Chống tội phạm xuyên quốc gia ở vùng biên Móng Cái
Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, đã chủ động triển khai các biện pháp nắm tình hình, phối hợp với công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh và Công an thị xã Đông Hưng liên tiếp triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia, góp phần đảm bảo giữ vững an ninh kinh tế khu vực biên giới Móng Cái.
Phá án trên đất bạn
Tỉnh Quảng Ninh có trên 200km đường biên trên bộ tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Các vùng chồng lấn sóng điện thoại của 2 nước tại các khu vực cửa khẩu, khu đô thị là đặc điểm để tội phạm 2 bên biên giới lợi dụng, câu kết hình thành các đường dây trộm cắp cước viễn thông quốc tế. Chúng thiết lập các trạm liên lạc vệ tinh mặt đất (VSAT), hệ thống vô tuyến sóng ngắn (UHF) hoạt động theo phương thức ghép kênh để tạo thành kênh đi quốc tế.
Từ chỗ liều lĩnh lắp đặt máy móc, thiết bị trộm cắp tại vùng chồng lấn sóng phía thị xã Móng Cái, sau năm 2002, khi một số ổ nhóm trộm cắp cước viễn thông bị triệt phá, các đối tượng đã “di chuyển” thiết bị sang thị xã Đông Hưng, Trung Quốc.
Để vận hành hệ thống, các đối tượng người Việt Nam sinh sống tại Móng Cái ký hợp đồng với bưu điện đăng ký sim điện thoại di động rồi chuyển sang bên kia biên giới lắp đặt, thực hiện chuyển các cuộc đàm thoại quốc tế về các tỉnh, thành trong cả nước, trốn hoàn toàn cước viễn thông quốc tế.
Đối với các loại thẻ trả trước, được các đối tượng sử dụng mạng truyền Internet gửi thư điện tử có số mã, số thẻ chuyển cho “đối tác” nước ngoài để nạp tiền vào thẻ sim của hệ thống trộm cước quốc tế.
Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt một đối tượng trộm cắp cước viễn thông quốc tế tại thị xã Móng Cái.
Trong bối cảnh ngành viễn thông phát triển với tốc độ cao như hiện nay, việc phát hiện vi phạm đã khó, quá trình điều tra triệt phá các ổ nhóm tội phạm xâm hại hệ thống thiết bị ngoại vi ngành này còn khó khăn gấp bội, nhất là khi đối tượng chính và phương tiện gây án đều ở nước ngoài. Để bóc gỡ tận gốc những đường dây tội phạm xuyên quốc gia này, trinh sát Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế, Công an Quảng Ninh phải rất dày công thu thập tài liệu, chứng cứ và sẵn sàng “đánh án” trên đất bạn.
Đường dây trộm cắp cước viễn thông quốc tế với sự tham gia tích cực của Nguyễn Thị Vân, 39 tuổi, trú tại phường Ka Long và Trần Thị Ánh Tuyết, 44 tuổi, ở phường Trần Phú, đều thuộc thị xã Móng Cái được phát hiện từ những hành vi bất thường trong sinh hoạt, buôn bán của các đối tượng này.
Dù Tuyết chuyên kinh doanh băng đĩa hình, Vân thì buôn bán hàng điện tử, song chỉ mình Tuyết đứng tên thuê bao lúc thì 12 khi tới 14 máy điện thoại di động. Còn Nguyễn Thị Vân, ngoài việc tự mình đứng tên cả chục thuê bao, những người trong gia đình thị, còn huy động từ cụ già gần 70 tuổi đến những kẻ không nghề nghiệp “vác” sổ hộ khẩu đi đăng ký thuê bao điện thoại di động. Mỗi người không chỉ đăng ký một mà là 3 tới 9 máy.
Tiến hành điều tra, trinh sát Phòng An ninh kinh tế xác định 2 đối tượng trên móc nối với 3 đối tượng người Trung Quốc dùng tới 60 sim điện thoại Việt Nam cùng nhiều thiết bị viễn thông đặt tại vùng chồng lấn sóng phía Đông Hưng để tổ chức trộm cắp cước điện thoại từ Mỹ, Tây Âu về Việt Nam, bước đầu xác định đã gây thiệt hại cho Bưu điện Quảng Ninh hàng chục tỉ đồng.
Từ kết quả điều tra của các trinh sát, lãnh đạo Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế trực tiếp làm việc với Công an Đông Hưng đề nghị hỗ trợ triệt phá đường dây tội phạm này. Sau khi bắt làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng trong nước, tổ công tác thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh lập tức có mặt tại thị xã Đông Hưng lần thứ 2.
Căn cứ tài liệu do Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế và Công an thị xã Móng Cái cung cấp, ngay trong ngày Công an 2 bên đã bắt giữ 3 đối tượng là người Trung Quốc. Khám nhà số 51, phố Ngõ Chợ, đường Trung Sơn, thị xã Đông Hưng, nơi chúng đặt thiết bị trộm cước viễn thông, cơ quan Công an thu toàn bộ hệ thống ăngten thu phát, sim điện thoại Việt Nam.
Nhóm này thừa nhận đã dùng hệ thống cài sim điện thoại Việt Nam đặt tại vùng chồng lấn sóng phía Đông Hưng kết nối trộm với một ăngten vô tuyến sóng ngắn vào hộp cáp của Bưu điện Đông Hưng tiến hành thực hiện liên lạc từ các nước Tây Âu và Mỹ vào Việt Nam không qua kiểm soát của Bưu điện Việt Nam, trốn mỗi tháng hàng tỉ đồng tiền cước viễn thông quốc tế.
Ngoài ổ nhóm trên, Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế còn phối hợp với Công an thị xã Móng Cái và Công an Đông Hưng, Trung Quốc điều tra một số ổ nhóm trộm cắp cước viễn thông quốc tế khác như nhóm có sự tham gia của Đỗ Thị Thu Hương, 34 tuổi, ở khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội và Hồ Tùng Đức, 64 tuổi, tạm trú tại số 25, Đông Chợ 3, Trần Phú, Móng Cái.
Đại tá Nguyễn Mạnh Ngọc, Trưởng phòng Bảo vệ an ninh kinh tế, Công an Quảng Ninh cho biết, mỗi lần trao đổi thông tin đề nghị Công an nước bạn hỗ trợ phá án, Công an Quảng Ninh chuẩn bị tài liệu, chứng cứ, xây dựng phương án cụ thể, không những chỉ ra thủ đoạn hoạt động của tội phạm mà còn chỉ chính xác địa chỉ nơi ở, làm việc đến vóc dáng, quy luật sinh hoạt của đối tượng bên phía Đông Hưng, nên việc phối hợp điều tra, bắt giữ đạt kết quả cao và Công an nước bạn tỏ ra rất khâm phục khả năng đánh án bài bản, chính xác của Công an Quảng Ninh.--PageBreak--
Cuộc đấu trí với các "nữ quái" vàng, đôla
Thường khi thị trường vàng, ngoại tệ trong nước biến động giá cũng là thời điểm các đường dây vận chuyển, buôn bán vàng, ngoại tệ trái phép từ Trung Quốc sang Móng Cái rồi đưa đi các tỉnh, thành trong nước tiêu thụ hoạt động mạnh.
Đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo hướng ngày càng tinh vi, khó đấu tranh hơn nhưng có một điều “bất biến” trong nhiều năm qua ở thị xã Móng Cái là điều hành các ổ nhóm tội phạm này đều là các nữ quái. Nguyễn Thị Hiền, 58 tuổi, trú tại khu 3, phường Trần Phú, Móng Cái móc nối với nhóm 3 đối tượng người Trung Quốc và sử dụng người thân, thiết lập đường dây vận chuyển, buôn bán vàng, ngoại tệ từ nước ngoài vào trong nước.
Các đối tượng được Hiền chỉ đạo thường xuyên thay đổi lộ trình, mỗi đối tượng đi cách nhau 15 phút phòng bất trắc khi chuyển “hàng” từ Trung Quốc về nhà thị. Có đối tượng như cháu ruột Hiền là Phạm Thị Mai, 41 tuổi, còn sử dụng giấy thông hành giả mang tên Nguyễn Thị Huyền, 37 tuổi qua biên giới.
Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an Quảng Ninh sau gần 7 tháng lập án đấu tranh đã bắt quả tang đồng bọn của Hiền là Phạm Thị Mai và Nguyễn Thị Nghinh, 53 tuổi, cùng ở phường Trần Phú, Móng Cái đang vận chuyển trái phép 20 kg vàng. Khám nhà Nguyễn Thị Hiền thu thêm nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động buôn bán vàng, ngoại tệ trái phép qua biên giới phục vụ công tác đấu tranh mở rộng án.
Thực nghiệm điều tra một vụ trộm cắp cước viễn thông. |
Vi Thị Thanh, 45 tuổi, trú tại số 20, đường Thương Mại, Trần Phú, Móng Cái, từng bị Cơ quan Công an bắt quả tang vận chuyển trái phép 250 nghìn USD, bị xử phạt 4 năm tù. Thời gian được tại ngoại tại địa phương Thanh tiếp tục buôn bán ngoại tệ, vàng từ Trung Quốc vào trong nước. Vẫn phương thức chỉ sử dụng những người thân quen để vận chuyển “hàng”, song “lần trở lại” này, Thanh dùng địa chỉ trung gian để giấu sổ sách, vàng, USD.
Để chặt đứt đường dây của Thanh, Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế đã thay đổi phương án đấu tranh. Sau khi bắt quả tang tại cửa khẩu Bắc Luân con trai Thanh là Phương Thực, 26 tuổi, con dâu Mai Lệ Huyền, 25 tuổi và Vi Thị Hảo, 40 tuổi, bó trong người vận chuyển trái phép 70 nghìn USD, tổ công tác thuộc Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế tiến hành khám xét nơi ở của một số đối tượng liên quan, đã thu giữ sổ sách, giấy tờ chứng minh chỉ trong vòng 27 ngày nhóm này đã nhập lậu 8,7 tạ vàng để đưa đi tiêu thụ.
Từng nhiều năm “nằm vùng”, trực tiếp đấu tranh triệt phá nhiều đường dây vận chuyển, tiêu thụ vàng, ngoại tệ tại thị xã Móng Cái, Trung tá Nguyễn Thanh Sơn, Phó trưởng phòng Bảo vệ an ninh kinh tế không thể quên cuộc “quyết đấu” kéo dài tới gần 2 năm với hai nữ quái vàng, đô la vùng biên là Phạm Thị Thúy, 39 tuổi, ở Đào Phúc Lộc, phường Trần Phú và Bùi Thị Lượt, 46 tuổi, ở phường Hòa Lạc.
Nhóm này có sự tham gia của nhiều đối tượng người nước ngoài và chỉ giao dịch trực tiếp bằng tiếng Trung Quốc, điện thoại sim Trung Quốc.
Theo tài liệu trinh sát Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế nắm được thì các đối tượng vận chuyển thường xuyên thay đổi tư trang như túi xách, quần áo. Vị trí giao hàng là một số chợ, trung tâm thương mại ở Móng Cái.
Trước khi giao dịch các đối tượng là người Trung Quốc thường vào nhà vệ sinh trong chợ để lột tiền trong người sau đó trở ra giao “hàng” ở các kiốt hoặc “vô tình” đi trên cầu thang máy và trao đổi túi sách. Số đối tượng là người Trung Quốc giao hàng xong thì đi lòng vòng để “cắt đuôi” nếu thấy bị phát hiện.
Trung gian đảm nhiệm việc giao dịch của nhóm này là Tạ Thị Mùi, 32 tuổi, ở số 80, Lý Tự Trọng, phường Hòa Lạc, Móng Cái sau khi nhận, chuyển tiền, vàng thì dùng xe đạp mini vờ như người đi chợ, trên để rau quả, dưới là vàng và đô la bất hợp pháp rồi thong dong “dạo phố”.
Tại cửa khẩu Bắc Luân, tháng 4/2004, Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế bắt quả tang 3 đối tượng liên quan đến nhóm của 2 nữ quái trên khi chúng đang vận chuyển trái phép tổng cộng 120.000 USD gồm Hoàng Thúy Cần, 40 tuổi; Vương Lệ Mùi, 22 tuổi và Tô Xuân Anh, 30 tuổi, quốc tịch Trung Quốc. Khi đường dây “có biến”, thị trường vàng, ngoại tệ ổn định, các đối tượng khác trong nhóm này “nín thở chờ thời”.
Tiếp tục kiên trì điều tra, 8 tháng sau đó, tại cửa khẩu Bắc Luân và Ka Long, thị xã Móng Cái, lực lượng An ninh Kinh tế bắt tiếp 3 đối tượng là Phạm Thị Vân, 40 tuổi, ở Trần Phú, Móng Cái, là chị gái của Phạm Thị Thúy và 2 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc là Hoàng Thắng Liên, 39 tuổi và Từ Phương Bình, 22 tuổi, thu 105.000 USD.
Tiếp đó, ngày 29/4/2006, chặt đứt một mắt xích khác trong đường dây này là Lương Pa Ven, ở xã Hải Yên, Móng Cái, khi đối tượng đang vận chuyển trái phép 100.000 USD. Như vậy, trong 2 năm đấu tranh với nhóm đối tượng trên, Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế đã bắt 7 đối tượng, thu 320,5 nghìn USD.
Những năm gần đây, tại vùng biên Móng Cái, Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế đã bắt 6 vụ, 9 đối tượng vận chuyển, tiêu thụ tiền giả; 15 vụ, 33 đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép vàng, ngoại tệ. Song công tác phòng ngừa xử lý loại tội phạm này vẫn hết sức khó khăn, phức tạp, có ổ nhóm ở nước ta đã móc nối với số đối tượng ở sâu nội địa nước bạn và trực tiếp chuyển vàng, ngoại tệ đưa vào trong nước.
Trung tá Nguyễn Thanh Sơn, Phó trưởng phòng Bảo vệ an ninh kinh tế, Công an Quảng Ninh cho biết, trong thời gian qua, toàn phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng trở ngại lớn nhất đối với các anh không phải là những khó khăn, vất vả trong việc tìm kiếm chứng cứ để vạch mặt tội phạm mà là những tin đồn thổi thất thiệt do các đối tượng tung ra nhằm đánh lạc hướng cơ quan an ninh, thậm chí bôi lem các anh.
Trung tá Sơn tâm sự: “Nếu không có bản lĩnh, không được đồng đội tuyệt đối tin tưởng thì rất khó để có thể quyết tâm phá án”