Cần có cơ chế quản lý người nghiện ma túy

Thứ Năm, 02/07/2020, 20:38
Phát biểu trong Hội thảo việc thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma tuý và phòng chống HIV/AIDS ngày 25/6 tại TP Hồ Chí Minh do ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng phụ trách Cục phòng Chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, hiện nay cơ sở vật chất và cán bộ của cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ đáp ứng khoảng 20-30% số người nghiện ma tuý.


Cai nghiện ma túy tại gia đình chưa khả thi

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tệ nạn ma tuý đang là hiểm họa đối với các nước trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác phòng chống ma tuý. Trong đó, công tác cai nghiện ma tuý là nhiệm vụ trọng tâm vừa cấp bách, vừa thường xuyên liên tục lâu dài.

Thời gian qua, công tác phòng chống ma túy đã có nhiều nỗ lực và có nhiều kết quả nhưng tình hình ma túy vẫn diễn biến phức tạp, nhiều loại ma tuý tổng hợp mới hết sức độc hại thâm nhập vào nước ta, trong khi chưa có phác đồ điều trị.

Hội thảo việc thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma tuý và phòng chống HIV AIDS.

Nguồn nghiện vẫn tiếp tục tăng và có xu hướng trẻ hóa, số người tái nghiện vẫn chiếm tỷ lệ cao, người hòa nhập cộng đồng bền vững còn hạn chế, chất lượng cai nghiện của nhiều địa phương còn thấp, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo, huy động nguồn lực và bố trí ngân sách một số nơi chưa tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó trưởng phòng 2 - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an), cho biết hiện nay cả nước có hơn 230.000 người nghiện ma túy. Thời gian qua, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến rất phức tạp, nhất là việc sử dụng ma túy tổng hợp. Các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar hoạt động mạnh mẽ, thu hút giới trẻ vào để sử dụng ma túy.

Pháp luật hiện hành quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, không đủ sức răn đe. Sau khi xử phạt, cơ quan chức năng cũng không có cơ chế quản lý nên họ lại tiếp tục sử dụng ma túy, dẫn đến nghiện ma túy. Do vậy, cần có cơ chế để quản lý, ngăn ngừa họ trở thành người nghiện ma tuý.

Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đề nghị ưu tiên cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, điều trị bằng thuốc thay thế. Sau đó nếu vẫn vi phạm thì mới đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng phải do cơ quan chuyên môn thực hiện (đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, xã hội) với sự tham gia phối hợp của gia đình, các tổ chức xã hội tại cộng đồng dân cư; phải giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ trên cơ sở các cơ quan y tế, xã hội sẵn có ở địa phương, đáp ứng nhu cầu cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chứ không nên giao cho Chủ tịch UBND cấp xã quản lý thông qua một tổ cai nghiện, thời gian qua hầu như đều đổ dồn lên vai lực lượng Công an.

Trình bày ý kiến tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, hiện Luật Cư trú sử dụng cụm từ "nơi thường trú", "nơi tạm trú", trong khi Luật phòng, chống ma tuý lại sử dụng cụm từ "không có nơi cư trú ổn định" và "có nơi cư trú ổn định".

Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát biểu tại hội thảo.

Do vậy, cần có sự thống nhất trong quy định pháp luật để việc thực thi thuận lợi, nhất là việc xác định nơi cư trú của người nghiện ma tuý. Bên cạnh đó, nên chia độ tuổi từ 12 đến dưới 16, từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và từ 18 tuổi trở lên. Vì theo quy định hiện hành, từ 12 đến dưới 18 tuổi không đưa vào cai nghiện bắt buộc, trong khi thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc về an ninh trật tự trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có liên quan đến ma tuý.

Quy định hiện hành khi đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải thông qua toà án, điều này rất khó thực hiện. Bởi sau khi Công an làm thủ tục, gia đình người nghiện ma tuý đồng ý đưa đi cai nghiện bắt buộc, nhưng phải được sự đồng ý của toà án. Mà thời gian từ 3 - 6 tháng, toà mới quyết định, trong thời gian đó những người này còn ở ngoài xã hội, ai quản lý? Do vậy, không nên thông qua toà án, vì thủ tục này rất rườm rà, không hiệu quả.

Bà Marie Odile Emond, Giám đốc Quốc gia Cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, nên thay thế "tệ nạn ma tuý" bằng từ "rối loạn sau sử dụng ma tuý", "cai nghiện" thành "điều trị nghiện" ma tuý. Vì sử dụng từ "tệ nạn ma tuý" tạo sự kỳ thị và nếu đã nghiện thì phải điều trị. Đồng thời, khuyến khích cai nghiện tại cộng đồng, cai nghiện bắt buộc chỉ là giải pháp sau cùng. Bởi cai nghiện bắt buộc không hiệu quả cao và rất tốn kém cho nhà nước, luật sửa đổi nên hạn chế biện pháp này.

Bà Marie Odile Emond, Giám đốc Quốc gia Cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng cũng cho rằng nên tăng cường hình thức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng, cần điều trị nhiều lần và kết hợp với các biện pháp tư vấn, xã hội về dự phòng tái nghiện chứ không nên đưa vào môi trường cách ly khép kín.

Hiện còn một số bất cập trong quy định của pháp luật trong công tác cai nghiện ma tuý. Đó là số lượng người nghiện ma tuý và số chất ma tuý tăng nhanh, gây khó khăn, tạo sức ép rất lớn đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý.

Các quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng không phù hợp thực tiễn, không khả thi; quy định về đối tượng, trình tự thủ tục hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc chồng chéo, phức tạp; thời gian cai nghiện bắt buộc quy định cứng nhắc không phù hợp với người nghiện các chất ma tuý mới…

Theo ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng phụ trách Cục phòng Chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, cần thống nhất hai khái niệm "người nghiện ma tuý" và "cai nghiện ma tuý" để làm rõ bản chất là cơ sở cho việc đặt ra các quy định về cai nghiện ma tuý cũng như đánh giá hoạt động cai nghiện ma tuý hiện nay.

Về cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, ông Thành cho biết việc này giao cho UBND cấp xã gần 20 năm, quy định này không khả thi. Bởi vì UBND cấp xã là cơ quan hành chính, trong khi cai nghiện ma tuý lại mang tính chuyên môn kỹ thuật… Do đó, việc cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng phải do cơ quan chuyên môn thực hiện, nên giao cho UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Ông Cao Văn Thành cho biết hiện cả nước có 102 cơ sở cai nghiện ma tuý, trong đó 97 cơ sở cai nghiện công lập và 15 cơ sở cai nghiện ngoài công lập, với công suất theo thiết kế cho 50.082 người cai nghiện.

Đến hết tháng 5/2020, các cơ sở cai nghiện ma tuý trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 53.335 người. Hiện tổng số học viên đang được quản lý tại các cơ sở cai nghiện là 34.982 người (trong đó 27.124 người theo quyết định của Toà án, 5.424 người cai nghiện tự nguyện và 2.434 người thuộc diện không có nơi cư trú ổn định).

Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều bất cập

Theo PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS đã bãi bỏ điều 42 bởi "không định nghĩa được AIDS giai đoạn cuối", đề nghị bỏ chính sách phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí để đảm bảo tính khả thi, phạm nhân nên được điều trị HIV miễn phí.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng "Người ta không chết vì AIDS mà chết vì phân biệt đối xử". Bà Thu cho biết, người bị HIV đầu tiên được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh đến nay hơn 30 năm hiện vẫn đang còn sống.

Theo bà Thu, có những người nhiễm HIV/AIDS nhưng không phải do sa vào tệ nạn, sống buông thả, cần có sự quan tâm của mọi người, được điều trị theo phác đồ... Bà không đồng tình việc dự thảo luật sửa đổi bổ sung đề nghị bãi bỏ điều 42, chỉ vì "không định nghĩa được AIDS giai đoạn cuối" và cho rằng Điều 42 thể hiện sự nhân đạo của pháp luật nước ta.

Bà Marie Odile Emond, Giám đốc Quốc gia Cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết bà ủng hộ nỗ lực phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam thời gian qua đã đem lại kết quả rất tốt. Đồng thời bà cho rằng, hiện nay Liên Hợp Quốc lấy con người làm trung tâm, nên quan tâm đến thuật ngữ.

Bà đề nghị thay đổi thuật ngữ "người nhiễm HIV" thành "người đang sống với HIV", vì trước đây lấy "bệnh" làm trọng tâm thì nay thay đổi thành "con người" là trung tâm trong công tác phòng chống bệnh này. Bà Marie cũng đề nghị quy định rõ quyền riêng tư và bảo mật thông tin của người sống với HIV/AIDS, đồng thời cần tăng cường đầu tư phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ thông tin người bị HIV để chống kì thị.

Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung hạ từ 16 tuổi xuống 15 tuổi được tự nguyện xét nghiệm HIV. Tuy nhiên, cần quy định những người dưới 15 tuổi và những người mang thai có nhu cầu xét nghiệm.

Ông Đinh Duy Vượt, đại diện đoàn đại biểu tỉnh Gia Lai cho rằng cần xem xét sử dụng từ "bán dâm", cần sửa độ tuổi từ dưới 16 tuổi trở xuống và từ đủ 16 đến đủ 18 tuổi, không nên để 15 tuổi, vì không khớp vào các luật quy định về độ tuổi.

Các địa biểu cho rằng cần bảo đảm sự thống nhất giữa Luật sửa đổi bổ sung với Luật Bảo hiểm y tế và không được phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng, do đó không nên quy định những trường hợp bắt buộc phải xét nghiệm HIV khi tham gia tuyển dụng việc làm. Bởi vì HIV là căn bệnh mãn tính có thể chữa trị được, người nhiễm HIV vẫn làm việc. Một bất cập nữa đó là có nhiều người không có nơi cư trú, không có giấy tờ tùy thân, nên không thể tham gia bảo hiểm y tế để điều trị bệnh.

Bộ Y tế cần sửa các quy định cho phù hợp yêu cầu thực tế, hạn chế tối đa việc quy định chung chung dẫn đến không thực hiện được. Đồng thời, luật sửa đổi cần có quy định khuyến khích các tổ chức xã hội, các nhóm đồng đẳng tham gia phòng chống HIV/AIDS, vì thời gian qua đã làm rất tốt công tác này.

Theo Bộ LĐTB&XH, hiện nay cơ sở vật chất và cán bộ của cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% số người nghiện ma tuý, nếu đưa tất cả người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện sẽ gây áp lực rất lớn cho các cơ sở cai nghiện này.

Ngoài ra, hiện có 16 cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện theo quy định. Tính đến ngày 30-5 đã điều trị cho 1.103 người, số người nghiện đang được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện 746 người. Chỉ có 13/63 tỉnh, thành phố tổ chức điều trị nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng, 5 tháng đầu năm 2020 đã cai nghiện cho 1.711 người nghiện.
Nguyễn Cảnh
.
.