“Đội quân cứu rỗi ARSA” mang ẩn số Hồi giáo thánh chiến
Hệ quả là 2.000 dân thuộc tộc người Rohingya phải bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh để lánh nạn, nâng tổng số người Rohingya tị nạn từ năm 2012 tới nay lên hơn 140.000 người.
Mặc dù chưa có bằng chứng ARSA liên quan đến các tổ chức Hồi giáo cực đoan nhưng theo Chính phủ Myanmar và các quan sát viên quốc tế, ARSA có sự tham gia của các chiến binh Hồi giáo nước ngoài, và nhiều tay súng của ARSA đã được phiến quân Taliban ở Afghanistan, Pakistan đào tạo…
Tộc người Rohingya và cuộc chiến tranh tôn giáo 2012
Theo các nhà nhân chủng học, tộc người Rohingya có nguồn gốc từ người Ấn - Arya, sinh sống ở bang Rakhine, Myanmar, đại đa số theo đạo Hồi. Tuy nhiên, Myanmar lại cho rằng Rohingya là dân nhập cư bất hợp pháp, đến bang Rakhine sau khi quốc gia này giành độc lập vào năm 1948 và sau cuộc chiến tranh giải phóng Bangladesh năm 1971. Vì thế, Myanmar gọi họ một cách mỉa mai là "Benglali" mặc dù theo người Rohingya thì từ 1785 trở về trước, bang Rakhine chính là "Vương quốc Hồi giáo độc lập Arakan" của họ.
Tính đến cuối năm 2016, có khoảng 1,2 triệu người Rohingya ở Myanmar. Vì bị coi là "dân nhập cư bất hợp pháp" nên vào thời điểm giới quân sự còn nắm quyền, người Rohingya là mục tiêu của những chiến dịch đàn áp đẫm máu. Bên cạnh đó, sự hiềm khích giữa Hồi giáo và các nhóm tôn giáo khác nhau - chủ yếu là Phật giáo - cũng thường xuyên được khai thác bởi các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar.
Ata Ullah - người cầm đầu ARSA. |
Vì thế, giữa hai nhóm tôn giáo này liên tục nổ ra những cuộc xung đột mà đỉnh điểm là cuộc "chiến tranh tôn giáo" năm 2012. Người Miến Điện, sắc dân chiếm đa số ở Myanmar cũng cho là người Rohingya "nhập cư bất hợp pháp" nên đã nhất quyết từ chối trao quyền công dân cho họ. Hệ quả là người Rohingya không được thống kê như là 1 trong 135 nhóm dân tộc bản xứ chính thức theo Luật Quốc tịch Myanmar do tướng Ne Win ban hành năm 1982.
Tháng 2-2012, một nhà sư tên là Ashin Wirathu, trụ trì tại tu viện Masseyin, thành phố Mandalay, cầm đầu "Phong trào 969", khi vừa mới được ân xá sau 10 năm ở tù đã có những bài thuyết giảng đầy thù hận nhắm vào người Hồi giáo - cụ thể là tộc người Rohingya.
Rất nhanh chóng, những bài thuyết giảng ấy biến thành bạo lực bởi đám đông cuồng tín, bắt đầu từ một cửa hàng mua bán vàng bạc do một người Rohingya làm chủ khiến 40 người chết. Sang tháng 3, lại có thêm nhiều thánh đường Hồi giáo và hơn 70 ngôi nhà của người Rohingya bị đốt phá với hàng chục trường hợp thương vong mà nguyên nhân chỉ vì một cô gái theo đạo Hồi, đi xe đạp chẳng may va chạm với một nhà sư Phật giáo.
Đến ngày 3-6, một đám đông khoảng 300 người Myanmar theo đạo Phật đã tổ chức một cuộc hành hình 10 người Hồi giáo Rohingya. Bạo động leo thang trong hai ngày tiếp theo làm chết thêm ít nhất 7 người và 17 người khác bị thương, cùng hàng trăm căn nhà ở 2 thị trấn Maungdaw và Buthidaung, bang Rakhine bị thiêu rụi, dẫn đến việc Tổng thống Myanmar Thein Sein phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nơi này.
Về "Phong trào 969". Nó ra đời cuối năm 2001 sau khi phiến quân Taliban tàn phá những pho tượng Phật cổ tại Bamiyan, Afghanistan và nhất là sau vụ khủng bố kinh hoàng nhắm vào Trung tâm thương mại thế giới, New York, Mỹ, ngày 11-9-2001. Theo các nhà nghiên cứu, với tín đồ Phật giáo ở Myanmar, con số 969 tương ứng với Tam Bảo của đạo Phật - là Phật - Pháp - Tăng. Nhà sư Ashin Wirathu coi 969 là sự đối kháng với con số 786 - là những chữ cái đầu theo tiếng Arab của cụm từ "Nhân danh đức Allah khoan dung và nhân ái", biểu tượng của cộng đồng Hồi giáo thiểu số ở Myanmar.
Ngay sau khi "Phong trào 969" ra đời, Ashin Wirathu tổ chức nhiều cuộc biểu tình ở thành phố Mandalay, dẫn đến những vụ xung đột đẫm máu nên đã bị chính quyền quân sự Myanmar bắt giam và bị kết án 25 năm tù. Đến năm 2011, trong khuôn khổ tiến trình cải tổ chính trị ở Myanma do Tổng thống Thein Sein khởi xướng, Ashin Wirathu được trả tự do. Ra tù, nhà sư này tiếp tục lôi kéo tín đồ Phật giáo chống lại người Hồi giáo.
Các phương tiện truyền thông của nhiều quốc gia - cả châu Á lẫn châu Âu, châu Mỹ gọi "Phong trào 969" là tổ chức "Phật giáo cực đoan, kích động bạo lực, gây ra chiến tranh tôn giáo ở Myanmar", còn Ashin Wirathu bị coi là "kẻ khủng bố tôn giáo".
Sự ra đời của "Đạo quân cứu rỗi Arakan Rohingya"
Khi cuộc "chiến tranh tôn giáo" lên đến đỉnh điểm thì một người đàn ông tên là Ata Ullah đứng ra thành lập một tổ chức gọi là "Đạo quân cứu rỗi Arakan Rohingya", viết tắt là ARSA với mục tiêu xây dựng một "Nhà nước Hồi giáo dân chủ" cho người Rohingya. Rất nhanh chóng, ARSA được sự tham gia của hàng nghìn người Rohingya.
Người tị nạn Rohingya vượt sông Naf sang Bangladesh. |
Trả lời một cuộc phỏng vấn của "Tổ chức về những khủng hoảng quốc tế - ICG", Ata Ullah đã không giấu giếm khi cho biết ông ta đã được Taliban huấn luyện chiến thuật chiến tranh du kích hiện đại ở Pakistan và sau đó được đào tạo bổ sung ở Libya. Ata Ullah nói: "ARSA ra đời để khôi phục lại quyền của dân tộc Rohingya từ một chính phủ bất công và tàn nhẫn".
Sau gần 3 năm lặng lẽ đào tạo các chiến binh tại những căn cứ đặt trong dãy núi May Yu hẻo lánh, giáp ranh với Bangladesh, ngày 17-10-2016, ARSA chính thức xuất hiện bằng 1 video, trong đó Ata Ullah tuyên bố: "Trong suốt 6 thập kỷ qua, chúng ta đã bị tiêu diệt hàng loạt bởi những hành động cực kỳ tàn ác dưới bàn tay của các chế độ Myanmar. Chúng ta, những người con của đất Arakan phải thực hiện vận mệnh của chúng ta thông qua sự nổi dậy để tìm kiếm công lý và các quyền cơ bản hợp pháp cho tất cả người Rohingya vô tội và những thường dân khác, chết vì những cuộc tấn công liên tục…".
Một tuần sau, ARSA đánh vào một đồn biên phòng Myanmar nằm giữa biên giới Myanmar - Bangladesh khiến 9 sĩ quan và 4 binh sĩ Myanmar thiệt mạng. Đến cuối tháng 10, nhiều cuộc tấn công nữa được ARSA tiến hành, giết chết 34 thường dân và bắt cóc 22 người khác mà ARSA gọi là "cộng tác viên của chính phủ". Đáp lại, quân đội Myanmar tung ra các cuộc hành quân tảo thanh, và đã tiêu diệt 69 phần tử ARSA..
Bước sang năm 2017, những cuộc đụng độ giữa quân đội Chính phủ Myanmar và ARSA lại tiếp diễn với cường độ càng lúc càng ác liệt mà đỉnh điểm là ngày 25-8, khi ARSA đồng loạt tập kích vào 30 đồn cảnh sát ở phía bắc bang Rakhine, giết chết ít nhất 71 người, trong đó có 12 nhân viên an ninh.
Trong 3 ngày tiếp theo, khi quân đội Myanmar được điều tới, những cuộc giao tranh đã nâng tổng số người chết của cả hai bên lẫn dân thường là hơn 100 người. Hệ quả là 2.000 người Rohingya phải vượt sông Naf, chạy sang quốc gia láng giềng Bangladesh, cùng với 4.000 dân Rakhine không theo đạo Hồi được chính phủ sơ tán. Những người ở lại - theo đạo Phật - phải tự bảo vệ mình.
Trước đó - ngày 14-12-2016, Tổ chức về những khủng hoảng quốc tế (ICG) cho biết trong các cuộc phỏng vấn, các nhà lãnh đạo của ARSA tuyên bố họ có những mối quan hệ cá nhân với một số người ở Arab Saudi và Pakistan. Báo cáo của ICG cũng cho thấy các chiến binh ARSA đã được bí mật gửi đi đào tạo tại Afghanistan và Pakistan.