Phụ nữ Bangladesh bị bắt cóc sang Trung Đông làm nô lệ tình dục

Thứ Năm, 23/06/2016, 20:00
Ông Khadaker Golam Sarowar, người đứng đầu lực lượng phản ứng nhanh (RAB-3) của cảnh sát Bangladesh mới đây cho biết, Syria đang là điểm đến mới cho những kẻ buôn người, khi chúng lúc đầu lừa những người thiếu hiểu biết và muốn lao động ở nước ngoài sang Jordan hoặc Lebanon rồi bắt cóc đến Syria, nơi đang có cuộc nội chiến diễn ra để bán cho nhiều đối tượng khác nhau.

Điều này khiến nhiều phụ nữ Bangladesh hầu như không có cơ hội trốn thoát.

Bị lạm dụng, đánh đập, tra tấn và hãm hiếp

8 đối tượng đã bị bắt ở Bangladesh mới đây, bao gồm chủ và nhân viên của các công ty tư vấn xuất khẩu lao động. Trong đó chưa xác định ai nằm trong đường dây buôn người quốc tế. Khá nhiều kẻ buôn người tại Jordan, Syria và Liban vẫn đang nằm ngoài vòng pháp luật, ông Sarowar nói.

Ông Khadaker Golam Sarowar cho biết, đơn vị của ông đã phát hiện ra 45 vụ phụ nữ Bangladesh bị lạm dụng, đánh đập, tra tấn và hiếp dâm trong năm 2015.

Nhiều phụ nữ Bangladesh bị buôn bán ra nước ngoài.

"Người đầu tiên chúng tôi phát hiện ra có tên Shahinoor, cô gái đã thoát khỏi những kẻ bắt cóc ở Syria và gọi điện cho mẹ của mình. Cô Shahinoor ban đầu nghĩ mình sẽ được đến Lebanon, tuy nhiên lại được 5 người đàn ông đưa tới Dubai, Tiểu vương quốc Arab thống nhất và cuối cùng là Syria để phục vụ như một người hầu gái và thậm chí là nô lệ tình dục. Cô ấy nói với chúng tôi là còn nhiều người khác đang trong cảnh bi đát chưa được giải cứu", ông Khadaker Golam Sarowar cho hay.

Vị cảnh sát cho biết, người phụ nữ này được phát hiện trong tình trạng ốm yếu và thậm chí còn không thể đi lại được. Giới chức Bangladesh hiện đã bay đến Dhaka, nơi cô gái đang được chữa trị bệnh lí về thận.

Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ước tính, có khoảng 8 triệu người Bangladesh đang làm việc ở các nước vùng Vịnh, Singapore,  Đông Nam Á và Nam Á. Hầu hết những người này mong muốn một công việc lao động tốt đẹp nhưng lại thất vọng vì chi phí tuyển dụng cao cũng như sự phân biệt đối xử từ người chủ lao động.

Nhiều phụ nữ quốc gia Nam Á đã di cư tự nguyện nhưng lại rơi vào diện lao động cưỡng bức một phần do chi phí tuyển mộ cắt cổ cần phải hoàn trả và số lượng nhân viên vào các vị trí cần tuyển dụng rất hạn chế. Đặc biệt, phụ nữ nước này phải làm việc như những nhân công quốc nội tại các nước vùng Vịnh, nơi họ bị lạm dụng và thiếu sự tự do, Reuters cho biết.

Hàng trăm ngàn người bị bán qua biên giới

Các nạn nhân người Bangladesh phần lớn là những phụ nữ nghèo khổ ở nông thôn, xuất phát điểm thấp. "Họ là những người phụ nữ ngây thơ, thiếu học thức từ các làng xã. Họ không biết gì về Syria và những chuyện đang xảy ra ở đó. Họ chỉ nghĩ rằng, mình chuyển tới Liban hay Jordan để cuộc sống được tốt hơn", ông Sarowar cho biết.

Không ít bé gái vị thành niên ở quốc gia Nam Á bị bóc lột sức lao động tàn bạo

Theo các tổ chức nhân quyền, buôn người là một tội ác khủng khiếp nhưng diễn ra khá phổ biến ở Bangladesh. Hàng năm, khoảng 600.000 đến 800.000 người bị buôn bán qua biên giới. Tuy nhiên, con số thực tế cao hơn nhiều. Các nạn nhân trở thành nô lệ, một nửa trong số đó bị lạm dụng tình dục.

Không ít phụ nữ và bé gái nước này bị buôn bán và phải hành nghề mại dâm ở Ấn Độ, Malaysia, các nước Trung Đông… Bangladesh theo đạo Hồi, cấm nghiêm ngặt chuyện mua bán dâm, nhưng vì đói nghèo, nhiều người liều mình và dấn thân. Hoạt động bán dâm ở những nước trên khiến không ít phận đời bị đánh đập, cưỡng bức, sát hại.

Mặc dù không có số liệu chính thức về số đàn ông rơi vào tay các nhóm buôn người, nhiều nguồn tin cho rằng, hàng chục nghìn nam giới nước này cũng bị bán làm lao động khổ sai sang Ấn Độ và Trung Đông. Ngoài ra, nhiều người trở thành nô lệ trong nước. Những kẻ buôn người dụ dỗ phụ nữ bằng lời hứa hẹn về cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài.

Rojina từng là một công nhân ngành may mặc. Cô bị phát hiện có quan hệ với một thành viên trong gia đình. Trong cơn giận dữ, người thân đâm cô gần chết trước khi tống cô ra khỏi nhà.

Không có nơi nào để đi, Rojina buộc phải chuyển nghề bán dâm kiếm sống tại New Dheli, Ấn Độ. Cô thường gửi những đồng tiền ít ỏi kiếm được về cho gia đình, với hy vọng sẽ được tha thứ. Thu nhập từ công việc "đi khách" của nhiều bé gái Banladesh ở nơi đất khách quê người không nhiều, chỉ vừa đủ để họ mua đồ ăn và sống trong những ngôi nhà tồi tàn.

Sau khi bị cưỡng hiếp, Lima, 15 tuổi, bị ép làm gái mại dâm. Mỗi ngày, cô tiếp từ 7 đến 12 khách. Những tín đồ bảo thủ tại các nước Hồi giáo công khai chỉ trích các lao động tình dục. Năm 2014, họ còn đốt một nhà thổ ở Ấn Độ làm hai phụ nữ bị thương. Một gái mại dâm tên là Hasina vẫn còn nhớ ngày hôm đó.

"Chúng tôi mất tất cả và phải nhảy xuống sông. Chúng tôi thậm chí còn chẳng có quần áo mà mặc và buộc phải sống hơn một tháng ngoài đường", Hasima kể. Không ai bị bắt sau vụ đốt nhà thổ ấy. Từ năm 1999 đến năm 2014, Bangladesh xét xử 73 kẻ buôn người nhưng chỉ kết án 21 tên. Quốc gia đông dân, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, pháp lý lỏng lẻo  là những yếu tố tiếp tay cho nạn buôn người.

Văn Nguyễn - S.H. (tổng hợp)
.
.