Cuộc chiến chống mafia gỗ ở Campuchia
- Phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn trên địa bàn huyện Đak Đoa
- Liên tiếp phát hiện các vụ phá rừng quy mô lớn
- Người làm thuê bị "đổ vạ" phá rừng tự nhiên?
Nhưng giám đốc của Think Biotech tại Prey Lang lại quả quyết rằng công ty ông chỉ là nạn nhân của đám “lâm tặc” sử dụng chính công ty để tuồn gỗ lậu ra các địa điểm xuất khẩu. Có hay không một mạng lưới tội phạm lâm nghiệp có tổ chức tại Prey Lang?
Thâm nhập đế chế “gỗ tặc” của Campuchia
Đà tăng các cảnh báo phá rừng ở Prey Lang đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mới nhất về vai trò của một công ty lâm nghiệp gây tranh cãi ở đây. Hãng Think Biotech, đơn vị đang hoạt động trong khuôn khổ 34.000 ha rừng già, đã được phê chuẩn từ năm 2012 chiếu theo một thỏa thuận giữa nước sở tại Campuchia và Hàn Quốc nhằm mục tiêu “giảm áp lực lên các cánh rừng tự nhiên” dọc theo biên giới phía Đông của Prey Lang.
Một nhà hoạt động rừng đang dùng dữ liệu GPS để theo dõi hoạt động đốn gỗ lậu ở Prey Lang. Ảnh nguồn: Cambodia Human Rights Task Force. |
Các hoạt động chiến dịch khi tìm cách giám sát hoạt động khai thác gỗ Prey Lang đã phát hiện ra rằng phần lớn khu vực này từng được rừng tự nhiên bao phủ, nhưng hiện tại nó được phủ xanh thay thế bởi đồn điền cây keo gây tổn thất khổng lồ cho đa dạng sinh học, ô nhiễm sông ngòi, và tác hại đến sinh kế của 2 cộng đồng dân cư Kuy và Khmer. Khu bảo tồn Prey Lang bao quát các tỉnh Kampong Thom, Kratie, Stung Treng và Preah Vihear, nó được công nhận là khu bảo tồn thế giới hoang dã ngay từ tháng 5 năm 2016.
Các nhà hoạt động và nhà nghiên cứu đã thu thập được bằng chứng về một mạng lưới tội phạm lâm nghiệp có tổ chức ở Prey Lang, tuy nhiên họ phàn nàn rằng các hoạt động giám sát đang bị gây khó dễ bởi sự thờ ơ hoặc không hành động rốt ráo của chính phủ Campuchia, hoặc sự phản ứng của các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGOs).
Dữ liệu của tổ chức giám sát rừng toàn cầu (GFW) đã chứng thực điều mà các nhà hoạt động đã báo cáo trong vòng 5 tháng qua: những cảnh báo GLAD bắt đầu từ tháng 12/2019 và bắt đầu trải rộng xa hơn ngay mạn Bắc và Nam của Prey Lang trong khoảng quý đầu tiên của năm 2020. Hình ảnh vệ tinh và các cảnh báo phá rừng gần đây cũng cho thấy hoạt động đốn gỗ đáng kể ở phía Đông Prey Lang kế cạnh nhượng địa của Think Biotech.
Bà Ida Theilade, một học giả tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), người đã nghiên cứu về Prey Lang trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, phát biểu: “Vào những tháng gần đây, chúng tôi có hình ảnh vệ tinh và nhìn thấy có một con đường được xây dựng bên trong khu Prey Lang thuộc nhượng địa của Think Biotech, hoạt động khai thác gỗ diễn ra dọc theo con đường. Con đường mới toanh! Lại một lần nữa Think Biotech dính líu đến những ì xèo liên quan đến gỗ lậu”.
Khai thác gỗ ở Campuchia thường đạt cao điểm vào những tháng mùa khô (bắt đầu từ tháng 12 năm trước và kéo dài tới cuối tháng 5 năm sau), nhưng bà Theilade cảnh báo rằng hoạt động khai thác gỗ trong quý đầu tiên của năm 2020 đã diễn ra quanh Think Biotech và các phần nhượng địa ở phía Bắc khu bảo tồn.
Bà Theilade hoài nghi hoạt động khai thác gỗ này có thể liên quan đến lệnh cấm tuần tra của Bộ Môi trường Campuchia áp dụng với Mạng lưới cộng đồng Prey Lang (PLCN), một tổ chức hoạt động chuyên giám sát khai thác gỗ lậu ở 4 tỉnh thành thuộc phạm vi khu bảo tồn). Nhiều nông dân trong khu bảo tồn than vãn rằng họ bị mất đất làm nông do việc phát quang của Think Biotech sau khi họ được cấp phép nhượng địa cũng như các nguồn tài nguyên lâm nghiệp vốn là nguồn cung quan trọng, các nguồn thu nhập bền vững như nhựa cây, cây mây, nấm và thảo dược.
Mặt khác, dân địa phương tố rằng Think Biotech đã không tư vấn với dân sở tại trước khi bắt đầu làm việc, xâm phạm mồ mả hoặc các khu rừng thiêng. Những cuộc biểu tình có tổ chức đã chống lại Think Biotech từ tháng 5/2013 và họ chiến thắng với việc Think Biotech trả đất cho 1.900 hộ dân bị ảnh hưởng.
Chồng chéo trách nhiệm
Năm 2017, những người biểu tình đệ đơn lên đại sứ quán Hàn Quốc ở Phnom Penh yêu cầu dừng lại việc mở rộng khai thác gỗ và trồng mới rừng, nhưng không thành công. Chủ đầu tiên của công ty Think Biotech là Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc), nhưng dường như đã từ bỏ việc kiểm soát công ty này từ năm 2018, theo hồ sơ lưu lại của Bộ Thương mại Campuchia. Chủ tịch hiện tại của Think Biotech (công dân Đài Loan) là ông Lu Chu Chang, cũng là giám đốc của công ty Gỗ dán Angkok (Angkor Plywood) và chủ tịch của Hội công nghiệp gỗ Campuchia (CTIA).
Riêng Angkor Plywood đã trở thành một công ty độc quyền kinh doanh gỗ trong những năm gần đây, cũng như thu hoạch nhựa cây bất hợp pháp vốn do dân địa phương làm chủ gần với nhượng địa của Think Biotech, và buôn lậu gỗ xe đến 2 thị trường quan trọng là Việt Nam và Trung Quốc.
Global Witness (tổ chức chống tham nhũng) đã ghi lại cái mà họ gọi là “hiệp hội lâu đời chuyên xài gỗ lậu” của ông Lu Chu Chang, và hoạt động khai thác gỗ lậu cũng đã có từ đầu thập niên 2000 khi ông Lu điều hành công ty Gỗ dán Cherndar (Cherndar Plywood, Campuchia), “thu hoạch giùm” nhựa cây của dân làng trong cùng tỉnh. Lu Chu Chang phủ nhận mọi sự liên quan đến hoạt động khai thác gỗ lậu của Angkor Plywood lẫn Think Biotech.
Phát biểu tại một văn phòng ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, Lu khẳng định 90% gỗ xử lý của các công ty ông được bán ngay trong nước (không công bố điểm đến cuối cùng). Trước áp lực của các nhà hoạt động, Lu nói rằng bản thân mình cũng là một nạn nhân của “lâm tặc” khi bọn chúng dùng nhượng địa của Think Biotech như một điểm trung chuyển gỗ lậu đến các điểm xuất khẩu.
Cả Think Biotech lẫn Angkor Plywood đều là đối tượng của một đề nghị điều tra chính thức của Bộ Môi trường Campuchia sau khi cơ quan này nhận bằng chứng về hoạt động khai thác gỗ lậu của Liên minh Châu Âu (EU) và USAID (cơ quan phát triển hải ngoại của chính phủ Mỹ). Bất ngờ hơn, cơ quan phụ trách lâm nghiệp (đơn vị có lịch sử lâu dài đối với các hoạt động khai thác gỗ lậu và ra chính sách nhượng bộ cho Think Biotech) sau đó đã xóa sạch mọi hành vi sai trái của Think Biotech.
Ông Matthew Edwardsen, (trưởng nhóm của dự án Greening Prey Lang trị giá 21 triệu USD) nói rằng nhóm của ông đang ủng hộ cho PLCN và tuần tra cộng đồng, cố gắng tái thiết lập các hoạt động tuần tra giữa lực lượng kiểm lâm và các thành viên PLCN.
Ông Sothea, một cư dân ở huyện Siem Bouk (tỉnh Stung Treng) đã bắt đầu giám sát những chiếc xe tải ì ạch chở gỗ ra khỏi Prey Lang hồi giữa tháng 4/2020 trong khi cả nước đóng cửa rừng để ăn mừng Tết Khmer.
“Rừng gì nữa, giờ này nó như cánh đồng!”, Sothea than thở khi nói đến khu rừng ở Prey Lang. Nhựa cây là nguồn thu nhập chủ yếu của những người dân sở tại như Sothea, nhưng hiện tại Sothea (một thành viên của PLCN) than thở rằng bây giờ có khi cả tháng không kiếm nổi 500 USD cho việc bán nhựa tại chợ huyện.
Hiện tại Angkor Plywood đang mua nhựa cây được lấy trộm từ các “lâm tặc” ở 2 tỉnh Kratie và Stung Treng. Hướng ánh mắt xa xăm nhìn ra cánh rừng thưa thớt, Sothea chép miệng: “Hồi trước chính phủ và thủ tướng ra lời kêu gọi nhân dân tham gia bảo vệ rừng. Bây giờ chúng tôi đang tham gia nhưng lại bị quy tội xâm phạm rừng và vi phạm pháp luật. Thật sự chả hiểu?”.