Đi “chợ thần chết” trên mạng

Thứ Bảy, 19/09/2020, 10:24
Biết tôi đang tìm hiểu về thị trường “hàng nóng” rao bán trên mạng, Thắng “củi” - một tay anh chị đất Cảng đã giải nghệ bảo rằng, thông tin rao bán súng đạn thì đầy rẫy nhưng để “chạm” được tay vào báng súng thì không đơn giản. Qua “n” thử thách, hàng mới đến tay khách, bởi kẻ bán thừa khôn để hiểu mình đang “đùa giỡn” với pháp luật nên chúng vô cùng cảnh giác trong quá trình thực hiện giao dịch.


Đó cũng là bài toán khó đặt ra với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, triệt xóa những cái “chợ” mua bán “thần chết” trên không gian mạng.

Lời người trong cuộc

Từng nhiều lần vào tù, ra khám, nên mới hơn 40 tuổi, Thắng “củi” đã có tiếng lọc lõi trong giới “anh chị” đất Cảng. Dù bảo với tôi rằng mình đã “hưu” (ý là đã rửa tay gác kiếm, xa lánh cảnh sống giang hồ đâm chém) để chuyên tâm làm nghề “cò đất” nhưng khi nghe tôi nói về chuyện súng đạn, mắt Thắng vẫn “sáng rực”. Có lẽ do tôi đã chạm đúng vào miền “kiến thức” vốn thật “dày” của anh ta.

“Ai nói mua súng trên mạng dễ như mua rau, đó là nói khoác! Đấy, cứ thử mua xem có được không. Không khéo ăn quả lừa” - Thắng mở đầu câu chuyện của chúng tôi bằng giọng điệu của kẻ hiểu chuyện.

Thắng kể, đúng là hiện nay trên mạng xã hội Facebook, Zalo... nhan nhản thông tin rao bán súng đạn các loại, trong đó có những trang chuyên chào mời mua súng quân dụng các loại, được quảng cáo nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia. Tuy nhiên, các trang rao bán công khai đa phần là “ảo”. Người mua có thể bị lừa gạt để chiếm đoạt tiền đặt cọc.

Thắng cho biết, trước đây, do cần “hàng nóng” để “đi chợ” (gây án), anh ta đã lên mạng tìm mua khẩu Colt M1911a1 U.S.Army. Đầu tiên chủ shop (cửa hàng) gửi ảnh giới thiệu hàng cho Thắng xem. Đúng là một cây súng ngắn còn mới coóng, được chào bán với giá 18 triệu đồng. Chủ shop yêu cầu Thắng đặt trước một nửa tiền, chuyển vào ví điện tử trước khi gửi hàng đến địa chỉ anh ta yêu cầu.

Tin tưởng, Thắng đã chuyển tiền vào ví Momo theo hướng dẫn của shop nhưng chờ mãi không nhận được hàng, gọi điện vào số máy đã giao dịch thấy tắt ngúm, lên mạng để tìm lại trang Facebook đó thì trang cũng đã khóa.

Bắt giữ đối tượng mua bán vũ khí.

“Kẻ cắp, bà già” gặp nhau, sau thương vụ thất bại này Thắng rút ra một điều không thể tin tưởng các giao dịch “đen” trên mạng, khi mà kẻ bán, người mua đều không trực tiếp gặp nhau, chỉ thông qua môi trường mạng hoặc trao đổi điện thoại. Sau nhiều lần tìm hiểu, thông qua giới thiệu của một số “tay anh chị” trong giới, cuối cùng Thắng cũng đã sở hữu được món hàng đó để dùng vào việc cướp tài sản. Và, cũng chính nó đã “cộng thêm” cho Thắng 5 năm tù giam về tội mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Kể với tôi, Thắng nói: “Khi đã vào được nhóm kín mua bán súng trên mạng mới thấy cơ man nào là súng. Đủ các loại từ súng ngắn từ Rulo, K54, K59, Smith&Wesson Revolver 6, 1911 kimber custom convert II.45 ACP, Colt M1911a1 U.S.Army... đến tiểu liên, súng trường, như AK, Beretta M9, Uzi submachine gun... Chủ shop đưa ra những lời mời chào hấp dẫn về bảo hành, thanh toán, khuyến mại...”.

Thắng kể, khẩu súng ngắn loại đặc biệt, cao cấp hiệu “Colt M1911a1 U.S.Army” mà Thắng đã mua có giá 18 triệu đồng, với phụ kiện gồm 2 hộp tiếp đạn (7 viên/hộp), 1 nòng giảm thanh, 1 hộp nhựa đựng súng, 100 viên đạn, 1 bộ vệ sinh, 1 chai dầu chống gỉ... được quảng cáo là nhập từ Thái Lan về. Việc giao nhận hàng sau đó rất phức tạp vì chủ shop vô cùng cảnh giác.

Thắng cho biết, lần này anh ta vẫn phải đặt cọc trước 9 triệu đồng, gửi vào một tài khoản do chủ shop cung cấp. Lý do phải chuyển “cọc” trước là để tránh tình trạng giao dịch xong mà không nhận hàng, nhất là việc cướp hàng. Được sự “bảo đảm” của một “đàn anh xã hội” nên Thắng vẫn “xuống tiền” theo yêu cầu. Sau khi nhận được tiền, chủ shop gửi cho Thắng đoạn clip có ghi hình ảnh bắn thử khẩu súng này.

Rao bán vũ khí quân dụng trên mạng xã hội.

Tiếp theo, kẻ bán giao hẹn sẽ chuyển khẩu súng và phụ kiện đến địa chỉ Thắng cho làm nhiều lần. Khẩu súng sẽ được tháo rời, mỗi lần chỉ gửi vài chi tiết súng. “Người bán làm như vậy để tránh nguy cơ bị cướp hàng. Quan trọng hơn là nếu bị phát hiện thì đó chỉ là các chi tiết, linh kiện súng thôi, chứ không phải là khẩu súng hoàn chỉnh nên không thể ghép tội mua bán vũ khí được. Cái này để đảm bảo an toàn cho cả kẻ mua, người bán cùng shipper” - Thắng giải thích.

Ngày giao hàng, Thắng được hướng dẫn đến một quán cà phê bên đường, song chờ mãi không có ai gặp. Khi về thì nhận được tin nhắn là có việc đột xuất nên lỡ hẹn. Qua vài lần như vậy, khi Thắng bắt đầu nghi ngờ về mối hàng thì nhận được câu trả lời đó là bài test (kiểm tra). Khi đã chắc chắn khách mua là “người thật, việc thật” thì hàng được chuyển đến chỗ Thắng làm nhiều lần, mỗi lần theo một cách khác nhau, chỉ gồm một vài chi tiết hay linh kiện đi kèm của khẩu súng đó.

Giải pháp đồng bộ

Qua câu chuyện của Thắng “củi”, thấy rằng hoạt động mua bán hàng cấm, trong đó có vũ khí quân dụng qua Internet, mạng xã hội, dịch vụ bưu chính viễn thông đang tiếp tục có diễn biến phức tạp, với những thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu cơ quan chức năng. Nếu không được quan tâm, tập trung đấu tranh, xử lý kịp thời, hậu quả sẽ dẫn đến nguy cơ phát sinh tội phạm, ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn xã hội. Minh chứng là thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng mà hung thủ sử dụng vũ khí quân dụng mua trên mạng làm công cụ gây án.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tập trung đấu tranh, khám phá được nhiều vụ án mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng... nhưng hoạt động này không vì thế mà dừng lại. Hiện nay, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và chi tiết, linh kiện của vũ khí, công cụ hỗ trợ còn xuất hiện trên một số ứng dụng thương mại điện tử có lượng người dùng lớn... Đây rõ ràng là hoạt động với quy mô lớn, tính chất nguy hiểm, phức tạp, rất khó phát hiện, bắt giữ.

Mặt khác, các giao dịch, thanh toán trên mạng xã hội đều có thể xóa dấu vết đối với người không chuyên, kẻ bán luôn không che giấu địa điểm, dùng ký danh (nick) trong các giao dịch nên rất khó để có thể xác minh ngay. Hầu hết các giao dịch mua bán hàng cấm trên mạng xã hội đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể, nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý gặp nhiều khó khăn.

Để ngăn chặn tình trạng nguy hiểm này, theo Thượng tá Ngô Minh An - nguyên Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, cùng với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành và mọi công dân.

Cơ quan Công an thu giữ tang vật vụ án.

Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin truyền thông tăng cường kiểm soát đối với các trang thông tin điện tử; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Facebook, Google, Zalo... khóa tài khoản, gỡ bỏ các nội dung vi phạm, để ngăn chặn các trang mạng đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh phục vụ hoạt động mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép.

Lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao tăng cường kiểm tra, xác minh triệt để, truy tìm tận gốc số hàng hóa là vũ khí, công cụ hỗ trợ được giao dịch mua bán trái phép. Bên cạnh đó, cần tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quy trình tiếp nhận các loại hàng hóa trước và trong quá trình vận chuyển trong lĩnh vực bưu chính, để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Về giải pháp phòng ngừa tình trạng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ lợi dụng sàn thương mại điện tử, Thượng úy Trịnh Công Anh - Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho rằng hiện nay rất cần phải có cơ quan chuyên môn làm đầu mối điều phối cho việc cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin, phục vụ công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trên môi trường thương mại điện tử.

Sàn thương mại điện tử và người bán hàng trên sàn phải thống kê, lưu giữ tất cả các giao dịch trên hệ thống, để phục vụ việc truy xuất giao dịch, nguồn gốc hàng hóa, nhất là các loại hàng bị cấm. Hàng hóa đăng bán trên thương mại điện tử phải cung cấp đầy đủ thông tin về ghi nhãn hàng hóa; các hoạt động bán hàng trên mạng cần phải được đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp để thuận lợi cho công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc và chống thất thu thuế.

Đối với các vi phạm rõ ràng, các cơ quan thực thi cần phải có công cụ trực tuyến khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời và lưu giữ chứng cứ vi phạm (chẳng hạn như tạm thời đóng, ngưng trang web, app,...). Ngoài ra, phải tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các tổ chức có liên quan để phối hợp điều tra, xử lý đối với các tên miền, website, mạng xã hội, đối tượng ở nước ngoài và đối tượng sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp để hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đào Trung Hiếu
.
.