Đơn vị chống tội phạm tình dục của Sở cảnh sát New York

Thứ Sáu, 17/11/2017, 09:29
Không mấy ai biết được bên trong Sở cảnh sát New York (NYPD) tồn tại một đơn vị chống tội phạm liên quan đến tấn công tình dục đặc biệt gọi là “Đội điều tra nạn nhân đặc biệt Manhattan”, hay MSVS.

Đại khái một vài vụ án nổi bật của MSVS: nữ sinh viên khoa Báo chí thuộc Đại học Comlumbia bị một gã đàn ông lang thang cưỡng bức và hành hạ suốt 19 giờ trong năm 2007, sau đó xác nạn nhân được tìm thấy bị bỏng nặng do nước sôi. Hay nổi tiếng hơn là vụ liên quan đến nhà soạn kịch bản phim đoạt giải Oscar Joseph Brooks trong cuối tháng 5-2012. Brooks đã tự sát để khỏi phải đối mặt với phiên toà xét xử tội dụ dỗ ít nhất 11 phụ nữ đến căn hộ của mình để cưỡng bức. Hung thủ phần đông là nam giới và thậm chí có chức quyền, song điều đặc biệt là nạn nhân dù chỉ là dân thường vẫn được cảnh sát MSVS tin câu chuyện khủng khiếp của họ.

Nạn nhân 32 tuổi của cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Strauss-Kahn chỉ là phụ nữ châu Phi nhập cư bình thường nhưng vẫn được MSVS tin lời và tiến hành điều tra. Alan Sandomir, 54 tuổi, một trong hai thám tử hàng đầu tham gia điều tra vụ Strauss-Kahn, làm việc trong đội đặc nhiệm MSVS được 16 năm và phục vụ ngành cảnh sát trong suốt 27 năm.

Alan Sandomir (trái) và Steven Lane, hai thám tử hàng đầu của MSVS đang điều tra bằng chứng video trong một vụ án.

Sandomir học khoa Nhân chủng học, rồi gia nhập đơn vị tình báo quân đội hoạt động bên trong Đông Đức vào đầu thập niên 1980. Trong vụ án tấn công tình dục, nạn nhân thường chỉ kể ra một phần câu chuyện của họ hoặc thậm chí thêm bớt một vài chi tiết. Nếu say rượu hay say thuốc, nạn nhân có thể không nhớ rõ được đủ mọi tình tiết giúp có cơ sở truy tố vụ án - như trường hợp trong tuần cuối tháng 5-2014, công tố viên không thể buộc tội 2 cảnh sát NYPD đang thi hành nhiệm vụ có hành vi cưỡng bức một phụ nữ trẻ khi hộ tống người này về nhà.

Theo lời của trung uý Robert Johnson của MSVS, điều quan trọng mà bất cứ thám tử nào cũng mong muốn là có đầy đủ bằng chứng có sức thuyết phục mạnh để buộc tội bọn tội phạm tấn công tình dục. Nhưng cho dù có phá án thành công, đội ngũ thám tử MSVS cũng không ngừng bị ám ảnh bởi những gì mà họ đã nhìn thấy và nghiên cứu phục vụ điều tra.

Lấy ví dụ vụ án liên quan đến một người cha xâm hại tình dục những cô con gái tuổi từ 9 đến 13 của hắn mà Sandomir xử lý cách đây vài năm. Sandomir đã tống người cha tội lỗi này vào tù, nhưng ông – cũng là cha của hai cô con gái của mình - luôn bị ám  ảnh về tình cảnh một gia đình tan nát. Ông tâm sự: “Tôi có nên tự trách mình hay người cha kia?”

Trước cánh cửa văn phòng MSVS nằm ở tầng 2 tòa nhà Sở cảnh sát New York đặt một poster ghi: “MSVS, nhà của những thám tử vĩ đại nhất thế giới”, nơi trước đây 28 thám tử luôn cắm cúi trên những chiếc bàn làm việc. Bởi vì hiện nay, do bị cắt giảm ngân sách và thay đổi về mức độ quyền hạn, chỉ có 9 thám tử phụ trách toàn bộ khu vực Manhattan.

Một nữ thám tử duy nhất ở đây tên là Liz Gutierrez. Cô có mái tóc xoăn, trang điểm sơ sài và luôn giắt khẩu súng trong người. Gutierrez còn độc thân và luôn mong muốn là thám tử trong đội MSVS bởi vì, như cô nghĩ, đây là nơi có thể làm được điều tốt nhất. Trong khu vực của MSVS có căn phòng thẩm vấn được thám tử gọi là “cái hộp”.

Cuối tháng 5-2015, một gã đàn ông Mexico nhập cư bị bắt đưa vào “cái hộp” này vì tội quấy rối tình dục con gái riêng của vợ. Hắn cũng ngồi vào chiếc bàn mà trước đó Strauss-Kahn từng ngồi. Liz Gutierrez cho biết: “Khi bước vào cái hộp đó, anh phải có cái đầu sáng suốt. Anh phải giữ cho đầu óc phóng khoáng, không thành kiến”.

Trung uý Adam Lamboy, chỉ huy MSVS, thừa nhận: “Nạn nhân sẽ chấm dứt ngay câu chuyện nếu anh tỏ ra không tin lời khai. Mọi lời khai của nạn nhân đều có giá trị cao”. Sau đó thám tử điều tra bắt đầu xem xét câu chuyện. Phần mấu chốt của toàn bộ vụ án là nhân chứng số 1 – tức người đầu tiên được nạn nhân kể cho nghe chuyện cô ta bị cưỡng bức hay tấn công tình dục. Liệu nhân chứng số 1 có nghe cùng câu chuyện mà nạn nhân kể lại cho cảnh sát?

Trong một vụ án rắc rối liên quan đến Heidi Jones, thám tử MSVS cảm thấy nghi ngờ - nữ chuyên gia khí tượng học đài truyền hình địa phương tuyên bố cô bị cưỡng bức ngay trong Công viên Trung tâm ở Manhattan, trong khi nhân chứng số 1 khai báo câu chuyện khác hẳn. Cuối cùng, Heidi Jones phải đối mặt với tội khai báo án giả với cảnh sát.

Trong vụ án Strauss-Kahn, cảnh sát đã tin lời cô hầu phòng Khách sạn Sofitel sang trọng ở trung tâm khu Manhattan và tiến hành bắt giữ Tổng giám đốc IMF ngay tại sân bay JFK trước khi chiếc máy bay riêng của ông ta kịp cất cánh. Strauss-Kahn khăng khăng phủ nhận sự buộc tội. Nhưng chỉ vài ngày sau đó ông ta đã từ chức khỏi IMF và chấm dứt giấc mơ trở thành tổng thống kế tiếp của nước Pháp.

Bên trong Sở Cảnh sát New York.

Khi điều tra vụ án Strauss-Kahn, thám tử Sandomir không chỉ muốn nghe nạn nhân kể về bề ngoài của kẻ tấn công, mà còn về mùi (rượu, chất bẩn, nước hoa…) của hung thủ bởi vì chi tiết đều có thể dùng làm bằng chứng buộc tội. Rắc rối thường hay xảy ra trong những vụ án điều tra của MSVS là khi nạn nhân cảm thấy quá mệt mỏi trước những câu hỏi chất vấn và không còn muốn nhớ lại sự kiện đau buồn nữa.

Diên San (tổng hợp)
.
.