Lùm xùm chuyện cảnh sát Canada do thám nhà báo

Thứ Ba, 22/11/2016, 09:15
Từ đầu tháng 11-2016, báo chí Canada đã gióng lên những lời cảnh báo sau khi phát hiện hoạt động do thám, theo dõi các cuộc gọi điện thoại của một số nhà báo thuộc các tờ báo tiếng Pháp ở Quebec và sau đó là Đài phát thanh quốc gia Radio Canada.

La Presse, một trong những tờ báo lớn nhất và lâu đời nhất ở Canada, thông báo rằng cảnh sát thành phố Montreal đã xin được ít nhất 24 lệnh theo dõi của tòa án để thực hiện hành động theo dõi điện thoại nhà báo bình luận nổi tiếng Patrick Lagacé.

Khi có được các tờ lệnh trong tay, đơn vị điều tra đặc biệt của Sở cảnh sát Montreal tiến hành các hoạt động theo dõi hành tung sinh hoạt của Lagacé thông qua thiết bị định vị toàn cầu GPS cài đặt trong điện thoại của anh, đồng thời theo dõi các cuộc gọi điện thoại và tin nhắn đến và đi.

Cảnh sát trưởng Montreal Philippe Pichet.

Lagacé tỏ ra hoảng sợ khi nhận được thông tin mình bị cảnh sát theo dõi. Anh nói anh không tin mình bị cảnh sát Montreal theo dõi điện thoại, vì cảnh sát không được phép làm như thế đối với công dân Canada, nhất là các nhà báo.

Từ vụ việc của nhà báo Lagacé, báo chí bắt đầu phanh phui nhiều trường hợp khác cũng nằm trong diện bị theo dõi. Radio Canada đã thông báo tên 3 nhà báo của mình nằm trong danh sách bị theo dõi. Các nhà báo này đã bị theo dõi điện thoại trong khoảng thời gian vài tháng trong năm 2013.

Mục đích của việc do thám điện thoại được cho là để kiểm soát những đối tượng liên lạc điện thoại với các nhà báo nhằm tìm ra manh mối những ai đã tiết lộ thông tin nội bộ cho báo chí liên quan đến một cuộc điều tra nội bộ vụ việc bê bối tại đơn vị điều tra chống tội phạm ma túy và băng đảng đường phố.

Cảnh sát trưởng Montreal Philippe Pichet đã giải thích với báo chí rằng việc do thám điện thoại của nhà báo Lagacé là nhằm xác định những ai đã liên lạc cung cấp thông tin nội bộ cho nhà báo Lagacé. Ông Pichet cho biết, nhà báo Lagacé bị phát hiện đã có liên lạc với một cảnh sát nằm trong diện điều tra, và việc theo dõi điện thoại của nhà báo này là để theo dõi hoạt động của các cảnh sát viên bị điều tra chứ không nhằm theo dõi Lagacé.

Nhà báo gốc Việt Michael Nguyen.

Nhà báo Lagacé không chấp nhận lời giải thích của Cảnh sát trưởng Philippe Pichet. Lagacé cho rằng câu chuyện thêu dệt về việc anh tiếp xúc với cảnh sát đang bị điều tra chỉ nhằm biện hộ cho hoạt động do thám vốn đã kéo dài nhiều năm, và nhằm mục đích kiểm soát các cuộc liên lạc điện thoại của anh để xác định những ai đã dám nói chuyện với phóng viên báo chí.

Thị trưởng Montreal Denis Coderre và người đứng đầu ngành an ninh công cộng Martin Coiteux đã lên tiếng nhận định hành động do thám điện thoại các nhà báo là hành động "phiền phức", "đáng lo ngại". Ông Coiteux cho biết Sở An ninh công cộng Quebec đang kiểm tra xem liệu hành động xin lệnh do thám điện thoại nhà báo có vi phạm quy định pháp luật hiện hành hay không. Còn việc yêu cầu Cảnh sát trưởng Pichet từ chức của các đảng chính trị đối lập không được chấp nhận.

Vụ việc càng trở nên lùm xùm khi các nhóm vận động vì quyền tự do báo chí, tự do thông tin ở Canada lên tiếng phe phán hành động của cảnh sát. Vụ việc đã làm cho không chỉ Lagacé mà nhiều nhà báo đều cảm thấy bất an. Câu chuyện chưa dừng lại khi Radio Canada công bố tên ba nhà báo của mình nằm trong số những nhà báo bị theo dõi. Từ đó, các tổ chức truyền thông lớn ở Quebec đã đồng loạt bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và cùng gửi thư ngỏ cho Cảnh sát trưởng Montreal yêu cầu có câu trả lời rõ ràng cho các nhà báo các câu hỏi: Những ai đã bị theo dõi? Còn những ai đang tiếp tục bị theo dõi?

Từ vụ việc này, các tổ chức xã hội vì quyền lợi báo chí, như Hội các Nhà báo Canada vì Tự do thể hiện (CJFE) đã lên tiếng cảnh báo Cảnh sát Quốc gia Canada về những hoạt động không bình thường nhắm vào cánh báo chí. CJFE nêu ra một số vụ việc gần đây của cảnh sát Canada nhắm vào giới báo chí, như việc cảnh sát Quebec tịch thu máy vi tính của một phóng viên gốc Việt Michael Nguyen của tờ Journal de Montreal vì cho rằng anh này đã thu thập thông tin một cách bất hợp pháp để viết bài báo phản ánh hành vi sai trái của một thẩm phán.

Tờ Journal de Montreal sau đó đã đưa ra bằng chứng cho thấy Nguyen không vi phạm pháp luật hay bất cứ điều gì trong khi tác nghiệp. Tiếp sau hành động đó là việc Đội Kỵ cảnh Hoàng gia Canada (RCMP) đã theo dõi hai nhà báo trong 9 ngày mà không xin phép cơ quan chức năng. RCMP bị cáo buộc là hành động vô nguyên tắc trong khi đang theo đuổi một vụ kiện trong đó RCMP yêu cầu tờ báo Vice Media phải đưa ra nguồn tư liệu liên quan đến một loạt bài báo viết về khủng bố ở Canada.

Từ câu chuyện do thám điện thoại 6 nhà báo, đến việc cảnh sát Quebec có những hành động mạnh tay đối với một số phóng viên báo chí đã dấy lên làn sóng tranh luận ở Canada về vấn đề tự do báo chí và sự lạm quyền của cảnh sát quốc gia. Nó đụng chạm đến các giá trị dân chủ mà các hệ thống chính trị phương Tây vẫn luôn tự hào và bảo vệ.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.