỳ và Thúy đã cho "ra lò" 21 sổ đỏ giả  rồi mang đến các ngân hàng thương mại thế chấp vay trên 70 tỉ đồng rồi chiếm đoạt.

Lê Bá  Quỳ khai nhận tại SeaBank Láng Hạ, khi đến nộp hồ sơ vay tiền, cán bộ tín dụng là Nguyễn Văn Tiệp thẩm định hồ sơ vay vốn. Quỳ đặt vấn đề nhờ Tiệp giúp đỡ để vay được tiền. Tiệp yêu cầu Quỳ chi cho Tiệp 3% và chi cho ngân hàng 3% trên tổng số tiền vay được. Do sử dụng sổ đỏ giả để vay tiền nên Quỳ đã chấp nhận khoản "hoa hồng" cắt cổ này. Sau đó khi hướng dẫn Quỳ lập hồ sơ vay vốn, Tiệp yêu cầu Quỳ dẫn đi kiểm tra công ty mà Quỳ lập hồ sơ vay vốn. Do đây chỉ là công ty "ma" nên Quỳ đã dẫn Tiệp đến một công ty có hoạt động thật trong số  một loạt công ty do Quỳ lập ra với mục đích lừa đảo để Tiệp kiểm tra, định giá tài sản thế chấp.

Thực tế kiểm tra, Tiệp chỉ ngồi trên ôtô nhìn Quỳ chỉ các khu đất mà không xuống xe kiểm tra nên đã không phát hiện ra Quỳ không có tài sản tại đó. Không những thế, vị cán bộ tín dụng này còn dễ dãi đến mức không đi đăng ký giao dịch đảm bảo mà giao cho Quỳ tự đi làm, dẫn đến việc Quỳ đã dùng 4 sổ đỏ giả thế chấp vay 11 tỉ đồng mà Tiệp không biết. Trong số tiền đã vay được của ngân hàng này, Quỳ khai đã chi cho Tiệp 3%, tương đương khoảng 300 triệu đồng và chi cho ngân hàng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là lời khai một phía của Lê Bá Quỳ. Do không có bằng chứng nên tại phiên tòa, lời khai này đã bị bác bỏ.

Thế nhưng, lời khai về khoản chi "hoa hồng" khi vay tiền ngân hàng của Lê Bá Quỳ cũng phần nào hé lộ mảng tiêu cực trong vay vốn ngân hàng. Đây vốn là khoản "luật bất thành văn" mà những người vay tiền phải chấp nhận.

Thượng tá Mai Trọng Thắng phân tích, trong những vụ án liên quan đến sai phạm của cán bộ ngân hàng cho thấy quy trình công tác của nhiều ngân hàng còn chưa chặt chẽ, dẫn đến việc cán bộ lợi dụng chức trách  nhiệm vụ được giao, không làm đúng quy định, thủ tục để tham ô, tham nhũng  với mục đích giải quyết nhu cầu cá nhân. Không loại trừ những trường hợp cán bộ trẻ, năng lực trình độ nghiệp vụ hạn chế nhưng vẫn được bố trí vào các vị trí quan trọng. Những cán bộ có chức, có quyền thì coi thường pháp luật, cố tình làm những việc vượt quá thẩm quyền  được giao…

Theo luật sư Hoàng Nguyên Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Bình An, Đoàn luật sư Hà Nội, những vụ việc cán bộ ngân hàng hầu tòa trong thời gian qua là bài học đau xót  đòi hỏi các ngân hàng phải có biện pháp tổng hợp từ khâu thẩm tra tuyển dụng chặt chẽ, tập huấn đào tạo nghiệp vụ và tư duy trách nhiệm pháp lý thường xuyên cho nhân viên, kết hợp với các biện pháp kiểm soát thường xuyên và các phương án chủ động phòng chống các rủi ro hoạt động. Bên cạnh đó, dư luận đòi hỏi phải mạnh tay xử lý không chỉ cán bộ vi phạm mà cần phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu của các ngân hàng nếu để xảy ra vi phạm bởi thực tế các vụ án đã được đưa ra xét xử, hầu như những người đứng đầu ngân hàng chỉ bị xử lý hành chính

H.Vũ
.
.