Cảnh báo bẫy đầu tư đa cấp online
Nông dân vỡ mộng tỉ phú
Nếu như nhiều năm trước, nông phu Hoàng Văn M. (trú tại xã Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) vẫn chỉ quanh năm biết đến phân gio giống má, thì khoảng một năm trở lại đây ông đã trở thành một nhà đầu tư có máu mặt.
Hàng ngày, sau bữa sáng với bát cơm nguội cùng chén trà đặc, ông M. lại vắt chân vừa xỉa răng choanh choách, vừa vuốt Ipad. Nhìn những con số trong tài khoản nhảy múa mỗi ngày, ông M. khẽ bỏ kính rồi nâng chiếc điếu cày, bắn một "bi" đầy sảng khoái.
Ông nhẩm tính chỉ khoảng một năm nữa, số tiền vài trăm triệu trong tài khoản của ông sẽ nhảy lên thành nhiều tỷ đồng. Lúc đó ông sẽ mua xe ôtô cho vợ con vi vu, hàng xóm lác mắt. Dứt cơn mơ, ông M. rút điện thoại, alo cho một nhà đầu tư khác rủ đi "họp".
Tại một quán cà phê gần trung tâm xã, các "nhà đầu tư" mà hầu hết là nông dân, người buôn bán nhỏ trong và ngoài huyện kể cho nhau nghe về việc đã "chiêu mộ" được thêm bao nhiêu thành viên mới, số tiền trong tài khoản đã tăng lên được bao nhiêu; kế hoạch đầu tư tiếp theo... Có cảm giác như các nhà đầu tư ở "phố Uôn" cũng chỉ bận rộn đến thế mà thôi(!)
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nhiều tháng nay, các nhà đầu tư này được dẫn dắt bởi một người mang quốc tịch Malaysia tên P. Chang. Thông qua một phiên dịch viên, Chang đã tổ chức nhiều buổi hội thảo để giới thiệu đến người dân về hình thức đầu tư kiểu mới.
Các nhà đầu tư có thể góp vốn vào công ty, sau đó công ty sẽ dùng nó để đẩy vào dự án trồng cây Macca. Có nhiều gói đầu tư để lựa chọn, với trị giá từ 100-10.000 USD. Với mỗi gói, lãi suất sẽ khác nhau song đều ở mức 10-20%/tháng.
Lúc đầu khi tham gia một hội thảo như vậy, ông M. không tin. Song mấy tháng sau nghe một người bạn kể lại rằng việc đầu tư khá trôi chảy, hàng tháng đều có tiền lãi chảy vào tài khoản, và đã rút ra được hàng ngàn USD tiền lãi, ông M. vội bán mấy cây vàng, rồi vay mượn anh em họ hàng để đầu tư.
Ngoài việc được hưởng lãi suất % theo tháng, với mỗi nhà đầu tư mà ông M. chiêu mộ được, ông lại được cộng thêm 1-3% nữa. Do đó ông cũng rất tích cực đi quảng bá, động viên, thúc giục anh em họ hàng cùng tham gia chương trình "làm giàu không khó" này.
Tuy nhiên, sau khi rút lãi được đúng một lần thì cuối năm 2019, ông M. không thể truy cập vào tài khoản của mình nữa. Gọi điện thoại, rồi tụ họp các nhà đầu tư ai nấy đều hoang mang khi website đã sập, giám đốc công ty đã biến về cố quốc. Hàng trăm tỷ đồng của các nhà đầu tư đã mất trắng. Có nhà đầu tư vay mượn anh em bạn bè 2-3 tỷ đồng nộp vào tài khoản hy vọng chẳng mấy chốc trở thành cự phú.
Cũng như ông M., nhiều người mới rút được 1-2 đợt lãi, chưa nổi 1/10 số tiền đã đầu tư. Và giờ thì nợ ngập đầu ngập cổ. Cực chẳng đã họ phải làm đơn tố cáo nhóm đối tượng người nước ngoài và một số đối tượng người Việt cầm đầu lên cơ quan công an, ngõ hầu gỡ gạc được đồng nào hay đồng ấy.
Sa bẫy cái gọi là "Tập đoàn toàn cầu"
Đầu năm 2019, Công an TP Hà Nội đã phanh phui một đường dây lừa đảo đầu tư tài chính lớn. Nhóm đối tượng gồm người nước ngoài câu kết với các đối tượng trong nước dùng thủ đoạn thành lập văn phòng "ma" mạo danh đại diện Tập đoàn tài chính nước ngoài, đưa ra các gói đầu tư tài chính lãi suất cao để dụ dỗ người dân. Sau khi thu được một khoản tiền lớn, các đối tượng người nước ngoài lập tức "ôm tiền" về nước…
Đối tượng Đoàn Văn Đạt và Wu Run Hua. |
Cơ quan công an đã làm rõ, khởi tố nhóm đối tượng gồm Đoàn Văn Đạt (sinh năm 1979, ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng), Wu Run Hua (sinh năm 1987, quốc tịch Trung Quốc) và Yeo Alex Siak Chuan tức Anson Yang (sinh năm 1979, quốc tịch Singapore). Trong đó Wu Run Hua và Anson Yang bị truy nã quốc tế.
Tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan công an cho thấy, chủ mưu cầm đầu đường dây lừa đảo này là Wu Run Hua và Anson Yang. Hai đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam từ nhiều năm trước. Thông qua người phiên dịch, các đối tượng đi tìm và lôi kéo một số người Việt Nam thực hiện kế hoạch lừa đảo.
Theo đó, Anson Yang tự giới thiệu là giám đốc marketting của công ty GGV, thuộc Tập đoàn GGV (Global Gaming Ventures Limited) có trụ sở tại Vương quốc Anh, hoạt động trong lĩnh vực casino, cá cược, có lượng thành viên lên tới trên 50 ngàn người khắp toàn cầu.
Khi bỏ tiền đầu tư vào tập đoàn quốc tế này, nhà đầu tư sẽ được cấp mã tài khoản để truy cập hệ thống, trở thành thành viên chương trình phát triển cộng đồng của công ty, được bảo trợ mời các cá nhân khác tham gia chương trình.
Để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, Wu Run Hua nhờ hàng chục người Việt Nam đứng ra mở tài khoản ngân hàng tại Đà Nẵng. Khi có tiền của nhà đầu tư chuyển vào các tài khoản này (theo chỉ định của các đối tượng khi nhà đầu tư tham gia) thì những người mở tài khoản trên sẽ trực tiếp đến ngân hàng rút tiền và chuyển cho Wu Run Hua.
Tiếp tay cho Wu Run Hua và Anson Yang là một số đối tượng người Việt Nam, trong đó có Đoàn Văn Đạt. Thông qua trợ lý, phiên dịch của Anson Yang, Đoàn Văn Đạt được giới thiệu về dự án GGV gồm 4 gói đầu tư khác nhau, với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng.
Rất đông người dân tham gia vào các buổi hội thảo của các tập đoàn tài chính "ma". |
Ngoài số lãi "khủng" nhà đầu tư khi giới thiệu được người cùng tham gia vào hệ thống còn được hưởng hoa hồng theo mô hình đa cấp với nhiều loại hoa hồng khác nhau như: hoa hồng trực tiếp, hoa hồng hệ thống, hoa hồng may mắn, hoa hồng bảo trợ đặt cược, hoa hồng bảo trợ thắng cược…
Ban đầu, Đoàn Văn Đạt đầu tư thử một gói. Sau khi được trả lợi nhuận 3%/ tháng, Đạt quyết định tham gia phát triển hệ thống GGV và được Anson Yang "phong" cho làm Trưởng văn phòng đại diện GGV để quảng bá dự án, lôi kéo nhà đầu tư và thu tiền cho các đối tượng.
Đạt thuê phòng 602, tòa C2, khu tổ hợp Vinaconex 1 tại 289A Khuất Duy Tiến (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm văn phòng làm việc và sinh hoạt chung cho các thành viên trong hệ thống.
Không quảng cáo rầm rộ trên mạng Internet, Đoàn Văn Đạt và các đối tượng đầu tư tuyến trên lôi kéo nhà đầu tư bằng hình thức trực tiếp tư vấn, giới thiệu về quy mô hoạt động của Tập đoàn GGV Anh quốc cùng 4 gói đầu tư và chính sách trả thưởng hậu hĩnh.
Nếu đồng ý tham gia và nộp tiền, nhà đầu tư sẽ được tạo ID, cung cấp mật khẩu để truy cập, quản lý tài khoản cá nhân tại website: ggvuk.com và được trả lãi vào tài khoản này.
Việc nộp tiền đầu tư theo 2 cách: Nhà đầu tư nộp tiền mặt trực tiếp cho Đoàn Văn Đạt, sau đó Đạt sẽ chuyển vào tài khoản do công ty GGV (thực chất là Wu Run Hua và Anson Yang) chỉ định hoặc Đạt xin lệnh tài khoản chỉ định từ kênh giao tiếp trực tiếp theo nhóm của công ty GGV, sau khi GGV chỉ định một tài khoản ngân hàng thì Đạt đưa tài khoản đó cho nhà đầu tư ra ngân hàng nộp tiền và chuyển giấy nộp tiền cho Đạt để được cấp ID và mật khẩu.
Toàn bộ việc đầu tư này không hề có hợp đồng nhưng vì ham lợi nhuận "khủng" nên nhiều người vẫn tham gia. Thời gian đầu, các "nhà đầu tư" được hệ thống trả lãi đầy đủ như quảng cáo theo các gói đầu tư. Tuy nhiên bất ngờ tập đoàn GGV ngừng trả lợi nhuận qua tài khoản ngân hàng và người tham gia cũng không rút tiền ra được.
Sau khi có đơn tố cáo của các "nhà đầu tư", cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại Bộ Công thương, được biết Công ty GGV có địa chỉ đăng ký tại Anh là loại hình công ty tư nhân, thành lập năm 2010 nhưng không còn hoạt động. Không có doanh nghiệp Việt Nam nào hợp tác, đầu tư với GGV.
Trên hệ thống cơ sở dữ liệu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trên website của Bộ Công thương, Tập đoàn Global Gaming Venture Limited không đăng ký thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Website: ggvuk.com chưa tiến hành đăng ký và không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Theo Cơ quan điều tra, thực tế những tài khoản nhận tiền của nhà đầu tư do đối tượng Wu Run Hua nhờ một số người Việt Nam lập để rút tiền rồi chuyển lại cho Wu. Sau đó Wu Run Hua và Anson Yang dùng chính tiền của nhà đầu tư để trả lãi cho họ.
Sau một thời gian khi đã thu được khoản tiền lớn thì các đối tượng "ôm tiền" tẩu thoát ra nước ngoài. Đã có 33 bị hại đến cơ quan điều tra tố cáo Đoàn Văn Đạt chiếm đoạt trên 13,5 tỷ đồng.
Cũng theo cơ quan điều tra, còn rất nhiều bị hại chưa trình báo và số tiền bị chiếm đoạt có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ vai trò của những đối tượng liên quan.
Rủi ro khi đầu tư vào tập đoàn "ma"
Cuối năm 2019, Bộ Công an đã lên tiếng cảnh báo người dân về rủi ro khi đầu tư tài chính vào Công ty Tài chính công nghệ Eagle Rock Global (ERG). Theo đó Công ty ERG "tự xưng" là kênh đầu tư tài chính đến từ châu Âu; tập trung mạnh mẽ vào 5 lĩnh vực của ngành công nghiệp 4.0 là Trading (thương mại), Mining (khai thác tiền ảo), Game (trò chơi trực tuyến), Paid to Click (trả tiền cho lượt nhấp chuột), Ecommerce (thương mại điện tử). Công ty Tài chính công nghệ ERG thuộc Tập đoàn ERG Group INC có địa chỉ tại quần đảo Virgin thuộc Anh; mục đích kinh doanh là thu hút và quản lý quỹ đầu tư, lợi nhuận bằng cách sử dụng sự biến động của tiền điện tử và tăng số lượng người dùng; được quảng cáo sẽ mang về lãi suất, lợi nhuận rất lớn là 180%/năm. Tuy nhiên, qua hoạt động kiểm tra, Bộ Công an xác định Công ty ERG không được cơ quan nào của Anh cấp phép; các trang web hoạt động kinh doanh của ERG Group INC cũng không đăng ký hoạt động tại Việt Nam; ứng dụng ERG do một công ty nước ngoài cung cấp... Hình thức hoạt động kinh doanh của Công ty Tài chính công nghệ ERG là: Nhà đầu tư khi muốn tham gia vào gói huy động tài chính của ERG thì phải cài đặt ứng dụng do ERG cung cấp và thực hiện theo hướng dẫn đầu tư. Nhà đầu tư sẽ tham gia vào một trong 13 gói đầu tư khác nhau, từ 100 USD/ gói đến 1 triệu USD/ gói; lợi nhuận không phụ thuộc vào gói đầu tư mà phụ thuộc vào thời gian đầu tư (hình thức giống lãi suất gửi ngân hàng, gồm 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng), với lãi suất lần lượt từ 6%/ tháng đến 15%/ tháng, tương đương 180%/năm. Theo Cơ quan Công an, hình thức hoạt động của Công ty Tài chính công nghệ ERG thực chất là mô hình Ponzi (vay của người sau trả cho người trước) và mô hình này sẽ sụp đổ khi số tiền của nhà đầu tư mới không đủ trả lãi cho các nhà đầu tư trước. |