Cuộc chiến quyết liệt bảo vệ động vật hoang dã ở Thái Lan

Thứ Sáu, 19/10/2018, 14:39
Vào đầu tháng 3-2013, Chaiwat Limlikhit - lãnh đạo công viên quốc gia Kaeng Krachan, thuộc tỉnh Phetchaburi, lớn nhất của Thái Lan - hết sức giận dữ khi biết tin thêm một con voi bị sát hại ngay trong khu vực nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của ông.

Người ta phát hiện gần khu bảo tồn Krarang 3 một con voi cái mới khoảng 15 tuổi bị bắn vào đầu và chặt bằng rìu hết sức dã man và sữa vẫn còn chảy xuống từ vú của nó. Các nhà điều tra cho rằng con voi đang cho con bú lúc bị giết. Số phận voi con vẫn còn trong bí ẩn. Một số người nghi voi con (thuộc loài voi trắng quý hiếm) bị bán cho mạng lưới buôn lậu động vật hoang dã. Nếu đúng như thế, voi con là mục tiêu thèm khát của bọn săn trộm.

Theo báo cáo của nhân viên bảo vệ đời sống hoang dã, ở Thái Lan đang gia tăng nhiều trường hợp voi hay những con thú khác bị tàn sát không chỉ vì bộ da hay ngà mà còn để lấy tai, đuôi và cơ quan sinh dục - những bộ phận mang về lợi nhuận cao cho bọn săn trộm.

Ông Chaiwat Limlikhit trình bày về những vụ sát hại voi trong công viên.

Giải pháp ngăn chặn triệt để nạn săn trộm voi

Lãnh đạo công viên quốc gia lớn nhất Thái Lan cho biết ông cần sự giúp đỡ để chiến đấu chống lại bọn săn trộm, thủ phạm giết chết nhiều voi của công viên trong những năm gần đây. Một cuộc truy lùng hết sức căng thẳng được triển khai nhanh chóng và cuối cùng 2 nghi phạm đã bị bắt giữ. Ngày 9-4-2013, một vụ kinh khủng tương tự xảy ra khi một con voi cái trong công viên bị bắn vào đầu, chân và bụng.

Khi khám nghiệm xác voi, ban quản lý công viên phát hiện con voi bị cắt mất phần ngực và âm đạo trong khi voi con đã phát triển đầy đủ nằm chết trong tử cung của nó. Các phần cơ quan sinh sản của voi được tín đồ Phật giáo tin là có giá trị siêu nhiên và dùng làm bùa hộ mạng.

Theo ông Chaiwat Limlikhit, bọn săn lậu hiện nay có tổ chức chặt chẽ hơn so với cách đây 5 năm. Theo các báo cáo của văn phòng công viên quốc gia Kaeng Krachan và tổ chức phi lợi nhuận Hội Bảo tồn đời sống hoang dã (WCS), có ít nhất 7 vụ giết hại voi từ năm 2009.

Vào năm 2009, một con voi bị chích điện chết ở khu nam công viên trong hoàn cảnh đáng ngờ và sau đó một voi đực khác bị bắn chết. Vào cuối năm 2010, một voi đực bị bắn chết và đầu năm 2012 thêm 2 voi đực chết vì những vết thương do đạn bắn. Trong một trường hợp khác, con voi nạn nhân bị cắt mất ngà và cơ quan sinh dục.

Sau những vụ này, giới chức công viên tin chắc bọn săn trộm đang có mặt trong khu vực và quyết truy tìm thủ phạm. Đã có nhiều cuộc đọ súng giữa đội bảo vệ và nhóm tội phạm. Sau khi kêu gọi dân địa phương hợp tác cung cấp thông tin chống tội phạm, ban quản lý Kaeng Krachan kết luận khu biên giới phía tây kéo dài của công viên với Myanmar là mắt xích chính của vấn đề.

Theo ông Chaiwat Limlikhit, mỗi năm, thành viên của các nhóm sắc tộc vốn là những cựu tù nhân ở Myanmar vượt biên vào sống bất hợp pháp trong công viên Kaeng Krachan lại dường như tăng lên. Số người xâm nhập trái phép đất Thái Lan này kết hợp thành băng nhóm săn lậu và được trang bị vũ khí đủ mạnh để hạ gục voi. Thậm chí, một số dân địa phương còn làm trung gian giữa bọn săn trộm và những người mua động vật hoang dã trái phép cũng như những người bán vũ khí.

Vòi voi (ảnh trên) và dương vật voi sấy khô (ảnh dưới) được dùng làm bùa may mắn.

Theo số liệu do Chaiwat cung cấp, khoảng 250 con voi của công viên Kaeng Krachan được phân thành 2 quần thể chính - thứ nhất ở vùng sông Phetchaburi và thứ hai ở khu vực phía nam trong rừng La-ou. Bọn săn trộm hoạt động ở cả hai khu vực và chúng cũng có mối quan hệ với tỉnh Ratchaburi. Trong khi đó, việc bắt giữ và truy tố bọn tội phạm gặp nhiều khó khăn vì thiếu bằng chứng cụ thể như hình ảnh, tài liệu hay nhân chứng.

Tuy nhiên, 5 tên săn trộm - tất cả đều là người địa phương - liên quan đến vụ sát hại và xả thịt một voi đực trưởng thành trong năm 2012 cuối cùng đã bị buộc tội trước tòa án. Trong đó, 2 tên bị buộc tội giết động vật hoang dã, 3 tên còn lại bị buộc tội sở hữu những phần thân thể của con thú thuộc loại cấm săn bắt.

Trong vụ án thứ hai liên quan đến vụ sát hại một voi đực còn nhỏ, đơn kiện được đưa ra để chống lại cựu phó quản lý công viên Kaeng Krachan đã tắc trách trong xử lý xác voi dẫn đến việc cặp ngà con thú đã bị lấy mất. Nhưng, vị cựu phó quản lý này nhấn mạnh ông đã cho đốt cặp ngà cùng xác voi chết. Cuối cùng, người này đã bị thi hành kỷ luật.

Một số nhà bảo tồn động vật hoang dã tin rằng giải pháp triệt hạ tận gốc nạn săn trộm voi nằm ở trách nhiệm quản lý công viên tốt hơn là sự hợp tác của  những người sống trong khu vực bảo tồn. WCS cũng hợp tác với công viên quốc gia Kaeng Krachan trong suốt 10 năm qua, giúp đỡ ban quản lý phát triển “những cuộc tuần tra thông minh” để thu thập dữ liệu về khu vực hiệu quả hơn.

Manoon Plio-sungnoen, nhà khoa học của WCS, nhận định diện tích quá rộng của Kaeng Krachan - gần 3.000km vuông - gây khó khăn cho công tác tuần tra của đội bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho bọn săn trộm. Và, đường biên giới dài với Myanmar cũng là một yếu tố phức tạp.

Ngoài ra, sự thiếu nhân lực cũng góp phần làm giảm hiệu quả công tác chống săn trộm của giới chức Kaeng Krachan. Hiện nay, có khoảng 100 bảo vệ chịu sự giám sát của 4 quan chức, bao gồm cả lãnh đạo công viên. Cũng theo Manoon, sự việc voi ra khỏi rừng La-ou gây tổn hại cho cây trồng của người dân cũng là vấn đề cần được giải quyết rốt ráo bởi nó tạo điều kiện cho nạn săn giết voi lan rộng khó kiểm soát.

Surapon Duangkhae - nguyên Tổng Thư ký Quỹ Động vật hoang dã Thái Lan (WFT) và hiện là Phó Chủ tịch Hội Những người bạn voi của Thái Lan (EFT) - nhận định: “Tôi nghĩ rằng nạn săn trộm (ở Kaeng Krachan) không có gì là mới nhưng nó đang trở nên căng thẳng hơn. Theo tôi, việc tìm ra giải pháp hiệu quả tùy thuộc rất nhiều vào trình độ quản lý và mối quan hệ của giới chức công viên với những người sống trong khu vực bảo tồn”.

Cặp xương sọ hươu thu giữ được tại Công viên Kaeng Krachan.

Chống buôn lậu các bộ phận động vật

Chaiwat Limkhiqt-aksorm, lãnh đạo công viên quốc gia Kaeng, lắng nghe tên tội phạm tên Jan tự thú: “Chúng tôi bán dương vật voi với giá 4.000 baht/kg. Mà dương vật voi cân nặng cũng đến 7 hay 8kg. Chúng tôi cũng kiếm được 100.000 baht tiền bán ngà voi và thêm 4.000 baht tiền bán vòi, đuôi voi”. Jan bị tống vào nhà tù Phetchaburi năm 2012 vì tội sát hại một con voi trưởng thành trong công viên Kaeng.

Theo ông Chaiwat, chỉ riêng ở khu vực Kaeng đã có vài nhóm săn lậu hoạt động nhưng phần đông trong số chúng thậm chí không biết người mua là những ai và mục đích sử dụng các bộ phận voi là gì bởi tất cả giao dịch đều qua những phần tử trung gian. Nhưng, giới chức Thái Lan tin rằng ngoài nhu cầu mua ngà voi và da động vật làm kỷ niệm còn có thị trường tiêu thụ các bộ phận động vật hoang dã để ăn thịt, làm bùa hay biệt dược trong y học cổ truyền.

Thongbai Charoendong, từng là thợ săn lậu và nay là chuyên gia cho Hội Bảo tồn đời sống hoang dã (WCS), cho biết, người ta ăn các bộ phận thú rừng hay treo chúng lên tường để cầu may mắn. Thậm chí, trên các trang web bất hợp pháp còn bán lẻ những “bùa may mắn” như vòi, dương vật, âm đạo hay đầu vú voi - bởi vì người ta tin rằng ăn những bộ phận đó sẽ giúp tăng cường sinh lực, sự ham muốn tình dục hay thậm chí sống lâu!

Theo Thongbai, cách đây 10 năm không hề có thị trường quái đản này nhưng bây giờ tất cả đã thay đổi. Anak Pattanavibool, nguyên Giám đốc WCS và hiện là giảng viên Khoa Lâm nghiệp Đại học Kasetsart của Thái Lan, từng có báo cáo rằng những con thú thường bị sát hại để phục vụ thị trường chợ đen các bộ phận động vật bao gồm hổ, voi, bò rừng Ấn Độ, bò rừng Đông Nam Á, hươu, sơn dương và tê tê.

Người ta tin rằng mỡ của loài sơn dương có tác dụng giảm đau; còn chiếc nhẫn làm bằng lông đuôi voi giúp tăng cường sinh lực. Do có niềm tin dương vật hổ kích thích tình dục cho nên loài này bị săn giết ở Thái Lan đến mức gần như tuyệt chủng. Các bộ phận của hổ hiện nay hiếm được sử dụng làm thuốc ở Thái Lan, song, lại rất chuộng ở thị trường Trung Quốc và các quốc gia khác.

Một con voi bạch tạng trong Công viên quốc gia Kaeng Krachan thuộc tỉnh Phetchaburi của Thái Lan.

Trong khi đó, Thái Lan có nhu cầu rất mạnh đối với răng, vuốt và da hổ để làm bùa cầu may mắn. Loại bùa may mắn làm từ da hổ cũng như các bộ phận động vật khác thường được bán công khai ở vài ngôi chùa Phật giáo nằm gần những khu vực bảo vệ động vật.

Cách đây vài năm, cảnh sát đột kích một ngôi chùa gần công viên quốc gia Khao Yai của Thái Lan, bắt giữ được vài tấm da hổ và mèo rừng cùng nhiều tấm da bò giả hổ dùng để bán cho những khách hàng kém hiểu biết. Theo Chalermkiat Srivorakhan, Giám đốc Trung tâm Trấn áp tội phạm tài nguyên thiên nhiên, có 3 nhóm tội phạm đời sống hoang dã.

Đứng đầu danh sách là chủ nhân các công viên đời sống hoang dã và sở thú tư nhân - những người rất giàu, có nhiều mối quan hệ mạnh và biết lợi dụng những kẻ hở của luật pháp. Nhóm thứ hai bao gồm bọn trung gian có hiểu biết về động vật hoang dã cũng như thị trường tiêu thụ. Cuối cùng, là giới quan chức chính quyền tha hóa, tham nhũng.

Theo Anak Pattanavibool, Thái Lan chỉ có một số ít khu rừng có thể duy trì sự sống cho hổ cũng như các loài thú lớn khác, bao gồm các khu rừng lớn Mae Ping ở miền bắc và Phu Khieo cũng như Dong Phayayen Khao Yai ở miền đông bắc. Các khu rừng nhỏ hơn là Kaeng Krachan và Huay Kha Kheng-Thung Yai. Tuy nhiên, do nạn săn trộm kéo dài nên thú rừng biến mất dần trong những môi trường sống hoang dã này.

Anak cho biết, giới chức công viên quốc gia Khao Yai đã cho lắp đặt camera nhằm giám sát số lượng hổ, song, không bắt hình ảnh được một con nào cho nên có sự nghi ngờ rằng loài hổ đã bị tận diệt trong khu vực này. Tình huống càng đáng lo ngại hơn ở công viên Kaeng Krachan vì camera chỉ thu được hình ảnh một con hổ duy nhất. Những thiết bị giám sát công nghệ cao được sử dụng tại một số công viên cũng có hiệu quả cao, song, chúng không được phổ biến ở Thái Lan.

Theo nghiên cứu mới đây, trong các công viên quốc gia chỉ có khoảng 20 đến 25% nhân viên giữ trách nhiệm bảo vệ thú rừng, số còn lại làm công việc hướng dẫn du khách. Thái Lan cũng thiếu trầm trọng hệ thống quản lý công viên thích hợp giúp bảo vệ đời sống hoang dã. Các bộ phận động vật hoang dã được coi là thành phần chính để làm thuốc trong y học cổ truyền Thái Lan suốt nhiều thế kỷ, song, nhằm bảo vệ động vật và chấm dứt tình trạng săn trộm, chính quyền nước này đang có nhiều nỗ lực làm thay đổi điều đó.

Tiến sĩ Pramote Stienrut, Giám đốc Viện Y học cổ truyền Thái Lan, cho biết trong quá khứ, người Thái làm thuốc trị bệnh từ cây cỏ và thú rừng dù có ít bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của loại thuốc dân gian hỗn hợp này. Hiện nay, Viện của Pramote đang nghiên cứu các loại cây cỏ có hiệu quả thay thế các bộ phận động vật hoang dã dùng trong y học cổ truyền.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.