Mỹ:

Cảnh sát Chicago có giấy phép giết người?

Thứ Hai, 26/01/2015, 21:00
Chicago - thành phố đứng đầu về bạo lực trong cảnh sát của nước Mỹ, những hành động thô bạo của lực lượng giữ trật tự chống lại dân da đen liên tục tái diễn. Các hành vi đó có một truyền thống vì hầu như không bị trừng phạt.

Cảnh sát quyền hành như… ông trời

Laquan McDonal 17 tuổi và mắc chứng tâm thần. Màn đêm buông xuống đã lâu trên khu công nghiệp Archer Heights, Chicago, hai chiếc xe cảnh sát trờ tới. Các nhân viên cảnh sát thấy chàng thanh niên "có ánh mắt kỳ lạ", đang dùng dao đâm nát một chiếc lốp xe. Thay vì bỏ dao xuống khi họ ra lệnh, anh ta cố bỏ chạy.

Khi bị dồn đến hàng rào, chàng trai bị hạ gục bởi nhiều phát đạn bắn vào ngực. Chuyện này xảy ra ngày 20/10/2014 vừa qua. Vụ việc được ghi lại trong một bản tin ngắn của báo Chicago Tribune.

Chẳng có cuộc biểu tình nào lúc an táng cậu ta, chẳng có đông người để yêu cầu giải thích về cái chết của cậu. Tại sao cậu ta chết? Một nhân chứng nói rằng, Laquan McDonal chẳng đe dọa ai cả, rằng sau khi anh ta ngã xuống, mấy tay cảnh sát vẫn tiếp tục bắn 6 hoặc 7 phát nữa. Nhưng chẳng có viên cảnh sát nào bị phạt hay bị truy tố cả.

Cảnh sát không chịu cho xem các đoạn băng video do các camera gắn trên những chiếc xe ghi lại, họ bảo chỉ làm việc đó trong trường hợp bị truy tố. Dĩ nhiên, như mọi khi, IPRA (Cơ quan Truy xét độc lập của cảnh sát) của Cảnh sát Chicago sẽ mở cuộc điều tra. Hai năm nữa họ mới đưa ra kết luận.

"Và cũng như mọi khi, sẽ chẳng có gì xảy ra cả", Jamie Kalven một phóng viên chuyên bênh vực quyền công dân, chuyên về tố cáo các hành vi thô bạo của Cảnh sát Chicago, thở dài nói.

Ở đây, những vụ việc như vậy thì vô số. Theo các con số chính thức của Sở Cảnh sát Chicago (CPD) thì vào năm 2013, chỉ trong thành phố Chicago thôi, đã có hơn 43 vụ  cảnh sát xả súng và 15 người chết. Trong 3/4 trường hợp thì nạn nhân là người Mỹ gốc Phi. Rõ ràng là có điều gì đó không bình thường trong lực lượng giữ trật tự của Mỹ.
Người da màu xuống đường biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc tồn tại trong giới cảnh sát Mỹ.

Những cái chết của Michael Brown tại Missouri vào mùa hè vừa qua, của Eric Garner tại New York, hoặc của Tamir Rice tại Cleveland đã nhắc lại vấn đề đó. Vụ thứ nhất là một nam sinh 17 tuổi, bị bắn chết khi đang đi bộ tại Ferguson cùng một anh bạn. Cậu ta chẳng có vũ khí.

Nạn nhân thứ hai bán thuốc lá lậu bị 5 viên cảnh sát quật ngã và không sống sót đến lúc tra hỏi. Vụ thứ 3 là một bé trai 12 tuổi, đang vung khẩu súng hơi nén trong công viên, thì bị cảnh sát giết chết. Nạn nhân trong các vụ việc trên đều là người da đen, còn đa số cảnh sát trong các vụ đó là người da trắng. Và mỗi lần như thế, cảnh sát đều được tòa thượng thẩm xử trắng án.

Trong nội bộ của CPD, nhất là phía các cảnh sát da trắng, người ta che chở họ bất chấp tất cả. "Trong những tình huống như vậy, bạn chỉ có vài giây để phản ứng. Hoặc họ hoặc là bạn là người phản ứng trước”. Đó là lời của Bruce Rottner, cựu Phó cảnh sát trưởng Chicago, và thề rằng ông ta đã làm "chính xác cùng những việc như mấy tay cảnh sát đó".

Ông Joey Battaglia, năm nay 53 tuổi, đã tuần tiễu các khu phố phía nam Chicago suốt 20 năm nói thêm: "Kẻ nào chống lại cảnh sát thì sẽ có nguy cơ bị giết. Cần phải chấm dứt chuyện đúng đắn về chính trị và chuyện vung lá bài phân biệt chủng tộc ra một cách vô tội vạ”.

Với các nạn nhân, và thân nhân của họ, kết quả các vụ xử, hầu hết là trắng án, nó như là cái tát vào cộng đồng người da đen. Từ đó, họ gây ra những vụ biểu tình lớn chưa từng có trên khắp nước Mỹ, và gợi lại tất cả những điều xấu xa trước đây: sự phân biệt chủng tộc, sự bạo hành cấp quốc gia, nền công lý bất bình đẳng…

Theo các bản thống kê chính thức của FBI thì những vụ xả súng của cảnh sát đã gây ra ít nhất 461 nạn nhân vào năm 2013 trong cả nước Mỹ. Để so sánh tại Canada, mỗi năm chỉ không quá 10 vụ xả súng. Chỉ riêng thành phố Chicago đã nhiều hơn thế.

Tại Chicago, ngày nào cũng có những vụ giết người, còn những hành vi thô bạo của cảnh sát  thì diễn ra như cơm bữa. Trầm trọng hơn, theo các nhà hoạt động vì nhân quyền, những hành vi thô bạo đó kèm theo một truyền thống lâu đời về việc không xử phạt và luật im lặng.

Jamie Kalven phẫn nộ nói: "Trong 40 năm qua, có hàng trăm nạn nhân của Cảnh sát Chicago, nhưng chẳng có lấy một lần có một ông cảnh sát đương nhiệm nào bị truy tố. Đây là điều không thể chấp nhận trong một nước dân chủ. Sự thật là chính cảnh sát mới có mọi quyền lực ở đây”.

Bạo hành với người nghèo – Bạo hành giai cấp

Vậy cảnh sát da trắng chống lại các nạn nhân da đen? Không đơn giản như vậy. Vấn đề về cảnh sát tại Chicago chẳng có gì giống với vấn đề về cảnh sát tại Ferguson, một khu ngoại ô toàn là người da đen, nhưng 98% cảnh sát là da trắng, là nơi mà Michel Brown đã chết.

Tại Chicago, ngược lại, một chính sách duy ý chí đã đặt ra một kiểu tuyển mộ cảnh sát đa dạng trong những năm 1971-1980, và được xem là phản ảnh bản đồ sắc tộc của thành phố. Hiện nay, 23% trong số 12.000 cảnh sát là người Mỹ gốc Phi, 20% gốc Tây Ban Nha, so với 50% da trắng.

Ông David Lemieux, một người to cao như lực sĩ, có mái tóc tết từng lọn nhỏ dài, là chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền, là tiêu biểu cho sự đa dạng này. Hiện đã về hưu, viên cựu thanh tra cảnh sát 62 tuổi gốc người Haiti này đã phục vụ trong ngành cảnh sát tại Chicago suốt sự nghiệp của mình. Ông gia nhập cảnh sát vào năm 1982.
Ông David Lemieux.

Ông nói: "Đối với người thân của tôi thì đó là sự phản bội, nhưng đối với tôi, đó là một hành vi chiến đấu. Tôi muốn bảo vệ cộng đồng của tôi”. Khi được bổ nhiệm vào các khu cô lập ở phía nam của thành phố, David Lamieux dành nhiều thời gian cố gắng làm dịu những xung đột giữa cảnh sát và các thanh niên.

"Cảnh sát luôn sợ hãi và phản ứng một cách thái quá. Ngay lập tức họ bảo: "Đặt hai tay lên mui xe", kể cả khi không cần thiết”. Ông cố tranh đấu chống lại sự quấy rối và "profiling", là những vụ kiểm tra tự động của cảnh sát, dựa trên vẻ bề ngoài làm cho cảnh sát có hành vi bắt giữ những thanh niên khi họ có vẻ giống dân ở các khu ổ chuột, ngay cả khi họ không vi phạm gì cả.

Một lần, ông đã liều mình cứu sống một người da đen. “Thế là thay vì thăng chức cho tôi, người ta chỉ cho tôi một tấm huy chương”. Từ đó, David Lamieux tin rằng: rõ ràng có sự phân biệt chủng tộc trong ngành cảnh sát. Còn chuyện đa số đồng đội của ông là người da đen cũng chẳng thay đổi được gì, hoặc là quá ít ỏi.

Có người tốt hơn thế, nhưng thường thì tệ hơn. Thiếu tá  Glenn Evans, một sĩ quan cảnh sát da đen rất được các đồng nghiệp yêu mến, có thói quen dí súng vào miệng những kẻ bị tình nghi để làm cho họ sợ. Phải mất tới 45 vụ khiếu nại, ông mới bị truy tố vào năm 2012. Nhưng rồi cũng được thả.

“Những vụ bạo hành của cảnh sát bắt rễ sâu từ thời kỳ nô lệ và từ thời bị hành hình không cần xét xử, nhưng hiện nay, bạo hành đã vượt khỏi vấn đề chủng tộc, mà chủ yếu là bạo hành với người nghèo, một thứ bạo hành của giai cấp" - luật sư Flint Taylor phân tích.

Cách đây khoảng 10 năm, vị luật sư này nổi tiếng về chuyện bênh vực các nạn nhân của Jon Burge, một cảnh sát da trắng chuyên áp dụng hình thức tra tấn trong gần 20 năm trên khoảng 100 kẻ tình nghi mà đa số là người da đen với sự ưu ái của đồng nghiệp… Phải có sự hỗ trợ của những nhân chứng nặc danh và một lòng nhiệt thành không sai sót mới làm cho ông ta biết lỗi.

Tuy không chấp nhận những hành vi lệch lạc của Cảnh sát Chicago, nhưng luật sư Fint Taylor vẫn không lên án toàn bộ hệ thống cảnh sát. Theo ông thì những hành vi lạm dụng bạo lực đó chỉ là thiểu số, khoảng từ 5 đến 10% số cảnh sát thôi.

Chỉ trong số đó mới có luật im lặng, và nhờ truyền thống không bị xử phạt trong nội bộ cảnh sát, mà họ trở thành những kẻ không ai đụng tới được. Flint giải thích: "Dù trắng hay đen, cảnh sát nào dám tố cáo đồng nghiệp hành xử thô bạo là bị tẩy chay ngay”.

Vào cuối những năm 80, viên sĩ quan da trắng Frank Laverty đã trả giá đắt cho sự can đảm của mình khi làm chứng bênh vực cho một thanh niên da đen bị cảnh sát kết án tội giết người một cách bất công. Không chỉ bị đe dọa về phương diện vật chất, Frank Laverty còn bị giáng cấp một cách trắng trợn, và cho đến bây giờ ông vẫn là biểu tượng  cho sự chống lại luật im lặng.

Thật khó cho người dân khi muốn tin vào cảnh sát. Tất cả mọi cuộc điều tra đều cho thấy rằng, kể từ vụ Ferguson đến nay, mối liên hệ xã hội đã bị cắt đứt, nhất là đối với người Mỹ gốc Phi.

Theo một cuộc điều tra mới đây của Pew Research, trong khi gần 59% dân da trắng tin vào lực lượng giữ gìn trật tự thì chưa tới 1/3 dân da đen xem cảnh sát là lực lượng bảo vệ họ, và chỉ 17% nghĩ rằng họ được đối xử một cách công bằng. Thật bất ổn!

Theo cựu sĩ quan cảnh sát Jeffrey Booker thì: "Hiện nay cả hai bên, cảnh sát hoặc dân chúng, bên nào cũng lo âu cao độ” Không hề có chuyện cộng tác với cảnh sát trong các khu phố.

Nhà báo Jamie Kalven xác nhận: "Trong những khu cô lập nghèo khổ tại Chicago, cách tốt nhất để được an toàn đối với thanh thiếu niên 13, 14 tuổi là gia nhập một băng đảng”. Về phía cảnh sát, họ luôn cảm thấy bực mình với ý nghĩ là bị lên án về tội phân biệt chủng tộc hoặc phạm một lỗi lầm nào đó. Giữa hai bên có một bức tường làm cho họ không hiểu nhau.

Ông Jeffrey Booker nhấn mạnh: "Thật đau buồn khi cả hai bên thiếu sự tôn trọng lẫn nhau”. Theo ông thì sự tôn trọng lẫn nhau chính là giá trị thiết yếu cần phải có cả ở hai bên, trong các khu cô lập cũng như trong lực lượng cảnh sát. "Mỗi bên đều trách bên kia là thiếu tôn trọng mình, nhưng chẳng bên nào làm gì để cải thiện tình hình đó”.

Thiếu đào tạo, thiếu giao tiếp, thiếu cả phương tiện nữa, Chicago cũng như nhiều thành phố lớn khác của Mỹ, vì thiếu phương tiện trầm trọng, nên từ năm này qua năm khác, không ngừng giảm thiểu nhân lực trong ngành cảnh sát. Cuộc chiến chống ma túy và sự độc đoán của lực lượng an ninh đã làm cho các nhà tù đầy người buôn ma túy nhỏ lẻ và quân sự hóa lực lượng gìn giữ trật tự…

Nhưng trong khu tập trung gần như toàn bộ  nguồn lực, thì cuộc chiến này cũng ngăn cản mọi kiểu tiếp cận khác, như chống bạo lực gia đình hoặc ngăn ngừa. Trong khi bang Illinois vừa mới đưa việc sử dụng cây gai dầu ra khỏi phạm vi tội hình sự thì đa số cảnh sát trong chuyên ngành này cho rằng đã đến lúc  chuyển sang một công việc khác.

Cựu Cảnh sát trưởng Bruce Rottner nói tóm lại: "Bây giờ cảnh sát phải ra khỏi xe hơi, phải học lại cách nói chuyện với dân chúng”. Chính ông cũng công nhận: "Nếu không có gì tốt hơn một viên cảnh sát gương mẫu thì cũng không có gì xấu hơn một tên tội phạm”.

Minh Thu (theo L'OBS)
.
.