Cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giam

Thứ Sáu, 25/01/2013, 10:25

Thượng tướng về hưu Ismail Hakki Karadayi 81 tuổi, cựu Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ vừa bị bắt giữ tại nhà riêng ở Istanbul vào ngày 3/1 vừa qua, do liên quan đến "Phong trào 28/2".

Thực chất "Phong trào 28/2" là mật danh của một tổ chức ngầm bao gồm nhiều sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ cao cấp, đã tham gia vào "Kế hoạch hành động chiến lược" được soạn thảo ngày 28/2/1997, dẫn tới cuộc can thiệp quân sự không đổ máu diễn ra 4 tháng sau đó nhằm lật đổ chính khách kỳ cựu Necmettin Erbakan (1926-2011), vị Thủ tướng Hồi giáo đầu tiên trong lịch sử hơn 7 thập niên tồn tại thể chế cộng hòa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi thất sủng, cựu Thủ tướng N. Erbakan trở thành cố vấn chính trị cho thủ lĩnh đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Recep Tayyip Erdogan. Từ Thị trưởng của thành phố Istanbul, đô thị lớn nhất đất nước chỉ sau 4 năm R. Erdogan đã đắc cử chức Thủ tướng chính nhờ vào công lớn của N. Erbakan.

Cùng với tổ chức ngầm Ergenekon - dạng "nhà nước trong nhà nước" quy tụ các chính khách cả dân sự lẫn quân sự chóp bu, "Phong trào 28/2" là 2 thành phần đứng trong bóng tối giật dây khiến nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ luôn xáo trộn trong các thập niên gần đây. Còn Thượng tướng Mehmet Ilker Basbug, nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn từ năm 2008-2010, đã bị tống giam đúng một năm trước vì là người đại diện tối cao của cánh quân sự trong tổ chức Ergenekon.

Bị bắt giữ cùng thời điểm với I. Karadayi là tướng về hưu Cevik Bir, cựu Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nhân vật được coi là linh hồn của "Phong trào 28/2"  cùng 20 sĩ quan cao cấp đương chức hay đã nghỉ hưu khác. Tất cả đều được dẫn giải trong vòng 24 giờ sau đó đến thủ đô Ankara, trong vai trò các bị cáo của một phiên xử sắp được mở tại Tòa án Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ.

Riêng trường hợp của tướng I. Karadayi sau khi đã trả lời lần lượt 83 câu hỏi của thẩm phán thụ lý vụ án trong 4 tiếng đồng hồ, vì lý do tuổi cao sức yếu nên tạm thời được cho tại ngoại hầu tra nhưng bị cấm xuất cảnh ra nước ngoài; đồng thời phải tới trình diện đều đặn mỗi tuần một lần tại đồn cảnh sát nơi đương sự cư trú trước khi phiên tòa chính thức khai mạc

Xuân Hiếu (theo Hurriyet)
.
.