Cảnh giác chiêu trò lừa đảo xuất khẩu lao động

Thứ Hai, 26/07/2021, 08:30
Thời gian qua, tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn TP Hà Nội vẫn diễn ra phức tạp. Trong lúc đại dịch COVID-19 khiến việc xuất cảnh, nhập cảnh hết sức khó khăn thì vẫn có những đối tượng lập công ty, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người lao động.


Thư mời giả, Visa giả...

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã điều tra, khám phá một đường dây lừa đảo XKLĐ lớn trên địa bàn. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, đối tượng chủ mưu cầm đầu là Thân Thị Lý (sinh năm 1992, trú tại thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã lừa đảo trót lọt hàng trăm bị hại, chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng.

Theo một điều tra viên thuộc Công an quận Nam Từ Liêm, từ đầu năm 2021 Cơ quan công an nhận được nhiều đơn trình báo về việc Công ty Cp Cung ứng nhân lực thương mại quốc tế Toàn Cầu (có trụ sở tại số 36 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) Giám đốc Thân Thị Lý có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổ chức điều tra, Cơ quan công an nhanh chóng làm rõ hành vi lừa đảo trắng trợn của cô ta.

Đối tượng Thân Thị Lý lừa đảo hàng trăm người lao động.

Khoảng tháng 3-2020, Thân Thị Lý thành lập và làm Giám đốc Công ty Toàn Cầu với ngành nghề kinh doanh là cung ứng, giới thiệu việc làm trong nước. Không có một xu dính túi, nữ quái này vẫn mạnh dạn vay lãi với số tiền hơn 1 tỷ đồng để hoạt động. Từ khi thành lập, công ty này chỉ sống thoi thóp. Cá nhân Lý lâm vào cảnh “chúa Chổm”.

Để có tiền trang trải nợ nần, nữ quái này nghĩ ra một kế. Từ tháng 6-2020, Lý mò mẫm trên mạng xã hội và phát hiện có thể đưa người lao động sang Hàn Quốc theo diện xin bảo lãnh tôn giáo (xin visa D6). Cô ta lập tức đăng thông tin tuyển người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo diện xin visa D6, mục đích để thu tiền của lao động sử dụng trả nợ, chi tiêu cá nhân.

Ngoài ra, Lý còn “vơ bèo vạt tép” khi đứng ra môi giới cho người muốn kết hôn với người Hàn Quốc, du học Hàn Quốc... Mỗi trường hợp Lý thu phí đặt cọc từ 10 triệu đồng đến 3.000 USD. Lý cũng là người trực tiếp tư vấn và thu tiền của các lao động, tổ chức cho lao động đi khám sức khỏe và dịch thuật hồ sơ, đưa lao động đến Đại sứ quán Hàn Quốc để xin visa.

Sau đó ít ngày, Lý thông báo với người lao động rằng đã xin được thư mời phía “cha sứ nhà thờ” Hàn Quốc cũng như đã xin được visa, đồng thời còn gửi đến tận tay cho họ. Nhận được giấy tờ từ Lý, người lao động yên tâm sẽ sớm được “bay”. Tuy nhiên, họ chờ mãi vẫn không thấy tín hiệu gì. Hóa ra, Lý đã nhờ một đối tượng không quen biết để “chế” ra những thứ giấy tờ này.

Tại cơ quan điều tra, Lý thừa nhận Công ty Toàn Cầu không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động hay du học Hàn Quốc vì không được cấp giấy phép nhưng vì cần tiền chi trả mục đích cá nhân nên đã cố ý vi phạm.

Quá trình điều tra xác định đối tượng này đã lừa đảo 140 lao động, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng. Cơ quan công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lý. Do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên Lý được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước, Cơ quan CSĐT không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị can này.

Người dân cần cảnh giác khi tham gia thị trường xuất khẩu lao động.

Theo chỉ huy Công an quận Nam Từ Liêm, trước đó Cơ quan công an cũng đã bắt giữ một giám đốc chuyên lừa đảo bằng việc tuyển người XKLĐ. Đối tượng là Đỗ Văn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Taiyo Japan Quốc tế, có địa chỉ tại tòa nhà số 36 Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Đầu năm 2019, do không có việc làm, khó khăn về kinh tế, Đỗ Văn Đồng đã thành lập Công ty TNHH Taiyo Japan Quốc tế. Với mục đích lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về XKLĐ nhằm chiếm đoạt tài sản, Đồng đã tự nghĩ ra các đơn hàng “kỹ sư cơ khí điện, điện tử, lắp ráp linh kiện và vận hành máy tiện CNC” rồi đăng lên trang Facebook cá nhân “Đỗ Đồng” để tuyển những người có nhu cầu sang Nhật Bản XKLĐ.

Trên thực tế, đơn hàng này từ tháng 11-2019 đã không còn tuyển nữa nhưng Đồng vẫn giới thiệu để các bị hại tin tưởng và nộp tiền cho Đồng. Sau đó, đối tượng này thu tiền của mỗi lao động từ 25-70 triệu đồng, nói là tiền đặt cọc đi làm việc tại Nhật Bản. Những khoản tiền đặt cọc này đều có phiếu thu và Đồng hứa hẹn từ 6-8 tháng, sau khi nộp tiền sẽ được đưa sang Nhật Bản làm việc, nếu không thì trả lại tiền.

Để tạo lòng tin, khoảng 3 tháng sau khi thu tiền đặt cọc, Đồng chuẩn bị giấy xác nhận nộp hồ sơ xin làm việc tại Nhật Bản với tên gọi là “giấy trình cục” có dấu đỏ chữ nước ngoài và “giấy tư cách lưu trú”. Những loại giấy tờ này, Đồng lấy trên mạng xã hội rồi chèn ảnh và thời gian tiếp nhận hồ sơ sau đó chụp ảnh gửi Zalo cho các nạn nhân. Toàn bộ số tiền trên Đồng dùng cho chi tiêu cá nhân và một số mục đích khác.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Đỗ Văn Đồng thừa nhận việc làm giả giấy tờ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu XKLĐ sang Nhật Bản cho dù Công ty TNHH Taiyo Japan Quốc tế do Đồng lập ra không có chức năng này. Cơ quan công an đã làm rõ bằng thủ đoạn này Đồng lừa đảo trót lọt hàng chục người, chiếm đoạt số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Giám đốc lừa đảo Đỗ Đăng Đồng.

Thuê người Nhật vào công ty để... lừa đảo

Với các thủ đoạn như ứng viên sẽ được gặp người bản xứ khi đi phỏng vấn, rồi thông tin các ứng viên trước đã được xuất cảnh... nhóm đối tượng thuộc Công ty Cp Nhân lực quốc tế MIKA (địa chỉ phố Vũ Đức Thận, Long Biên, Hà Nội) đã “chăn” được nhiều người lao động, khiến họ nộp tiền vào rồi sau đó... biến mất.

Một bị hại của công ty này là anh P.V. T, quê Nghệ An. Anh T. kể mà giọng vẫn còn phẫn nộ. “Qua mạng xã hội, tôi được giới thiệu Công ty Mika đang có đơn hàng đi Nhật. Tháng 5-2019, sau khi thi đỗ, công ty yêu cầu chúng tôi đóng trước 50% tiền phí để được học tiếng Nhật. Trong hợp đồng, công ty cũng cam kết thời gian từ 3-6 tháng sẽ được công ty cấp giấy tờ hợp pháp để bay sang lao động ở nước ngoài. Hết thời hạn cam kết nhưng không được đi, chúng tôi đến công ty đòi tiền nhưng công ty không trả.

Trước đó gia đình đã vay mượn ngân hàng gần 100 triệu đồng để lo cho anh T. đi Nhật. Hiện tại anh phải bám trụ ở Hà Nội để kiếm việc làm thêm. Một số anh em khác phải chạy Grab kiếm sống qua ngày. “Giấc mơ đổi đời chưa thấy đâu, chúng tôi đang phải gánh món nợ mà chưa biết bao giờ mới đòi được tiền” - anh T. cay đắng thốt lên.

Anh Nguyễn Viết Cảnh (trú tại Thái Nguyên) cho biết, các lao động biết và nộp hồ sơ vào công ty này chủ yếu qua các hội nhóm trên mạng xã hội quảng cáo có thể đưa đi xuất khẩu lao động. Sau khi qua vòng sơ tuyển, lao động sẽ về công ty nộp hồ sơ và học tiếng Nhật, chi phí ăn ở mỗi tháng là 2 triệu đồng.

“Để tạo niềm tin với học viên, công ty có người Nhật phỏng vấn nên học viên mới tin tưởng. Không chỉ thế, thi thoảng lại có thông tin có những người học trước được xuất cảnh nên niềm tin của học viên càng tăng thêm. Khi vào chúng em được công ty cam kết, đóng dấu đỏ đàng hoàng nên không ai nghĩ là mình bị lừa”.

Theo một số học viên của Công ty MIKA, mỗi người phải nộp khoản phí từ 50-100 triệu đồng với cam kết sẽ được xuất khẩu lao động sang Nhật Bản là kỹ sư với mức lương khoảng 40 triệu đồng/tháng. Công ty hứa hẹn từ 6-8 tháng sau khi nộp hồ sơ và học tiếng Nhật, các học viên sẽ được xuất cảnh. Tuy nhiên, sau đó các học viên của công ty này choáng váng khi phát hiện công ty đột ngột đóng cửa, biển công ty đã tháo xuống, các số liên lạc đều bị tắt máy. Facebook và trang web của công ty cũng đóng cửa vĩnh viễn. Tiền mất, không ít người đã rơi vào tình cảnh cùng quẫn.

Theo đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì “Công ty Mika và Công ty Cp Phát triển nhân lực Jako đều không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp. Việc các doanh nghiệp tổ chức tuyển chọn, thu tiền của NLĐ là trái quy định pháp luật”.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo để tránh bị lừa đảo, NLĐ nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn, bằng cách trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp. Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn). Để được thông tin và tư vấn chi tiết, NLĐ có thể liên hệ trực tiếp đến Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số máy 024.38249517 (máy lẻ 511, 512, 513).

Cũng theo cơ quan này, thời gian qua, có tình trạng một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã lợi dụng nhu cầu muốn đi làm việc ở nước ngoài của NLĐ để lừa đảo tuyển chọn, đào tạo và thu tiền trái pháp luật. Để thu hút NLĐ, các đối tượng này thường đưa ra các thị trường có mức thu nhập hấp dẫn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm đối với Công ty Mika vì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền của NLĐ. Cục cũng đề nghị công an vào cuộc xử lý vi phạm đối với các công ty như: Công ty Cp Phát triển nhân lực Jako, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ tư vấn đào tạo Hoàng Phát, Công ty Quý Đức, Công ty Sinh Vũ thu tiền của NLĐ để đưa đi Hàn Quốc.

Cảnh giác với xuất khẩu lao động chi phí rẻ, lương cao

Cũng theo đại diện Công an quận Nam Từ Liêm, thời gian qua nhu cầu XKLĐ của người dân vẫn rất nhiều. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, đã xuất hiện nhiều đối tượng lập công ty để thực hiện hành vi lừa đảo.

Thủ đoạn của chúng là làm giả hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài có dấu giả và chữ kí giả mạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc trung tâm lao động ngoài nước.

Ngoài ra, chúng còn dụ dỗ người dân đi XKLĐ “chui” thông qua các con đường du học, du lịch, thăm người thân, kết hôn giả rồi bán cho chủ sử dụng lao động ở nước ngoài. Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Để tránh bị lừa đảo, người lao động muốn đi XKLĐ cần: Tìm hiểu kĩ giấy phép hoạt động của công ty XKLĐ; Tham khảo số lượng và đánh giá của người lao động; Tìm hiểu kĩ đơn hàng được tư vấn; Có biên lai rõ ràng khi đóng các khoản phí; Cảnh giác với cò mồi, môi giới; Cảnh giác với những đơn vị có chi phí rẻ, lương cao...


M. Tiến - M. Trí
.
.