Cuộc chiến ma túy cận kề “Tam giác vàng”

Thứ Năm, 12/11/2009, 05:15
Ngày 6/11/2009, tại TP HCM đã bế mạc Hội nghị ba bên cấp Bộ trưởng lần thứ 9 về hợp tác phòng chống ma túy giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã đến dự và phát biểu khai mạc hội nghị.

Phó thủ tướng cho rằng: "Ma túy ngày nay tiếp tục là vấn đề mang tính toàn cầu và là mối lo ngại đặc biệt chung của các quốc gia trên thế giới... Bọn tội phạm ma túy đã lợi dụng điều kiện địa lý, tập quán sinh hoạt, quan hệ thân tộc, hoạt động giao lưu kinh tế, đi lại thăm hỏi của nhân dân giữa ba nước để vận chuyển, buôn bán các chất ma túy, tiền chất và tân dược gây nghiện qua biên giới. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, bài trừ tệ nạn ma túy là cuộc đấu tranh chung...".

Việt Nam có ba tuyến biên giới đất liền thì tuyến Việt Nam - Lào là điểm "nóng" nhất về ma túy ở khu vực Tây Bắc. Đây cũng là đường vận chuyển ma túy ngắn nhất từ khu vực "Tam giác vàng" qua Lào vào Việt Nam. Theo Cục Điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an, tình hình thẩm lậu ma túy qua biên giới hai nước diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt; chúng sử dụng người dân tộc thiểu số sống ở vùng biên giới, lợi dụng quan hệ thân tộc hai bên biên giới để qua lại buôn bán ma túy vào Việt Nam; các đối tượng người Việt trực tiếp vượt biên sang Lào, móc nối với các đối tượng là người Lào hoặc các đối tượng người Việt trốn truy nã sang Lào để mua ma túy rồi vận chuyển về Việt Nam qua các cửa khẩu, đường mòn, tập trung ở khu vực từ Quảng Trị đến Điện Biên.

Tội phạm ma túy (TPMT) cũng thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, các đối tượng trong nội địa móc nối với các đối tượng ở khu vực giáp biên giới hình thành các đường dây khép kín để mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ, hoặc bọn TPMT núp dưới chiêu bài kinh doanh. Các đối tượng cầm đầu không trực tiếp hoạt động vận chuyển ma túy, chúng dùng tiền, sử dụng tay chân hoặc thuê, gửi người du lịch từ Lào vào Việt Nam, như vụ Chăn Tha Khạc, Thong Lồ bị Công an Lào bắt ngày 3/1/2008, lôi kéo người vận chuyển ma túy.

Không ít TPMT lợi dụng xe du lịch mang biển kiểm soát của Lào để vận chuyển ma túy vào sâu trong nội địa Việt Nam, chúng còn tạo các ngăn, vách, hốc trên xe ôtô để giấu ma túy, hoặc để trong các bình xăng, bầu lọc gió. Bọn TPMT có tổ chức thường sử dụng đông người đi vận chuyển ma túy, trong đó có đối tượng mang hàng, đối tượng cảnh giới, có đối tượng dùng súng để bảo vệ. Khi phát hiện, chúng chống trả và chạy vào rừng, nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện, truy bắt đối tượng mang hàng...

Lào có một số tỉnh phía Bắc giáp với khu vực “Tam giác vàng”, một trong những trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất thế giới. Mới đây, đường dây mua bán ma túy tổng hợp lớn từ Myanmar qua Lào rồi vào Việt Nam do Quàng Văn Dương (35 tuổi, thường trú xã Thanh Yên, TP Điện Biên Phủ, Điện Biên) cầm đầu đã bị triệt phá. Dương đã sang huyện Nậm Thà, tỉnh Luông Nậm Thà (Lào) sinh sống từ nhiều năm nay và y chính là kẻ cầm đầu trong một đường dây mua bán vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam. Trong chuyên án này, Cơ quan điều tra đã bắt giữ được 6 đối tượng, thu hơn 48 ngàn viên ma túy tổng hợp cùng một máy sản xuất ma túy tổng hợp.

Tại Hội nghị giao ban tháng 9/2009 tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), C17 - Bộ Công an đã cung cấp 86 đối tượng người Lào nghi mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam cùng các tụ điểm ma túy phức tạp dọc biên giới Việt - Lào. Thời gian qua, Việt Nam và Lào cũng đã từng bước mở rộng công tác đào tạo, nhất là cho Cảnh sát chống TPMT của Lào để nâng cao, trình độ nghiệp vụ, phát hiện điều tra TPMT. Tháng 10/2009, C17 đã tổ chức khóa tập huấn về nghiệp vụ phòng chống ma túy cho 20 cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng phòng chống TPMT của Lào.

Theo nhận định của C17, địa hình Lào và Việt Nam gần vùng “Tam giác vàng”, có đường biên giới dài, địa hình phức tạp, nhân dân qua lại biên giới nhiều, vì vậy tình hình hoạt động của TPMT liên quan giữa Việt Nam - Lào sẽ còn diễn biến phức tạp. Hai bên cũng đề nghị sớm thiết lập Tổ sĩ quan liên lạc đấu tranh chống TPMT của Lào ở Việt Nam, của Việt Nam ở Lào để thường trực trao đổi thông tin, cập nhật tình hình, tổ chức, kết nối các hoạt động, phối hợp đấu tranh TPMT...

Trên biên giới Việt Nam - Campuchia, phía Việt Nam đã phát hiện 18 điểm tập kết ma túy rồi được vận chuyển vào Việt Nam theo 16 tuyến trọng điểm; Ba Vét (Campuchia) - Mộc Bài - Gò Dầu (Tây Ninh); Phnôm Pênh, Chạy Thum, Tà Lập (Campuchia) - cửa khẩu Long Bình, Tịnh Biên (An Giang); Công Phông Rồ (Campuchia) - cửa khẩu Bình Hiệp, Mộc Hóa (Long An). Ma túy đưa từ Campuchia vào Việt Nam chủ yếu là hêrôin, cần sa, ma túy tổng hợp (loại Ecstasy), thuốc tân dược gây nghiện (Diazepam); tập trung tại các khu vực biên giới từ Tây Ninh đến Kiên Giang. Nếu qua cửa khẩu, TPMT cất giấu ma túy lẫn trong hàng hóa, đường bộ thì qua các tiểu ngạch, nơi có sông rạch như vùng An Giang, Long An, TPMT lại sử dụng thuyền ghe.

Theo báo cáo của C17, năm 2008 và 9 tháng đầu năm 2009, Công an 10 tỉnh phía Nam, giáp ranh Campuchia đã điều tra, bắt giữ 569 vụ, trên 1.000 đối tượng TPMT, thu giữ gần 5kg heroin, 395,73kg cần sa, gần 300 viên thuốc tân dược gây nghiện.

Các đại biểu Việt Nam tại hội nghị.

Tại Hội nghị, ngài Ang Vong Vathana, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia PCMT của Campuchia, cho biết: Hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua lãnh thổ Campuchia vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Các tổ chức TPMT tiếp tục đưa heroin và ma túy tổng hợp - ATS (chủ yếu là Methamphetamin) vào Campuchia chủ yếu từ khu vực “Tam giác vàng”. Tất cả số heroin, ATS đó được đưa qua vùng Tây Bắc Campuchia, sau đó được phân lẻ đến các vùng khác hoặc chuyển qua tiêu thụ tại đất nước thứ 3.

Cuối tháng 8/2009, Lực lượng Công an Việt Nam, Cảnh sát Hoàng gia Campuchia vừa hoàn tất chuyên án triệt phá một đường dây vận chuyển ma túy quy mô lớn, liên quan đến nhiều người nước ngoài. Tổng số lượng ma túy thu được trong chuyên án này lên đến hàng chục kilôgam. Vụ án còn liên quan đến một cựu cảnh sát Philippines.

Đầu tháng 8/2009, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy ở Campuchia đã bắt giữ một đối tượng nữ người Philippines tên là Serillo Jujilin Bernadas, tịch thu 2.160,5gr heroin giấu trong phụ tùng môtô để trong valy, trên đường chuyển từ Ấn Độ qua Malaysia vào Campuchia. Qua khai thác, Cảnh sát Campuchia bắt tiếp một phụ nữ Philippines tên Ramos Raquel Malayao đến Campuchia để chuyển ma túy cho John Diemsen Lopez (cũng người Philippines), còn có tên gọi Papa John, hiện đang trú tại Việt Nam, theo điểm hẹn là tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài.

Từ những tài liệu đã thu được, Đại tướng Nioek Đara, Giám đốc Sở Chống ma túy đã gửi thông tin cho Cục Phòng chống ma túy của Việt Nam để tiếp tục đấu tranh, xử lý số đối tượng tại Việt Nam. Sở Chống ma túy Campuchia cũng đề nghị bàn giao vụ án buôn bán ma túy trái phép từ Campuchia sang Việt Nam. Cảnh sát Campuchia đã chuyển giao Ramos Raquel Malayao cùng một số tang vật, tạo điều kiện cho lực lượng chống ma túy Việt Nam trong việc triệt phá băng nhóm ma túy này tại Việt Nam.

Theo lời Đại tá Lê Thanh Liêm - Cục phó C17, đây là lần đầu tiên có sự phối hợp cao cấp giữa Công an hai nước, cũng là lần đầu tiên hai bên sử dụng thuật ngữ "giao hàng có kiểm soát" trong vụ án này. Ngay khi nhận được thông tin từ phía Campuchia, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an, ngay lập tức có mặt tại Mộc Bài, lên phương án hành động, Papa John và các đối tượng liên quan đã bị bắt giữ ngay sau đó...

Sau Hội nghị, ba bên Việt Nam -  Campuchia - Lào đã ra tuyên bố chung, trong đó, khẳng định cam kết vững chắc của ba nước trong việc thực hiện các hoạt động giảm cầu, giảm cung ma túy. Thống nhất rằng, các chất kích thích ma túy tổng hợp và các chất hướng thần tiếp tục gây ra các thách thức lớn và ngày càng gia tăng, đe dọa đến an ninh, sức khỏe, đặc biệt là giới trẻ của ba nước. Hội nghị cũng quyết định, tiếp tục cố gắng trong công cuộc xây dựng các khu vực dân cư biên giới không ma túy...

Thuận Nguyên
.
.