Đạo chích lần lượt cuỗm đi 13 triệu USD tại 1.400 cây ATM ở 16 tỉnh

Thứ Sáu, 15/07/2016, 14:40
Các máy rút tiền tự động (ATM) bị tội phạm nhắm đến nằm trong hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven và thuộc sở hữu của Ngân hàng Seven Bank (Nhật Bản). Còn theo thông tin từ tờ Yomiuri Shimbun dẫn lời đại diện cảnh sát cho biết, bọn tội phạm đã dùng 1.600 thẻ tín dụng giả với thông tin đánh cắp từ hệ thống Ngân hàng Standard Bank ở Nam Phi để rút tiền.

Giới chức điều tra cho rằng, băng trộm này phải có ít nhất gần 200 thành viên hành động cùng lúc. Thực tế, việc tội phạm rút trộm tiền ở máy ATM xảy ra ở nhiều quốc gia, thế nhưng sự việc diễn ra tại Nhật một lần nữa khiến người tiêu dùng bàng hoàng. Vì Nhật Bản, trước nay luôn là đất nước có chế độ bảo mật thông tin tài chính khá cao và chưa hề xảy ra vụ việc nào tương tự.

14.000 giao dịch thực hiện trong 3 giờ

Theo Hãng thông tấn Kyodo News, ngành ngân hàng Nhật Bản hiện đang mệt mỏi để giải quyết hậu quả vụ trộm quy mô cực lớn và vô cùng tinh vi xảy ra vào sáng 20/6. Theo đó, đây không phải là một vụ tin tặc tấn công hệ thống dữ liệu để chuyển khoản mà là rút tiền mặt với số tiền thất thoát lên tới 1,4 tỷ yên (khoảng 13 triệu USD).

Tới nay, giới điều tra nước Nhật vẫn đang tìm đáp án cho câu hỏi làm cách nào các thủ phạm có thể phối hợp hành động chính xác đến hoàn hảo, chỉ trong một thời gian ngắn có thể rút sạch tiền tại 1.400 cây ATM ở Thủ đô Tokyo và 16 tỉnh khác, rồi tẩu thoát với số tiền mặt lớn đến như vậy.

Việc mà cảnh sát Nhật làm được lúc này chỉ là rà soát tất cả máy quay an ninh tại các điểm ATM nói trên để nhận dạng nghi phạm, đồng thời phối hợp với cảnh sát Nam Phi và Tổ chức Cảnh sát quốc tế Interpol phát lệnh truy nã toàn cầu.

Theo Kyodo News, kết quả điều tra sơ bộ mà cảnh sát đưa ra cho thấy, đã có khoảng 14.000 giao dịch được thực hiện từ khoảng sau 5 giờ đến trước 8 giờ sáng 15/5. Tổng số tiền cho mỗi lần rút là 100.000 yên. Đây là mức tối đa được thiết lập cho các máy ATM tại Nhật Bản. Thế nhưng, theo những phân tích của Reuters thì giới chuyên môn các nước cảm thấy không quá bất ngờ khi tội phạm nhắm vào Nhật Bản. Bởi, hiện tại, Nhật Bản và các quốc gia đang phát triển ở châu Á vẫn cho lưu hành thẻ từ, vốn dễ làm giả hơn nhiều so với thẻ gắn chip.

“Quốc gia nào có hệ thống ATM không được bảo vệ tốt, đều trở thành mục tiêu nhắm tới của tội phạm”, Reuters dẫn lời một chuyên gia về thẻ và khuyên rằng, những ngân hàng có thực hiện dịch vụ chuyển tiền qua ATM cho người nước ngoài nên cẩn trọng. Cũng bởi, các tội phạm dễ dàng làm thẻ ATM để rút tiền.

Cây ATM của Ngân hàng Seven Bank đã bị trộm “hỏi thăm”.

Nên sử dụng thẻ chip

Một số hình thức mà tội phạm vẫn sử dụng phổ biến là skimming (sử dụng các thiết bị điện tử cài đặt tại các máy ATM, POS ăn cắp thông tin và mã số PIN), thẻ tín dụng giả, phá cột ATM... Vì vậy, các ngân hàng cũng đã phối hợp khá chặt chẽ với phía cơ quan công an và phát hiện, bắt giữ nhiều vụ.

Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thẻ ATM khác của Nhật Bản cũng đánh giá, tội phạm lĩnh vực thẻ ngày càng phức tạp và có những hành động hết sức liều lĩnh. Đối với thẻ quốc tế, thông thường tội phạm làm trang web giả giao diện tương tự trang web ngân hàng lừa người dùng đăng nhập thông tin, số thẻ, mật mã, sau đó chúng lấy thông tin nhập vào trang web thật của ngân hàng để giao dịch chuyển tiền.

Đối với thẻ nội địa, tội phạm thường làm những máy cà thẻ (POS) giả đặt ở các cửa hàng nhỏ, người dân đi mua hàng lấy thẻ cà thanh toán vô tình đã chuyển thông tin, mật mã để chúng dùng làm thẻ giả đi rút tiền ở ATM trên chính tài khoản người bị mất thông tin. Còn một cách dễ dàng lấy tiền nữa là, hacker cài mã độc vào máy tính để ghi nhận dữ liệu của khách hàng.

Từ thực tế này, giới chuyên môn khuyên các ngân hàng nên sớm chuyển công nghệ thẻ từ sang thẻ chip theo công nghệ EMV có tính bảo mật an toàn cao, khó bị lấy cắp thông tin tài khoản để bảo vệ khách hàng…

Scotland: Cướp ngân hàng tẩu thoát bằng taxi chờ sẵn

Cảnh sát Scotland đang ráo riết tìm một tài xế taxi do có liên quan tới việc chở một tên cướp tẩu thoát, sau khi tên này đã thực hiện thành công một vụ cướp ngân hàng. Trong nhiều vụ án hình sự, những tên cướp ngân hàng luôn có xe riêng chờ bên ngoài để dễ dàng trốn thoát. Nhưng một tên cướp ngân hàng ở thành phố Edinburgh đã chọn một phương pháp khá độc đáo để trốn thoát khỏi hiện trường là thuê một chiếc xe taxi đứng chờ ở bên ngoài. Vụ việc xảy ra mới đây, tại chi nhánh của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) trên đường St John, phía tây thành phố Edinburgh.

Theo báo chí, tên cướp đã xông vào ngân hàng, đe dọa nhân viên và cướp đi hàng ngàn bảng Anh. Sau đó, tên này tẩu thoát khỏi hiện trường bằng chiếc taxi màu đen đã đưa hắn đến. Các nhân chứng mô tả rằng, tên cướp da trắng, ở độ tuổi khoảng 20-30 tuổi, đội mũ len trùm đầu, mặc áo khoác ngắn, tối màu và quần nâu. Nhiều quan chức cảnh sát cho rằng, người tài xế taxi đã vô tình tham gia vào vụ cướp và không có dấu hiệu cho thấy họ là đồng phạm.

Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm không đồng tình với ý kiến trên. Thanh tra Rory Hamilton thuộc Sở cảnh sát Scotland cho biết: “Thật không được bình thường khi một chiếc xe taxi được yêu cầu chờ đợi bên ngoài một ngân hàng trong khi bên trong xảy ra vụ cướp. Hiện tại, điều chúng ta cần là tìm được người tài xế đã chở tên cướp”.

“Chúng tôi đang trong quá trình làm việc với các công ty taxi của thành phố như một phần của cuộc điều tra”, ông Hamilton cho biết thêm.

T.H - Văn (tổng hợp)

Văn Nguyễn –T.H. (tổng hợp)
.
.