Điệp viên Mỹ Michael Strainght công khai việc làm nội ứng cho tình báo Liên Xô

Thứ Ba, 28/08/2007, 08:45
Năm 1983, cuốn sách có tựa đề "Sau một thời gian dài im lặng" của Michael Straight khi được phát hành tại Mỹ đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận là liệu có bao nhiêu điệp viên nội ứng người Mỹ làm việc cho tình báo Liên Xô.

Trong cuốn sách của mình, Michael Straight, một nhà văn, nhà quản lý nghệ thuật từng làm việc cho nhiều đời tổng thống Mỹ, thú nhận đã làm điệp viên nội ứng cho tình báo Liên Xô suốt một thời gian dài mà không hề bị phát hiện. Straight còn thú nhận mình chính là nhân vật thứ 5 trong nhóm điệp viên nội gián Cambridge ở Anh.

Michael Whitney Straight sinh ngày 1/9/1916 tại thành phố New York, Mỹ, thuộc một gia đình danh giá trong ngành xuất bản. Năm 1928, ông theo mẹ đến sinh sống tại Anh, nơi bà tái hôn với một nhà văn người Anh giàu có.

 Vào giữa thập niên 1930, Straight theo học tại Đại học Cambridge và gia nhập đảng Cộng sản Anh do được giác ngộ ý thức hệ bởi Anthony Blunt, một điệp viên nội gián người Anh làm việc cho tình báo Liên Xô.

Chẳng bao lâu sau, ông cũng trở thành điệp viên nội gián hoạt động trong tổ chức điệp báo Cambridge gồm có Donald MacLean, Guy Burgess, Kim Philby dưới sự chỉ huy của Blunt.

Năm 1938, theo yêu cầu của tổ chức, Straight quay về Mỹ để tiếp tục hoạt động trong một tổ chức điệp báo do Iskhak Akhmerov, một sĩ quan tình báo Liên Xô thâm nhập vào lãnh thổ Mỹ từ năm 1935, phụ trách.

Năm 1939, dưới tác động của cha là Willard Dickerman Straight, đảng viên đảng Dân chủ kỳ cựu và là bạn thân của Tổng thống Franklin Roosevelt, Straight được nhận vào làm việc tại Ban Thư ký của tổng thống tại Nhà Trắng.

Chính tại môi trường làm việc này mà điệp viên nội gián Nigel (mật danh của Straight) đã thu thập được nhiều thông tin, tài liệu quan trọng liên quan đến vận mạng của nước Mỹ để chuyển giao cho tình báo Liên Xô. Đến năm 1941, theo yêu cầu của tổ chức, ông xin chuyển sang làm việc tại Vụ Đông Âu Bộ Ngoại giao Mỹ.

Đây là dịp để Straight gặp gỡ và nối lại liên lạc với các đồng đội trong tổ chức điệp báo Cambridge trước đây. Cho đến năm 1943, để tránh bị Cục Điều tra liên bang (FBI) nghi ngờ, Straight gia nhập Không quân Mỹ.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Straight vẫn duy trì liên lạc với Akhmerov nhưng thôi không làm việc cho các cơ quan chính phủ mà chuyển sang làm công tác xuất bản của gia đình với việc được giao quản lý tờ tạp chí chuyên đề chính trị xã hội có tên gọi "Nền Cộng hòa mới".

Nhiệm vụ của Straight là sử dụng tạp chí này như là một phương tiện tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng sản tại Mỹ đồng thời làm bình phong cho các hoạt động thu thập thông tin cho tình báo Liên Xô.

Akhmerov cũng sử dụng các bút danh William Grienke, Michael Green và Michael Adamec để liên lạc và điều hành hoạt động tình báo tại các bang miền Đông nước Mỹ thông qua tạp chí "Nền Cộng hòa mới".

Vào giữa thập niên 50, khi phong trào chống Cộng lan rộng ở nước Mỹ, tổ chức điệp báo do Akhmerov phụ trách buộc phải giải thể để tránh bị phát hiện. Trong khi Akhmerov bí mật quay về Liên Xô thì Straight cũng bàn giao việc quản lý tạp chí "Nền Cộng hòa mới" cho em trai để chuyển sang viết văn.

Tháng 10/1962, Straight được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn nghệ thuật trong chính phủ của Tổng thống John Kennedy. Thế nhưng, để nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội, Straight buộc phải trải qua sự kiểm tra gắt gao của FBI về nhân thân và lòng trung thành, đồng thời phải đối mặt với máy phát hiện nói dối.

Là một điệp viên nội gián từng trải qua nhiều thử thách nghiệt ngã nên ông đã vượt qua được cuộc kiểm tra. Tháng 11/1963, khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống Kennedy, Straight thôi làm việc tại Hội đồng Cố vấn nghệ thuật của Nhà Trắng để tiếp tục viết văn.

Trong thời gian này, ông cố gắng nối lại liên lạc với tổ chức điệp báo Cambridge ở Anh nhưng không thành  do bị nghi ngờ đã đầu thú với FBI. Thất vọng vì không còn cơ hội để phục vụ cho lý tưởng Cộng sản của mình, ông chuyển hẳn sang làm công tác nghệ thuật.

Năm 1969, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng bảo hiểm nghệ thuật quốc gia. Chức vụ mà ông đảm nhiệm cho đến năm 1983.Tháng 9/1983, Straight cho xuất bản cuốn sách "Sau một thời gian dài im lặng", trong đó ông công khai về quãng thời gian làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô và nguyên nhân khiến ông làm công việc được cho là “phản bội tổ quốc” này.

Cùng với hiệu ứng xã hội mà cuốn sách gây nên như đã đề cập ở trên, một làn sóng chỉ trích sự yếu kém trong công tác tình báo của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và phản gián của FBI cũng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng vì đã bất lực khi không phát hiện được những điệp viên nội gián như Straight hay sĩ quan cấp cao của tình báo Liên Xô như Iskhak Akhmerov hoạt động suốt một thời gian dài trên lãnh thổ Mỹ.

Nhiều người lại cho rằng, sở dĩ Straight công khai về hoạt động nội gián của mình là do không muốn bị phát hiện và buộc tội. Tuy nhiên, Straight biện minh cho hoạt động nội gián của mình chỉ đơn thuần vì ý thức hệ, điều mà ông giác ngộ từ rất sớm khi còn là sinh viên Đại học Cambridge, chứ không phải vì tiền bạc như phần lớn trường hợp của các điệp viên nội gián khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc công khai của Straight là để chỉ ra những yếu kém trong công tác phản gián của FBI nhằm nhắc nhở cơ quan điều tra đặc biệt này đề ra những biện pháp phản gián hữu hiệu hơn, như là  cách để Straight "thanh minh" tội phản bội tổ quốc do hoạt động nội gián suốt một thời gian dài của mình.

Michael Straight qua đời ngày 4/1/2004 tại thành phố New York vì chứng ung thư bao tử ở tuổi 88

Văn Hoà(Theo The Washington Post Archive)
.
.