Chiêu thức lừa đảo cũ, vẫn nhiều nạn nhân sập bẫy
- Tạm giữ 21 người gốc Phi liên quan đến lừa đảo, mại dâm
- Ly kỳ chuyện những quý bà sập bẫy siêu lừa gốc Phi4
Điều đáng nói là “thủ đoạn” lừa đảo của các đối tượng “xưa như trái đất” nhưng chỉ vì muốn làm giàu nhanh chóng, muốn được ra nước ngoài sinh sống, hám mác chồng ngoại hay “mờ mắt” vì những món quà đắt tiền mà nhiều nạn nhân (đa phần là phụ nữ) bị sập bẫy của những đường dây do đối tượng gốc Phi cầm đầu. Báo đài liên tục thông tin những vụ lừa đảo với thủ đoạn giống hệt như thủ đoạn của các đối tượng người gốc Phi này thực hiện nhưng dường như bị mù quáng bởi tình - tiền mà nhiều nạn nhân đã mất cảnh giác và giờ phải ôm hận…
1. Một số đối tượng trong đường dây sử dụng mạng xã hội (Facebook) để lừa đảo các nạn nhân vừa bị triệt phá được xác định là Ihugba Augustine Chinonso và Onu Chinonso Peter, cùng quốc tịch Nigeria và cùng lưu trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Trần Viết Hùng, Lê Văn Nhóc, Phạm Trường Thành và Nguyễn Văn Hải, Lê Thị Mai Phương.
Thông qua mạng xã hội vợ chồng Trần Viết Hùng - Lê Thị Mai Phương, địa chỉ thường trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh quen với Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, tự Tuyết “Mập”. Mỗi lần hẹn hò cà phê, vợ chồng Hùng Phương thấy Tuyết “Mập” liên tục sử dụng điện thoại liên hệ với khách hàng xưng là nhân viên hải quan, có lúc là nhân viên chuyển phát nhanh nên lân la tìm hiểu. Tuyết “Mập” cho vợ chồng Hùng - Phương biết là đang “làm ăn” với một số đối tượng người Negieria chuyên sử dụng Facebook để chiếm đoạt tiền của những phụ nữ quan tâm đến mối quan hệ với người nước ngoài nên rủ Hùng, Phương tham gia. Thấy công việc nhẹ nhàng lại được hưởng tiền ăn chia lớn nên Hùng, Phương gật đầu đồng ý.
Phương thức hoạt động của đường dây này là các đối tượng người Negieria lập nên nhiều tài khoản Facebook sau đó kết bạn, trao đổi (chat) làm quen với nhiều phụ nữ Việt Nam rồi gạ gẫm, hứa hẹn chuyện tình cảm, hứa hẹn đưa nạn nhân định cư ở nước ngoài và hứa hẹn tặng quà đắt tiền... Khi nạn nhân dính bẫy cũng là lúc Tuyết “Mập” thực hiện hành vi giả nhân viên hải quan, nhân viên chuyển phát nhanh để nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản.
Tang vật của vụ lừa đảo. |
Tuyết giao nhiệm vụ cho vợ chồng Hùng, Phương là khi “con mồi” dính bẫy, Phương sẽ giả làm nhân viên chuyển phát nhanh gọi điện cho con mồi, Hùng đóng vai là công an gọi điện để hù dọa nạn nhân khiến nạn nhân phải chuyển tiền. Ngoài ra, Hùng, Phương còn cung cấp số tài khoản để nạn nhân chuyển tiền vào và giao cho Tuyết “Mập”.
Thông qua mạng xã hội, chị N.T.H.C quen với một người đàn ông nước ngoài tên Brian Ronald, xưng quốc tịch Anh nhưng thực chất là do Ihugba Augustine Chinonso giả mạo. Nhiều lần nói chuyện, tán tỉnh, chị C. có tình cảm với Brian Ronald. Khi thấy cá đã cắn câu, Brian Ronald cho biết sẽ gửi quà về Việt Nam cho chị C. gồm laptop, iPad, iPhone, túi xách, nước hoa và 100 ngàn USD… Giai đoạn một của các đối tượng người Nigieria hoàn tất, phần lấy được tiền của nạn nhân sẽ phụ thuộc vào đường dây của Tuyết “Mập”.
Lúc này Tuyết “Mập” kêu Phương gọi điện cho chị C. xưng là Huỳnh Kim Thoại, nhân viên của công ty chuyển phát nhanh yêu cầu chị C. nộp 1.200USD vào tài khoản để đóng phí vận chuyển, chị C. không mảy may nghi ngờ, nộp tiền vào tài khoản của Phương. Ngày hôm sau, Phương tiếp tục gọi điện thoại cho chị C. thông báo, số quà tặng của chị bị tạm giữ ở Hải quan, muốn lấy số hàng này ra phải đóng 80 triệu đồng. Chị C. lại ra ngân hàng đóng tiền vào tài khoản cho chúng. Một vài ngày sau, chị C. nhận được điện thoại yêu cầu đóng gần 112 triệu đồng chi phí cước vận chuyển và chi phí lấy hàng, chị C. tiếp tục ra ngân hàng đóng số tiền trên.
Sau khi đóng hơn 220 triệu đồng nhưng “quà” vẫn chưa thấy thì chị C. lại nhận được một cuộc điện thoại của Hùng xưng là “Trần Tấn Phát - Cảnh sát kinh tế, Công an Hà Nội” yêu cầu chị nộp vào tài khoản 200 triệu đồng để nộp phạt mới cho lấy hàng về. Lúc này chị C. mới sinh nghi nên báo cho Cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh.
Từ nguồn thông tin này, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành triệu tập Tuyết, Hùng, Phương để điều tra làm rõ. Lời khai của các đối tượng đã lộ diện ra một đường dây lừa đảo qua mạng xã hội nên CQĐT tiến hành bắt thêm 2 đối tượng Ihugba Augustine Chinonso và Onu Chinonso Peter tại quận 12, TP Hồ Chí Minh...
Tuyết “Mập”, một mắt xích quan trọng trong băng nhóm lừa đảo. |
Bằng thủ đoạn tinh vi trên, nhóm đối tượng này đã thực hiện hàng chục vụ lừa đảo các nạn nhân là phụ nữ chiếm đoạt hàng tỉ đồng. Không chỉ lừa đảo, các đối tượng còn tổ chức làm giả giấy tờ để lập các tài khoản ATM. Để có tài khoản, Hùng kết hợp với Lê Văn Nhóc, Phạm Trường Thành và Nguyễn Văn Hải làm giả CMND rồi đi đăng ký mở thẻ. Hùng đã cung cấp cho Tuyết hơn 50 thẻ ATM được làm bằng CMND giả. Sau khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, Nhóc, Thành, Hải đi rút tiền giao cho Tuyết “Mập”, sau đó Tuyết “Mập” chuyển cho các đối tượng người Nigeria và chia nhau tiêu xài.
Bằng thủ đoạn tương tự, nhóm đối tượng do Micheal IkeChukwu Leonard (cũng quốc tịch Nigieria), Huỳnh Hạ Bình, Huỳnh Hạ Uyển, Trần Quỳnh Nhi, cả ba đều ngụ tại TP Hồ Chí Minh đã thực hiện hơn 100 vụ lừa đảo qua mạng xã hội, chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng của các nạn nhân từ Bắc vào Nam. Các nạn nhân rải khắp các tỉnh thành Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Điện Biên, Đà Nẵng... Riêng tại Cần Thơ, các đối tượng đã gây ra 7 vụ, chiếm đoạt 2 tỷ đồng.
Băng nhóm này đã được Công an Cần Thơ xác lập chuyên án phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá. Khám xét nơi các đối tượng trú ngụ, CQĐT đã phát hiện 5 laptop, 8 ĐTDĐ, máy tính bảng, 20 thẻ ATM, máy chụp ảnh, USB, 15 triệu đồng, 8.000 USD, vàng, nữ trang và sổ sách ghi chép các vụ lừa đảo…
2. Không chỉ có phụ nữ mới rơi vào bẫy của hai đường dây lừa đảo bằng công nghệ cao do các đối tượng gốc Phi cầm đầu mà ngay những người có học thức, từng trải trong làm ăn cũng rơi vào bẫy của các đối tượng chỉ vì giấc mộng làm giàu nhanh chóng. Có mặt tại cơ quan Cảnh sát điều tra, ông H.M.H, sinh năm 1973, quê quán Hà Nội, cay đắng kể lại câu chuyện bị lừa với số tiền lên đến 3,5 tỷ đồng.
Đầu tháng 3-2016, ông H. nhận được tin nhắn bằng tiếng Anh với nội dung: “Số điện thoại của bạn đã trúng giải thưởng 1 triệu USD (tương đương với 22 tỷ VNĐ)”. Kèm theo tin nhắn là email với nội dung cụ thể, rõ ràng để ông H. làm thủ tục nhận giải. Ban đầu ông H. tò mò vào xem thử thì được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ nhận giải thưởng. Nhìn những giấy tờ liên quan, kiểm tra trên mạng, ông H. phần nào tin tưởng giải thưởng trên là có thực nên bắt đầu liên lạc với quỹ giải thưởng. Ông H. được hướng dẫn chi tiết, nhiệt tình, chuyên nghiệp qua điện thoại và email.
Sau khi hoàn tất các thủ tục hồ sơ, phía bên trao thưởng yêu cầu ông H. phải nộp một khoản thuế (3.800 USD) để nhận trọn vẹn 1 triệu USD. Ông H. không mảy may nghi ngờ chuyển 3.800 USD cho một tài khoản ở nước ngoài. Một vài ngày sau, ông H. nhận được email thông báo lệnh chuyển tiền đã được duyệt, chỉ vài ngày sau là tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của ông. Mừng ra mặt, vì nghĩ chỉ vài ngày nữa là mình trở thành triệu phú đô la, ông H. định chia sẻ niềm vui này với gia đình, bạn bè nhưng lại thôi vì nghĩ khi nào tiền chuyển vào tài khoản, nắm chắc trong tay thì chia vui với mọi người cũng không muộn.
Đang lâng lâng với niềm vui sắp thành triệu phú đô la thì ông H. bất ngờ nhận được email thông báo, số tiền 1 triệu đô mà ông H trúng thưởng đang bị cơ quan kiểm soát tiền tệ Liên Hiệp Quốc giữ lại vì chưa được kiểm soát qua hai kênh chống khủng bố và chống rửa tiền của tổ chức Liên Hiệp Quốc?! Để chứng minh nguồn tiền ông H. nhận là “trong sạch”, ông H. phải nộp một khoản phí “kiểm tra” là 29.000 USD. Ông H. không mảy may nghi ngờ, đem tiền ra ngân hàng nộp và về nhà chờ.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo gốc Phi vừa bị triệt phá. |
Mấy ngày sau, ông H. nhận được email phản hồi cho biết, số tiền ông H. được nhận thưởng là trong sạch, tiền của ông H. sẽ chuyển về tài khoản của ông tại ngân hàng Thụy Sỹ đặt tại nước Anh. Ông H. tin lần này số tiền 1 triệu USD cùng với những khoản tiền ông H. nộp sẽ sớm vào tài khoản của mình. Liên tiếp những ngày sau, phía trả thưởng gửi email liên tục cho ông H. cho biết, số tiền 1 triệu USD đã về tài khoản, nhưng muốn chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, ông H. phải đóng 2,87% tiền phí trên tổng số tiền ông H. được nhận.
Lúc này tiền bạc cũng “hơi bị đuối” nhưng nghĩ đã theo từ đầu đến thời điểm cuối cùng, không làm tiếp thì mất trắng nên ông H. vay mượn bạn bè tiếp tục nộp vào tài khoản bên nước ngoài hơn 27.000 USD. Chờ hoài nhưng không thấy số tiền thưởng 1 triệu USD đâu, trong khi phía bên trả thưởng lại yêu cầu nộp tiếp 46.000 USD, số tiền này phía trả thưởng bảo đảm sẽ trả kèm trong số tiền thưởng 1 triệu USD mà ông H. được lãnh?!
“Lúc này tôi mới bắt đầu ngờ ngợ mình bị lừa đảo nên báo với Công an Hà Nội. Đến khi nghe tin Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ hai nhóm đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao, tôi tức tốc bay từ Hà Nội vào. Phía Công an TP Hồ Chí Minh đang làm rõ xem các đối tượng trong hai đường dây lừa đảo này có liên quan đến vụ việc của tôi hay không? Thật tình đây là một bài học cho tôi, nhưng bài học này cay đắng và đắt quá!”.
Thủ đoạn tinh vi của những đối tượng lừa đảo người nước ngoài gốc Phi được “giúp sức” bởi các đối tượng người Việt Nam đã lừa hàng trăm nạn nhân trên cả nước. Các thủ đoạn được bóc mẽ, những vụ án tương tự bị Công an TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh thành trên cả nước triệt phá đã quá rõ ràng, là một bài học để các nạn nhân phòng tránh, không mắc bẫy. Tuy nhiên, những món quà có giá trị, những số tiền lớn được các đối tượng “vẽ” ra, những lời hứa hẹn “định cư ở nước ngoài” ngọt ngào đã đánh trúng tâm lý hám lợi của nhiều người, khiến họ mờ mắt mà không tìm hiểu kỹ thông tin.
Sẽ còn nhiều nạn nhân rơi vào bẫy của những đối tượng này nếu không tỉnh giấc mơ lấy chồng ngoại, thích quà cáp sang trọng, thích những số tiền triệu đô từ trên trời rơi xuống khi mù quáng tin vào thủ đoạn của các đối tượng trên... thế giới ảo.