Chiến dịch “giải độc” của Huawei
Trong một cú phản đòn trực diện nhất, ngày 7-3, Huawei xác nhận đã đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang ở Texas, thách thức tính hợp hiến của điều khoản 899, Dự luật về quốc phòng, viết tắt là NDAA, mà Tổng thống Donald Trump đã ký thành luật hồi tháng 8-2018, theo đó cấm các cơ quan liên bang Mỹ cũng như các nhà thầu của họ mua sắm các thiết bị và dịch vụ của Tập đoàn Trung Quốc.
“Quốc hội Mỹ đã nhiều lần không đưa ra được các bằng chứng về việc họ giới hạn các sản phẩm của Huawei. Chúng tôi buộc phải thực hiện hành động pháp lý này”, Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Guo Ping, nói với Reuters.
Theo ông Ping, việc cấm này không những trái luật mà nó còn hạn chế Huawei được phép cạnh tranh công bằng, gây tổn hại tới người tiêu dùng Mỹ. Ông nói chờ mong phán quyết của tòa và tin rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho cả Huawei và người dân Mỹ.
Trong suốt thời gian qua, Mỹ vận động các đồng minh từ bỏ Huawei khi xây dựng mạng điện thoại 5G vì lo ngại về một điều luật của Trung Quốc năm 2017, yêu cầu các công ty hợp tác với Bắc Kinh về vấn đề liên quan tới tình báo quốc gia. Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Huawei từng nói rằng tập đoàn của ông chưa từng và sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu với Chính phủ Trung Quốc.
Ông Guo Ping, Chủ tịch Tập đoàn Huawei trong buổi họp báo tại Thâm Quyến, ngày 7-3. |
Trước đó 2 ngày, bà Mạnh Văn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei, người đã bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, đã kiện chính quyền Ottawa về tội lạm quyền sau khi một tòa án ở Canada xem xét việc cho Mỹ dẫn độ bà về xét xử.
Trong lúc chờ đợi phán xử cuối cùng tại tòa án Mỹ thì Huawei đã có chiến thắng đầu tiên sau khi Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ, bác đề nghị tẩy chay Huawei. Cụ thể, ngày 18-2, các quan chức an ninh Anh tuyên bố họ không ủng hộ lệnh cấm toàn diện tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia mạng viễn thông quốc gia của Anh, dù Mỹ cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng sản phẩm của công ty này để do thám.
Tại nhiều quốc gia, Huawei bị nghi ngờ có quan hệ với tình báo Trung Quốc. Đây cũng là mục tiêu của một chiến dịch khốc liệt từ Mỹ, muốn thuyết phục các đồng minh từ bỏ việc sử dụng thiết bị của Huawei. “Chúng tôi không ủng hộ một lệnh cấm hoàn toàn. Chuyện không đơn giản như vậy”, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ cơ quan an ninh Anh cho biết.
Một ngày trước đó, tờ Financial Times đưa tin rằng Cơ quan National Cyber Security Centre NCSC của Anh kết luận rằng, Tập đoàn Huawei không mang tính đe dọa đến mức phải cấm hãng này gia nhập thị trường. London tuyên bố có khả năng kiểm soát và giảm nhẹ các rủi ro gián điệp hay tấn công mạng có liên quan đến các trang thiết bị do Huawei cung cấp trong việc triển khai mạng 5G, mang yếu tố quyết định cho tương lai nền kinh tế kỹ thuật số (xe ôtô tự vận hành, vật dụng có kết nối, nhà máy thời 4.0, các ứng dụng quân sự...).
Ngay tại Hội nghị An ninh Munich ngày 15-2, ông Alex Younger, lãnh đạo cơ quan tình báo Anh (MI6) cho rằng vấn đề này không đơn giản như cảnh báo của Mỹ. Theo ông, điều trước tiên là nên tự bảo đảm chất lượng các tiêu chuẩn (kể cả cho vấn đề an ninh), “một điều chẳng liên quan gì với các nước xuất xứ”. Thứ nữa là nên tránh chỉ có một nhà cung cấp duy nhất, trong lúc tại châu Âu cũng có nhiều nhà cung cấp khác như Ericsson và Nokia hay Cisco của Mỹ.
Bên cạnh các đòn tấn công trực diện vào Mỹ và Canada, Huawei đã tung tiền tổ chức những chiến dịch quảng cáo, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông phương Tây nhằm phản bác cáo buộc của Mỹ và chứng tỏ rằng Huawei không phải là gián điệp cho chính quyền Trung Quốc. Trong khuôn khổ chiến dịch quảng cáo, có thể gọi là để “giải độc” này, Huawei đã mời và đài thọ một số đại diện báo giới quốc tế đến tham quan cơ sở chính của họ ở Thâm Quyến (miền Nam Trung Quốc) vào ngày 7-3.
Trước đó, ngày 5-3, Huawei đã khánh thành tại Bruxelles trung tâm an ninh mạng thứ ba ở châu Âu. Trung tâm này sẽ cho phép thử nghiệm các sản phẩm của Huawei, đồng thời trấn an các khách hàng sau những cáo buộc của Mỹ. Việc khánh thành rầm rộ trung tâm này cũng nằm trong chiến dịch tuyên truyền “giải độc” trên.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Bỉ, Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei Hồ Hậu Côn (Ken Hu) khẳng định rằng trung tâm Bruxelles của tập đoàn Trung Quốc có mục tiêu xây dựng một “môi trường kỹ thuật số đáng tin cậy và an toàn”, để các nhà hoạch định chính sách và khách hàng của Huawei có thể cùng làm việc với họ nhằm cải thiện vấn đề an ninh mạng. Huawei cũng mở một trung tâm tương tự ở thành phố Bonn tại Đức và trung tâm thứ hai ở London (Anh) cùng quản lý với chính quyền sở tại.
Trung tâm an ninh mạng của Huawei tại Bruxelles đã được giới thiệu như là một đáp án mà họ đưa ra nhằm giải tỏa các mối quan ngại tại châu Âu, sau những lời cảnh báo của Mỹ rằng thiết bị Huawei dùng cho mạng lưới 5G tương lai có khả năng bị các cơ quan tình báo Trung Quốc lợi dụng.
Trước đó, để tái chinh phục thị trường sau khi tổng giám đốc tài chính của công ty này bị Canada bắt giữ theo lệnh của Mỹ và sau hàng loạt cáo buộc công ty này có hoạt động gián điệp, ngăn ngừa không cho tham gia thầu mạng truyền thông 5G ở nhiều nước, đại diện Tập đoàn Huawei tại châu Âu, Abrahim Liu, đã tổ chức một dạ tiệc lớn, sang trọng, mời giới lãnh đạo nhiều định chế châu Âu, nhằm thuyết phục rằng Huawei và châu Âu có nhiều lợi ích chung. Cùng lúc, đại diện Huawei tại Pháp trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cho biết “Không có bất cứ lý do gì để loại trừ Huawei khỏi mạng truyền thông 5G”.
Trả lời phỏng vấn đài BBC giữa tháng 2, nhà sáng lập Huawei, tỷ phú Nhậm Chính Phi không ngần ngại cho rằng Mỹ sẽ không thể “đè bẹp” tập đoàn của ông vì “thế giới không thể thiếu Huawei”. Đối với ông, sở dĩ thế giới cần đến Huawei, đó là vì tập đoàn của ông “tiến bộ hơn” so với các đối thủ cạnh tranh.