Đảo chính ở CH Trung Phi: Tình hình an ninh cực kỳ hỗn loạn
Ngày 25/3/2013, chỉ vài giờ sau khi đảo chính xảy ra với việc Tổng thống Francois Bozize bỏ chạy ra nước ngoài, còn phe nổi dậy Seleka đánh chiếm thủ đô Bangui, Tổng thống Pháp Francois Hollande lên tiếng kêu gọi thủ lĩnh Seleka hãy kiềm chế, tránh đổ máu. Cộng hòa Trung Phi (Central Africa Republic) đang lâm vào tình thế cực kỳ hỗn loạn, nhiều người của Seleka tìm giết kẻ cựu thù.
Quân nổi dậy đòi Bozize phải từ chức vì ông đã phá vỡ một số thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên vào năm 2012. Tháng 12/2012, phe Seleka cũng đã làm một cuộc đảo chính nhưng nhờ Bozize thỏa mãn một số yêu sách của Seleka nên họ đồng ý rút lui để Bozize tiếp tục điều hành đất nước.
Nhưng theo tinh thần của thỏa thuận hòa bình được ký kết năm 2007, theo đó, các chiến binh Seleka đầu hàng sẽ được nhận tiền nhưng cho đến nay chẳng được một đồng xu nào nên lần này phe Seleka “quyết không nương tay”.
Cộng hòa Trung Phi là một nước tự trị thuộc cộng đồng Pháp. Đến năm 1960, Cộng hòa Trung Phi tuyên bố độc lập và David Dacko trở thành Tổng thống đầu tiên. Năm 1966, Jean Bedel Bokassa lên cầm quyền sau cuộc đảo chính, tuyên bố trở thành Tổng thống trọn đời vào năm 1972. Đến năm 1976, Bokassa tuyên bố làm hoàng đế, đổi tên nước thành Vương quốc Trung Phi.
Từ các cuộc đàn áp đẫm máu đối với những người chống đối và những cuộc tàn sát học sinh trung học dẫn đến việc Pháp giúp đỡ Tổng thống David Dacko lật đổ Bokassa, trở lại cầm quyền và lập nền cộng hòa năm 1979. Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 1981, tướng Kolingba tiến hành đảo chính và lãnh đạo đất nước. Mặc dù Hiến pháp mới được thông qua (1986) và trở lại chế độ đa đảng (1991 - 1992), Kolingba cũng không thể duy trì quyền lực.
Năm 1993, Ange Felix Patasse đắc cử tổng thống. Đến tháng 3/1998, "Hiệp ước Hòa giải dân tộc" được ký kết tại Bangui. Tổng thống Patassé sống sót sau cuộc mưu toan đảo chính vào tháng 5/2001.
Tháng 3/2003, tướng Bozize lật đổ Tổng thống Patassé và tự tuyên bố trở thành tổng thống. Ngày 13/3/2005, trong cuộc bầu cử tổng thống, Bozize đã đắc cử với số phiếu 64,6%, sau đó tái cử lần nữa vào kỳ bầu cử năm 2011.
Do từng là một quốc gia thuộc Pháp nên trước tình hình binh biến, Pháp phải gửi thêm binh sĩ đến Bangui để tăng viện cho 250 lính hiện đang ở Trung Phi với mục đích bảo vệ kiều dân Pháp. Nhân viên tại các bệnh viện ở thủ đô cho biết thành phố này đang hỗn loạn và công việc của họ bị đứt đoạn vì mất điện thường xuyên. Hội Chữ thập đỏ cho biết các bệnh viện đang vật lộn với dòng bệnh nhân bị thương do giao tranh.
Phe nổi dậy tiến chiếm thủ đô Bangui. |
Bà Amy Martin thuộc Cơ quan nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, nói rằng cướp phá đang lan rộng ở Cộng hòa Trung Phi. Quốc gia này, ngay cả bệnh viện nhi cũng bị cướp. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nam Phi, hiện đang ở Trung Phi để hỗ trợ cho quân chính phủ, đã chịu thiệt hại về nhân mạng nhưng cũng không đẩy lùi được đà tiến của phiến quân.
Có tin cho hay rằng một số nước đã di tản sứ quán của mình khỏi Bangui, trong đó có Mỹ và lực lượng gìn giữ hòa bình hiện đang lên kế hoạch rời quốc gia này.
Vào tháng 12/2012, sau nhiều tuần giao tranh khiến cho hàng chục ngàn người bị mất nhà cửa, phe nổi dậy đã đồng ý một thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Nhưng mới đây họ lại nổi dậy một lần nữa và đòi chính phủ phải thả các tù nhân chính trị. Quân Seleka tiến vào thủ đô như vũ bão và Bozize đã bỏ chạy vào ngày 24/3/2013.
Lần đảo chính trước của Seleka, Liên minh châu Phi (AU) đã đứng ra làm trung gian hòa giải, được hai bên đồng ý ký vào thỏa thuận tại thủ đô Libreville của Gabon. Có lẽ lần này cũng thế, trong bối cảnh phe nổi dậy Seleka chiếm thủ đô Bangui và gần như toàn bộ đất nước Cộng hòa Trung Phi, AU cũng sẽ tiến hành làm việc hòa giải để đem đến cho quốc gia nghèo đói này một nền hòa bình bền vững.
Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng này, Tổng thống Hollande kêu gọi tất cả các phe phái hãy bình tĩnh và đàm phán để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, trong đó có cả các thủ lĩnh của phe Seleka