Dragasani: “Thủ đô” của nạn lừa đảo trên mạng

Thứ Tư, 10/06/2009, 08:35
Lừa đảo trên mạng hiện là một vấn nạn toàn cầu. Thế nhưng, trên thế giới hiện có một nơi mà các phương tiện thông tin đại chúng gọi là "thủ đô" của nạn lừa đảo trên mạng, đó là thành phố nhỏ Dragasani ở miền Nam quốc gia Đông Âu Rumani.

Mặc cho được vinh danh là "thủ đô toàn cầu của nạn lừa đảo trên mạng", nhưng thành phố nhỏ Dragasani thuộc tỉnh Oltenie không có vẻ gì của một thành phố giàu có hay đang bị giám sát ngày đêm bởi cảnh sát. Sự yên bình xuất hiện khắp nơi, còn người dân lại tỏ ra khá thân thiện với du khách.

Nhiều người làm như vô tư khi hỏi thăm là liệu báo chí quốc tế còn viết về nạn lừa đảo trên mạng tại Dragasani nữa hay không? Bọn tội phạm có kiếm được nhiều tiền không? Bọn chúng hiện đang rao bán những thứ gì trên mạng?... Nhưng thật ra người dân Dragasani đã tự tìm ra câu trả lời khi đặt các câu hỏi đại loại như trên.

Tại Dragasani, hình như ai cũng tự hào trước những "thành tích" của đám tội phạm trẻ vì đã dám rao bán trên mạng cả tòa thị chính, nhà thờ chính và bức tượng của Tudor Vladimirescu (người anh hùng của cách mạng Rumani qua đời vào năm 1821) dựng trước tòa thị chính. Nhiều người còn nói thẳng rằng, thành phố Dragasani sẽ bị tàn lụi nếu không được nuôi sống bằng nguồn tiền bẩn có được từ việc lừa đảo trên mạng.

Tại Dragasani, không có nhà hàng sang trọng, cửa hàng thời trang, cũng chẳng có rạp chiếu bóng hay nhà hát nhưng lại xuất hiện vô số tiệm cà phê Internet, quầy thu đổi ngoại tệ và dịch vụ chuyển tiền của Western Union và MoneyGram (dịch vụ chuyển tiền của lao động người Rumani ở nước ngoài về lại quê hương và cả chuyển tiền cho bọn lừa đảo trên mạng).

Đây là minh chứng hùng hồn của hoạt động lừa đảo trên mạng tại Dragasani. Catalin Alexandru Toma, chỉ huy bộ phận điều tra hình sự của Cảnh sát Dragasani, cho biết: "Nếu không xuất hiện nạn lừa đảo trên mạng, Dragasani là một thành phố yên bình cho dù còn tồn tại nạn trộm cắp. Vụ giết người mới nhất cũng xảy ra từ năm 2005. Từ 3 năm nay, tại đây chưa xảy ra một vụ trọng án nào".

Tuy nhiên, tại Dragasani vẫn có một loại tiếng động mà người dân nghe rất quen tai, đó là tiếng gõ lách cách trên bàn phím máy tính. Đây là thao tác của các nhân viên thuộc Đơn vị Điều tra về tội phạm có tổ chức và khủng bố (ARRL) trên máy tính để săn lùng bọn tội phạm lừa đảo trên mạng, nhưng đó cũng là thao tác của  bọn tội phạm đang hành nghề trên các máy tính gia đình hay tại các quán cà phê Internet mọc đầy ở Dragasani.

Mark là một trong những thanh niên ở Dragasani đã tham gia vào các hoạt động lừa đảo trên mạng. Bị bắt giữ bởi ARRL vào tháng 4/2008, Mark được tạm tha để chờ ngày ra tòa xét xử. Mark hiểu rằng mình chắc chắn phải lãnh án tù nhưng hy vọng sẽ được giảm án nhờ biết cộng tác với cảnh sát.

Thế nhưng, tuy được gọi là tội phạm trên mạng, nhưng Mark lại không phải là chuyên viên máy tính mà chỉ là một kẻ nghiệp dư, thậm chí chỉ biết đọc và viết như học sinh tiểu học.

Vậy thì tại sao những kẻ như Mark lại kiếm tiền được một cách dễ dàng trên mạng? Thanh tra Marius Caldaru, Chỉ huy ARRL tại Dragasani giải thích: "Bọn chúng trao đổi thông tin và trò chuyện trên mạng suốt ngày trong các quán cà phê Internet sau khi đã được bạn bè hay đồng bọn chỉ dẫn các thao tác căn bản trên máy tính. Sau đó, bọn chúng lên mạng và làm theo hướng dẫn của các tên đầu sỏ để kiếm tiền".

Ngày nay, những tên tội phạm trẻ tuổi như Mark biết cách chỉ cần mở một tài khoản trên trang web bán đấu giá của eBay dưới một cái tên giả là tha hồ rao bán đủ thứ. Sau đó phải biết kiên nhẫn để đợi con mồi cắn câu thông qua việc chuyển tiền với mong muốn sớm có được món hàng ưng ý. Đương nhiên món hàng này sẽ không bao giờ đến tay người mua.

Mihai Popescu là một trong những tên tội phạm lừa đảo trên mạng vừa bị Tòa án Dragasani tuyên phạt 3 năm tù giam. Trong cơ cấu tổ chức của bọn lừa đảo trên mạng, những tên tội phạm như Mihai được gọi là "mũi tên". Nhiệm vụ của "mũi tên" là rút tiền từ ngân hàng hay tại một điểm dịch vụ chuyển tiền của Western Union hay MoneyGram, đương nhiên đây là những món tiền thu được từ các phi vụ lừa đảo trên mạng.

Hoàn thành nhiệm vụ, bọn "mũi tên" như Mihai sẽ được hưởng từ 10% đến 20% trên số tiền rút được. Có điều là bọn "mũi tên" sẽ bị cảnh sát tóm ngay với những chứng cứ rành rành là giấy tờ tùy thân cùng chữ ký của chúng trên các chứng từ lĩnh tiền.

Tiệm cà phê internet, nơi tập trung để hành nghề của bọn lừa đảo trên mạng ở Dragasani.

Những tên tội phạm điều hành hoạt động của bọn "mũi tên" được gọi là "người chơi dương cầm". Nhiệm vụ của những tên này là lựa chọn các món hàng tung lên mạng để bán, tìm địa chỉ để người mua chuyển tiền rồi đợi cho con mồi cắn câu để ra lệnh cho bọn "mũi tên" rút tiền.

Có những phi vụ mà bọn "người chơi dương cầm" cử một hay nhiều "mũi tên" đến các thành phố lớn của Rumani như Bucarest, Pitesti hay Ramnicu... và tại nhiều quốc gia khác như Anh, Nga, Ba Lan... để rút tiền lừa đảo được.

Tuy nhiên điều đáng lo ngại cho các ngành bảo vệ pháp luật của Rumani, Interpol (Văn phòng Cảnh sát hình sự quốc tế) và Europol (Cảnh sát châu Âu) hiện nay là nạn lừa đảo trên mạng tại Dragasani có dấu hiệu liên quan đến bọn tội phạm có tổ chức quốc tế.

Thanh tra Marius Caldaru cho biết: "Đúng ra, nạn lừa đảo trên mạng không phải là vấn đề gì to tát lắm đối với chúng tôi. Nhưng điều đáng lo ngại chính là việc các hoạt động này lại có liên quan đến bọn tội phạm có tổ chức mang yếu tố quốc tế"

V.H. (theo Réseau Voltaire)
.
.