Cảnh báo về loại ma túy mới có nguy cơ du nhập vào Việt Nam
Bột cocain, một loại ma túy phổ biến ở nhiều nước Nam Mỹ, đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Từ năm 2008, sau khi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Bộ Công an và Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp triệt phá vụ mua bán bột cocain đầu tiên, trên địa bàn cả nước không phát hiện thêm một vụ việc nào nữa.
Tuy nhiên, trong vòng 1 năm gần đây, bột cocain lại bắt đầu được vận chuyển tới Việt Nam, bằng con đường mới. Đó là giấu trong các gói bưu phẩm gửi qua đường bưu điện.
Văn phòng Interpol Việt Nam xác nhận, đã có ít nhất 2 vụ vận chuyển cocain qua đường bưu điện từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, do làm tốt công tác phòng ngừa mà các lực lượng chức năng ở Việt Nam đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Cocain được chiết xuất từ lá của cây côca, một loại cây bụi, có tên khoa học là Erythroxylon coca, thường mọc thành bụi hoặc thân mộc ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới (ở độ cao từ 500 đến 2.000 mét trên mực nước biển). Theo “Từ điển Bách khoa toàn thư mở” thì, cocain lần đầu tiên được một dược sĩ - hóa học người Đức, tên là Albert Niemann (ở Goslar-Niedersachsen), chiết xuất từ lá cây côca vào năm 1860. Mãi tới tận năm 1883, cocain mới được một bác sĩ thử nghiệm với binh lính Đức và cho kết quả là sự hồi phục sức khỏe đáng kinh ngạc.
Năm 1884, dược tính của cocain lại được phát hiện thêm tác dụng giảm đau, có công hiệu với bệnh lao phổi, hen suyễn, đau thần kinh liên sườn, đau răng. Những tác dụng làm tăng sức khỏe của cocain đã khiến trong những năm đầu của lịch sử chế phẩm, cocain có mặt trong nhiều loại thuốc bổ, kẹo, bánh và nước giải khát. Nhiều người, trong đó có cả những người thuộc tầng lớp thượng lưu đã ưa thích sử dụng cocain và những đồ ăn có cocain.
Những năm sau đó, cocain được sử dụng trong ngành dược, dùng để gây tê bằng cách bôi hay nhỏ giọt. Khi phẫu thuật cocain có thể được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch, tuy phương thức này ít được sử dụng. Tuy vậy, theo tài liệu của Ủy ban Phòng chống ma túy, cùng với sự phổ biến của cocain, các nhà khoa học cũng nhận thấy tác dụng gây nghiện, gây hoang tưởng bộ phận rất mạnh của thuốc.
Cocain là chất kích thích hệ thần kinh trung ương rất mạnh. Hiện nay nó đang được sử dụng ngoài mục đích y tế để tìm cảm giác khoan khoái, đê mê hay làm tỉnh ngủ. Do nhận thức sai lầm nên nhiều người đã sử dụng hợp chất này để tập trung làm việc hoặc nghiên cứu nhiều ngày liền không cần ngủ. Sử dụng liên tục cocain có thể gây nên tình trạng nghiện.
Bột cocain có thể dùng qua đường hít (có tác dụng sau 1 - 3 phút và kéo dài khoảng 30 phút), sử dụng qua đường tiêm chích cùng hêrôin, một số người còn dùng bột cocain pha cùng rượu để uống.
Bởi vậy, cocain được xếp vào nhóm ma túy và bị luật pháp của hầu hết quốc gia ngăn cấm tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép.
Cocain, đối với dân nghiện ở nhiều nước, đặc biệt là vùng Nam Mỹ sử dụng nhiều nhưng đối với Việt Nam còn khá mới mẻ. Cocain phát hiện có mặt tại Việt Nam vào năm 2008.
Trưa ngày 11/6/2008, tại khu vực thôn Vân Trung, xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, Bắc Giang, Công an đã bắt quả tang Nguyễn Văn Lợi trú tại xã Kha Sơn, Phú Bình, Thái Nguyên đang có hành vi mua bán trái phép các chất ma túy. Tang vật thu được là 3 cục bột hình trụ màu trắng (nghi là hêrôin) được bọc bằng nhiều lớp giấy bóng. Giám định ban đầu tại tỉnh, cho kết quả 3 cục tang vật nghi là hêrôin đó không phải là hêrôin mà là một loại ma túy mới, chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Tang vật tiếp tục được chuyển tới Trung tâm Giám định ma túy Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.
Bằng các thiết bị hiện đại, các giám định viên Trung tâm Giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự đã kết luận ngay trong buổi tối cùng ngày, chất bột màu trắng thu được trong các bọc nylon là cocain, tổng trọng lượng là 1463,62 gr với hàm lượng trung bình là 68,7%. Đây là vụ buôn bán cocain đầu tiên bị bắt giữ tại Việt Nam.
Vụ án sau đó được điều tra mở rộng và Cơ quan điều tra bắt giữ tiếp 5 đối tượng khác có liên quan. Nhưng đến khi kết thúc điều tra thì nguồn cocain, theo lời khai của các đối tượng, là ở trong một đống sắt vụn. Nguyễn Xuân Chung ở Sông Công, Thái Nguyên, chủ nhân của 3 cục cocain này, vốn là công nhân luyện gang thép, khai rằng tình cờ nhặt được thứ ma túy chết người này trong đống sắt vụn. Sau đó, Chung đã tìm nhờ một số con nghiện bán hộ. Tuy nhiên, khi hít thử, các con nghiện này đều nghĩ đó là hêrôin và chê chất lượng kém.
Qua vài ba mối, cuối cùng Chung tìm được Tám, một đối tượng hình sự mới được tha tù. Sau khi thử hàng, Tám đồng ý mua. Để rồi, sau đó giao cho Lợi đem bán lại cho hai đối tượng khác. Khi cuộc mua bán đang diễn ra thì Chung bị bắt giữ. Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang sau này đã tuyên án tử hình đối với Nguyễn Xuân Chung và 2 đối tượng khác. Tám bị tuyên án chung thân. Các đối tượng còn lại bị tuyên phạt mức án thấp nhất là 20 năm tù giam.
Sau chuyên án bắt giữ Nguyễn Xuân Chung, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã cảnh báo tới công an các địa phương về cocain, một loại ma túy mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.
Kể từ đó đến nay, không có thêm một vụ bắt giữ cocain nào nữa tại Việt Nam. Nhưng, thông tin từ Văn phòng Interpol Việt Nam cho biết, mới đây, lại có 2 vụ vận chuyển bột cocain qua đường bưu điện từ nước ngoài vào Việt Nam bị phát hiện. Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam cho biết, kiểm tra các gói bưu phẩm này, phát hiện bột cocain đã được ép lại thành lá mỏng và giấu kỹ trong hàng hóa mà phải kiểm tra thật tỉ mỉ mới phát hiện ra. Cơ quan điều tra, sau khi phát hiện các gói bưu phẩm này đã tiếp tục điều tra mở rộng. Tuy nhiên, địa chỉ nhận tại Việt Nam, qua xác minh, lại là những địa chỉ không có thật.
Đại tá Đặng Xuân Khang cảnh báo, cocain hiện nay còn khá xa lạ ở Việt Nam. Nhưng, qua các vụ việc được phát hiện, cho thấy đã có dấu hiệu được vận chuyển bất hợp pháp vào nước ta. Đại đa số người nghiện tại Việt Nam hiện nay chưa từng biết đến loại ma túy mới này. Nhưng nếu không ngăn chặn kịp thời thì khi cocain vào được Việt Nam, nó rất dễ trở thành "món" mới, kích thích trí tò mò của một bộ phận dân chơi đua đòi và trở thành một loại ma túy phổ biến, gây nên những hậu quả khôn lường