Chống “cát tặc” khó khăn vì xử lý chưa triệt để

Thứ Ba, 17/09/2019, 14:36
TP Hồ Chí Minh có một số điểm nóng, phức tạp về hoạt động khai thác cát trái phép như địa bàn quận 9, trên tuyến sông Đồng Nai, địa bàn giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, sông Tắc thuộc phường Long Trường, Long Phước, Long Bình, Trường Thạnh…

Các đối tượng hoạt động lén lút, có tổ chức, lợi dụng địa bàn giáp ranh, sử dụng phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, gắn các thiết bị bơm hút cát trái phép gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự - trật tự an toàn xã hội (ANTT - TTATXH). Công tác ngăn chặn, truy bắt rất khó khăn nhưng việc xử lý cũng chưa được triệt để.

Giăng màn bắt cát tặc

Thời gian qua, Cảnh sát đường thủy TP Hồ Chí Minh đã tập trung lực lượng phối hợp các cơ quan ban ngành hữu quan triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác vận chuyển cát trái phép.

Từ ngày 14-12-2018 đến ngày 28-8-2019, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phát hiện bắt giữ 27 vụ, 38 đối tượng, 42 phương tiện, hơn 2.600m3 cát và nhiều tang vật khác liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển cát trái phép trên sông Đồng Nai, sông Tắc, sông Sài Gòn...

Hầu hết các vụ khai thác cát trái phép thường diễn ra vào ban đêm nên việc truy bắt gặp không ít khó khăn. Có vụ nhận được tin báo, tổ tuần tra truy bắt phải mật phục, giăng màn trong những lùm cây từ 16 giờ chiều. Vậy nhưng nhiều khi thông tin không chính xác, hay đối tượng "ngửi" thấy có mùi bất an nên nằm im thở khẽ. Khi bị bắt giữ các đối tượng còn tấn công cả công an nhằm cướp lại phương tiện.

Vào lúc 2 giờ ngày 20-11-2018, tổ Tuần tra kiểm soát giao thông, Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái, gồm 3 đồng chí đang đi tuần bằng ca nô thì phát hiện các đối tượng bơm hút cát trái phép trên tuyến sông Đồng Nai thuộc địa bàn phường Long Phước, quận 9, TP Hồ Chí Minh.

Các phương tiện bơm hút và mua bán cát bị bắt giữ.

Đến 4 giờ 35 phút cùng ngày thì phát hiện một chiếc ghe (trên ghe có 7 đối tượng) bơm hút cát và một ghe mua đang chạy trên sông Đồng Nai, phường Long Phước, quận 9 cách Vàm Ông Đại khoảng 300m. Tổ tuần tra đã yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra thì các đối tượng tăng ga bỏ chạy.

Ra đến giữa sông Đồng Nai, một đối tượng rút lỗ lù và 7 đối tượng đồng loạt nhảy xuống sông bơi vào bờ trốn thoát. Tổ công tác ngay lập tức nhảy qua phương tiện ghe bơm để bịt lại lỗ lù (máy bơm dừng hoạt động). Nhờ nhanh tay bịt lỗ lù nên tang vật vẫn còn đầy nguyên. Đưa phương tiện ghe bơm vào bờ gần nhất để đảm bảo an toàn (bờ phía Đồng Nai).

Kiểm tra, tổ tuần tra phát hiện chiếc ghe bơm này không có số đăng ký, có vỏ gỗ, chiều dài khoảng 10,5 mét, chiều rộng khoảng 1,4 mét, chiều sâu khoảng 0,7 mét; trên ghe có gắn một máy bơm hiệu Zang Dong và một máy ghe Hyundai, khoảng 20 mét ống bơm nhựa, một sào sắt dài khoảng 10 mét.

Trong lúc tổ công tác đang xử lý phương tiện ghe bơm thì ghe mua đã tăng tốc bỏ chạy về phía cầu Đồng Nai. Đến 5 giờ 15 phút khi tổ công tác đang giữ ghe bơm cặp sát bờ, không để phương tiện chìm thì có khoảng 15 đối tượng đi trên 6 xe máy đứng trên bờ và có ý định cướp lại ghe. Tổ công tác đã cảnh cáo nhưng chúng vẫn hung hăng dùng đá ném về phía ca nô của tổ công tác và lao xuống ghe. Tổ công tác buộc phải nổ súng để cảnh cáo. Chúng vẫn kịp lấy đi 2 bình ắc quy, 2 can dầu và một số vật dụng khác.

Khoảng 22 giờ 50 phút ngày 12-8-2019, nhận được tin báo: "Trên sông Đồng Nai, tại khu vực phường Long Trường, quận 9, TP Hồ Chí Minh có nhóm đối tượng bơm hút cát trái phép đang hoạt động", Trung tá Đào Duy Thao, trạm trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái cùng cán bộ chiến sĩ chia thành 2 tổ xuống ngay hiện trường. Mất 20 phút, đến khu vực đoạn sông Đồng Nai thuộc phường Long Trường, phát hiện có công an, 3 ghe gỗ có gắn thiết bị bơm hút cát chạy về phía bờ Đồng Nai và 2 phương tiện ghe mua chạy về phía bờ quận 9.

Trung tá Thao đã chỉ đạo chia thành 2 mũi truy bắt. Các phương tiện ghe bơm có gắn máy công suất lớn, chạy vào các rạch phía bờ Đồng Nai tẩu thoát. Tổ công tác chỉ bắt giữ được 2 phương tiện ghe mua, lập biên bản xử lý.

Cảnh sát đường thủy cũng đã phối hợp với Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng bắt giữ nhiều vụ khai thác cát trái phép. Lúc 23 giờ ngày 9-7, Tổ công tác Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái đã phối hợp với Tổ công tác của Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng triển khai lực lượng thì phát hiện nhiều ghe bơm hút cát, ghe mua cát đang thực hiện hành vi bơm hút cát trái phép ngay giữa sông Đồng Nai, thuộc phường Long Phước, quận 9.

Khi tổ công tác tiến lại gần thì các đối tượng rút sào sắt và ống hút cát lên, bỏ chạy về phía bờ Đồng Nai thuộc xã Long Hưng, huyện Nhơn Trạch. Tổ công tác cập mạn ghe bơm. 3 đối tượng trên ghe chống trả quyết liệt bằng cây gỗ và tuýp sắt, điều khiển phương tiện không cho ca nô của hai tổ công tác cập vào. Khi bị khống chế ghe bơm, các đối tượng rút lỗ lù nhằm nhấn chìm phương tiện và đồng loạt nhảy sông bơi vào bờ trốn thoát.

Tổ công tác đã nhanh chóng dùng áo phao, vải bịt kín lỗ lù ngăn không cho nước vào. Tổ công tác tuần tra cùng tát nước, không để phương tiện, tang vật bị chìm. Phương tiện và toàn bộ trang thiết bị bơm hút cát trái phép được bảo vệ an toàn. Ghe bơm bị áp giải về điểm tạm giữ Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng để điều tra xử lý.

Trước đó lúc 0 giờ ngày 8-5, hai đơn vị Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái và Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng cũng đã phối hợp, hỗ trợ bắt giữ 4 phương tiện bơm hút cát trái phép đã bị các đối tượng đánh chìm tại khu vực sông Đồng Nai thuộc xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai (giáp ranh địa bàn Long Trường, quận 9, TP. Hồ Chí Minh). Vụ việc cũng được bàn giao cho Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng xử lý.

Đối tượng manh động, chống đối

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đào Duy Thao cho biết, thời gian gần đây, các đối tượng khai thác cát trái phép đe dọa cả công an. Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng khai thác cát trái phép tìm đủ cách.

Cảnh sát đường thủy Trạm Cát Lái bắt giữ một phương tiện khai thác cát trái phép.

Họ bố trí đội ngũ "chim lợn" theo dõi từng đường đi nước bước của cơ quan chức năng. Trước kia, để bù vào những chiếc ghe bị bắt, chúng đóng ghe lớn hơn, khai thác nhiều hơn để "bù lỗ".

Giờ thì các đối tượng mua ghe cũ, không số hiệu kiểm soát, gắn máy công suất lớn... hoạt động vào ban đêm. Lộ thì bỏ ghe chạy trốn, rất khó khăn trong công tác truy đuổi, bắt giữ. Chúng thực hiện chiến thuật "đánh nhanh rút gọn", bỏ của (phương tiện không lai lịch) chạy người, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị truy bắt, gây khó khăn cho việc truy bắt và xử lý.

Gần đây, những kẻ khai thác cát trái phép còn thường xuyên đánh tiếng mua chuộc cơ quan chức năng. Mua chuộc không được, chúng nhắn tin, điện thoại dọa giết...

Việc triển khai, kiểm tra bắt giữ các đối tượng bơm hút cát trên sông tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Các đối tượng manh động chống trả quyết liệt, đánh chìm phương tiện rồi nhảy sông trốn thoát. Công tác trục vớt phương tiện tang vật mất nhiều thời gian, tốn nhiều công sức, tiền  bạc. 

Việc tạm giữ phương tiện tang vật gặp nhiều khó khăn do chưa có bến neo đậu đủ điều kiện để lưu giữ và bảo quản theo quy định. Bắt được "cát tặc" đưa về xử lý răn đe đã khó, công tác trục vớt máy móc, ghe cát bị đánh chìm càng khó khăn hơn. Bởi nếu không sớm trục vớt, đối tượng lại thuê người trục vớt lên để tiếp tục hành nghề.

Dẫn chúng tôi ra xem một chiếc ghe tang vật, một cán bộ cảnh sát đường thủy cho biết, xử lý những chiếc ghe tang vật này còn khó hơn cả việc truy bắt đối tượng khai thác cát trái phép. Một nghịch lý nữa là cơ quan làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT - TTXH đường thủy lại không có chức năng xử lý.

Sau khi tạm giữ đối tượng, phương tiện, tang vật khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép, xử lý tất cả thủ tục ban đầu phải bàn giao lại cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc.

Phòng Cảnh sát đường thủy nhận định, tình hình hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán cát trong thời gian tới tại địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Nhu cầu sử dụng cát san lấp, xây dựng công trình ngày càng tăng cao trong khi nguồn cát hợp pháp không đủ đáp ứng. Lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép rất lớn nên nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phi pháp này.

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó, chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Chúng còn lợi dụng, núp bóng dự án xã hội hóa nạo vét "tận thu bù chi" để đưa phương tiện vào khai thác cát trái phép, cấu kết, móc nối, thành lập nhiều công ty "ma" và sử dụng các thủ đoạn tinh vi khác để hợp thức hóa hóa đơn chứng từ cho số cát khai thác trái phép...

Do vậy, cần có sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, sự chỉ đạo sát sao, thống nhất của nhiều cấp, nhiều ngành trong công tác phối hợp giữa các lực lượng để ngăn chặn, xử lý triệt để đối với các hoạt động trên. Quan trọng nhất, cần phải điều chỉnh quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép, đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc hơn của pháp luật.

Một nghịch lý nữa, theo quy định, phải khai thác 50m3 cát trở lên thì mới bị truy tố, chịu trách nhiệm hình sự. Các đối tượng đối phó bằng cách chỉ khai thác 49m3 nên chỉ bị xử lý hành chính, được tha về rồi lại tiếp tục khai thác.

Chỉ khi nào cơ quan chức năng phát hiện đối tượng, phương tiện tái phạm nhiều lần trở lên lúc đó mới bị truy tố. Thế có khác nào "bắt cóc bỏ đĩa"? Nếu không có các biện pháp chế tài đủ nặng, đủ mạnh, đủ để răn đe thì cuộc chiến chống khai thác cát trái phép vẫn còn kéo dài.

Đức Hà
.
.